TÔN GIẢ MA HA CA-DIẾP - ĐẦU ĐÀ ĐỆ NHẤT
LỜI KÊU GỌI GỬI ĐẾN NHỮNG AI ĐÃ VÀ ĐANG ỦNG HỘ NHÓM NGƯỜI GIẢ DANH TU SĨ PHẬT GIÁO.
Hành vi mặc y phấn tảo nhưng vẫn sử dụng điện thoại, quay video livestream, di chuyển bằng máy bay, kêu gọi tài trợ, không sống trong rừng, không y cứ nơi tịnh địa, là sự đánh tráo giá trị của hạnh đầu-đà, xúc phạm pháp tu thù thắng mà Đức Phật đã khai mở cho các bậc Thánh giả.
Giới luật của Đức Phật không phải để khoe khoang, giữ giới hình thức, cũng không dành cho những ai tự xưng mà không thọ giới theo đúng pháp. Việc giữ 250 giới là một trọng trách thiêng liêng, chỉ có thể thực hiện bởi vị Tỳ-kheo chân chính, đã thọ giới cụ túc trong một Tăng đoàn thanh tịnh, có sự truyền trao giới pháp của mười vị Tỳ-kheo (Tam sư - Thất chứng) tại một giới đàn hợp pháp, đúng luật.
Nếu không có giới thể, không có thầy truyền giới, không có sự chứng minh hợp pháp từ Tăng-già, thì việc xưng mình đang giữ 250 giới chỉ là lời nói rỗng không[1], thậm chí xúc phạm nền tảng giới luật, vốn là hơi thở sống còn của Tăng bảo.
“Không có giới, không có luật, chỉ giữ hình thức bên ngoài thì đó không phải là đệ tử của Như Lai.” — Kinh Tăng Chi Bộ[2]
Phật giáo từ thời Đức Thế Tôn đã đặc biệt nghiêm cấm việc giả dạng sa-môn để mưu cầu lợi ích cá nhân. Trong Luật Tứ Phần, Phật dạy:
“Nếu ai không phải là Tỳ-kheo mà tự xưng mình là Tỳ-kheo để nhận đồ cúng dường, người ấy phạm tội Ba-dật-đề (Pacittiya), nếu tái phạm sẽ chịu trọng tội.” (Tứ Phần Luật, phẩm Tăng tàng, phần tội Ba-dật-đề)[3]
Hãy tự hỏi: đâu là giới tướng của người xuất gia?
Người mặc y phục của Tăng, nhưng không thọ giới, không hành trì giới luật, không sống đời phạm hạnh, thì không được gọi là Tỳ-kheo, mà chỉ là “giả tướng Sa-môn” là “trộm Tăng tướng”.
Trong Kinh Đại Bát Niết-bàn, Đức Phật nghiêm khắc dạy:
“Giả Sa-môn là những kẻ mặc áo ca-sa, tụng kinh, giảng pháp nhưng tâm mưu cầu danh lợi. Những kẻ ấy như rắn độc trong áo cà-sa, nguy hiểm cho đạo pháp và chúng sanh.”[4]
Khi một người không thọ giới, không giữ giới, không hành trì giới, thì dù có giảng pháp hay đến đâu, đó vẫn không thể là một vị Sa-môn chân thật.
“Giới luật còn là Phật pháp còn, giới luật mất là Phật pháp mất.”[4]
Đức Phật dạy trong Kinh Pháp Cú, kệ 9–10:
“Không phải do đầu cạo trọc mà thành Sa-môn,
Nếu không nói thật, không giữ giới, không chế ngự bản thân.
Ai dứt hết điều ác, chế ngự thân, miệng, ý,
Mới là Sa-môn thật, xứng danh người xuất gia.”[5]
Hỡi những người đang một lòng tin tưởng và ủng hộ nhóm người giả danh tu sĩ Phật giáo, người tự xưng hành đầu-đà, giữ 250 giới, sống khổ hạnh…
Chúng tôi viết Những dòng này không phải để công kích hay phán xét bất kỳ ai, mà là tiếng lòng trăn trở của người con Phật, tha thiết kêu gọi sự tỉnh thức, để tránh cho quý vị khỏi rơi vào hố sâu của tà kiến, kéo theo hậu quả nghiêm trọng cho cả đời này và đời sau.
