THÁNG BẢY VÀ LỄ CÚNG CÔ HỒN
Thích Chúc Xuân
Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt,
Toát hơi may lạnh buốt xương khô
Não người thay buổi chiều thu,
Ngàn lau nhuốm bạc lá ngô rụng vàng... (Nguyễn Du)
Tháng 7 AL có những gì mà cụ Nguyễn Du đã làm bài văn tế như thế? Đó là khi thời tiết trở vào Thu, mang theo những trận mưa Ngâu dai dẵng, ngọn heo may như cắt ruột cắt gan làm cho chúng ta liên tưởng đến nỗi thống khổ của những Âm hồn không người phụng tự. Và cũng chính là lý do đó mà sau 3 tháng An Cư Kiết Hạ(1) của chư Tăng Ni là đến tháng bảy, Mùa VU LAN (ULLAMBANA) còn được coi là Mùa xá tội VONG NHÂN, mùa Báo Hiếu bên cạnh các Lễ Tự Tứ(2), tụng kinh Cầu siêu để cầu nguyện cho Ông Bà, Cha Mẹ hiện tiền được an lạc, Ông Bà Cửu Huyền Thất Tổ(3), Cha Mẹ quá vãng, Lục thân quyến thuộc(4) được siêu sanh tịnh độ, ngoài ra còn có lễ cúng dường Trai Tăng(5), lễ cài Hoa hồng… Các Chùa còn cúng Thí Thực để cấp dưỡng, an ủi và cầu siêu thoát cho các oan hồn uổng tử không Người cúng quẩy thường niên. Ấy là những người chết mà không siêu thoát, chết mà vẫn nuối tiếc cái gì, chết mà không nhắm mắt, vì còn ân hận. ấy là những người trước đây lăm le thay đổi non sông nhưng gặp phải vận cùng thế khuất; ấy là những kẻ lâu đài phượng các không còn ai bát nước nén nhang; ấy là những kẻ vào sông ra bể, đem thân chôn lấp vào lòng vào chiếu xác một manh; ấy là những đứa trẻ lỗi giờ sinh phải lìa mẹ lìa cha từ tấm bé, không có ai bồng ai bế…
Thương thay thập loại chúng sinh(6)
Hồn đơn phách chiếc linh đinh quê người.
Hương lửa đã không nơi nương tựa,
Hồn mồ côi lần lữa đêm đen…(Nguyễn Du)
Vậy Lễ cúng Thí thực cô hồn có từ khi nào, tập tục và cúng như thế nào?
1.Nguyên nhân có Lễ cúng Cô Hồn
Lễ cúng Cô hồn hay còn gọi “Lễ cúng thí thực âm linh”, mở rộng hơn còn có tên gọi “Trai Đàn Chẩn Tế”, khác với lễ Vu Lan dù được cử hành trong cùng Ngày Rằm hoặc trong tháng bảy âm lịch. Lễ Vu Lan bao trùm rộng lớn hơn: là để cầu siêu cho Ông Bà Cha Mẹ, thân bằng quyến thuộc nhiều đời, nhiều kiếp được siêu thoát, Lễ cúng Cô hồn là để bố thí thức ăn cho những vong hồn chưa được siêu thoát, không nơi nương tựa, không người cúng quẩy.
Theo kinh “Phật thuyết cứu bạt diệm khẩu đà la ni chú”, sách “Thí ngạ quỷ ẩm thực cập thủy pháp”, “ Du già tập yếu cứu A Nan đà la ni diệm khẩu quỷ nghi kinh” và “Du già tập yếu diệm khẩu thí thực nghi” có viết rằng: Một hôm nọ, ngài A Nan đang nhập thiền định thì một vị ngạ quỷ miệng lửa (Diệm Khẩu), cũng gọi là quỷ mặt cháy (Diện Nhiên) thân thể khô gầy, cổ nhỏ mà dài, miệng nhả ra lửa xuất hiện và nói với ngài A Nan rằng: Trong ba ngày nữa Ngài sẽ chết, nếu muốn vượt qua khổ nạn này thì nên đem thức ăn, nước uống nhiều bằng số cát sông Hằng để bố thí cho các loài ngạ quỷ đang đói khổ, lại vì chúng tôi mà Cúng dường Tam Bảo thì ông sẽ được tăng thọ mà chúng tôi đây cũng sẽ được sanh về cõi thiên. Xuất thiền, Ngài A Nan vô cùng lo âu, tự nghĩ rằng mình thân xuất gia, cắt ái từ thân ngày ngày đi khất thực của đàn na tín thí, làm sao có đủ phẩm vật để cứu vớt chúng Ngạ quỷ được đây. Ngài trình lên đức Phật. Đức Phật khuyên ngài A Nan chớ có lo sợ và dạy rằng: “Trong một kiếp về quá khứ, đức Phật sinh ra trong một gia đình Bà La Môn, và đã được học hỏi pháp bí yếu chân ngôn Đà la Ni có tên là “Biến Thực Biến Thủy chân ngôn”. Pháp này có thể trì tụng, thân khẩu ý thanh tịnh, biến một thành mười, mười thành trăm vạn ngàn ức, nhiều bằng số cát sông Hằng để có thể cứu giúp các loài Ngạ quỷ đang đói khổ.”. Và đức Phật đã truyền lại cho ngài A Nan để cứu khổ Ngạ quỷ. Từ đó về sau, mỗi lần thọ trai, các đệ tử của Phật thường sớt phần ăn của mình lại để bố thí chúng sanh và ngạ quỷ. Mãi về sau, chư Tổ sắp xếp lại theo thứ lớp: cúng Phật, cúng Tổ, thí thực ngạ quỷ cô hồn trước khi chư Tăng thọ trai. Tại chùa, cúng thí thực cô hồn là một phần không thể thiếu trong hành trì thiết yếu hằng ngày vào thời công phu chiều thường tụng là “Mông Sơn Thí Thực” (7).
