Tiếp theo bài trước,[1] ở bài này, ta tìm hiểu chủ đề qua một số dữ liệu ‘iconography’ (hình tượng), ‘epigraphy’ (bi ký), và sử liệu liên quan.
1. Khảo cứu
1.1 Funan
Hình 1 cho thấy đồng bằng sông Cửu Long bên trong cương vực của 3 cái ‘polity’: Funan, Chenla và Angkor, theo thứ tự thời gian.
Hình 1.[2]
Thổ dân Funan nói tiếng gì thì ta chưa rõ, nhưng dữ liệu bi ký cho biết thời Chenla–Angkor (thế kỷ 7–15) họ nói tiếng Old Khmer và ghi bằng một thứ chữ riêng dựa theo chữ Brahmi của người Ấn.[3] Tiếng Việt bình dân ở đồng bằng Cửu Long ngày nay vẫn còn một ít từ ngữ Old Khmer, thí dụ khọn, nghĩa là ‘khỉ’.[4]
Di tích của một cái ‘bịnh xá’ thời Angkor ở Trà Vinh cho thấy đồng bằng sông Cửu Long luôn có người ở chớ chưa bao giờ bị bỏ hoang, dù ắt là chẳng đông bằng mấy cái ‘pura’ (thành) bên phía Cambodia ngày nay (hình 2).
Hình 2.[5]
Bằng chứng sớm nhứt của Phật giáo ở vùng này là hai bài ‘minh văn’ (inscription) thời Chenla.[6]
Tượng Phật ở Đông Nam Á ban đầu ắt là làm theo mẫu của Ấn Độ, nặn bằng đất sét hoặc đẽo bằng thân cây, là những thứ dễ kiếm nhưng mau hư. Tượng Phật ở Funan là lớp sớm nhứt của nghệ thuật Phật giáo ở Đông Nam Á, làm theo kiểu Sarnath bên Ấn có ‘date’ 470–500. Sarnath ở miền đông bắc Ấn Độ, bên bờ sông Hằng, từ đó người ta đem tượng Phật xuôi dòng sông ra Ấn Độ Dương đi tàu lớn qua Đông Nam Á và Đông Á. Dù vậy, tượng Phật ở Funan cũng có đôi nét của tượng Trung Ấn và tượng Nam Ấn thời đế quốc Gupta (320–600): điều đó gợi ý rằng tượng Phật ở Sarnath đã đem tới Đông Nam Á sớm hơn tượng Phật ở những nơi khác bên Ấn. Tượng kiểu Sarnath có nét riêng là bận đồ ôm sát thân (slinky) và không gấp nếp (pleatless), giống như một tấm vải mỏng bọc vô thân tượng vậy thôi. Nói cho trúng thì kiểu Sarnath ở Đông Nam Á mỗi nơi một khác chút xíu chớ chẳng phải nơi đâu cũng giống nhau.[7]
Vậy, có lẽ những tượng Phật đầu tiên [kiểu Sarnath] bên Ấn Độ đã đưa tới Funan hồi giữa thế kỷ 6, và thổ dân vùng này biết nặn đẽo tượng Phật từ cuối thế kỷ 6 là sớm nhứt.
Hình 3. hai tượng Phật ở Sarnath.[8]
Vùng này có 3 thứ ‘đá’ (lithotype) hay dùng để đẽo tượng và khắc bia, thứ tốt nhứt là ‘sandstone’ lấy từ hai nguồn: phía bắc Kratie và núi Cardamom bên Cambodia ngày nay.[9]
Những tượng Phật ở hình 4, 5 là kiểu Sarnath.
Hình 4. trái và giữa: Malleret,[10] phải: Malleret.[11]
Hình 5.[8]
Hình 6 là hai tượng ‘sandstone’ đẽo hình Quan Âm [đàn ông] thiệt đẹp.