Phật pháp không phải là trò trình diễn, không phải hình thức lập dị, càng không phải là phong trào đi theo một cá nhân được tung hô như bậc Thánh giữa đời.
Đức Phật đã dạy:
“Người trí không nên tin điều gì chỉ vì nghe người khác nói, thấy người khác làm, hoặc vì truyền thống, kinh sách… mà hãy tự mình quán chiếu. Nếu thấy điều đó thiện lành, đưa đến an lạc, thì mới nên theo.” — Kinh Kalama (AN 3.65)[6]
Nhóm người giả danh tu sĩ Phật giáo lợi dụng lòng tin của tín đồ, mượn hình thức đạo pháp để thu hút tiền bạc, danh tiếng. Việc này không chỉ làm ô uế hình ảnh Tăng đoàn, mà còn kéo theo một số người đi vào con đường tà kiến, tăng trưởng vô minh. Phật tử chân chính phải sáng suốt, tỉnh thức, đừng vì cảm tính hay tin mù quáng mà rơi vào tay “đạo tặc mặc áo tu”.
Trong Luật Ma-ha Tăng Kỳ và các bản Luật khác, Tăng đoàn có quyền và nghĩa vụ bác bỏ những người giả danh tu sĩ, bảo vệ sự thanh tịnh của Tăng bảo. Đức Phật chế ra các pháp trị tội, kể cả “biệt chúng”, “bố-tát riêng”, “tẩn xuất” đối với những ai làm nhục Phật pháp bằng đời sống phi phạm hạnh.
Nhưng hiện nay nhiều người bị mê hoặc bởi hình ảnh đầu trần chân đất, cho là hạnh xưa nay chưa từng có. Nhưng đâu biết rằng hiện nay có nhiều vị tăng ở các nước như Hàn quốc, Trung Hoa, Nhật Bản… vẫn phát nguyện du phương khổ hạnh[7].
Riêng Việt Nam, do nhiều người mạo danh tu sĩ Phật giáo khoát y, ôm bình đi khắp nơi phát sinh nhiều tệ nạn, Chính thực trạng này đã khiến Thường trực Ban trị sự Thành hội Phật giáo Tp. HCM vào năm 1983, đã đưa ra một thông bạch về việc giải quyết tệ nạn Khất thực không đúng pháp nhằm giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên thông bạch này tuy được đưa ra nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả gì, nạn Khất thực giả vẫn tồn tại và phát triển. Do đó vào ngày 25/9/1989 Ban trị sự thành hội Phật giáo Tp.HCM đã ban hành nghị quyết về việc giải quyết vấn đề tệ nạn Khất thực phi pháp. Khi đó, Nghị quyết đề ra việc thành lập Ban kiểm tăng Thành hội Phật giáo, để trực tiếp chỉ đạo việc thực hiện trên địa bàn thành phố và các quận huyện[8].
Năm 2004 Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ban hành:
Và sau đó ra
Pháp tu đầu-đà (dhutaṅga) là hạnh dành cho những Tỳ-kheo đã thọ giới đầy đủ, có đời sống phạm hạnh thanh tịnh, từ bỏ hết thế sự. Họ giữ hạnh sống trong rừng, ăn một bữa, không nằm giường cao, chỉ mặc áo rách lượm ngoài nghĩa địa – thể hiện sự xả bỏ tận cùng đối với vật chất.
Việc nhóm người mặc y phấn tảo để tạo hình ảnh khổ hạnh, nhưng lại quay video phát trực tuyến, kêu gọi xây chùa, tổ chức nghi lễ, kêu gọi tài trợ là sự mạo danh pháp tu thanh cao để phục vụ cho mục đích cá nhân và đánh vào lòng tin của những người nhẹ dạ.
“Sa-môn là người sống viễn ly, không mưu cầu danh vọng, không lợi dụng hình tướng để trục lợi.” [10].
Phật tử tại gia cần có trách nhiệm bảo vệ Tam Bảo bằng chánh kiến, chánh tín, tránh hỗ trợ hoặc tiếp tay cho những hành vi lừa đảo.