Trong phần mở đầu của Mông Sơn Thí Thực có đoạn:
Mãnh hỏa diệm diệm chiếu thiết thành
Thiết thành lý diệm nhiệt cô hồn
Cô hồn nhược yếu sinh Tịnh độ
Thính tụng Hoa Nghiêm bán kệ Kinh:
Nhược nhơn dục liễu tri
Tam thế nhất thiết Phật
Ứng quán pháp giới tánh
Nhất thiết duy tâm tạo
(Dịch Nghĩa: Lửa dữ thiêu đốt thành địa ngục, khi thành địa ngục bị thiêu đốt thì sẽ nung cháy cô hồn trong đó. Cô hồn nếu muốn thoát khỏi điạ ngục để cầu sinh về cõi Tịnh độ thì hãy trì tụng bài kệ trong Kinh Hoa Nghiêm: Người nào muốn liễu tri được tất cả chư Phật trong ba đời thì nên quán chiếu rằng trong pháp giới tánh tất cả vạn hữu đều từ tâm mà sinh).
Vì tục cúng cô Hồn bắt nguồn từ Ngài A Nan nên cúng cô Hồn còn gọi là Phóng diệm khẩu, tức là cúng để bố thí và cầu nguyện cho loài quỷ đói miệng lửa, nhưng dân gian thì hiểu rộng ra và trại đi thành cúng cô hồn, tức là cúng thí cho những vong hồn vật vờ không nơi nương tựa, không có ai là thân nhân trên trần gian cúng bái, cho nên còn nói cúng cô hồn là Phóng diệm khẩu. Có khi còn nói tắt thành Diệm khẩu (quỷ miệng lửa), về sau lại được hiểu rộng thêm thành “tha tội cho tất cả những người chết”. Vì vậy, ngày nay mới có câu: “Tháng bảy ngày Rằm xá tội vong nhân”.
Theo truyền sử Trung quốc để lại thì:
a. Thượng Nguyên Thắng Hội (Rằm tháng Giêng) là ngày Vua Nghiêu thay Trời ban phước lành cho nhân sanh gọi là: Thiên Quan Tứ Phước.
b. Trung Nguyên Thắng Hội (Rằm tháng Bảy) là ngày Vua Thuấn thay Trời xá tội cho các vong hồn nơi Ðịa phủ gọi là: Ðịa Quan xá tội.
c. Hạ Nguyên Thắng Hội (Rằm tháng Mười) là ngày Vua Hạ Võ thay Trời giải bớt tai ách cho nhân sanh gọi là: Thủy Quan Giải ách.
Trước hết, căn cứ trên niên lịch thì mỗi năm có Tam Nguyên Tứ Quý là :
THƯỢNG NGUYÊN: Rằm tháng Giêng; TRUNG NGUYÊN: Rằm tháng Bảy; HẠ NGUYÊN: Rằm tháng Mười và 4 mùa là : Xuân, Hạ, Thu, Ðông.
Trong đó, Rằm Trung Nguyên ở khoảng giữa năm, vượt qua tiết Hạ chí cực dương nóng bức để đi lần vào khí âm nhu mát mẻ đến Ðông chí cực lạnh. Trước khi thời tiết giao hòa như vậy, là thời kỳ thuận lợi cho mọi sự tiếp xúc triển khai hoạt động, cả về sinh hoạt đồng áng cũng như sinh hoạt tinh thần, như giao cảm với tinh thần vũ trụ hay với các linh hồn ngoài thế giới v.v... Ðó là truyền thống tín ngưỡng từ xưa của đồng bào ta theo quan niệm phong hòa võ thuận, rất phù hợp với mọi cuộc sinh hoạt cả hai mặt tâm linh cũng như vật chất. Hơn nữa, dựa trên ý niệm Tam Nguyên, Tứ quý nói trên thì ngày Rằm tháng Bảy còn được gọi là Trung Nguyên Ðịa Quan xá tội.
Bởi vì, theo sử liệu thì Ðịa Quan Xá Tội là từ ngữ tôn vinh một Ðấng Thánh Quân đại hiếu thời Thượng cổ là Vua Thuấn mà ngày Rằm tháng Bảy là ngày đản sinh của Ngài. Ðặc biệt nhất là lòng chí hiếu với Cha Mẹ của Vua Thuấn đã cảm động đến lòng Trời. Về sau, vì cảm kích lòng hiếu hạnh quá lớn lao ấy mà sử sách mới tôn vinh Vua Thuấn là “Ðịa Quan Xá Tội”. Ấy là hàm ý vọng cầu nơi Ngài dùng cái đức cao cả sánh cùng Trời Ðất đó, hiệp sức với hiếu thảo của chứng nhân cùng phát huy nguyện lực cứu rỗi tiên linh quá vãng còn đương đọa lạc trầm luân, chóng được siêu thăng tịnh độ.
