Lịch sử phát triển
Thất Tịch bắt đầu từ thời kỳ Tây Chu (1100 TCN – 771 TCN), là một ngày lễ truyền thống của Tây Chu, chủ yếu là cúng sao Chức Nữ và sao Ngưu Lang ở trên trời. Vào đêm Thất Tịch, sao Chức Nữ sẽ di chuyển lên vị trí cao nhất trên bầu trời trong một năm, để người dân dưới mặt đất đều có thể nhìn thấy. Ở đằng xa phía đông của sao Chức Nữ, cách một dải Ngân Hà, chính là sao Ngưu Lang, hai ngôi sao đối diện nhau từ phía xa ở hướng tây và hướng đông trên bầu trời.
Vì sao Thất Tịch lại có liên quan đến câu chuyện Ngưu Lang Chức Nữ được lưu truyền trong dân gian? Quay trở về thời kỳ Đông Chu (770 TCN – 256 TCN), người xưa phát hiện ra một hiện tượng, đó là khi sao Chức Nữ dần dần biến mất vào hướng tây, thì sao Ngưu Lăng ở hướng đông lại dần dần xuất hiện ở bầu trời, nhìn rất giống sao Ngưu Lang đang đuổi theo sao Chức Nữ. Đến thời nhà Hán, Thất Tịch trở thành ngày lễ các cô gái đến tuổi kết hôn lễ bái sao Ngưu Lang và sao Chức Nữ, mong cầu được nhân duyên mỹ mãn.
Đến thời nhà Tống, thì phát triển thành tập tục Thất Tịch, Khất Xảo. Sau nhà Tống và nhà Nguyên, ngày lễ Khất Xảo được đông đảo phụ nữ xem là một ngày lễ vô cùng long trọng. Mỗi khi gần đến ngày 7 tháng 7 âm lịch, sẽ có những buổi họp chợ chuyên bán những đồ vật “Khất Xảo”. Rất nhiều cô gái đều ra ngoài để mua sắm những vật phẩm khất xảo và cúng “thất tỷ” tức là Chức Nữ, vô cùng náo nhiệt. Tập tục Khất Xảo ngoại trừ các cô gái khất xảo ra (khất xảo nghĩa là cầu xin có được tay nghề khéo léo), còn trở thành việc các cô gái cầu nguyện, cầu xin “thất tỷ” ban tặng cơ hội có được một mối nhân duyên tốt. Vì vậy, thông thường mọi người cũng xem ngày Thất Tịch là ngày lễ tình nhân của các thanh niên trai gái đến tuổi kết hôn. Nhưng mà, cho đến ngày nay, người ta không còn lưu truyền việc xem Thất Tịch là ngày lễ tình nhân nữa. Ngày này đã bị Tết Nguyên Tiêu của Trung Quốc và ngày lễ tình nhân của phương Tây lấn át, không thể trở thành phong trào nữa.
Cúng Thất Tịch được tiến hành vào đêm ngày 7 tháng 7, vì vậy gọi là “Thất Tịch”. Tập tục chính cũng bao gồm cúng sao Chức Nữ và sao Ngưu Lang, khất xảo, cầu xin nhân duyên tốt… Đến nay, ngày lễ Thất Tịch đã dần trở nên mờ nhạt trong cộng đồng người Hoa, nhưng ngược lại, ở Nhật Bản thì lại rất thịnh hành. Sau khi ngày lễ này được lưu truyền vào Nhật Bản, vào thời kỳ “Minh Trị Duy Tân” tại Nhật Bản, Thất Tịch được đổi thành ngày 7 tháng 7 dương lịch.
Tên gọi của sao Chức Nữ và sao Ngưu Lang
Còn vì sao người Trung Quốc cổ xưa lại đặt tên cho ngôi sao đó là sao Chức Nữ, thì phải xem hai câu thơ: “Thất nguyệt lưu hỏa, cửu nguyệt thụ y” nằm trong Bân Phong của “Kinh Thi” để giải thích. Theo tiết khí của Trung Quốc trong truyền thống, tháng 9 âm lịch đã là vào thu rồi, thời tiết đã vô cùng mát mẻ, là lúc cần phải mặc thêm một ít áo thu đông. Lùi về một tháng tức là tháng 8 âm lịch, đây là thời điểm cuối cùng mà những người phụ nữ đã may xong quần áo rồi. Lùi tiếp thêm một tháng nữa tức là tháng 7 âm lịch, lúc này là thời gian cuối cùng mà những người phụ nữ đã dệt xong vải rồi. Mà đúng vào thời điểm này, ở trên bầu trời lại có một ngôi sao vô cùng sáng, cứ như vậy mà ngôi sao sáng đó được đặt tên là sao Chức Nữ (người phụ nữ dệt vải).
