Hiện nay, ngoài kinh Na Tiên Tỳ Kheo của Phật giáo Nam truyền và kinh Pháp Bảo Đàn của Phật giáo Bắc truyền được chính thức xem là kinh do Tổ thuyết. Để tìm hiểu về kinh Phật thuyết và kinh Tổ thuyết, có lẽ trước tiên chúng ta cần tìm hiểu về đặc tính giáo pháp của đạo Phật qua một số kinh sau:
1- Trong kinh Tương Ưng V, trang 170, đức Phật đã có những lời nhắn nhủ và khích lệ đệ tử của mình những gì các đệ tử cần phải tu tập, sau khi bậc Ðạo sư viên tịch:
“Vậy nên này Ananda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình (P: atta-dipā viharatha), hãy tự mình y tựa chính mình (P: attāsaranā) chớ y tựa một cái gì khác. Dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một cái gì khác …”
[Chữ dipā vừa có nghĩa là ngọn đèn, vừa có nghĩa là hòn đảo nên có thể dịch: Tự mình thắp đuốc lên mà đi, hay Tự mình xây dựng hòn đảo cho chính mình. Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình.]
2- Trong bài kệ Pháp Cú 165 có ghi:
“Tự mình, điều ác làm,
Tự mình làm nhiễm ô,
Tự mình ác không làm,
Tự mình làm thanh tịnh,
Tịnh, không tịnh, tự mình,
Không ai thanh tịnh ai”.
3- Trong kinh Trường Bộ” tập 1, Thích Minh Châu dịch, “Viện NCPHVN ấn hành, 1991, trang 662~663, có viết:
“Này Ananda, nếu trong các ngươi có người nghĩ rằng: “Lời nói của bậc Ðạo sư không còn nữa. Chúng ta không có Ðạo sư (giáo chủ)”. Này Ananda, chớ có những tư tưởng như vậy. Này Ananda, Pháp và Luật, Ta đã giảng dạy và trình bày, sau khi Ta diệt độ, chính Pháp (= chân lý) và Luật (= đạo đức) ấy sẽ là Ðạo Sư của các ngươi”.
4- Trong kinh Tăng Chi Bộ cũng như trong kinh Tạp A Hàm, đức Phật đã xác định rằng :
“Duyên khởi là lẽ thật chỉ rõ thực tính nơi mọi sự mọi vật – vật lý hay tâm lý, trong vũ trụ. Sự thật này luôn tồn tại cho dù Như Lai có xuất hiện hay không xuất hiện nơi thế gian này …”.
Thực ra, những đoạn kinh trích trên là do người về sau viết lại, chứ lời Phật dạy bấy giờ không thu giữ được rõ ràng và đầy đủ như ngày nay, nghĩa là chúng ta chỉ có thể xem đây chính là thâm ý của đức Phật. Theo đó, có thể thấy rằng ngọn đuốc mà đức Phật khuyên là mỗi người tự thắp lên Pháp và Luật – là chính chân lý Duyên khởi và đạo đức Duyên khởi.
Như thế, không những các kinh Tứ Niệm Xứ, kinh Thập Nhị Nhân Duyên, kinh Atanatiya, kinh Ratana, mà là Tam tạng có thể nhận ra đâu là lời kinh do Phật hay Tổ dạy đúng với Chánh pháp, đâu là lời kinh do người chưa giác ngộ xen tạp vào.
Về Chánh pháp, chúng ta có thể tạm ngắn gọn sau:
1) Pháp = Chân lý Duyên khởi:
- Vô ngã và Vô thường, hướng tới Chân đế (# Chân lý tuyệt đối, với nhận thức đối tượng không phân biệt là “Duyên”).
- Nhân Duyên Quả => Tứ Diệu Đế và Thập Nhị Nhân Duyên, hướng tới Tục đế (# Chân lý tương đối, với nhận thức đối tượng phân biệt là “Nhân và Duyên”).
2) Luật = Đạo đức Duyên khởi:
Đạo đức Phật giáo không mang ý nghĩa tín điều áp đặt cứng nhắc như đạo đức của các tôn giáo khác, mà là nguyên tắc linh hoạt của chân lý Duyên khởi, vượt lên mọi không gian và thời gian, như được đề cặp trong Trung bộ Kinh II, Kinh thứ 61 và 62 và Trung bộ Kinh III, kinh thứ 147, với chuẩn mực sau:
Mọi hành động đem lại lợi mình-hại người hay hại mình-lợi người hay hại mình-hại người, được xem là xấu, là ác, là dữ.”
Vì thế, không phân biệt các kinh điển Phật giáo hay các tư tưởng trong hay ngoài Phật giáo, nếu chúng đáp ứng chuẩn về Pháp và Luật, tức Chân lý và Đạo đức nói trên, thì chúng được xem là ý của Phật thuyết [Xin lưu ý rằng các Tam Pháp Ấn hay Tứ Pháp Ấn là những sản phẩm được chế tác bởi các Tổ].
Minh Tâm - Huy Thái
Bình Luận Bài Viết