Hình 6.[8]
Thực ra, ở vùng này, đạo Phật thường bị ‘lép vế’ so với đạo Hindu, bởi vua nào cũng theo đạo Hindu và ít ai chịu bảo trợ đạo Phật, dù họ chẳng cấm cản (bảng dưới).6
thế kỷ | thời | nhà vua bảo trợ |
7 | Chenla | Jayavarman I (c 657–681) |
8–9 | Chenla–Angkor | - |
10 | Angkor | Jayavarman IV (928–941), Rajendravarman II (944–968) |
11–12 | - | |
13 | Jayavarman VII (1181–1218) |
Jayavarman VII theo Phật giáo ‘Mahayana’, cho xây 3 ngôi đền thờ Phật ở kinh đô Angkor Thom: Preah Palilay, Neak Pean, Bayon.[12] Nhưng chẳng bao lâu sau khi vua này mất, dân Miên đổi qua Phật giáo ‘Theravada’ lúc đó đang hưng thạnh ở các nước lân bang,[13] thí dụ Ayutthaya bên đồng bằng sông Chao Phraya xứ Thái ngày nay.
Giữa thế kỷ 15, sau khi Angkor bị vương quốc Ayutthaya đánh bại, dân Miên dạt xuống Phnom Penh, nơi đặt kinh đô mới của họ; khi đó và/hoặc sau đó, một số ắt cũng dạt tuốt xuống miền Funan xưa bên phía đồng bằng sông Cửu Long. Tới thời trào Gia Long, đầu thế kỷ 19, thì dân Miên đông nhứt ở hai trấn Vĩnh Thanh và Hà Tiên.[14] Số dân này đem theo Phật giáo ‘Theravada’, với nét riêng là những cái ‘vihear’ sơ sài, nền lót đá, mái lợp cây, thờ một tượng Phật mà thôi (hình 7).
Hình 7.[15]
Mấy ngôi ‘cổ tự’ của người Miên ở đồng bằng Cửu Long, thí dụ chùa Khleang và chùa Dơi ở Sóc Trăng,[16] ban đầu ắt cũng là những cái ‘vihear’ như hình 7 rồi về sau xây lại. Có lẽ họ vẫn thờ những mẫu tượng Phật thời Angkor, thí dụ (hình 8):
Nhà khảo cứu Lê Hương (1922–1976) cho biết người Việt gốc Miên thờ 5 mẫu tượng Phật,[17] trong đó dường như có 3–4 mẫu nêu trên.
Hình 8.[18]
Người Việt tới đồng bằng Cửu Long định cư từ nửa đầu thế kỷ 17, ‘làm nhà lác đác ven sông, xen lẫn giữa các ‘sóc’ của người Miên’.[19] Chưa rõ người Việt bắt đầu xây chùa khi nào, ta đoán rằng những ngôi chùa mà sử gia Trịnh Hoài Đức (1765–1825) ghi nhận, thí dụ chùa Bửu Phong ở trấn Biên Hòa, chùa Giác Lâm ở trấn Phiên An,14 có lẽ đã xây hồi đầu thế kỷ 18 là sớm nhứt.
Ta để ý rằng những tượng Phật xưa của người Việt ở đồng bằng Cửu Long thì đều bận bộ cà-sa theo kiểu tượng Phật của người Việt ở Đàng Trong, như sẽ nói ở mục 1.2 bên dưới, thí dụ:
Ngoài ra, hồi đầu thế kỷ 19, người Việt ở Phnom Da (Cambodia), khi lấy hai tượng thần Krishna và Balarama sửa lại làm tượng Phật, cũng cho tượng bận bộ cà-sa na ná như trên (hình 10).
Hình 10.[22]
Tới đây, ta biết rằng:
Nói tóm lại, Phật giáo từ Ấn Độ đã truyền sang một nơi mà nay là đồng bằng sông Cửu Long nước ta, nhưng đã thất truyền trước khi dân ta tới miệt này sanh sống.
