Nội dung
I. Quan điểm Tam thân trong PG Đại thừa.
II. Quan điểm Tam thân trong Thiền tông.
Tam thân – Wikipedia tiếng Việt
Tam thân (三身; S: Trikāya): Đây là một thuật ngữ được dùng trong Phật giáo Bắc truyền, chỉ ra ba đặc điểm là ba loại thân của một vị Phật – Bậc giác ngộ. Quan niệm này xuất phát từ tư tưởng cho rằng Phật như là một nhân vật đã xuất hiện trên thế gian để hoằng hoá, tiếp độ chúng sinh, nên Phật có thể có nhiều hình tướng khác nhau chỉ vì lợi ích của chúng sinh. Đặc trưng đối với Phật Thích Ca, tam thân này như sau:
1) Pháp thân (法身; S: Dharmakāya; E: Truth body, Reality body) = Tự tính thân (自性身, tên gọi theo Pháp Tướng tông): Đây là thể tính thực mà Phật và chúng sinh đều có chung thể tính này. Pháp thân là nguyên lý, là quy luật, đó là chân lý Duyên khởi vận hành trong vũ trụ mà đức Phật Thích Ca đã chứng ngộ, với mục đích cứu độ con người.
Pháp thân là Phật pháp (佛法; S: Buddha-dharma), là Chân lý khách quan mà Phật Thích-ca đã giảng dạy trong thời còn tại thế. Pháp thân có nhiều tên gọi khác nhau, tuỳ trường hợp sử dụng như:
- Về bản chất:
+ Pháp giới (法界; S: Dharmadhātu, Dharmatā; E: Absolute Reality).
+ Chân như (真如; S: Tathatā, Bhūtatathatā; E: Suchness of Existents).
+ Như Lai tạng (如來藏; S: Tathāgata-garbha; E: Thus-gone Embryo).
- Về tính chất:
+ Không tính (空性; S: Śūnyatā; E: Emptiness, Thusness, …).
+ Phật tính (佛性; S: Buddhatā; E: Buddha-Nature).
Theo Duy Thức tông, Như Lai tạng còn được gọi là Vô Cấu thức (無垢識; S: Amala vijāna; E: Consciousness of Purity) hay Bạch Tịnh thức 白浄識, là thể chuyển hóa từ Tạng thức (藏識) = A-lại-da thức (阿賴耶識; S: Ālaya-vijñāna),
Đạt đến giác ngộ là đồng nghĩa với sự trực chứng được Pháp thân. Pháp thân về sau phát triển thêm hai thân nữa là Báo thân và Ứng thân như dưới đây.
2) Báo thân (報身; S: Saṃbhogakāya; E: Body of enjoyment) = Thọ dụng thân (受用身, tên gọi theo Pháp Tướng tông): Đây là thân do thiện nghiệp và sự giác ngộ của các Bồ-tát mà hoá hiện. Báo thân thường dùng nói đến thân Phật xuất hiện trong các Tịnh độ.
Báo thân thường được trình bày lúc Phật ngồi thiền định hay lúc giảng pháp, mang Ba mươi hai tướng tốt (三十二好相; S: Dvātriṃśadvara-lakṣaṇa) và tám mươi vẻ đẹp, và chỉ Bồ-tát mới thấy được trong giai đoạn cuối cùng của Thập địa Bồ-tát (十地菩薩; S: Daśabhūmi).
Báo thân của đức Phật Thích Ca là diện mạo 32 tướng tốt hiển hiện lúc sinh thời.
Theo Duy Thức tông, Báo thân được gọi là Thọ dụng thân 受用身, là "thân của sự thụ hưởng công đức").
3) Ứng thân (應身; S: Nirmāṇakāya; E: The physical manifestation of a buddha in time and space), cũng còn gọi là Ứng hoá thân, Hoá thân, Sanh thân hoặc Biến Hóa thân (變化身, tên gọi theo Duy Thức tông), là thân Phật và Bồ Tát diệu hiện theo căn cơ của chúng sanh trên Trái Đất.
Ứng thân do Báo thân chiếu hiện, dựa trên lòng Từ Bi có mục đích giáo hoá chúng sinh. Ứng thân chịu mọi đau đớn của già bệnh chết như thân người, nhưng Ứng thân có các thần thông như thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông… Sau khi chết, Ứng thân tự tiêu hoại.
Tam thân của Phật nói trên được Vô Trước (S: Asaṅga) trình bày rõ, xuất phát từ quan điểm của Đại Chúng bộ (大衆部; S: Mahāsāṅghika) và về sau được Phật giáo Bắc truyền tiếp nhận.
Đáng chú ý nhất là quan điểm Pháp thân nhấn mạnh đến thể tính tuyệt đối của một vị Phật và không chú trọng lắm đến Ứng thân của vị Phật lịch sử. Như thế, Phật có ý nghĩa là thể tính, là chân lý thường hằng của toàn vũ trụ. Các vị Phật xuất hiện trên trái đất hàm chứa hiện thân của Pháp thân, với lòng từ bi vì lợi ích của tất cả chúng sinh.