Lễ cúng Cô hồn được truyền từ Ấn Độ vào Trung Hoa vào thời Đường và được truyền sang nước Việt Nam khoảng năm 1302, sau đó lễ này rất thịnh hành vào thời đại Phật Giáo nhà Trần qua việc tổ chức các trai đàn chẩn tế, gọi là “Diệm Khẩu Phổ Thí Pháp Hội” có nghĩa là những đại hội về Phật Pháp để bố thí thức ăn cho loài quỷ đói. Phép này được thực hành trên căn bản một tác phẩm tên là “Thí Chư Ngạ Quỷ Ẩm Thực Cập Thủy Pháp” do Bất Không tam tạng dịch vào thế kỷ thứ tám, đời Ðường. Từ bộ Kinh trên nghi thức Chẩn Tế được hình thành. Đến đời Tống thêm vào các Pháp của [Minh Đạo Vô Giá Đại Trai] và các nghi quỹ hành trì Đông Mật nhập vào nghi thức Chẩn Tế, pháp Quán Tưởng của Thiên Đài Tông vào Thần Chú trong khoa Diệm Khẩu. Thời Nguyên, Mật Giáo Tây Tạng thịnh hành cho nên tính chất Mật Giáo càng thể hiện rõ nét hơn nhất là sự ảnh hưởng của Thủ Ấn, Phật Vũ, Đàn Thành của Tây Tạng. Trãi qua hơn 500 năm tu chỉnh cho đến đời Nhà Minh Phật Giáo Trung Quốc mới tập thành nghi thức thí thực gồm các bản như: Du Già Diệm Khẩu Thí Thực Khoa Nghi; Tu Tập Du Dà Tập Yếu Thí Thực Đàn Nghi của ngài Thiên Cơ. Du Già Tập Yếu Thí Thực Nghi Quỹ của ngài Liên Trì Đại Sư. Thời Thanh niên hiệu Khang Hy thứ 32 (1639) ngài Đức Cơ hiệu đính tập thành bộ Du Già Diệm Khẩu Thí Thực Tập Yếu, bộ Du Già Thí Thực Nghi Quán của ngài Phước Tụ, bộ Du Già Diệm Khẩu Chú Tập Soạn Yếu Nghi Quỹ.v.v…Nghi thức Đàn Tràng Chẩn Tế của Phật Giáo Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc, Phật Giáo Việt Nam ngày nay đều sử dụng khoa Du Dà Diệm Khẩu của Trung Quốc.
Theo sử, Vua Quang Trung đại phá quân Thanh năm Kỷ Dậu (1789) đã hạ chiếu làm lễ tưởng niệm các chiến sĩ hữu công và tiến cúng Cô hồn, kể cả mấy vạn quân Thanh đã thành ra oan hồn uổng tử. Vua Gia Long sau khi thống nhất sơn hà cũng thiết đàn tràng siêu độ cho quan quân tử sĩ và những oan hồn vì chiến cuộc do ông Nguyễn Văn Thành giữ chức Tổng Trấn Bắc Thành soạn bài văn tế Tướng Sĩ Trận Vong bằng quốc âm là một áng văn kiệt tác trong nền quốc văn cận đại (1802).
Cuộc hưng binh chống Pháp đền nợ non sông của vua Hàm Nghi, ông Tôn Thất Thuyết và quân chủ chiến có chính nghĩa, nên được nhiều nhân sĩ khắp nơi hưởng ứng. Thường những cuộc chiến chinh đương nhiên phải đổ máu, phần đông là lương dân lúc bấy giờ nghe tiếng súng ì ầm với việc động binh là mạnh ai nấy chạy không cần biết đường lối nào cả, nhất là khi quân Pháp vào hoàng thành càn quét thanh toán, lại gây ra chuyện tổn thương nhân mạng không sao kể xiết! Từ đó về sau, nhân dân Thừa Thiên - Huế có tập tục cúng Cô Hồn Tử Sĩ, kỷ niệm ngày “Kinh Thành Thất Trận Ất Dậu Niên Gian” (ngày 23/5 năm Ất Dậu (05/7/1885).
Bộ Lễ của nhà Nguyễn cũng có phần tế Cô hồn vào tiết tháng 7 mà những áng văn của các danh nhân biên soạn như Phan Huy Ích nguyên là sứ thần của Tây Sơn sang thăm xã giao, đã xướng họa thi văn với vua Càn Long được Thanh triều trọng vọng. Lúc về nước ông được gia phong Thượng Đại Phu Thị Trung Ngự Sử, hay cụ Nguyễn Du, tác giả tập “Đoạn Trường Tân Thanh” còn lưu lại “Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh” bằng chữ Nôm, được tìm thấy ở Chùa Hưng Phúc, xã Xuân Lôi, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh, sau này được in trong quyển “Ứng Phó Dư Biên Tổng Tập”. Cụ Lê Thước cũng tìm được một bản nôm khác của soạn giả Nguyễn Tiên Điền ở Chùa Diệc miền bắc Nghệ An, cụ phiên âm sang quốc ngữ và ấn hành vào năm 1924. Năm 1926 Trần Trung Viên cho in vào tập I, trong Văn Đàn Bảo Giám và năm 1927 lại xuất hiện trên Nam Phong Tạp Chí số 178, Tạp Chí Văn Học số 2 năm 1977 cũng đăng lại bản hiệu đính của cụ Hoàng Xuân Hãn với 8 câu đầu:
“Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt
Gió heo may lạnh buốt xương khô
Não người thay bấy chiều thu
Ngàn lau nhuốm bạc lá ngô rụng vàng.
Đường bạch dương, bóng chiều mang mác,
Ngọn đường lê lác đác mưa sa,
Làng nào lòng chẳng thiết tha,
Cõi dương còn thế, nữa là cõi âm!”
Theo quan niệm từ xưa của dân tộc ta thì người chết có hai dạng: chết bình thường và chết không bình thường. Chết bình thường là chết vì tuổi già, vì bệnh. Chết không bình thường là chết do các loại tai nạn, gươm giáo, tên đạn gây ra ; dạng chết thứ hai gọi là “bất đắc kỳ tử”. Cũng theo quan niệm xưa những người chết “bất đắc kỳ tử” phải trở thành cô hồn là khi chết không được chôn cất hoặc chôn cất nhưng không có thân nhân biết và bảo quản mộ phần, không người thờ cúng. Số linh hồn này xuống âm phủ thì bị giữ lại chốn địa ngục, không được xét cho đầu thai, cùng chịu chung cảnh giam cầm tội nghiệp.
