I. Dẫn nhập
Việt Thường (chữ Hán: 越裳, còn được viết là 越常, 越嘗), còn gọi là nước Việt Thường (Việt Thường quốc 越裳國) hoặc họ Việt Thường (Việt Thường thị 越裳氏) là một quốc gia hoặc bộ lạc cổ đại được nhắc đến trong một số thư tịch cổ của Trung Quốc và Việt Nam.
II. Diễn văn
1. Nước Việt Thường được nhắc đến đầu tiên ở thời Hán 漢 với chuyện dâng chim trĩ cho vua Châu Thành Vương 周成王, cho biết nước ấy ở phía nam đất Giao Chỉ (chữ Hán: 交趾 hoặc 交阯), nhưng không nói rõ ở vùng nào.
Thượng thư đại truyện – Đại cáo 尚書大傳 – 大誥 (Hán 漢 – Phục Thắng 伏勝 soạn):
交阯之南,有越裳國。周公居攝六年,制禮作樂,天下和平。越裳以三象,重譯而獻白雉,曰道路悠遠,山川阻深,音使不通,故重譯而朝。成王以歸周公。公曰:德不加焉,則君子不饗其質。政不施焉,則君子不臣其人;吾何以獲此賜也?其使請曰:吾受命吾國之黃耇,曰久矣天之無烈風澍雨,意者中國有聖人乎?有則,盍往朝之。周公乃歸之於王,稱先王之神,致以薦於宗廟。周德既衰,於是稍絕。
Phía nam đất Giao Chỉ có nước Việt Thường. Châu Công (tên Cơ Đán 姬旦) nhiếp chính được sáu năm, đặt lễ làm nhạc, thiên hạ hòa bình. Người nước Việt Thường qua quan Tam tượng (tức Tượng tư 象胥: chức quan phiên dịch thời nhà Châu) nhiều lần phiên dịch mà dâng chim trĩ trắng, nói: “Đường đi xa xôi, sông núi sâu hiểm, tin tức không thông, cho nên nhiều lần phiên dịch mà đến chầu.” Thành Vương đem cho Châu Công, Châu Công nói: “Đức không trùm nước người thì quân tử không hưởng lễ vật của nước người. Lệnh không đến nước người thì quân tử không bắt nước người xưng thần. Ta cớ gì mà nhận lễ vật ấy?” Sứ giả nước ấy nói: “Tôi vâng lệnh ông kẹ (ông già, tộc trưởng) nước tôi nói nhiều năm nay trời không có mưa rào gió lốc, nghĩ là Trung Quốc có thánh nhân chăng? Có thì cho nên đến chầu vậy.” Châu Công lại trả cho Thành Vương, ca ngợi công đức của tiên vương, đem cúng tế ở tông miếu. Sau này nhà Châu đức suy, (nước Việt Thường) dần dần dứt qua lại.
Luận hành – Nho tăng 論衡 – 儒增 (Hán 漢 – Vương Sung 王充 soạn):
周時天下太平,越裳獻白雉,倭人貢鬯草。
Thời nhà Châu thiên hạ thái bình, người nước Việt Thường dâng chim trĩ trắng, người nước Oa cống cây lúa nếp.
2. Chuyện nước Việt Thường dâng chim trĩ trở thành biểu tượng cho việc Man Di mến mộ sự thịnh trị của Trung Quốc. Cho nên cuối thời Tây Hán, ngoại thích quyền thần là Vương Mãng 王莽 phụ chính, ngầm sai quận Ích Châu 益州 (thuộc đất Nam Trung 南中, tức tỉnh Vân Nam 雲南 ngày nay) mạo xưng là họ Việt Thường đến cống chim trĩ để tâng bốc công lao của mình.
Tiền Hán kỷ – Hiếu Bình Hoàng Đế kỷ 前漢紀 – 孝平皇帝紀 ( Hán 漢 – Tuân Duyệt 旬悅 soạn ):
元始元年春正月,越裳氏重譯獻白雉一,黑雉二。莽令益州諷使之也。群臣奏言莽功德比周公,宜賜號安漢公,益封三萬戶,莽固辭封。
Năm Nguyên Thủy đầu tiên (năm 1 sau Công nguyên), mùa xuân, tháng giêng, họ Việt Thường qua nhiều lần phiên dịch dâng một con chim trĩ trắng, hai con chim trĩ đen. Là do (Vương) Mãng lệnh cho quận Ích Châu làm nên chuyện ấy vậy. Bầy tôi tấu nói công đức của Mãng sánh với Châu Công, nên ban hiệu là An Hán Công, phong thêm thực ấp ba vạn hộ. Mãng cố từ chối phong thêm.
3. Muộn nhất đến thời Tam quốc và thời Tấn thì người ta xác định vị trí nước Việt Thường thời nhà Châu ở quận Cửu Đức 九德 (ở phía nam sông sông Lam thuộc tỉnh Hà Tĩnh ngày nay) hoặc ở nước Lâm Ấp 林邑 (ở phía nam đèo Ngang, tức huyện Tượng Lâm 象林 thuộc miền trung Việt Nam ngày nay), tức nước Chiêm Thành 占城 sau này.