Kinh Tăng Chi Bộ (Aṅguttara Nikāya) dạy:
“Tín tâm phải đi đôi với trí tuệ. Tin sai thì sinh tà kiến, gieo nhân vô minh.” [11].
Do đó, mỗi người cần học Phật, hiểu Pháp, hành đúng Tăng, không chạy theo hình thức, không nghe lời dụ dỗ mà xa rời chánh pháp.
Bất kỳ tổ chức Tăng đoàn nào trong Phật giáo chính thống đều phải có sự truyền giới, pháp hành và giới luật rõ ràng. Nhóm người giả danh tu sĩ Phật giáo không thuộc Tăng đoàn, không có pháp yết-ma, không học Kinh - Luật - Luận, mà tự ý lập nhóm, tự cho là giữ gìn 250 giới. Đây là sự xâm phạm nghiêm trọng vào Tăng bảo, một trong ba ngôi báu mà người Phật tử phải tôn kính và hộ trì.
“Phỉ báng Tăng bảo là gieo nhân đọa địa ngục A-tỳ.” [12].
Xin quý vị tự mình quán xét:
• Vị ấy có thầy truyền giới, có giới pháp thật sự không?
• Vị ấy tu để đoạn trừ ngã mạn, hay đang tạo hình tướng để lừa mị lòng người?
• Việc tụ họp đi theo, bỏ nhà, bỏ đạo lý truyền thống, có phải là lối đi vào giải thoát?
• Những đoạn livestream, lời tung hô, cảnh di chuyển bằng máy bay, xe du lịch… có còn là “khất thực đầu-đà” đúng nghĩa?
• Vị ấy có khuyến khích quay về với Tăng-già thanh tịnh, sống đúng giới luật, nền tảng đạo Phật hay ngược lại?
Chỉ khi tâm hành thanh tịnh, giới đức viên mãn, buông bỏ hoàn toàn tiện nghi thì chiếc y ấy mới mang ý nghĩa giải thoát.
Hành vi mặc y phấn tảo nhưng vẫn sử dụng điện thoại, quay video livestream, di chuyển bằng máy bay, kêu gọi tài trợ, không sống trong rừng, không y cứ nơi tịnh địa, là sự đánh tráo giá trị của hạnh đầu-đà, xúc phạm pháp tu thù thắng mà Đức Phật đã khai mở cho các bậc Thánh giả.
“Kẻ dùng hình tướng Sa-môn để tìm lợi dưỡng là ma đội lốt Phật, làm hoại giống Thánh.” [13].
• Làm hoang mang quần chúng, khiến nhiều người mất niềm tin vào tăng đoàn chân chính.
• Làm phai nhạt hình ảnh tu sĩ chánh hạnh, vốn đang ngày càng bị lẫn lộn giữa vàng thau.
• Dẫn đến chia rẽ gia đình, khi nhiều người bỏ nhà đi theo “đoàn khất thực”, tin rằng đó là đường giải thoát chân thật.
Thời mạt pháp, thật – giả lẫn lộn, tà – chánh khó phân. Nhưng ánh sáng của Chánh pháp vẫn luôn soi đường cho những ai có trí tuệ và lòng chân thành. Mỗi người Phật tử cần:
• Học Phật để có chánh kiến
• Thấy rõ thật , giả trong đạo
• Không vì cảm tính mà tiếp tay cho tà kiến
• Hỗ trợ các tổ chức Phật giáo chân chính bảo vệ hình ảnh Tăng đoàn
Chỉ có như vậy, Tam Bảo mới được giữ gìn, đạo Phật mới không bị mạo danh, và chúng sanh mới không còn u mê bởi hình thức bên ngoài.
• Đừng để chút cảm xúc, vẻ khổ hạnh bên ngoài, đánh mất trí tuệ tỉnh thức.
• Đừng tưởng người đi chân trần, mặc áo rách, là bậc chân tu, khi thiếu hẳn giới thể, định lực và tuệ giác.
• Đừng để pháp tu đầu-đà, vốn cao quý và khắc nghiệt, trở thành màn phô diễn của những kẻ đánh bóng bản ngã bằng chiêu trò thần thánh hóa.