Những nấm mồ đây nấm mộ kia!
Đường đời trăm cảnh nẻo sầu chia
Những ai còn sống buồn chăng nhẽ?
Cốt nhục vì đâu phải cách lìa.
Trước đây từ phố thị đến thôn trang, đâu đâu cũng thấy có “Đàn âm linh” hay “Am chúng sinh”, nơi tương đối hoang vu tịch mịch hoặc tại các vùng mộ địa tha ma, với tập tục hằng năm nhân dân địa phương chọn ngày thuận tiện để cùng nhau dọn dẹp cỏ dại cho những mồ vô chủ và tiến cúng âm hồn. Sau phần cúng vái thì bánh quà, phẩm vật... dành cho người nghèo khó neo đơn, hay các trẻ em được tự do chung hưởng. Với lòng nhân ái vốn là bản sắc dân tộc, người còn sống trên trần thế nhân ngày này sắm sửa tế phẩm để tưởng niệm chung như một ngày giỗ hội những linh hồn đau khổ, không được thờ phụng, không cõi đi, về.
Lễ cúng Cô hồn: chính là sự mở cửa để hoà nhập vào với cõi âm, là nỗi lòng thương xót, đồng cảm, không phân biệt sang hèn… của cõi dương đối với cả thế giới của những vong hồn, những vong hồn vất vưởng, rơi rụng phất phưởng khắp mọi chốn, mọi nơi, lớp nọ chồng lên lớp kia, đời đời, kiếp kiếp…
Trong Lễ Rằm Tháng Bảy Gồm có các Lễ sau:
· Lễ Cúng Phật Cầu Cho Cửu Huyền Thất Tổ gia đình mình Siêu Sinh
· Lễ Cúng Thí Thực Chẩn Tế Cô Hồn , Ngạ Quỷ , Vong Nhân
· Lễ Hóa Vàng Cúng Dường cho các Chơn Linh dòng Họ
Ngoài ra cúng Cô Hồn còn có các tập tục như:
a. Tục cúng cháo:
Tết Trung Nguyên hay ngày Xá Tội Vong Nhân hay lễ Cúng Cô Hồn là ngày bố thí cho những vong hồn không ai thờ cúng. Xưa, tại các cầu quán, đình chùa, đều có tổ chức “cúng cháo” để cúng các Cô hồn không ai cúng giỗ. Các tư gia, ngoài lễ cúng Thổ Công, cúng gia tiên cũng có cúng cháo cho các Cô hồn. Họ bày cúng ở trước cửa nhà. Ðồ lễ đặt trên một cái mâm thường gồm có cháo, những nắm cơm nhỏ, hoa quả, bánh, trầu cau, xôi chè cùng với đồ mã, vàng hương. Mọi người tin rằng các Cô hồn những cô nhi yểu vong, những người chết đường chết chợ, những người chết không ai biết, không ai cúng giỗ sẽ đến hưởng trong ngày “xá tội vong nhân” này.
Lễ cúng tại đình, chùa, cầu, quán, tổ chức có quy mô hơn. Ở những nơi này đồ mã cùng trái cây và đồ lễ cũng nhiều hơn. Ngoài ra còn có một nồi cháo lớn. Khi cúng lễ xong những người nghèo đem chén, bát tới xin cháo, các mục đồng và trẻ con xô nhau vào cướp những hoa quả, bánh trái, tục gọi là cướp cháo. Những vàng mã được đem hoá và có khi có tụng kinh để cầu siêu độ cho những vong hồn vô thừa tự.
b. Tục đốt vàng mã:
Tục đốt vàng mã từ bên Trung Hoa truyền sang ta. Nguyên đời xưa dùng đồ bạch ngọc để cúng tế. Ðời sau, vì bạch ngọc đắt và hiếm, người ta dùng tiền để thế cho bạch ngọc. Những tiền này cúng xong đều bỏ đi rất phí tổn. Trước sự phí phạm này vua Huyền Tôn nhà Ðường ra lệnh dùng tiền giấy thay cho tiền thật. Những thoi vàng, thoi bạc giấy được cúng thay cho vàng bạc thật, những hình đồng tiền vẽ trên giấy được cúng thay cho tiền quan.
Ðến đời vua Ðường Thế Tôn, quan Từ tế sứ, lo việc tế tự là Vương Dữ, đã cho cúng toàn tiền giấy rồi đốt đi. Về sau, từ đời Ngũ Ðại, có thêm tục cúng quần áo, mũ và đồ dùng bằng giấy. Ta theo ảnh hưởng đó, cũng có tục đốt vàng mã
Ai cũng nghĩ rằng có cô hồn vất vưởng nên cần các thức ăn, đồ mặc, tiền bạc để chi tiêu... tạo ra tập tục đốt vàng mã, áo giấy tốn kém khá nhiều. thay vì chi tiền mua vàng mã cúng đốt vu vơ, ta nên mua ít vải vóc, gạo bánh hay vật dụng cần thiết giúp đỡ cho người nghèo với dụng ý là cầu “âm dương đều lợi lạc”.
Nhân thấy sự khổ đau cùng tột của loài ngạ quỷ, Ðức Phật với tâm từ bi vô tận đã thuyết ra nhiều pháp môn phương tiện để cứu độ. Một trong các pháp môn phương tiện để cứu độ loài ngạ quỷ đó là pháp Chẩn tế cô hồn, hay còn gọi Bạt độ âm linh. Trong pháp nghi này, Ðức Phật đã thuyết ra rất nhiều chơn ngôn thần chú, như Phổ triệu thỉnh chơn ngôn, Tịnh nghiệp chướng chơn ngôn, Phá địa ngục chơn ngôn, Khai yết hầu chơn ngôn, Biến thực chơn ngôn, Biến thủy chơn ngôn...
