Phật là từ phiên âm gốc Hán, còn gọi là Phật đà hay Giác giả.
Bụt là từ phiên âm gốc Việt.
Phật = Bụt (佛; P;S: Buddha; E: Awakened One, Enlightened One, Knowing One): Là bậc giác ngộ, được phân biệt như sau:
1) Phật Toàn giác (佛全覺; P: Sammā-sambuddha; S: Samyak-saṃbuddha; E: Perfectly Enlightened One, Supremely Awakened One): Đây là bậc giác ngộ đạt Niết-bàn mà không qua hướng dẫn của bất kỳ ai, và có thể chỉ con đường dẫn đến Niết-bàn cho người khác qua tuyên thuyết giáo pháp. Nhờ vậy chúng sinh có được phương tiện giải thoát rộng rãi. Tuy nhiên, thời đại xuất hiện một vị Phật Toàn Giác là rất hiếm trong các chu kỳ thế giới. Phật Thích Ca là vị Phật Toàn giác.
2) Phật Độc giác (佛獨覺; P: Pacceka-buddha; S: Pratyeka-buddha; E: Lone Buddha, Private Buddha, or Silent Buddha): Đây là bậc giác ngộ đạt Niết-bàn mà không qua hướng dẫn của bất kỳ ai, nhưng không thể dạy con đường giác ngộ cho người khác vì không đủ khả năng giáo hóa chúng sinh về những điều mình chứng ngộ. Do đó, chúng sinh không có phương tiện giải thoát rộng rãi.
3) Phật A-la-hán (佛阿羅漢; P: Sāvaka-buddha; S: Śrāvaka- buddha; E: Hearer, Disciple): Đây là bậc giác ngộ đạt Niết bàn bằng cách thực hành theo lời dạy của Phật Toàn giác hoặc những học trò của vị Phật Toàn giác này.
Dưới đây là những ghi nhận từ kinh điển:
- Trong kinh Phạm võng, phẩm Bồ-tát Tâm Địa, tạng Bắc tông (Đại chính, tập 24, số 1484), có chép:
“Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”
- Trong kinh Đại Bổn, Trường Bộ kinh, cho biết có sáu vị Phật có trước Phật Thích Ca, và một vị Phật có sau Phật Thích Ca, đó là Phật Di Lặc. Đây được hiểu là những vị Phật Toàn giác, và sau mỗi vị Phật Toàn giác có vô số các vị Phật Độc giác và Phật A-la-hán. Cho nên trong các tư liệu Phật học thường ghi: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành. Ta không phải là vị Phật đầu tiên, cũng chẳng phải là vị Phật cuối cùng nơi thế gian này. Trước ta đã có vô số vị Phật, và sau ta cũng sẽ có vô số vị Phật xuất hiện trên thế gian này”.
- Trong các kinh Trung Bộ I, số 28; Tương Ưng III, tr. 144 và Tiểu Bộ I, tr. 48 nói rõ:
“Ai thấy Duyên khởi, người ấy thấy Pháp (= Chân lý). Ai thấy Pháp (= Chân lý), người ấy thấy Duyên khởi”.
Hay:
“Ai thấy Duyên khởi, người ấy thấy Pháp (= Chân lý). Ai thấy Pháp (= Chân lý), người ấy thấy Như Lai (= Phật)”.
- Trong kinh Tăng Chi Bộ cũng như trong kinh Tạp A Hàm, đức Phật đã xác định rằng :
“Duyên khởi là lẽ thật chỉ rõ thực tính nơi mọi sự mọi vật – vật lý hay tâm lý, trong vũ trụ. Sự thật này luôn tồn tại cho dù Như Lai có xuất hiện hay không xuất hiện nơi thế gian này …”.
- Trong kinh Đại duyên (Mahanidana sutta), tr. 50-51, hay trong kinh Maha Nidana, Trường A Hàm đã nêu rõ bản chất của vũ trụ vạn vật là Duyên khởi, là Không làm nền tảng cho việc tu học:
“Sâu sắc là giáo lý Duyên khởi! Thậm thâm là giáo lý Duyên khởi! Vì không giác ngộ và thâm nhập giáo lý Duyên khởi này mà chúng sanh hiện tại sống trong cảnh giống như ổ kén lộn xộn, cuộn chỉ rối ren, ... không thể nào vượt qua khỏi khổ cảnh, ác thú, đoạ xứ, luân hồi”.
Như Lai dạy cho các tỳ-kheo giáo pháp thánh thiện, siêu việt, có liên hệ đến Không tính và phù hợp với giáo lý Duyên khởi”.
Theo đó, chúng ta có thể nhận ra rằng, các vị Phật (Toàn giác, Độc giác, A-la-hán) đều có chung một nội dung là chứng ngộ “Duyên khởi”, cụ thể là “Chân lý Duyên khởi” và “Đạo đức Duyên khởi”, và tùy cơ duyên mà có những khác biệt nhau về mặt hình thức.
Như vậy, là người tu học theo đạo Phật thì cần sáng suốt thấy ra những gì là chính những gì là phụ để tinh tấn phát huy, loại bỏ những gì vọng mê từ những suy nghĩ chủ quan sai lầm. Duyên khởi chính là tuệ giác, là Chánh tri kiến, là ngọn đuốc soi sáng vào lộ trình tu học Phật – đó là Văn Tư Tu.
Ta có:
Văn tuệ + Tư tuệ = Pháp học Duyên khởi.
Tu tuệ = Pháp hành Duyên khởi
Thực tế, [Duyên khởi = Vô ngã + Vô thường] là phương tiện hữu ích để hiểu đúng thâm ý lời Phật dạy nơi kinh điển hay ở các chú giải luận bàn về sau, tránh được và loại bỏ những ý tưởng chủ quan sai lệch, theo thời gian, đã xen tạp vào kinh điển ngày nay dưới nhiều hình thức, nhất là dịch thuật, và đặc biệt là chuyển ngữ từ cổ ngữ (Pali: Nam Phạn; Sanskrit: Bắc Phạn) sang thổ ngữ.
HT
Bình Luận Bài Viết