Dương Tam Kha gốc gác tại hương Long Vĩ - sau gọi là hương Diên Uẩn, Cổ Pháp (nay là thành phố Từ Sơn - Bắc Ninh). Phụ thân của ông là Dương Đình Nghệ từng là Thứ sử Giao Châu, bị Chu Toàn Dực điều vào Ái Châu. Vốn xuất thân từ một dòng cự tộc ở Giao Châu, sau đó là Ái Châu, lại là một Nha tương tài ba và tin cậy của Khúc Thừa Dụ nên Dương Đình Nghệ đã sát cánh cùng Tiên chúa công chiếm Đại La, cai quản Ái Châu - phên dậu của đất nước lúc bấy giờ. Sách Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sĩ cho biết “[Dương Đình Nghệ] trước làm tướng cho họ Khúc, đến khi Lý Khắc Chính bắt được Thừa Mỹ, [ông đã] lập cách báo thù cho họ Khúc bèn đặt ra trường đánh vật chiêu tập các hào kiệt, lấy đại nghĩa khuyến khích họ, đồng mưu với nhau đánh đuổi tướng Hán là Lý Khắc Chính”.
Các bộ sử cũ cũng chép rằng, Dương Đình Nghệ nuôi 3000 con nuôi cho mang họ Dương để mưu phục. Tại Ái Châu, các con ông là Dương Thị Vi (tức Dương Thị Như Ngọc - sau là vợ Ngô Quyền), Dương Thị Thuần Mỹ (sau là vợ Kiều Công Chuẩn) và Dương Tam Kha lần lượt được nắm giữ binh quyền.
Do nhiều năm phụ thân và gia tộc gắn bó với đất Ái Châu nên không ít tài liệu mặc định Dương Tam Kha quê gốc ở vùng này. Trong đó phải kể đến Thần tích đền Cổ Lễ (Cổ Lễ trang Điền tổ Dương Bình Vương sắc phong phúc thần sự tích) do Tiến sĩ Vũ Huy Trác soạn ngày 10 tháng Giêng năm Bính Thân, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 37 (tức ngày 28/2/1776) ghi: “Ông Tùng Khê quê ở Dương Xá, Ái Châu, tên húy là Tam Kha, con thứ ba của ông Dương Đình Nghệ. Từ thuở nhỏ tư trời thông tuệ, văn võ đều thông, từng theo cha đánh dẹp có công được nhiều người tin phục. Ông có ba vợ, sinh được mười con trai, chín con gái, các con đều chăm chỉ việc nông, cốt lấy ấm no làm đích mà không nghĩ đến việc tang bồng vùng vẫy. Năm Đinh Dậu (937), người Phong Châu là Kiều Công Tiễn giết Dương Đình Nghệ. Năm sau (938), người ở Đường Lâm - con rể của Dương Công, là Ngô Quyền từ Ái Châu dẫn quân ra cùng Tam Kha giết Công Tiễn để báo thù. Vua Nam Hán liền phong cho con mình là Hoằng Tháo làm Giao Vương dẫn quân tiến vào theo cửa Bạch Đằng. Ông Tam Kha sai Dương Thục Phi, Dương Cát Lợi chặt 3000 cây gỗ đóng xuống lòng sông trên một quãng dài ba dặm. Đợi lúc nước lên đem quân khiêu chiến giặc vượt qua bãi cọc; khi nước xuống, Ngô Quyền đem chư tướng từ cửa sông hết sức đánh tập hậu. Ông Tam Kha cho quân bản bộ dùng tên dài ở hai bờ bắn xả vào quân giặc, chém được Hoằng Tháo làm cho quân Hán đại bại”.
Ngoài thần tích, đôi câu đối ở đền Cổ Lễ cũng ghi về công lao của Bình Vương Dương Tam Kha:
“Khuông phù Ngô chủ, lập Nam bang thiên thu hách trạc
Trảm diệt Hoằng Tháo, bình Bắc khấu lịch đại bao phong”
(Dốc phù Ngô chúa, dựng nước Nam nghìn thu hiển hách
Chém chết Hoằng Tháo, trừ giặc Bắc nối đời bao phong).