Còn về nguồn gốc của sao Ngưu Lang thì có thể từ câu: “Khiên ngưu vi hy sinh” trong Thiên Quan Thư của Sử Ký để suy đoán. Trong các vụ mùa truyền thống của Trung Quốc, tháng 9 âm lịch là giai đoạn “mùa thu thu hoạch, mùa đông dự trữ”, đồng thời cũng là thời điểm cúng trời tế tổ, cảm tạ Thần ân mang đến một năm bội thu, cầu xin ông trời cho năm sau cũng được mưa thuận gió hòa, ngũ cốc bội thu. Lùi về hai tháng trước tức là tháng 7 âm lịch, chính là giai đoạn cuối hè đầu thu, cây cỏ vẫn còn xanh tốt, chắc cũng là thời điểm ngưu lang “dắt trâu” đi ăn cỏ, cho vật nuôi ăn cỏ. Trong xã hội nông nghiệp truyền thống, “nam cày nữ dệt” vốn là hoạt động xã hội bình thường, nữ thì dệt vải, nam thì cày ruộng, chăn trâu, là hiện tượng xã hội rất phổ biến. Do đó, ngôi sao đối xứng từ xa mà lại xứng với sao Chức Nữ, tất nhiên sẽ được gọi là sao Ngưu Lang (chàng chăn trâu).
Trong phần chú thích của chương “Lạc Thần Phú” nằm trong phần “Văn Tập” do Tiêu Thống thời Nam -Bắc triều biên soạn có vài câu như sau: “Khiên ngưu vi phu, chức nữ vi phụ, chức nữ khiên ngưu chi tinh các xứ hà cồ chi bàng, thất nguyệt thất nhật nãi đắc nhất hội”. Mấy câu chú thích trong “Lạc Thần Phú” nói rõ “khiên ngưu” là chồng, “chức nữ” là vợ, sao Chức Nữ và sao Ngưu Lang ở hai đầu đông tây của Ngân Hà, hàng năm đến ngày bảy tháng bảy, hai vợ chồng mới được gặp mặt một lần.
Thất Tịch còn gọi là ngày lễ Khất Xảo. Thật ra, Khất Xảo là một trong số các nghi thức của tập tục Thất Tịch, là một tập tục phụ nữ thời xưa khất xảo (xin tay nghề khéo léo) với “thất tỷ”. Vào đêm Thất Tịch, những người phụ nữ, đặc biệt là các cô gái trẻ chưa gả chồng sẽ ăn mặc và trang điểm thật tươi mới, xinh đẹp, đặt một cái bàn ở giữa sân hoặc trước cửa nhà. Trên bàn bày những vật cúng như thất khổng châm làm bằng đồng (thất khổng châm là cắm bảy cây kim thẳng hàng trên một vật gì đó, sau đó xỏ chỉ qua bảy lỗ kim), và dùng chỉ ngũ sắc để làm vật thêu thùa, dĩa thất tỷ làm bằng giấy, các đồ thủ công do mình tự làm, hoa tươi, trái cây và nhang đèn để cúng “thất tỷ”.
Những vật dụng nghệ thuật bằng giấy vào ngày Thất tịch. Triển lãm tại Bảo tàng Lịch sử Hồng Kông (Nguồn: Wikipedia)
Tập tục của ngày lễ Khất Xảo là như thế này: Các cô gái sẽ bày thất khổng châm làm bằng đồng và chỉ ngũ sắc để làm vật thêu thùa lên bàn cúng, sau đó ngước đầu nhìn sao Chức Nữ rồi xỏ kim kéo chỉ, có thể xỏ chỉ qua tất cả các lỗ kim thì sẽ được “xảo”, mượn điều đó để “khất” (cầu xin) thất tỷ ban cho họ được tay nghề khéo léo, để họ dựa vào đôi tay khéo léo của mình thêu hoa, dệt vải, may vá, hoặc thậm chí là làm các loại bánh, điểm tâm, nấu ăn… Trong các gia đình thời xưa, hai yêu cầu trong số các yêu cầu để phụ nữ có thể quán xuyến nhà cửa giỏi là phải biết may vá và nấu ăn. Dệt vải và may vá còn là một cái nghề tốt để các cô gái trong gia đình nghèo khó giúp đỡ gia đình có thêm thu nhập. Bất luận là con gái của gia đình nghèo khó hay giàu sang, thì biết may vá, thêu thùa vẫn là một trong những điều kiện khiến gia đình nhà trai hài lòng.