Tại Chánh Điện Chùa Trúc Lâm, thành phố Huế, có câu đối rằng:
“Trong hương kết mây lành Ba Thân lộ rõ / Hoa nở trình tướng báu Mười Hiệu hùng tôn * Hương lí kết tường vân Tam Thân viên hiển / Hoa khai trình diệu tướng Thập Hiệu hùng tôn * 香裡結祥雲三身圓顯 / 花開呈妙相十號雄尊.”
II. Quan điểm Tam thân trong Thiền tông.
Đối với Thiền tông thì Tam thân Phật là ba cấp của Chân lý, nhưng liên hệ lẫn nhau trong một thể thống nhất.
1) Pháp thân: Là nguyên lý của vũ trụ, nói lên tự tính (= Duyên khởi tính) phát sinh tất cả, từ loài hữu tình đến vô tình. Pháp thân đó biểu hiện đặc trưng là Đại Nhật Như Lai (大日如来; S: Vairocana).
2) Báo thân: Là trạng thái tâm hỉ lạc của hành giả khi đạt Giác ngộ, Kiến tính, ngộ được tâm chư Phật và tâm mình là một (= nhận thức).
3) Ứng thân: Là thân Phật hoá thành thân người, là Phật Thích-ca Mâu-ni.
Mối liên hệ của Tam thân Phật theo quan điểm Thiền tông được thí dụ như sau: Nếu xem Pháp thân là toàn bộ kiến thức y học, thì Báo thân là chương trình học tập của một y sĩ và Ứng thân là y sĩ đó áp dụng kiến thức y học mà chữa bệnh cho người.
Trong Thiếu Thất Lục Môn (少室六門, Taishō No. 2009) có giải thích về Tam thân rằng:
“Phật có ba thân là Ứng thân, Báo thân, và Pháp thân; nếu chúng sanh thường tạo căn lành, tức Ứng thân hiện; nếu tu trí tuệ tức Báo thân hiện; hiểu rõ Vô Vi (= chân lý) tức Pháp thân hiện; thân bay cùng khắp mười phương, tùy nghi cứu độ là Ứng thân Phật; thân đoạn trừ các hoặc, tu thiện và thành đạo ở Tuyết Sơn là Báo thân Phật; thân không nói lời nào, không thuyết lời nào, vắng lặng thường trú là Pháp thân Phật
* Phật hữu Tam thân giả, Ứng thân Báo thân Pháp thân; nhược chúng sanh thường tác thiện căn, tức Ứng thân hiện; tu trí tuệ tức Báo thân hiện; giác Vô Vi tức Pháp thân hiện; phi đằng thập phương tùy nghi cứu tế giả, Ứng thân Phật dã; đoạn cảm tu thiện Tuyết Sơn thành đạo giả, Báo thân Phật dã; vô ngôn vô thuyết trạm nhiên thường trú giả, Pháp thân Phật dã * 佛有三身者、應身報身法身、 若眾生常作善根、 卽應身現、修智慧卽報身現、覺無爲卽法身現、飛騰十方隨宜救濟者、應身佛也、斷惑修善雪山成道者、報身佛也、無言無說湛然常住者、法身佛也”.
III. Quan điểm Tam thân trong Kim Cương thừa.
Trong Kim Cương thừa thì Tam thân là ba cấp của kinh nghiệm giác ngộ.
1) Pháp thân: Là Bản tính của muôn vật. Tự tính này (= Duyên khởi tính) chính là Không tính. Các giáo pháp Đại Thủ Ấn giúp hành giả đạt được kinh nghiệm về Vô tận tính của Pháp thân.
2) Báo thân: Là thân của sắc giới, là phương tiện tạm thời giúp hành giả chứng ngộ được Không tính. Báo thân được xem là một dạng của "thân giáo hoá." Các Báo thân xuất hiện dưới dạng Ngũ Như Lai, được xem là phương tiện để tiếp cận với Chân như (= Chân lý Duyên khởi). Báo thân xuất hiện dưới nhiều hình tướng khác nhau, tịch tĩnh (S: śānta) hay phẫn nộ (S: krodha), có khi được trình bày với các vị Thần thể (TT: Yidam) hay Hộ pháp (S: Dharmapāla).
3) Ứng thân: Là thân của Sắc giới, là phương tiện tạm thời giúp hành giả chứng ngộ được Không tính. Ứng thân là một dạng "thân giáo hoá" với nhân trạng. Trong Kim Cương thừa, Ứng thân hay được hiểu là các vị Bồ-tát tái sinh.
Tam thân nêu trên không phải là ba trạng thái độc lập mà là biểu hiện của một đơn vị duy nhất, thỉnh thoảng được miêu tả bằng thân thứ tư là Tự tính thân (S: Svābhāvikakāya - Bản tính tự nhiên của thân). Trong một vài Tantra, thân thứ tư này được gọi là Đại Lạc thân (S: Mahāsukhakāya).
Trong Phật giáo Tây Tạng, người ta xem Thân, Khẩu, Ý của một vị Đạo sư (S: Guru) đồng nghĩa với Tam thân nói trên, được biểu tượng bằng thần chú OṂ-AH-HUNG (gọi theo tiếng Tây Tạng).
Huy Thái