Sau chiến thắng Bạch Đằng, Ngô Quyền quyết định rời Đại La để tránh việc dân chúng dị nghị cướp ngôi vị của Dương Tam Kha rồi đưa đại quân về cố đô Cổ Loa, “bắt đầu xưng vương, lập Dương thị làm Hoàng hậu, định trăm quan, đặt ra triều nghi phẩm phục”. Thời điểm đó vào khoảng mùa xuân năm Kỷ Hợi (từ tháng 2 đến tháng 4-939).
Trải 6 năm cầm giữ vương triều, Ngô Quyền đã khiến cho chính thống của nước Việt ta ngõ hầu đã nối lại. Trước khi mất ông đã di chúc cho Dương Tam Kha - một võ tướng cao cấp và cũng là người trong hoàng tộc giúp rập bầy con và triều đình.
Dương Tam Kha thừa hiểu rằng, lẽ ra sau khi phụ thân bị sát hại và kẻ bội phản bị đánh đuổi, người thừa kế ngôi vị phải là con trai - tức là ông chứ không phải con rể Ngô Quyền. Để giữ yên thế nước, ông nhịn nhường và cam chịu là kẻ đến sau. Vì thế, ông cho rằng di mệnh của anh rể không có giá trị nên khi Ngô Quyền băng hà vào ngày 18 tháng Giêng năm Giáp Thìn (9-2-944), với tư cách là Dương Chủ tướng, ông đã xưng là Bình Vương để tiếp nối sự nghiệp do phụ thân để lại nhưng đã bị mất vào tay Ngô Vương từ mấy năm trước. Tống sử cũng cho rằng nếu Dương Tam Kha lên ngôi thì mới là sự tiếp nối chính đáng qua những dòng sau: “Dương Thiệu Hồng - tức Dương Tam Kha, là người tiếp nối Dương Đình Nghệ”. Việt sử lược - khuyết danh, biên soạn vào thời Trần thì chép rằng: “Chủ tướng, họ Dương, là gia thần của Tiền Ngô Vương. Khi Ngô Vương mất, Chủ tướng tự lập làm vua”. Tuy nhiên, kể từ Đại Việt sử ký toàn thư trở đi, sự việc trên mới biến thành cuộc cướp ngôi - tạo phản dù cho khi ấy “con Ngô Vương là Xương Ngập chạy về nhà Phạm Lệnh Công ở Trà Hương. Chủ tướng lấy em Xương Ngập là Xương Văn làm con mình. Em Xương Văn là Nam Hưng, Càn Hưng đều còn nhỏ, Chủ Tướng sai người đem quân đến nhà Lệnh Công tìm bắt Xương Ngập. Lệnh Công sợ, giấu Xương Ngập vào trong động. Năm thứ 3 hiệu Càn Hựu đời An Đế nhà Hậu Hán (950), Chủ Tướng sai Xương Văn và hai quan sứ Dương, Đỗ đem binh đánh hai thôn Đường, Nguyễn ở Thái Bình... Xương Văn bèn quay binh về đánh úp Bình Vương, thắng được. Xương Văn thấy Bình Vương có ơn với mình, nên giáng làm Chương Dương Sứ, ăn lộc ấp ở đó. Bình Vương ở ngôi 7 năm” - như chính Ngô Sĩ Liên thừa nhận “lúc ấy người trong nước ai cũng xem Tam Kha là vua”.
Vùng đất mà Dương Tam Kha được phong cấp nằm kế bên sông Hồng, gọi là Chân Giang, từ đó đổi là Trương Dương hoặc Chương Dương. Tại đây, sau khi Bình Vương phân định lại hương ấp liền phái các tùy tướng Dương Thục Phi, Dương Tế Mỹ, Nguyễn Vị Bình, Vũ Đại Hòa đắp đê ngăn nước biển dài tới hơn hai ngàn dặm. Xong việc, Vương dùng xe đem các con trai hai nhà nội ngoại được 15 hộ, khơi ngòi, khẩn đất để ở, đặt hiệu là trang Tùng Khê, xưng hiệu là Tùng Khê Công. Số ruộng khẩn ra có thể cày cấy được quãng hơn 500 mẫu. Ngòi khơi thành năm dải, dải to gọi là Tùng Khê, hai dải phía bắc gọi là Trúc Khê, Lệ Khê; hai dải phía nam gọi là Lộ Khê, Nga Khê.
Để tính kế lâu dài, trước khi chuyển về Ái Châu, Dương Tam Kha đã cho một bộ phận gia nhân và nhiều dưỡng tử cũ lên đường khai phá vùng thung lũng nằm sâu ở Quỳnh Sơn - Vạn Nhai (sau đổi là Võ Nhai, năm 1894 Quỳnh Sơn cùng các tổng Bác Sơn, Nhất Thể, Tân Tri, Vĩnh Yên tách khỏi huyện cũ, lập ra châu Bắc Sơn, sáp nhập vào tỉnh Lạng Sơn) được dăm - bẩy chục mẫu, đặt tên là xứ đồng Tam Kha, xây cất nhà cửa bao quanh. Nay xứ đồng Tam Kha vẫn còn tên gọi do Đông Đằng, Đế Đống quản lý. Những dưỡng tử mang họ Dương Đình ở lại, dần dần Tày hóa và trở thành chi họ Dương đầu tiên đến sinh cơ lập nghiệp ở địa phương.
Hay tin nhà Tống chính thức phát động cuộc chiến tranh nhằm thôn tính Đại Cồ Việt và Lê Hoàn vừa được con gái của mình là Dương hậu mời lên ngôi Hoàng đế, Dương Tam Kha đã nhanh chóng rời Quỳnh Sơn - Vạn Nhai trở lại Ái Châu - nơi đã gắn bó nhiều đời của dòng họ. Ông đã chọn Lỗ Mau Khu thuộc hương Cửu Chân, để lập một phòng tuyến dự bị nếu giặc chiếm được Giao Châu tràn xuống. Lỗ Mau Khu trong tầm kiểm soát của ông có thể án ngữ mọi ngả đường từ phía Bắc vào Ái Châu, được bao bọc bởi đoạn sông Cầu Chày nối sang sông Mã, sông Chu. Vùng đất được hào lũy tự nhiên vây quanh ấy là nơi xây dựng hệ thống đồn trú cho một lực lượng quân sự lớn, có nơi dựng đặt kho tàng, sản xuất quân lương.
Tương truyền, công trình này được Dương Tam Kha giao cho con trai là Dương Quý Khách trông nom việc xây dựng. Sau khi Lê Hoàn dẹp xong quân Tống, Lỗ Mau trở thành thực ấp của Họ Dương.
Tại Hội thảo khoa học về Bình Vương Dương Tam Kha do Hội đồng họ Dương Việt Nam tổ chức hồi tháng 9 - 2006 tại Hà Nội, trong Tham luận Dương Tam Kha - một nhân vật lịch sử cần được đánh giá lại, GS. Đinh Xuân Lâm đã viết:
“Trong trường kỳ lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước vô cùng gian lao mà anh dũng của dân tộc ta, có một số nhân vật lịch sử số phận khá éo le, có nhiều uẩn khúc khiến cho việc bình phẩm, đánh giá gặp khó khăn, phân vân chưa định, không đi tới một sự khẳng định thống nhất và dứt khoát. Nhân vật Dương Tam Kha ở thế kỷ X nằm trong trường hợp như vậy. Các sử gia phong kiến trước kia theo quan điểm cũ đều nhất trí lên án ông có hành động phản nghịch cướp ngôi nhà Ngô. Đại Việt sử ký toàn thư chép: Lúc trước Tiền Ngô Vương (chỉ Ngô Quyền sau khi đánh thắng xâm lược Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 939 đã lên ngôi vua khai sáng triều Ngô) mắc bệnh nặng, có di chúc giao cho Tam Kha (con Dương Đình Nghệ, và là em vợ của Ngô Quyền) giúp rập cho con. Khi Vương mất Tam Kha cướp ngôi”.
Nhà sử học Trần Trọng Kim thời cận đại trong công trình Việt Nam sử lược cùng chung một nhận định đánh giá: “Dương Tam Kha là em Dương Hậu (vợ Ngô Quyền). Dương Tam Kha bèn cướp lấy quyền của cháu, tự xưng là Bình Vương”.
Đến thời kỳ hiện đại, có điều đáng chú ý là không hiểu vì sao trong cuốn Lịch sử Việt Nam (tập I) được biên soạn dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam lại không hề nhắc tới Dương Tam Kha và hành động “soán đoạt” của ông, chỉ nói chung rằng sau khi Ngô Quyền mất (năm 944) trong triều xảy ra nhiều biến loạn và xung đột làm cho chính quyền trung ương suy yếu, các thế lực phong kiến ở các địa phương liền nổi dậy hùng cứ các địa phương, tranh giành nhau quyền lực - đó là loạn Mười hai sứ quân - và Vua Ngô là Ngô Xương Xí cũng rút về chiến giữ vùng Bình Kiều (Triệu Sơn, Thanh Hóa), tự xem mình như một sứ quâm.
Ngay cả một giáo trình đại học - cuốn Đại cương lịch sử Việt Nam do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành năm 2001, và đến nay đã tái bản đến lần thứ 7, cũng nhấn mạnh đến tội “cướp ngôi” của Dương Tam Kha sau khi anh rể Ngô Quyền mất (năm 944) để xưng là Bình Vương.
Rõ ràng là để đi tới một sự nhận định, đánh giá sát hợp, hợp tình hợp lý đối với sự kiện Dương Tam Kha “cướp ngôi”, một sự tìm hiểu, nắm bắt cụ thể tình hình nước ta hồi bấy giờ, cũng như động cơ và hoàn cảnh hoạt động của nhân vật lịch sử trong cuộc là vô cùng cần thiết. Xin hãy đi từ những sự việc cụ thể.
Ngoài các công trình sử học được GS. Đinh Xuân Lâm kể ra trên đây, trong Lịch sử Việt Nam - từ nguồn gốc đến thế kỷ 19 của Đào Duy Anh; Đại cương lịch sử Việt Nam của chính GS cùng Trương Hữu Quýnh, Lê Mậu Hãn biên soạn, đến các cuốn Việt sử tân khảo của Nguyễn Công Tánh, Nhìn lại sử Việt của Lê Mạnh Hùng vẫn liệt hành động trên của Dương Tam Kha là cướp ngôi, đoạt ngôi trong khi lẽ ra, khi Dương Đình Nghệ bị sát hại, Kiều Công Tiễn bị giết, thì ngôi báu phải là con trai Dương Tam Kha thừa kế chứ không phải rơi vào tay con rể Ngô Quyền. Có vẻ, sử sách cả xưa lẫn nay đều chưa thật công bằng với Bột Hải Hoàng đế cho lắm. Đối với chúng tôi thì Bình Vương Dương Tam Kha dù xuất thân từ một gia đình vương giả, nhưng có tài và đức, tuy thời gian nắm giữ vương quyền ngắn song xứng đáng là một vị anh quân. Khi lui về nơi chốn ruộng đồng, ông vừa vui thú với cảnh điền viên, vừa chăm lo tự rèn ý chí. Không hề có ở ông suy nghĩ hoặc hành động dấy loạn, làm phản lại sự nghiệp lớn lao của quốc gia và dòng tộc. Ông chính là người con ưu tú của dòng họ Dương trong thế kỷ X đầy biến động và sóng gió, có nhiều đóng góp vào việc đánh đuổi ngoại xâm, giữ yên bờ cõi đất nước.
Hà Nội, tháng 3-2025
Hình ảnh thêm về Dương Tam Kha, một chiến tướng mưu lược tài ba, một nhà vua nhân từ độ lượng