Đại Đông trong phần Tiểu Nhã của Thi Kinh
Trong tập thơ Đại Đông nằm trong phần Tiểu Nhã của Thi Kinh có một bài thơ, trong đó có vài câu như sau: “Giao bỉ chức nữ, chung nhất thất tương. Tuy tắc thất tương, bất thành phục chương; Nghễ bỉ khiên ngưu, bất nhận phục tương”. Ý của mấy câu thơ này muốn nói, ngày xưa có một cô gái tên là Chức Nữ, suốt ngày chỉ có dệt vải, dệt ra được rất nhiều mảnh vải, tuy là dệt được nhiều mảnh vải như vậy, nhưng mà, số vải được dệt lại không phải là loại vải đẹp. Ở đối diện Chức Nữ từ phía xa có một người con trai tên là Khiên Ngưu, Khiên Ngưu không chịu điều khiển xe trâu.
Bài thơ viết ra một câu chuyện tình yêu đẹp, cảm động và bi thương của thời xưa: Chức Nữ vì không thể gặp mặt người yêu của mình là Khiên Ngưu, mà suốt ngày chỉ mong nhớ Khiên Ngưu, không thể tập trung làm việc, ngay đến công việc dệt vải là sở trường của mình mà Chức Nữ cũng làm không tốt, không thể dệt ra những tấm vải đẹp nữa. Còn ở một nơi khác, Khiên Ngưu vì nhớ thương Chức Nữ, suốt ngày không ăn không uống, ngay đến công việc cơ bản nhất là lái xe trâu mà Khiên Ngưu cũng không chịu làm nữa. Có thể thấy vào thời kỳ Tây Chu, trong dân gian đã có lưu truyền câu chuyện tình yêu liên quan đến Ngưu Lang Chức Nữ rồi.
Thuật Dị Ký
Đến thời Nam – Bắc triều, Nhậm Phỏng có ghi trong trước tác “Thuật Dị Ký” của ông về chuyện Ngưu Lang – Chức Nữ rất sinh động. Kể rằng: Phía đông của Đại Hà (tức Ngân Hà) có một cô gái vô cùng xinh đẹp, cô là con gái của Thiên Đế, chuyên sử dụng khung cửi để dệt vải, thủ công vô cùng khéo léo, mọi người gọi cô là Chức Nữ. Năm nào cô cũng ngồi trước khung cửi chăm chỉ dệt vải, những tấm vải và y phục mà cô dệt ra đều vô cùng tinh xảo, đẹp đẽ. Tuy cô vất vả làm việc như vậy, nhưng mà, trong lòng cô lại rất buồn bã, một chút tâm trạng vui vẻ cũng không có, cũng không có tâm trạng để chăm chút sắc đẹp của mình. Thiên Đế tội nghiệp cô, thấy cô thân gái một mình nơi cô phòng, dù sao cũng cảm thấy cô đơn, vì vậy đã ban cho cô một lang quân như ý. Ở Hà Tây (phía tây Ngân Hà) có một chàng trai trẻ tuổi tài giỏi tên Khiên Ngưu, vì vậy đã tác hợp cho hai người, đem gả Chức Nữ cho Khiên Ngưu làm vợ. Nhưng mà, từ đó về sau, Chức Nữ đã quên mất công việc dệt vải của mình, suốt ngày ở trong nhà cùng Khiên Ngưu chìm đắm trong tình yêu nam nữ, không còn quay về nhà mình để dệt vải nữa. Sau khi Thiên Đế biết được chuyện này thì đã vô cùng tức giận, ra lệnh cho Chức Nữ nhất định phải quay về nhà ở Hà Đông dệt vải, chỉ cho phép họ một năm gặp nhau một lần.
Phong Tục Thông
Ứng Thiệu thời nhà Hán có biên soạn một trước tác tên “Phong Tục Thông”. Phong Tục Thông là một cuốn sách sưu tầm các câu chuyện dân gian, cho nên trong dân gian có lưu truyền câu chuyện này. Chuyện kể rằng, vào đêm Thất tịch Chức Nữ sẽ đi qua Ngân Hà, chim hỷ tước sẽ bay tập trung lại thành một cây cầu. Tương truyền vào mùng bảy tháng bảy âm lịch hàng năm, chim hỷ tước đều tự nhiên cởi bỏ lông vũ trên đỉnh đầu, là vì chúng phải tập trung lại để tạo thành một cây cầu, để cho Chức Nữ có thể thản nhiên vượt qua Ngân Hà đi gặp gỡ Khiên Ngưu.
