Dân gian lưu truyền quan niệm từ xưa của Nho giáo “ hổ phụ sinh hổ tử” đến mức có khi thành định kiến tác động không hay đến góc nhìn khách quan cần có khi đánh giá con người, vai trò gia đình ảnh hưởng đến nhân cách một con người trong xã hội. Thực ra câu ấy cần được hiểu sâu rộng, uyển chuyển, sâu sắc, nhiều góc độ thay vì rơi vào tiếp nhận giản đơn đưa đến một nội dung xơ cứng dễ gây nên định kiến.
Cha mẹ, gia tộc, các quan hệ gần gũi lâu dài có ảnh hưởng lớn đến hình thành nhân cách một cá nhân cụ thể nhưng hết thảy ảnh hưởng đến cá nhân ấy không chỉ có thế vì nếu như thế nhân cách cá nhân quá ư đơn giản.
Một cá nhân ra đời trong gia thế tốt, bên cạnh nguồn gene sinh học thừa hưởng từ cha mẹ cùng tổ tiên, còn hưởng những giá trị kế thừa nhân cách, khả năng từ cha mẹ, gia tộc, môi trường bao bọc cá nhân từ ấu thơ. Những giáo huấn, lời ru, bữa cơm gia đình ấm cúng, tình thân huynh đệ, họ mạc, xóm giềng...bồi đắp từng ngày tâm hồn con trẻ, đặt nền móng cho nhân cách cả một cuộc đời một con người. Vốn liếng ấy vô giá, khó lượng định, quan yếu cho số phận một con người.
Càng dễ nhận ra các giá trị kể trên với một cá nhân có hoàn cảnh tốt nếu so sánh với một cá nhân khác sinh ra trong nghịch cảnh khi cha mẹ có nhân thân xấu, gia cảnh đen tối, sống ở khu vực nhiều tệ nạn... Trẻ thơ làm quen, hít thở từ thuở sơ sinh âm thanh của đáy xã hội, không được giáo dục đúng cách, tiêm nhiễm từng giờ các tác nhân xã hội tiêu cực khiến nhân cách tốt không có cơ hội nẩy lộc đâm chồi, vốn liếng làm người đầy xa xót.
Nhưng như đã viết, đấy không phải tất cả. Nhà trường, giáo khoa giáo trình, sách vở khác, bạn bè cùng các quan hệ xã hội có tác động không nhỏ co hình thành nhân cách, không ít trường hợp chỉ cần thấm nhập sâu sắc vài tác phẩm văn học đỉnh cao, một cậu bé ở khu ổ chuột đã có điểm tựa tinh thần vững chắc cho hình thành nhân cách tốt. Như vậy, nhân cách được hình thành do tổng hoà biện chứng rất nhiều yếu tố tác động đến cá nhân, không hề là một bài toán cộng, trừ đơn giản.
Lại nói đến chữ nghiệp nhà Phật trong quan hệ đến hình thành nhân cách con người, nhìn việc hình thành nhân cách qua một góc nhìn khác Nho giáo.
Thực ra các hệ giá trị có tương giao. Hoàn cảnh gia đình cũng là nghiệp của một con người trong vô lượng kiếp của sự vận động nhân quả trả vay như dân gian có câu “ không ai chọn được cửa sinh ra”, không phải ngẫu nhiên ai đấy là ông bà, cha mẹ ta, hay anh em ta, tất cả đều có nguồn cơn không dễ thấy bằng cái nhìn phàm phu.
Không chọn được nơi sinh ra, nhưng nhà Phật cũng cho thấy một góc nhìn biện chứng khi đề cập về nghịch duyên, thuận duyên, các tác động khiến vạn sự hoặc thế này hay thế khác không thể mô tả khô cứng bằng định kiến. Như hạt giống gieo nơi phù hợp hội đủ duyên cần nẩy chồi phát triển, gieo nơi khác có khi một chút thôi đã dẫn đến sai biệt nhiều. Ở đây, về duyên, nhà phật cho thấy nhận thức khoa học gần gụi cách nhìn của khoa học hiện đại về nhân cách, hình thành nhân cách con người.
Cá nhân có hoàn cảnh xấu, gánh nghiêp xấu, nhưng do duyên lành tương tác với thiện tri thức, sách vở, bạn bè tốt, hoàn toàn có thể hình thành nhân cách tốt từ vốn liếng hẩm hiu nào đó, và ngược lại: một xuất thân tốt nhưng do hấp thu các yếu tố xấu nào đó từ xã hội hoàn toàn có thể dẫn đến sự chệch chuẩn của con đường hình thành nhân cách cá nhân. Bài toán hình thành nhân cách do vậy như một đề thi mở đầy tính kịch đặt nặng vai trò nỗ lực cá nhân, các ảnh hưởng khác ngoài ảnh hưởng từ nơi sinh ra, bậc sinh thành.
Câu “ hổ phụ...” về từ ngữ còn cho phép hiểu theo hai mặt: “ hổ” có thể là loài dõng mãnh, oai phong, chúa sơn lâm, anh hùng...nhưng, cũng có thể chỉ “ hổ” của giang hồ, phản diện. Ý tứ xưa cũ muốn ám chỉ sự di truyền phải vậy không thể khác, hổ phải sinh hổ. Cách hiểu này mang tính định kiến, không khoa học và cũng không phản ánh thực tế vô cùng phức tạp của đời sống.
Nhiều người sinh ra từ gia thế “ hổ” giang hồ, con ông trùm bà trùm, nhưng trưởng thành trở nên người hữu dụng, có nhân cách sáng ngời. Ngược lại, không ít người sinh ra bởi “ hổ” chính diện, con nhà tông của đấng anh hùng, bậc danh giá, lớn lên danh phận bọt bèo mang tiếng đốt sách của ông cha.
Nho giáo, phật giáo và khoa học có những tương giao, hội tụ, nhận thức chung và điều đó khó có được, thấy được nếu nương theo góc nhìn cố chấp, giản đơn, định kiến nhằm lý giải chủ quan số phận con người.
Ví như cổ xưa có câu “ tận nhân lực, tri thiên mệnh”, khá thâm thúy: làm hết sức mình mới biết mệnh mình đến đâu. Con người có số mệnh phúc phận nhưng không hề an bài sẵn như cách hiểu mê tín, nỗ lực cá nhân mới mang tính quyết định.
Như vậy, hổ phụ chưa chắc sinh hổ tử!
Bạn thấy sao?
Mới biết người xưa thâm thúy lắm, chữ nghĩa cao sâu vô cùng...
Nguyễn Thành Công