Hình tướng chẳng phải đạo,
Vải rách chẳng là chân.
Nếu tâm còn ngã mạn,
Thì đâu phải Sa-môn.
Đức Phật đã dạy:
“Hãy lấy giới luật làm thầy, lấy trí tuệ làm ánh đuốc dẫn đường.”[14].
Chúng ta không thể vì thương hại hay mến phục hình tướng mà nhắm mắt tin theo. Cần phải học Phật cho đúng, tu đúng, và biết phân biệt hình thức và nội dung, pháp hành và pháp giả, để không bị lợi dụng niềm tin nơi Tam bảo cho các mục đích cá nhân, nhóm hội không minh bạch. Mỗi Phật tử cần sáng suốt trước những hiện tượng giả danh tu sĩ Phật giáo mà một số cá nhân, nhóm tâng bốc, đề cao nhằm bôi nhọ Phật giáo và đánh phá đất nước.
Nếu bạn thực sự kính Phật, xin quay về Giáo pháp đích thực. Hành trì Giới – Định – Tuệ, chứ không phải đi theo, ủng hộ, tung hô đoàn thể không nguồn gốc, không thầy tổ, không truyền thừa.
Chánh Pháp không bao giờ mê hoặc, không bao giờ dẫn dụ người bỏ đời sống chính đạo để chạy theo hình tướng. Chánh Pháp là con đường tỉnh thức, từng bước đoạn tận tham, sân, si.
Xin hãy tỉnh thức, chánh kiến và chánh tư duy.
Xin hãy trở lại với Tăng-già thanh tịnh nơi giới luật, truyền thừa, trí tuệ, chánh pháp được bảo tồn và tiếp nối suốt hơn 26 thế kỷ.
Chân lý không nằm trong bóng tối mê mờ,
Cũng không ở nơi tiếng vỗ tay cuồng tín.
Chân lý sinh khởi khi lòng người thôi chấp ngã,
Và ánh sáng chỉ bừng lên trong trái tim tỉnh thức.
Tỉnh ngộ hôm nay là giải thoát cho ngày mai.
Trở về với con đường chánh kiến là sự hộ trì lớn nhất cho Tam Bảo.
Đừng để một cá nhân hay một nhóm trộm Tăng tướng, khiến quý vị đánh mất niềm tin vào Tăng bảo, khiến người đời khinh chê đạo Phật, và khiến chính quý vị rơi vào đường tà.
Hãy quay về!
Nơi nào có chánh kiến, nơi ấy có ánh sáng.
Nơi nào có tỉnh giác, nơi ấy là giải thoát.
Hiện tượng giả tu sĩ của nhóm người giả danh tu sĩ Phật giáo, không chỉ là một vấn đề cá nhân mà còn là một thách thức đối với cộng đồng Phật giáo. Cần có sự tỉnh thức và hiểu biết để không bị lừa dối bởi những hình thức bề ngoài, đồng thời giữ gìn giá trị của đạo Phật, tôn nghiêm của giới luật và phẩm hạnh của Tăng già trong xã hội hiện đại.
Thích Chúc Xuân.
Ngày 21 tháng 5 năm 2025
Chú thích
[1] Luật Tứ Phần, phẩm Tỳ-kheo thọ giới. quyển 31, phẩm Tỳ-kheo thọ giới. Nguồn: Tứ Phần Luật, Hán tạng, T22n1428_p0883c01. https://cbetaonline.dila.edu.tw/zh/T22n1428_031
[2] Aṅguttara Nikāya (Tăng Chi Bộ), AN I, 25, “Vô Giới”. bản Việt dịch: HT. Thích Minh Châu, Kinh Tăng Chi Bộ tập I, tr. 40.
[3] Tứ Phần Luật, quyển 55, phẩm Tăng tàng, mục tội Ba-dật-đề. Nguồn: T22n1428_p0979b07. https://cbetaonline.dila.edu.tw/zh/T22n1428_055
[4] Kinh Đại Bát Niết-bàn (Mahāparinibbāna Sutta) – Trường Bộ Kinh số 16. Việt dịch: HT. Thích Minh Châu, Kinh Trường Bộ, tập II, tr. 511-514
[5] Kinh Pháp Cú (Dhammapada), kệ 264-265. Việt dịch: HT. Thích Minh Châu, Kinh Pháp Cú, tr. 156.