Việc thiết cúng Mông Sơn hay Chẩn tế cô hồn, Giải oan bạt độ hay Thuỷ lục âm linh, đều là hậu ý bày tỏ chân tình với người đã khuất bóng, mịt mờ mênh mang, tiền đồ bất định vất vưỡng đâu đây. Tại trai đàn, chúng ngạ quỷ sẽ nương vào thần lực cứu độ của chư Phật, vào oai lực của thần chú và sức gia trì chú nguyện của chư Kinh sư, sẽ được ăn uống no đủ. Sau đó, vị Sám chủ sẽ thay Phật vì họ tuyên dương Chánh pháp, chỉ cho họ thấy được đâu là nẻo chánh đường tà, khiến họ dứt trừ được tâm tham lam bỏn sẻn, hồi tâm hướng thiện một lòng sám hối, được vĩnh viễn thoát hẳn các sự khổ não của cảnh giới ngạ quỷ. Ðấy chính là tác dụng và mục đích của pháp Chẩn tế cô hồn, mà trong các chùa, sau khi kết thúc bất kỳ một pháp sự nào, đều có tổ chức nghi cúng Cô hồn này.
Trong các lễ cúng thí Cô hồn, Trai đàn Chẩn tế được tổ chức quy mô nhất. Nó bao hàm cả hai khía cạnh văn chương và triết lý, gần như tất cả tinh hoa của tư tưởng và văn học Phật Giáo Đại thừa Mật Tông được gói trọn vào đây.
Pháp chẩn tế cô hồn đối với loài ngạ quỷ mà nói, cũng giống như một cách phát chẩn không hạn chế. Nghĩa là với lòng từ bi nghĩ đến loài chúng sanh đói khổ, chúng ta thỉnh cầu chư Tăng tổ chức pháp chẩn tế cô hồn, trượng thừa vào oai lực Tam bảo triệu thỉnh chư vị ngạ quỷ trong mười phương pháp giới đến trai đàn, để bố thí tài thực và pháp thực cho họ. Với ý nghĩa đó, pháp chẩn tế cô hồn còn gọi là pháp cúng thí thực. Về hình thức, trai đàn nầy dựa trên nền tảng của triết học Mật giáo. Tức bố trí theo một hình thức đơn giản của mạn đà la (mandala). Đó là một vòng tròn, được tượng trưng như một đóa hoa sen nở trọn, và vòng tròn nầy là căn bản vũ trụ luận của Mật Giáo. Thông thường có hai bộ mạn đà la. Kim Cang giới mạn đà la (Vajradhàtu-mandala) biểu tượng cho trí huệ sở chứng của Phật. Thai tạng giới mạn đà la (garbhadhàtu-mandala) biểu tượng cho phương tiện độ sanh của Ngài. Mỗi mạn đà la đều dựa trên một số chủ điểm tư tưởng của Đại thừa giáo. Chủ điểm đáng ghi nhớ nhất, đại lược như sau:
Trước hết, chúng ta nên biết rằng theo quan điểm truyền thống Phật giáo, vũ trụ gồm hai thành phần. Một đằng là nhân cách, tức lấy con người hay các loài hữu tình làm bản vị, mà trên hết, lấy nhân cách của Phật làm biểu hiệu cho bản thể tuyệt đối. Đằng khác nữa, là thế giới của nhân cách, là những pháp sở chứng và thọ dụng bất khả tư nghị của Phật. Nhân cách có năm yếu tố, gọi là năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Chúng tập họp lại thành một bản ngã giả tưởng nên được gọi là uẩn. Thế giới của nhân cách được cấu tạo bởi năm yếu tố, gọi là năm đại: địa, thủy, hỏa, phong và không.
Trên cơ sở giáo nghĩa nầy, trước hết mạn đà la của Kim cang giới được thiết lập để biểu hiện trí huệ sở chứng của Phật. Kim cang là loại chất rắn không bị bất cứ gì hủy hoại được. Do đó kim cang được vận dụng như một khái niệm cụ thể hóa yếu tính tồn tại của Phật thân, gọi là kim cang bất hoại thân (vajrasauhatanakàya). Thân ấy, cũng như thân của tất cả mọi loài chúng sinh, đều do năm uẩn và năm đại cấu thành. Nhưng tồn tại của Phật thân không khác biệt với hoạt dụng của Phật trí. Do đó, năm đại tương ứng với năm trí. Và nhân cách của Phật, như là chỉnh thể thống nhất của tồn tại và nhận thức, được biểu hiện thành năm đức Như Lai tương ứng, tức Ngũ Trí Như Lai, hay năm vị Thiền Phật.
Đời nhà Tống, Cam lồ Pháp Sư lập một trai đàn cúng thí thực trên đỉnh núi Mông thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Phần khoa nghi dựa theo kinh chú Phật thuyết và lời cầu nguyện tóm lược như sau:
1. Trình bày tất cả do tâm tạo qua bài kệ Hoa nghiêm: Nhược nhơn dục liễu tri, tam thế nhất thiết Phật, ưng quán pháp giới tánh, nhất thiết duy tâm tạo.
2. Nguyện xa lìa cảnh ác thú bằng cách tập trung tư tưởng phá tan mọi phiền não, sám hối tội lỗi, giải sạch oan khiên qua thần chú: Phá Địa ngục chân ngôn, phổ triệu thỉnh chơn ngôn, giải oan kết chân ngôn….
3. Cung thỉnh mười phương Tam Bảo, Đức Thích Ca, Đức Quán Âm, Đức Địa Tạng, và ngài A Nan giáng lâm đàn tràng chứng minh.
4. Hướng dẫn chúng sanh quy y Tam Bảo.
5. Sám hối nghiệp chướng: Tất cả chúng sanh hữu tình và vô tình, bao gồm cả người cúng và người được cúng phải thành tâm sám hối mới có lợi lạc.
6. Phát đại nguyện: thề cứu độ hết chúng sanh, thề phá hết phiền não, nguyện học các pháp môn tu tập, thề nguyện thành Phật đạo.
7. Diệt tội: Thành tâm sám hối, phát đại nguyện và hành giả tụng các thần chú mới có linh cảm như chú Diệt Định nghiệp chơn ngôn của Ngài Địa Tạng, Diệt bất định nghiệp chơn ngôn của Ngài Quán Âm.
8. Tuyên thuyết định giới: Thần chú khai yết hầu chơn ngôn và Tam Muội gia giới chơn ngôn để chúng sanh diệt trừ chướng ngại, mở rộng yết hầu thọ hưởng pháp thực, thọ xong giữ giới để thoát phiền não nghiệp chướng.
9. Biến thức ăn thành pháp vị: Biến thực chơn ngôn, biến thủy chơn ngôn, nhất tự thủy chơn ngôn, nhũ hải chơn ngôn khiến cho chúng sanh ngạ quỷ thọ hưởng được sung mãn.
10. Kết nguyện: thần chú gia trì tịnh pháp thực, tất cả chúng sanh cô hồn đã no đủ, xả hết tâm tham lam mau thoát cảnh địa ngục u đồ, trì chú: “Vô giá thực chơn ngôn” phá tan sự ngăn ngại thánh phàm, tăng tục, bình đẳng thọ hưởng cam lồ pháp vị.
11. Hồi hướng: Cầu cho tất cả chúng sanh an lành, vãng sanh cực lạc.
Khoa nghi chẩn tế cô hồn có ba điểm: tâm thành, kinh chú và thân khẩu ý thanh tịnh. Chú trọng đến siêu độ cho các âm linh oan hồn uổng tử, chết bất đắc kỳ tử, bất định nghiệp, chiến sĩ trận vong không nơi nương tựa. Không những cung tiến thức ăn nước uống mà còn gia trì Pháp sự, thực hành mật tông, cầu nguyện âm linh thoát khỏi cảnh khổ, nghiệp ác của cõi ngạ quỷ được tiêu trừ. Một khoa nghi rất nhiều lợi lạc nhưng rất khó hành trì, vì đòi hỏi sự tinh thông cả hai mặt kinh điển và mật điển.
Mật điển của khoa Du Già chẩn tế cô hồn là Tam Mật đồng tu:
- Thân kết ấn: thì thân nghiệp thanh tịnh không tạo các tội ác.
- Miệng niệm thần chú: thì khẩu nghiệp thanh tịnh, không nói các lời ác.
- Ý quán tưởng: thì ý nghiệp thanh tịnh không nghĩ các điều ác.
Khi cả thân khẩu ý đều thanh tịnh thì gọi là Tam mật tương ưng, hòa nhập vào cảnh giới của chư Phật, chư Bồ Tát. Chư Kinh sư trong trai đàn thành tâm cầu nguyện mười phương Chư Phật gia hộ, tam nghiệp thanh tịnh, phát khởi tam tâm: từ bi, hỷ xả và bình đẳng để độ thoát chúng sanh trong cõi địa ngục ngạ quỷ, súc sanh tam đồ ác đạo. Có thể nói đây là một pháp hành trì mà âm cảnh và dương gian đồng lợi lạc. Vì vậy vị chủ sám và chư vị kinh sư phải là những người hành trì và giới hạnh nghiêm minh, luôn thanh tịnh thân tâm, đủ sức thần giao cách cảm trong lời chú nguyện khiến thức ăn biến thành Pháp vị để chúng sanh trong các loài ngạ quỷ được thọ dụng và nhờ vào công đức lực cầu nguyện mà cô hồn được siêu sanh tịnh độ.
Luận bàn về việc tế tự người đã khuất, tưởng không nên nặng về “sự việc” tức là chuộng hình thức, rồi sinh ra tập tục cúng bái dị đoan mà chỉ xét về “ý nghĩa”, lấy tinh thần làm căn bản là hơn. Nói rộng ra, chẳng những người Phật tử thường tỏ lòng hiếu kính với nội ngoại tôn thân, nếu có thể được họ còn thể hiện hạnh từ ái, vị tha, giúp đỡ được chút gì cho các đồng hương, đồng loại là thiết thực.
Qua truyền thống Vu Lan, người Á Đông còn ghi ân các chiến sĩ trận vong, truy niệm đồng bào tử nạn, tiến cúng Thập Loại Cô Hồn như đã nói trên, tốt nhất là phần nguyện cầu để chuyển nghiệp cho nhau, do đó ta thấy phẩm vật tiến cúng Âm Linh rất đạm bạc, giản đơn, nói chung là không cần mỹ vị cao lương cho khó kiếm, mà chỉ dùng hương hoa trà quả, thêm xôi chè bánh mứt, ít cháo hoa, chén cơm trắng là đủ rồi
Như vậy Theo quan niệm Phật giáo: Trong dòng sanh tử bất tận, bản thân của mỗi chúng ta chắc chắn không nhiều thì ít đều có những người bà con quyến thuộc, khi sanh tiền chưa thấm nhuần Phật pháp, tạo nghiệp tham lam bỏn sẻn nên sau khi chết phải đọa vào ngạ quỷ. Họ vô cùng đói khát, ở vất vưởng nơi hang cùng ngõ hẻm, ngày đêm trông ngóng chúng ta tìm cách cứu độ. Với lòng thương tưởng đến người thân, chúng ta hãy vì họ thiết lễ chẩn tế cô hồn, để họ nương nhờ vào từ lực của Tam bảo mà sớm được giải thoát.
Hoặc như những thân bằng quyến thuộc của chúng ta, tuy đã chết nhưng không sanh vào cảnh giới ngạ quỷ, thì việc chẩn tế cô hồn cũng là thay họ làm các công đức cứu tế chẩn bần, nhờ công đức này họ cũng sẽ hưởng được sự lợi ích không lường.
Ngày nay tập tục cúng cô hồn này không chỉ trong tháng bảy mà ngày nào cũng cúng được từ đơn giản đến qui mô và biến thể từ hình thức đến nội dung, chuyển từ khuôn viên chùa ra ngoài dân gian và được lan rộng tổ chức tại các xí nghiệp và tại các công ty… theo truyền tụng rằng, ngày này cửa địa ngục rộng mở, ngạ quỷ được phóng thích, nên cúng tế chúng để được buôn may bán đắt, tai qua nạn khỏi. Ngày xưa cúng cháo hoa(8) và vàng mã cho cô hồn, canh ốc nhồi nấu với chuối xanh cho người sống; ngày nay giết gà, mổ bò, mổ heo làm cỗ linh đình gọi là cúng cô hồn nhưng thực là cúng cho người sống. Là Phật tử chúng ta không nên đi theo vết mòn xưa cũ, chỉ nên cúng chay theo truyền thống mà không nên giết hại súc vật và nên phát tâm bố thí đến những người nghèo khổ cùng là phóng sinh để báo hiếu cho cha mẹ ông bà quá vãng. Tại Việt Nam, bất cứ thời gian và không gian nào, khi trong tư gia có đám giỗ, ma chay đều có cúng thí thực cô hồn. Đơn giản thì một mâm nhỏ, 1 nồi cháo trắng gọi là cúng cô hồn, cúng kẻ khuất mặt mày, không nơi thờ tự, không người cúng tế để thể hiện lòng từ bi của đạo Phật.
Hiện nay ở các tự viện thường có bàn thờ đức Hộ Pháp Bồ Tát, ngụ ý là vọng bái các vị thiện thần, hàng phục tà ngụy, hộ trì chánh pháp lợi lạc sinh linh, đối diện với án thờ ngài Tiêu Diện Đại Sĩ, thống lĩnh chư âm linh cô hồn văn kinh thính pháp thọ cam lồ vị vào mỗi buổi chiều, là giờ ăn của ma quân ngạ quỷ, hay là sau những tiết lễ long trọng có phần Mông Sơn Thí Thực trước khi hoàn mãn, nhất là trong tiết Thu lá rụng mưa ngâu, mùa rét lạnh đến... người ta dễ chạnh lòng tưởng nhớ đến các cô hồn còn phảng phất bên chân trời góc biển mù khơi mà lập đàn tiến bạt cầu siêu, với chân tâm thành ý:
"Nguyện đem công đức này,
Hướng về khắp tất cả,
Người còn với kẻ khuất,
Đều trọn thành Phật Đạo."
Ghi chú:
(1) An cư kiết hạ: An cư kiết hạ là một thông lệ từ lâu của các đạo sĩ Ấn Độ khi tăng đoàn Phật giáo hãy còn chưa xuất hiện. Thời tiết Ấn Độ có vẻ khác hơn Việt Nam hay Trung Quốc cũng như các quốc gia khác: Từ tháng một đến tháng tư là mùa xuân, từ tháng chín đến tháng mười hai là mùa đông. Ấn Độ không có mùa thu. Một năm chia làm ba mùa rõ rệt như thế, nên các đạo sĩ qui định vào những tháng mưa gió nên an trú một nơi nhất định để bảo tồn sức khoẻ và tăng cường đạo lực.
Giáo đoàn Phật giáo hợp thức hoá thông lệ này bắt đầu từ Lục quần Tỳ kheo (sáu thầy tỳ kheo chuyên gia khai duyên cho Phật chế giới). Suốt mấy tháng mùa mưa, nhóm sáu thầy tỳ kheo này lang thang du hoá khắp nơi không kể gì mưa gió, đạp dẫm lên hoa cỏ mùa màng mới đâm chồi hay những loài côn trùng vừa sanh nở.
Cư sĩ chê trách hàng sa môn Thích tử thật quá đáng, các đạo sĩ khác vẫn có những tháng sống cố định, ngay đến loài cầm thú vẫn có mùa trú ẩn của nó, còn các vị hành đạo này thì luông tuồng không biết nghỉ chân vào mùa nào cả. Lúc ấy, đức Phật ở tại nước Xá Vệ, trong thành Cấp Cô Độc, biết được sự việc xảy ra liền ban hành quyết định cấm túc an cư cho toàn thể tăng đoàn trong các tháng đầu mùa mưa, tức từ mồng một trăng tròn của tháng A-sa-đà đến hết trăng tròn của tháng A-thấp-phược-đê-xà (Theo ngài Huyền Trang là nhằm 16 tháng 5 của Trung Quốc, sau vì muốn lấy ngày rằm tháng bảy Vu Lan làm ngày Tự tứ nên chọn ngày An cư là 16 tháng 4). Phật giáo Việt Nam cũng tuân theo nguyên tắc này nhưng thời gian có khác một chút. Nghĩa là thời tiết Việt Nam tuy thể hiện rõ rệt chỉ có hai mùa nắng và mùa mưa, nhưng vẫn qui định theo bốn mùa như Trung Quốc: xuân, hạ, thu, đông. Như vậy thời điểm để tu sĩ Phật giáo Việt Nam an cư là bắt đầu từ ngày rằm tháng 4 đến rằm tháng 7 (mùa hạ), đó gọi là tiền an cư. Hậu an cư là dành cho trường hợp đặc biệt, có duyên sự khẩn thiết thì có thể bắt đầu an cư từ 17 - 4 cho đến 17 - 5, và kết thúc dĩ nhiên cũng phải đủ 90 ngày như tiền an cư (cùng làm lễ Tự tứ, nhưng phải ở lại cho đủ số ngày. Riêng hệ phái Nguyên Thuỷ chọn thời điểm kiết hạ vào ngày rằm tháng 6 cho đến ngày rằm tháng 9. Tuỳ theo quốc độ, địa phương mà có những mùa an cư không hoàn toàn giống nhau, ở Việt Nam, một vài nơi còn có thêm kiết đông bắt đầu từ rằm tháng 9 đến rằm tháng 12 là dựa theo tinh thần của Luật Bồ Tát.
