Tham dự lễ khai mạc có hơn 3.000 đại biểu là các chư tôn hòa thượng, thượng tọa, đại đức, tăng ni từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng nhiều quan chức ngoại giao đang công tác tại các tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện ngoại giao của các quốc gia, vùng lãnh thổ ở Thái Lan.
Phát biểu khai mạc tại Đại lễ, Hòa thượng Phra Brahmapundit, Chủ tịch sáng lập Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (ICDV) và Hiệp hội quốc tế các Trường Đại học Phật giáo (IABU) đã điểm lại lịch sử hình thành Ngày lễ Phật Đản trên toàn thế giới; nhấn mạnh nhờ nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm 1999, tình đoàn kết, hữu nghị của tất cả các tông phái của Phật giáo trên toàn thế giới ngày càng được củng cố.
Hòa thượng Phra Brahmapundit, Chủ tịch sáng lập Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc-ICDV.
Liên quan chủ đề “Trí tuệ Phật giáo đối phó các vấn nạn toàn cầu”, Hòa thượng Phra Brahmapundit nhấn mạnh, Đại lễ năm nay sẽ thảo luận về những định hướng đóng góp của Phật giáo trong ứng phó với các thách thức toàn cầu hiện nay.
“Chúng ta đã học được nhiều, nhất là kinh nghiệm trong ứng phó đại dịch. Bây giờ là thời điểm chúng ta cùng nhau hợp tác để giải quyết hàng loạt những khó khăn và mong đợi làm việc cùng nhau vì tình đoàn kết và thịnh vượng chung của nhân loại”, Hòa thượng cho biết.
Phát biểu dẫn đề tại Đại lễ năm nay, Thủ tướng Sri Lanka Dinesh Gunawardena cho biết, Đại lễ Phật Đản là dịp để các chư tôn hòa thượng, thượng tọa, đại đức, tăng ni trong Phật giáo tỏ lòng thành kính nhân kỷ niệm ngày sinh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đồng thời khẳng định tinh thần đoàn kết, hòa hợp và cùng phát triển của Phật giáo các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Thủ tướng Sri Lanka phát biểu dẫn đề
Thủ tướng Sri Lanka nhấn mạnh, sau 3 năm đầy khó khăn trong đại dịch Covid-19, bây giờ chính là thời điểm cộng đồng Phật giáo cùng hành động hướng tới một thế giới đoàn kết, thịnh vượng.
“Ngày Phật Đản của Liên Hợp Quốc là minh chứng cho thấy Liên Hợp Quốc hiểu rất sâu sắc về cách thức cộng đồng Phật giáo cùng chung tay ứng phó với các thách thức hiện nay và đề ra phương hướng với những biện pháp mới để xây dựng tương lai. Tất cả chúng ta ngồi đây đều hiểu rằng những phật tử thông thái sẽ cùng nhau hành động, định hình phản ứng của Phật giáo trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, thay đổi xã hội theo hướng tích cực, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, xây dựng cuộc sống lành mạnh, nâng cao niềm tin và thúc đẩy giải quyết các mâu thuẫn xã hội”, Thủ tướng Sri Lanka cho biết.
Trong khuôn khổ Đại lễ, chiều 1/6, các diễn đàn học thuật đã được tổ chức, bao gồm: Trí tuệ Phật giáo đạt được hòa bình thế giới, Lời khuyên Phật giáo ứng phó với biến đổi khí hậu, Đóng góp của Phật giáo phát triển xã hội và nhân đạo sau đại dịch Covid-19.
Ngày 2/6, đại biểu cấp cao của các quốc gia, vùng lãnh thổ sẽ tham gia các hoạt động tại trụ sở cơ quan Liên Hợp Quốc ở Thái Lan, trong đó Chủ tịch Hội đồng Cơ mật Surayuth Chunalont sẽ thay mặt Nhà Vua Thái Lan chủ trì các nghi lễ./.
PV/VOV-Bangkok
Đây là lễ hội mang tính văn hóa và nhân văn trên phạm vi quốc tế được tổ chức Liên Hiệp Quốc công nhận sau khi thảo luận Đề mục 174 của chương trình nghị sự tại phiên họp thứ 54 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào ngày 15/12/1999. Đặc biệt, cả ba sự kiện trọng đại trong cuộc đời của Đức Phật (ngày sinh, ngày thành đạo và ngày nhập niết bàn) đều diễn ra đúng vào ngày trăng tròn tháng Vesak (tương đương với ngày trăng tròn tháng 4 âm lịch). Vesak được gọi là Lễ Tam Hợp (hợp nhất 3 sự kiện quan trọng trên) và được xem là tháng thiêng liêng nhất.
Nghị quyết LHQ khẳng định 3 điều chính: