Phong trào đấu tranh bất bạo động Phật giáo và ngọn lửa kiêu hãnh của các vị thánh tử đạo đã thiêu đốt chính quyền Ngô Đình Diệm bằng chính sự điên cuồng của chế độ độc tài.
Trong mắt người dân và mọi thành phần xã hội miền Nam lúc bấy giờ, chính quyền Diệm quá tàn bạo khi ra tay đàn áp Phật giáo. Hình ảnh đối lập giữa một bên là chính quyền với xe tăng, binh lính đằng đằng sát khí và một bên là các nhà sư chỉ biết thiền định, niệm Phật và các khẩu hiệu từ bi, ôn hòa đủ nói lên tất cả.
Thế nên, dù phong trào Phật giáo không nhằm lật đổ hay đảo chính mà chỉ mong thay đổi chính sách bất công tôn giáo của chính quyền Diệm, sự đối lập đó đủ phơi bày mặt trái bất công của chế độ độc tài, của những hành động bạo ngược luôn là khởi điểm cho sự sụp đổ của mọi triều đại trong lịch sử, khi mất dần chỗ đứng trong lòng dân.
Vụ tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức làm chấn động thế giới và thay đổi cách nhìn nhận về Phật giáo, nhưng sự cay cú đã làm mờ ám lương tri của chính quyền Diệm dẫn đến những hành động bội ước và thủ đoạn đàn áp vốn chỉ gieo thêm sự căm phẫn trong lòng xã hội.
Tượng đài Hoà thượng Thích Quảng Đức tại chùa Long Sơn, Nha Trang
Với những vụ tự thiêu tiếp theo, trong khi chính quyền Diệm ngày càng không thể kiểm soát tình hình thì các nhà sư quyết lòng hiến thân vì đạo pháp lại càng hiểu giá trị sự hy sinh của mình trong hoàn cảnh đấu tranh bất bạo động; và có tâm niệm rõ ràng trong việc đặt ngọn lửa hiến thân ra trước dư luận thế giới.
Sau bốn vụ tự thiêu của các Đại đức Thích Nguyên Hương, Thích Thanh Tuệ, Sư cô Thích Nữ Diệu Quang, Thượng tọa Thích Tiêu Diêu do thái độ bội ước và đàn áp Phật giáo của chính quyền Diệm, mà đỉnh điểm là chiến dịch “nước lũ”, một số tổ chức quốc tế quyết định đưa vấn đề “kỳ thị, đàn áp tôn giáo tại Việt Nam” ra trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Đến ngọn lửa thiêu thân của Đại Đức Thích Quảng Hương, không chỉ tấn trò hề bưng bít với tên gọi “Ủy ban Liên hiệp Phật giáo Thuần túy” bị lộ tẩy, thế giới còn biết những vấn đề liên quan đến cuộc đấu tranh của Phật giáo Việt Nam chưa bao giờ kết thúc. Và, lúc này, gần như đã sẵn sàng, một ngọn lửa khác lại tiếp tục nhen nhóm và bùng lên bất cứ lúc nào có thể đánh động đến tận bàn nghị sự của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Đại đức Thích Thiện Mỹ tên thật Hoàng Miều, sinh năm 1940 tại Bình Định trong một gia đình có truyền thống sùng tín đạo Phật. Xuất gia từ nhỏ, đến năm 20 tuổi Đại Đức thọ đại giới tại chùa Bửu Tích ở Bình Thuận và đi về phương Nam hành đạo trước khi đến Đà Lạt tu học tại chùa Bửu Sơn, huyện Đức Trọng, tỉnh Tuyên Đức (nay thuộc huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng)
Năm 1963, phong trào đấu tranh chống chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo tại Sài Gòn bùng nổ và lên đến đỉnh điểm với sự kiện Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu. Tháng 7/1963, Đại Đức tự chặt một ngón tay để phản đối chính quyền Diệm không thi hành thông cáo chung đã ký với Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo, trong cuộc biểu tình của Giáo hội Phật giáo tỉnh Tuyên Đức.
Ngày 7/10/1963, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc mở cuộc họp về tình hình Việt Nam và cử phái đoàn tới Sài Gòn ngày 24/10/1963 điều tra vấn đề kỳ thị và đàn áp Phật giáo của chính quyền.
Chân dung Đại Đức Thích Thiện Mỹ
Thời gian này, Đại Đức cũng từ chùa Bửu Sơn xuống Sài Gòn trú tại chùa Vạn Thọ, viết sẵn 4 bức thư gửi Tổng thống Ngô Đình Diệm, Hội chủ Phật giáo Thích Tịnh Khiết, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và toàn thể tín đồ Phật giáo Việt Nam, nói rõ lý do tự thiêu là phản đối hành động đàn áp Phật giáo của chính quyền.
Ngày 27/10/1963, trong khi phái đoàn điều tra Liên Hiệp Quốc tiếp xúc riêng với Hòa thượng Hội chủ Thích Tịnh Khiết tại chùa Ấn Quang, Đại Đức định tự thiêu ngay trước cổng nhưng thấy lực lượng mật vụ, cảnh sát vây quanh chùa bèn lặng lẽ di chuyển về nhà thờ Đức Bà. Tại đây, Đại Đức tự tẩm xăng lên người, ngồi kiết già trước tượng Đức Mẹ rồi châm lửa tự thiêu. Lúc ấy là 10 giờ 30 phút sáng.
Khi ngọn lửa bùng lên, hàng ngàn người dân xung quanh cùng các phóng viên quốc tế biết tin trước, kéo đến vây quanh hành lễ và tác nghiệp. Phát hiện sự thể, lực lượng cảnh sát và mật vụ vội lấy chăn trùm lên làm Đại Đức ngã xuống. Bất ngờ, ngọn lửa bùng lớn làm chiếc chăn cháy rụi, cảnh sát vùng bỏ chạy ra trong khi Đại Đức chậm rãi ngồi lên tiếp tục kiết già.
Khi phái đoàn điều tra của Liên Hiệp Quốc biết tin đến nơi vẫn kịp chứng kiến cảnh xe cứu hỏa phun nước xóa dấu tích vụ tự thiêu, còn thi hài Đại Đức đã bị chính quyền lệnh cho lực lượng cảnh sát cướp lấy và đưa đi mất. Ngay cả máy ảnh, máy quay phim của các phóng viên cũng bị đập phá hoặc lấy đi.
Người ta có thể nhận thấy sự hoang mang tột độ của chính quyền Diệm trong những hành động bêu riếu, dập lửa, cướp thi hài các vị hòa thượng, đại đức, sư cô tự thiêu giấu biệt và ảo tưởng có thể bưng bít, qua mắt người dân. Nhưng, điều họ không bao giờ che giấu được là những “ngọn lửa Thích Quảng Đức” vẫn lan tỏa, kiêu hãnh, bền bỉ và có thể bùng lên bất cứ lúc nào.
Và vụ tự thiêu của Đại Đức Thích Thiện Mỹ cũng là ngọn lửa cuối cùng báo hiệu sự sụp đổ của chế độ độc tài kỳ thị và đàn áp Phật giáo 4 ngày sau, 1/11/1963.
Nhật Hà