1.2 Champa
Dữ liệu bi ký cho thấy Champa đã từng là một ‘vương quốc thống nhứt’ (unified kingdom) trong khoảng 40 năm đầu thế kỷ 15, với lãnh thổ từ Quảng Nam tới Đồng Nai, dưới trào của một vì vua hùng mạnh tên là Sri Visnujati Virabhadravarmadeva.[24]
Phật giáo hưng thạnh ở Champa dưới trào Indravarman II (854–893): năm 875 nhà vua đặt Indrapura ở Đồng Dương (Quảng Nam) làm kinh đô và cho lấy Phật giáo ‘Mahayana’ làm ‘quốc giáo’ để ghi nhớ sự kiện đó.[25]
Ramesh Chandra Majumdar (1888–1980), sử gia người Ấn, mô tả một số hang động và bi ký có liên quan tới Phật giáo Champa như sau.[26]
Lớn nhứt là động Phong Nha (Quảng Bình), có một tượng Phật, một số ‘seal’ đất sét in hình Phật, và 97 bài minh văn phần nhiều khó đọc, trong số đọc được có chữ sariputra, tên của vị ‘đệ tử’ sớm nhứt của đức Phật. Ngoài ra là chùa hang ở Bố Trạch (Quảng Bình), có một tượng Phật nhỏ, vân vân.
Minh văn Champa dùng tiếng Sanskrit và một thứ chữ xưa của người Ấn, đôi khi cũng dùng tiếng Chàm và chữ của người Chàm [dựa theo chữ Brahmi của người Ấn], để ghi lại công trạng của những vị đã cúng viện/đền/đất cho việc thờ phượng—chẳng hiếm khi họ cúng một ngôi đền cho đức Phật và một ngôi đền cho thần Siva trên cùng một thửa đất. Bảng dưới là 9 cái bi ký có nhắc tới đức Phật (chữ đậm).
số | tìm thấy ở … | ‘date’ | cúng cho … nhắc tới … |
28 | Chung Mỹ (Phan Rang) | 829 | Jina, Sankara (Siva) |
31 | Đồng Dương (Quảng Nam) | 875 | Lokesvara, Svabhayada, Abhayada |
37 | An Thái (Quảng Nam) | 902 | Lokanatha, Sugata, Vajrapani, Sakyamuni, Vairocana, Amitabha, Pramuditalokesvara |
43 | Nhan Biều (Quảng Trị) | 911 | Siva, Avalokitesvara |
69 | Mỹ Sơn (Quảng Nam) | 1140 | Saddharma |
71 | tháp Po-Nagar (Khánh Hòa) | 1143 | Saddharma |
93 | Kim Châu (Bình Định) | thế kỷ 13 | những vị thần (Sri) trong Phật giáo: Lingalokesvara, Jina Paramesvara, Jinavrddhesvari, Jinalokesvara, Saugatadevesvara, Jinadevadevi. |
123 | Ròn (Quảng Bình) | thế kỷ 9–10 | Damaresvara (nghĩa là ‘chúa bầy yêu’, biệt hiệu của Siva, mà cũng được gán cho Avalokitesvara) |
126 | Khánh Thọ Đông (Quảng Nam) | ? | có hình Phật và bài ‘pháp thân kệ’ ye dharmā hetuprabhavā … |
Hình 11 là hai tượng Phật ở Đồng Dương. Tượng bên trái bận cà-sa kiểu Andhra (miền đông Ấn Độ), để trần vai và tay bên phải, gấp nhiều nếp xéo ngang thân, phổ biến khắp Đông Nam Á.[27] Tượng bên phải ngồi theo kiểu Âu, hai bàn chưn song song (như hình 5 ở mục 1.1), hai bàn tay đặt trên đầu gối, một dấu hiệu (mudra) chưa rõ ý nghĩa, mà ta cũng gặp trong nghệ thuật Phật giáo thời trào Tùy bên Tàu; tượng này cũng bận cà-sa kiểu Andhra, nhưng tay và vai bên phải thì che kín (đây là một nét Tàu nữa).[28]
Hình 11. trái,[29] phải.26
Hình 12 là hai tượng Quan Âm [đàn ông] thế kỷ 9 đúc hợp kim đồng (copper alloy).