Thước Kiều Tiên
Trong rất nhiều tác phẩm văn học Trung Quốc, tác phẩm dùng chủ đề Thất Tịch để viết thành văn chương tinh tế nhất phải kể đến tác phẩm “Thước Kiều Tiên” của nhà thơ Tần Quán thời nhà Tống. Bài từ này được viết như sau:
Tiêm vân lộng xảo
Phi tinh truyền hận
Ngân Hán điều điều ám độ
Kim phong ngọc lộ nhất tương phùng
Tiện thắng khước nhân gian vô số
Nhu tình tự thủy
Giai kỳ như mộng
Nhẫn cố Thước kiều quy lộ
Lưỡng tình nhược thị cửu trường thì
Hựu khởi tại triêu triêu mộ mộ
Bài từ này viết rất thanh tao, xúc tích, muốn phiên dịch và giải nghĩa nội dung bài thơ này không đơn giản chút nào, đặc biệt là ngữ cảnh trong thơ. Tạm diễn giải nội dung của bài từ như sau: Những đám mây mỏng manh, tinh tế đang biến đổi một cách tuyệt diệu trên bầu trời, đột nhiên sao băng vụt qua bầu trời truyền đến bao nhiêu thương nhớ và oán hận, chứa đựng bao nhiêu cảm xúc đau buồn của sự ly biệt. Ngưu Lang và Chức Nữ lặng lẽ bước qua Ngân Hà ngàn dặm xa xôi để gặp nhau trong âm thầm. Trong cuộc gặp gỡ chân tình mỗi năm một lần vào thời khắc Thất Tịch man mát gió mùa thu và uống rượu ngọc lộ, tuyệt đẹp hơn những ngày tháng vô vị ở dưới nhân gian bao nhiêu. Tình yêu dịu dàng đến từ hai phía giống như một dòng nước đang chảy êm ả, nhưng ngày tuyệt đẹp mà cả hai gặp nhau lại mơ màng và ảo diệu như trong giấc mơ, sau khi chúng ta gặp nhau, khi chia tay trên cầu hỷ tước để quay trở về, họ phải chịu đựng tâm trạng đau khổ đến nỗi không dám quay đầu lại nhìn. Chỉ cần trái tim yêu nhau là thiên trường địa cửu, thì cần gì ham muốn nhất định phải sớm tối bên nhau chứ.
Tác giả đã miêu tả một bức tranh về cảnh đêm mùa thu vừa đẹp vừa thê lương buồn thảm. Nói lên ngày lễ Khất Xảo trong Thất Tịch, và nói lên câu chuyện tình yêu quyến luyến ai oán của Ngưu Lang Chức Nữ. Câu “Kim phong ngọc lộ nhất tương phùng / Tiện thắng khước nhân gian vô số” miêu tả tinh tế một tình yêu thuần khiết, bền lâu. Mấy câu tiếp theo “Nhu tình tự thủy / Giai kỳ như mộng / Nhẫn cố Thước kiều quy lộ” miêu tả tình yêu bị chia cắt rồi lại tái hợp, và tạo thành một bức tranh như thơ như mộng huyễn, tả hết mọi quyến luyến trong cuộc gặp gỡ, tình cảm khó xa rời. Hai câu cuối: “lưỡng tình nhược thị cửu trường thì, hựu khởi tại triêu triêu mộ mộ”, cho tình yêu thăng hoa lên một tầng cao của đích thực.
***
Nếu ghép “Thuật Dị Ký” và “Phong Tục Thông” lại với nhau, thì sẽ thấy được hình dáng cơ bản của câu chuyện kể về Ngưu Lang Chức Nữ. Vào thời Chu, Thần giới, Tiên giới, nhân giân, quỷ hoặc của thời xưa đều có sự tương thông về một phương diện nào đó, tất cả đều có sự tương tác qua lại. Các vị Thần ở trên trời cũng từng nhiều lần xuống mảnh đất Trung Quốc, truyền thụ văn hóa cho người Trung Quốc. Vì vậy, văn hóa của người Trung Quốc còn được gọi là “văn hóa Thần truyền”. Thiên Đế là vị vua quản lý tiên giới, Ngưu Lang và Chức Nữ là thần tiên trong tiên giới, bởi vì thời bấy giờ tiên giới và nhân gian tương thông. Vì vậy, đây là một câu chuyện của tiên giới được lưu truyền xuống dân gian, điều này không có gì là lạ. Bởi thế, câu chuyện của Ngưu Lang Chức Nữ chưa chắc chỉ là truyền thuyết hoặc tác phẩm sáng tác bịa đặt. Rất có thể là sự tích từng thực sự tồn tại vậy.
Theo Secret China
Châu Yến biên dịch