(2) Lễ tự tứ: Tự tứ là một thuật ngữ của Phật giáo. Tiếng Phạn là Pravaranà (Bát Thích Bà) cách dịch cũ là Tự tứ, cách dịch mới là Tùy ý. Buổi lễ nầy được diễn ra vào ngày cuối cùng của 3 tháng an cư kiết hạ, theo luật tiền an cư là ngày 16 tháng 7, hậu an cư là ngày 16 tháng 8, ngày đó mọi người tự nêu ra các tội lỗi mà mình đã phạm phải trước mặt các vị Tỳ kheo khác, và tự sám hối, nên gọi là Tự tứ. Còn gọi là Tùy ý, vì là tùy theo ý của người khác mà nêu ra các lỗi mình phạm phải, nên gọi là Tùy ý. ( Từ Điển Phật Học Hán Việt trang 1447 ). Đây là một buổi lễ mà chư Tăng Ni sau 3 tháng an cư kiết hạ, ai có lỗi lầm gì thì tự phát lồ sám hối trước đại chúng. Hoặc đại chúng thấy, nghe, hay nghi vị nào đó có phạm tội lỗi, thì có thể chỉ bảo cho vị đó sám hối. Bởi do sự thành thật chỉ lỗi cho nhau trong tinh thần hòa ái, tương kính, nên chư Phật trong mười phương thảy đều hoan hỷ. Do đó, nên ngày nầy còn gọi là ngày Phật hoan hỷ là như thế.
(3) Cửu huyền:Cao - Tằng - Tổ - Khảo - Kỷ - Tử - Tôn - Tằng - Huyền (Cao, tằng, tổ, cha, mình, con, cháu, chắt, chít). Như vậy, nếu lấy thế hệ mình làm chính thì tính ngược lên bốn đời và tính xuống bốn đời thành ra chín đời.
- Thất tổ Là bảy ông tổ. Tổ là Ông nội của đời mình; đi ngược lên sáu đời nữa gọi là thất tổ: Cao, tằng, tổ, cao cao, tằng tằng, tổ tổ, cao tổ.
Như vậy, chữ "cửu huyền" bao quát hơn chữ "thất tổ". Vì "thất tổ" chỉ cho các thế hệ đi trước, còn "cửu huyền" không những chỉ cho bốn thế hệ trước mà còn nhắc đến bốn thế hệ sau nữa. Chính vì vậy, nơi thờ phụng những vị quá vãng còn được gọi là "Nhà Thờ Cửu Huyền" (viết bằng tiếng Việt), thỉnh thoảng dùng bốn chữ "Cửu Huyền Thất Tổ" (viết bằng chữ Hán).
(4) Lục thân, quyến thuộc
- Lục thân: Cha Mẹ ruột, anh chị em ruột, chồng hoặc vợ, ông bà nội, ông bà ngoại, cha mẹ chồng hoặc vợ
- Kế Lục thân là Quyến thuộc, là những người bà con dòng họ bên nội và bên ngoại, bên vợ, bên chồng.
(5) Cúng dường trai tăng: là để tỏ lòng cung kính chư tăng, đồng thời tạo nhân tốt cho tương lai. Trong Phật giáo có dạy :
- Cúng dường 100 người xấu ác không bằng cúng dường 1 người tốt.
- Cúng dường 100 người tốt không bằng cúng dường 1 người giữ giới.
- Cúng dường 100 người giữ giới không bằng cúng dường 1 vị tăng.
(6) Thập loại cô hồn: Theo bộ Du Già Tập Yếu Diệm Khẩu Thí Thực Nghi do ngài Tam Tạng Bất Không Kim Cang (Amoghavajra) dịch từ Phạn sang Hán vào đời Đường thì Thập loại cô hồn gồm:
Theo dân gian:
1. Chết vì trận bại thương vong.
2. Chết vì tai nạn xe cộ giữa đường.
3. Chết trong lúc đi buôn bán phương xa.
4. Chết do tự tử: thắt cổ, nhảy xuống sông....
5. Chết do bị chìm tàu, chìm đò.
6. Chết cháy.
7. Chết do bị rắn cắn hay bị cọp vồ.
8. Chết trong tù.
9. Ăn mày chết dọc đường.
10. Đãng tử hay kỹ nữ chết phương xa. v.v....
(7) Ngài Bất Khinh Tam Tạng chuyên tu Mật Giáo ở Mông Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, quán biết các cô hồn đang vất vưởng, đòi hỏi những nhu cầu cần thiết, nên Ngài vận dụng pháp lực để cung ứng và siêu độ cho họ.
Việc cúng Mông Sơn thí thực tại chùa hay bạt độ chẩn tế cô hồn có thể khởi đầu từ đời nhà Tống tại Mông Sơn, Tứ Xuyên nên trong khoa nghi mệnh danh là "MÔNG SƠN THÍ THỰC"
(8) Cháo hoa: cháo nấu bằng hạt gạo nguyên, khi chín nhừ hạt gạo nở to ra, trông như bông hoa