Hình 12. trái: Đại Hữu (Quảng Bình), phải: Hoài Nhơn (Bình Định).[8]
Người ta chưa thấy dấu tích của một cái ‘stupa’ nào trong vùng, nhưng đã tìm ra một bia đá tạc hình Phật ngồi giữa hai cái ‘stupa’, hồi thế kỷ 6–7 ở Phú Yên (hình 13), điều này gợi ý rằng dân Champa hẳn đã từng dựng ‘stupa’.
Hình 13.[8]
Sau khi Champa bị Đại Việt đánh bại ở Bình Định năm 1471 dưới trào Lê Thánh Tông (1460–1497), dân Chàm dạt xuống phía nam và từ đó dấu tích của Phật giáo Champa cũng mất luôn.[30]
Cuối thế kỷ 16, người Việt vô miền Thuận Hóa, đại khái là từ Quảng Bình tới Quảng Nam ngày nay, lập ‘nước’ Đàng Trong. Qua thế kỷ 17, chúa Nguyễn Hoàng (1525–1613) bảo trợ cho xây ngôi chùa đầu tiên ở Đàng Trong kêu bằng ‘Thiên Mụ’, và chúa Nguyễn Phước Chu (1675–1725) bảo trợ cho mời Thích Đại Sán 釋大汕 (1633–1705), một nhà sư người Tàu, qua hoằng pháp. Những ngôi chùa tiếp theo ở Đàng Trong, thí dụ Báo Quốc và Từ Đàm, đều do các nhà sư người Tàu lập nên.[31]
Hình 14 là hai tượng Phật ở chùa Từ Đàm (trái) và Khương Ninh Các trong hoàng thành Huế (phải).
Ta để ý rằng hai tượng Phật đó đều bận bộ cà-sa theo kiểu tượng Phật của người Tàu thời trào Minh, thế kỷ 14–17 (hình 15).
Hình 15. trái: Đại Nhựt (gỗ),[34] phải: Thích Ca (sơn, thếp vàng).[35]
Tới đây, ta biết rằng:
1.3 Đại Việt
Đại Việt sử ký toàn thơ cho biết các vì vua trào Lý (1009–1225) đều ái mộ và bảo trợ Phật giáo, họ đã làm nhiều việc, thí dụ:
Ở trên có một mẩu sử liệu quan trọng mà ít ai để ý: năm 1019 vua Lý Thái Tổ xuống chiếu độ dân trong nước làm tăng.
Nói là ‘quan trọng’ bởi vì điều đó có nghĩa rằng trước năm 1019 nước ta chưa có tăng là người bổn xứ.
Song le, sử chép trước năm 1019 đã có các vị tăng này, theo thứ tự thời gian:
Vậy, theo cách hiểu thông thường:
Các vị tăng nêu trên đều là người nước ngoài chớ chẳng phải người [Việt] bổn xứ.
Họ có thể là người Tàu mà cũng có thể là người Chàm: ta chưa đủ dữ liệu để biết chắc.
Nay chùa Phật Tích (Bắc Ninh) còn một tượng Phật mà người ta cho rằng có ‘date’ hồi đầu trào Lý (thế kỷ 11). Ta để ý rằng tượng này (hình 16, trái) bận bộ cà-sa giống như tượng Brahma ở đền Kōfukuji bên nước Nhựt, tạc hồi đầu thế kỷ 13 dựa theo mẫu tượng trào Tống bên Tàu (hình 16, phải).
Tới đây, ta được biết các vì vua trào Lý đã bảo trợ Phật giáo như sau:
Nói tóm lại, nước ta mới có ‘Phật giáo’ theo đúng nghĩa từ thời trào Lý.
2. Kết luận
Phật giáo truyền tới xứ ta như sau.
2.1 Ở miền bắc
Trước hết, hồi trào Tấn bên Tàu (200–400), một thứ ‘Phật-giáo pha Đạo-giáo’ đã theo chưn di dân người Tàu lan sang đồng bằng sông Hồng, theo cách này:
dân gian → dân gian
Đó là lần đầu tiên dân ta biết Bụt và đôi điều Bụt dạy trong kinh 42 chương.
Tiếp theo, cuối thế kỷ 6, thời trào Lương bên Tàu, Phật giáo đã hưng thạnh và truyền sang Giao Châu theo cách này:
nhà sư → dân gian
Một ít ngôi chùa đầu tiên ở nước ta có lẽ xây trong thời này.