[6] Kinh Kalama (Aṅguttara Nikāya 3.65). Việt dịch: HT. Thích Minh Châu, Kinh Tăng Chi Bộ, tập I, tr. 206-210.
[7] Hiện nay, hạnh đầu-đà vẫn còn được duy trì bởi nhiều truyền thống Phật giáo, Bắc truyền, Nam truyền (Theravāda) và một số truyền thống Phật giáo Kim Cang thừa (Tạng truyền):
- Tại Việt Nam: một số tu sĩ rừng sâu, tu viện núi cao
- Tại Hàn Quốc: tăng sĩ Musangsa tham gia các khóa tu Kyolche khổ hạnh. Trung tâm thiền quốc tế Hàn Quốc, https://en.wikipedia.org/wiki/Musangsa
- Tại Trung Quốc: tăng sĩ thực hiện hành trình khất thực qua nhiều tỉnh thành. https://dharmapeople.blogspot.com/2014/12/the-ancient-path-to-enlightenment.html
- Tại Thái Lan: hơn 1.130 tăng sĩ tham gia khất thực. https://en.dhammakaya.net/1130-pilgrim-monks-embark-on-the-4th-dhammachai-dhutanga-to-revive-world-morality/. Hiện nay, các tu viện như Wat Pah Nanachat (ở Ubon Ratchathani) vẫn tiếp tục duy trì pháp đầu-đà cho cả Tăng Thái và quốc tế.
- Myanmar (Miến Điện): Một số truyền thống thiền như Mahasi Sayadaw, Pa Auk Sayadaw... vẫn có những Tăng sĩ thực hành hạnh đầu-đà, đặc biệt trong các kỳ nhập thất chuyên sâu ở rừng sâu hay hang động.
- Sri Lanka: Mặc dù không phổ biến bằng Thái Lan và Myanmar, một số tu viện rừng như Nissarana Vanaya và Na Uyana Aranya có Tăng sĩ thực hành đầu-đà.
Tây Tạng (Kim Cang thừa)
- Truyền thống Yogis ẩn tu (Drubthop) như Milarepa là điển hình của hạnh đầu-đà Tây Tạng.
- Hiện nay, nhiều ẩn sĩ Tây Tạng, Bhutan, Ladakh vẫn sống trong hang động, vùng núi tuyết, thực hành nghiêm ngặt giới luật và hạnh đầu-đà.
- Các dòng như Nyingma, Kagyu vẫn giữ truyền thống nhập thất 3 năm 3 tháng 3 ngày trong núi.
…..
[8] Những trăn trở về hành khất thực trong thời đại mới, https://phatgiao.org.vn/nhung-tran-tro-ve-hanh-khat-thuc-trong-thoi-dai-moi-d38753.html
[9] Nghị quyết 01/2004 và Thông tư 02/2004 – Ban Trị sự Trung ương GHPGVN.
[10] Kinh Trung Bộ – Ví Dụ Con Rắn (Majjhima Nikāya 22). Việt dịch: HT. Thích Minh Châu, Kinh Trung Bộ, tập I, tr. 212-227.
[11] Kinh Tăng Chi Bộ (Aṅguttara Nikāya) I.26. đoạn “Tín Tâm Phải Có Trí Tuệ” . Việt dịch: HT. Thích Minh Châu, Kinh Tăng Chi Bộ, tập I, tr. 40-41.
[12] Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, phẩm thứ 3 Như Lai Tán Thán.
[13] - Kinh Đại Bát Niết-bàn, Trường Bộ Kinh số 16, Đức Phật cảnh báo về thời mạt pháp, sẽ có những kẻ khoác hình Sa-môn nhưng mưu cầu lợi dưỡng, làm ô uế Phật pháp và nguy hại Tăng-già. (DN II.72, bản Việt: Tr. 511-512 — HT. Thích Minh Châu dịch)
[14] Kinh Di Giáo. bản dịch HT. Thích Trí Quang, tr. 10
Bình Luận Bài Viết