Đầu thế kỷ 7, vua Tùy Văn Đế cho đem xá-lị sang Giao Châu, như là biểu tượng của việc bảo trợ Phật giáo ở một nơi chưa-có-Phật-pháp mà trào Tùy coi là một phần của nước họ. Nói ‘biểu tượng’ là vì ta chẳng rõ sau cái vụ ‘xá-lị’ đó thì trào Tùy có cử thêm cái ‘missionary’ nào sang Giao Châu hoằng pháp hay chăng.
Chót hết, đầu thế kỷ 11, dưới trào Lý Thái Tổ, Phật giáo phổ biến trong nước ta theo cách này:
nhà sư → vua chúa → dân gian
Từ lúc đó, nước ta mới có đủ Phật, pháp, tăng.
2.2 Ở miền trung
Thế kỷ 6, Phật giáo từ Ấn Độ truyền sang Champa mà nay là duyên hải miền trung xứ ta, nhưng đã thất truyền trước khi dân ta vô miệt này sanh sống.
Đầu thế kỷ 17, nhờ các vị chúa Nguyễn bảo trợ, những nhà sư bên Tàu thời trào Minh đã sang Đàng Trong hoằng pháp, theo cách này:
nhà sư → vua chúa → dân gian
2.3 Ở miền nam
Thế kỷ 6, Phật giáo từ Ấn Độ đã truyền sang một nơi mà nay là đồng bằng sông Cửu Long nước ta, nhưng đã thất truyền trước khi dân ta vô miệt này sanh sống.
Giữa thế kỷ 17, người Việt vô đồng bằng Cửu Long sanh sống đã đem theo Phật giáo ở Đàng Trong.
2.4 Tổng quan
Phật giáo từ Ấn Độ đã truyền tới những nơi ở xứ ta từ thế kỷ 6 chớ chẳng sớm hơn.
Vua chúa là một cái ‘gear’ phải có để cho ‘bánh xe Phật pháp’ quay trơn tru, như vầy:
nhà sư → vua chúa → dân gian
Ở xứ ta, phải chờ tới đầu thế kỷ 11, dưới trào Lý Thái Tổ, thì ‘bánh xe Phật pháp’ mới quay đều theo cách trên. (Hồi đầu trào Nguyễn ở Đàng Trong cũng vậy.)
Tóm lại, ta có thể cho rằng:
Năm 1019, khi vua Lý Thái Tổ xuống chiếu độ dân trong nước làm tăng, chính là cái năm đầu tiên trong lịch sử Phật giáo nước nhà.
[1] https://chuaadida.com/chi-tiet-truyen-ba-phat-giao-o-viet-nam-phan-1-45945/
[2] Cambodian National Commission for UNESCO. Sambor Prei Kuk, archaeological site representing the cultural landscape of ancient Ishanapura.
[3] Anton O. Zakharov. State formation in first millennium Southeast Asia: a reappraisal. Social Evolution & History, vol 18, no 1, 2019.
[4] Saveros Pou (1992) An Old Khmer - French - English dictionary.
[5] Heng Piphal. Angkor and the Mekong river: settlement, resources, mobility and power. in The Angkorian World, ed Mitch Hendrickson, Miriam T. Stark and Damian Evans (2023).
[6] Phanindra Nath Bose (1927) The Hindu colony of Cambodia.
[7] Kang Hee Jung. The spread of Sarnath-style Buddha images in Southeast Asia and Shandong, China, by the sea route. Kemanusiaan vol 20, no 2 (2013).
[8] John Guy (2014) Lost kingdoms: Hindu-Buddhist sculpture of early Southeast Asia.
[9] Christian Fischer, Federico Carò and Martin Polkinghorne. From quarries to temples: stone procurement, materiality, and spirituality in the Angkorian world. in The Angkorian World, ed Mitch Hendrickson, Miriam T. Stark and Damian Evans (2023).
[10] Louis Malleret (1937) Catalogue général des collections, Musée Blanchard de la Brosse, Saigon, tome 1: Arts de la famille Indienne.
[11] Louis Malleret (1959) L’Archeologie du Delta du Mekong. Tome I: L’exploration archeologique et les fouilles d’Oc-Eo.
[12] Thomas M. Shelby (1998) The Bayon of Angkor Thom: An architectural model of Buddhist cosmology.
[13] David Chandler (2008) A history of Cambodia.
[14] Trịnh Hoài Đức (trước 1822) Gia Định Thành thông chí.
[15] Ea Darith (2021) A history of Cambodia: from Funan to modern times. https://khmerstudies.org/
[16] Nguyễn Lâm Điền, Nguyễn Mỹ Bảo Châu và Đặng Thị Bảo Dung. Khám phá những ngôi chùa độc đáo ở Sóc Trăng. Tạp chí Nghiên cứu khoa học và Phát triển kinh tế, Trường Đại học Tây Đô, số chuyên đề (2019).
[17] Lê Hương (1969) Người Việt gốc Miên.
[18] Paul A. Lavy and Martin Polkinghorne. Bodies of glory: the statuary of Angkor, in The Angkorian World, ed Mitch Hendrickson, Miriam T. Stark and Damian Evans (2023).
[19] Nguyễn Văn Hầu (1972) Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang.
[20] Chùa Giác Lâm, ngôi Tổ đình danh tiếng ở miền Nam (2015). https://phatgiao.vn/bai-viet/chua-giac-lam-ngoi-to-dinh-danh-tieng-o-mien-nam.html
[21] Louis Malleret (1938) Catalogue général des collections, Musée Blanchard de la Brosse, Saigon, tome 2: Arts de la famille Chinoise.
[22] Bertrand Porte. Sculptures transformées, du Phnom Da au Núi Ba Thê. Arts Asiatiques, 2016, 71(1).
[23] Thông Thanh Khánh. Tính chất Phật giáo Đại thừa Phù Nam. https://thuvienhoasen.org/a32488/tinh-chat-phat-giao-dai-thua-phu-nam
[24] Arlo Griffiths. Études du corpus des inscriptions du Campā, VI: Epigraphical texts and sculptural steles produced under the Vīrabhadravarmadevas of 15th-century Campā. Arlo Griffiths; Andrew Hardy; Geoff Wade. Champa: Territories and Networks of a Southeast Asian Kingdom, 31, École française d’Extrême-Orient, 2019, Études thématiques.
[25] William Chapman (2018) Adjuncts to empire: The EFEO and the conservation of Champa antiquities. Bulletin of the History of Archaeology, 28(1):1.
[26] R.C.Majumdar (1927) Ancient Indian colonies in the Far East, vol I: Champa.
[27] The Metropolitan Museum of Art Bulletin, Spring 1994, volume LI, number 4.
[28] Emmanuel Guillon (2001) Hindu-Buddhist art of Vietnam: treasures from Champa. trans Tom White.
[29] https://www.pinterest.com/pin/53550683059344948/
[30] Anne-Valérie Schweyer. ‘Buddhism in Champa’. Vibrancy in Stone: Masterpieces of the Da Nang Museum of Cham Sculpture, 2017.
[31] Phan Thanh Hải (2010) Thủ phủ chúa Nguyễn với quá trình xây dựng bản sắc văn hóa Huế và văn hóa Đàng Trong. https://kansai-u.repo.nii.ac.jp/record/2123/files/hue_19.pdf
[32] https://chuaviettoancau.com/chua-mien-trung/chua-tu-dam-thua-thien-hue-748.html
[33] Trí Năng (2009) Những pho tượng Phật thời Nguyễn còn lại ở Huế. https://giacngo.vn/
[34] https://www.pinterest.com/pin/AZ2ln8qk4OKNoIDS1BqvBt27zLlTzWrrRJ5INMRb6pHhWC0WthMrvaw/
[35] https://www.pinterest.com/pin/637751997241155959/
[36] https://thuvienhoasen.org/a38968/trien-lam-tuong-phat-bia-da-hang-nghin-nam-tuoi