Thủy kinh chú 水涇注 của người thời Bắc Ngụy 北魏 là Lịch Đạo Nguyên 酈道元 dẫn Lâm Ấp ký 林邑記 (Tác giả khuyết danh soạn):
九德,九夷所極,故以名郡。郡名所置,周越裳氏之夷國。《周禮》,九夷遠極越裳。白雉、象牙,重九譯而來。自九德通類口,水源從西北遠荒,逕寧州界來也。九德浦內逕越裳究、九德究、南陵究。
Quận Cửu Đức là chỗ cuối cùng của Cửu Di, cho nên đặt tên quận như vậy. Đặt ra quận ấy, vốn là nước Man Di của họ Việt Thường thời nhà Châu. Châu lễ có nói “Chỗ xa nhất của Cửu Di là nước Việt Thường, đem chim trĩ trắng và ngà voi, nhiều lần phiên dịch mà đến chầu.” Từ cửa Thông Loại quận Cửu Đức, nguồn nước chảy ra từ miền xa vắng phía tây bắc, chảy qua đất Ninh châu mà đến đây. Từ bến Cửu Đức đi đến suối Việt Thường, suối Cửu Đức, suối Nam Lăng.
Cổ kim chú 古今注 (Tấn 晉 – Thôi Báo 崔豹 soạn):
大駕指南車,起黃帝與蚩尤戰於涿鹿之野。蚩尤作大霧,兵士皆迷,於是作指南車,以示四方,遂擒蚩尤,而即帝位。故後常建焉。舊說周公所作也。周公治致太平,越裳氏重譯來貢白雉一,黑雉二,象牙一,使者迷其歸路,周公錫以文錦二匹,軿車五乘,皆為司南之制,使越裳氏載之以南。緣扶南林邑海際,期年而至其國。使大夫宴將送至國而還,亦乘司南而背其所指,亦期年而還至。
Xe giá lớn chỉ nam có từ thời Hoàng Đế đánh nhau với Xi Vưu ở cánh đồng Trác Lộc. Bấy giờ Xi Vưu làm ra sương mù, quân lính đều lạc đường, do đó (Hoàng Đế) làm ra xe chỉ nam để xác định bốn hướng, cuối cùng bắt được Xi Vưu mà lên ngôi vua. Cho nên người đời sau cũng thường làm xe này. Có thuyết xưa nói là do Châu Công làm nên. Châu Công trị thiên hạ thái bình, họ Việt Thường nhiều lần phiên dịch đến cống một con chim trĩ trắn, hai con chim trĩ đen, một cái ngà voi. Sứ giả quên đường về nước, Châu Công tặng cho hai bó lụa thêu và năm cỗ xe lớn đều có kim chỉ nam, sai người họ Việt Thường chở nó để về phía nam, men theo bờ biển Lâm Ấp-Phù Nam, trong năm đó thì về đến nước ấy, sai quan Đại phu cũng đi theo hộ tống đến nước ấy rồi về, cũng ngồi quay lưng xe chỉ nam ấy trong năm thì về được.
Tấn thư – Địa lí chí 晉書 – Địa lý chí 地理志 (Đường 唐 – Phòng Huyền Linh 房玄齡 soạn):
九德郡吳置,周時越常氏地。
Quận Cửu Đức đặt ra từ thời nhà Ngô (thời Tam quốc), là đất của họ Việt Thường thời nhà Châu.
Nam Tề thư – Châu quận chí 南齊書 – 州郡志 (Nam Lương 南梁 – Tiêu Tử Hiển 蕭子顯 soạn):
九德郡,九德、咸驩、浦陽、南陵、都洨、越常、西安。
Quận Cửu Đức gồm các huyện Cửu Đức, Hàm Hoan, Phố Dương, Nam Lăng, Đô Giao, Việt Thường, Tây An.
Cựu Đường thư – Địa lý chí 舊唐書 – 地理志 (Hậu Tấn 後晉 – Lưu Hú 劉昫 soạn):
九德州所治。古越裳氏國。
Huyện Cửu Đức là sở trị của (Hoan 驩) châu. Là nước của họ Việt Thường thời xưa.
Lương thư – Chư di liệt truyện 梁書 – 諸夷列傳 (Đường 唐- Diêu Tư Liêm 姚思廉 soạn):
林邑國者,本漢日南郡象林縣,古越裳之界也。
Nước Lâm Ấp vốn là huyện Tượng Lâm thuộc quận Nhật Nam thời Hán, là đất của nước Việt Thường thời xưa.
Thù vực châu tư lục 殊域周咨錄 (Minh 明 – Nghiêm Tòng Giản 嚴從簡 soạn):
占城國,古越裳氏界。
Nước Chiêm Thành là dất của họ Việt Thường thời xưa.
4. Thời Nam bắc triều ghi chuyện người nước Việt Thường dâng rùa thần cho vua Nghiêu 堯 nhà Đào Đường 陶唐.
Thuật dị chí 述異記 (Nam Lương 南梁 – Nhâm Phưởng 任昉):
陶唐之世越常國獻千歳神龜方三尺餘,背上有文科斗書,記開闢已來。帝命録之謂之龜厯。伏滔述帝功徳銘曰胡書龜厯之文。
Vào thời Đào Đường, người nước Việt Thường dâng rùa thần nghìn năm, vuông hơn ba thước, trên lưng (mai rùa) có lời văn viết bằng chữ khoa đẩu (chữ hình giống con nòng nọc), ghi từ thủa khai tịch đến nay. Vua (Nghiêu) sai ghi lại gọi là lịch rùa. Thuật đế công đức minh của Phục Thao (Phục Thao 伏滔: tác giả thời Tấn 晉) chép “Dùng chữ người Hồ (chắc là một dạng chữ Phạn) ghi lịch rùa.”
5. Đến thời Minh 明 – Thanh 清 lại nói nước Lão Qua ( Lão Qua 老撾, hoặc tên Nam Chưởng 南掌, tức nước Lào ngày nay) là đất Việt Thường xưa.
Chi Phong loại thuyết 芝峯類說 (Triều Tiên 朝鮮 – Lý Túy Quang 李睟光 soạn):
老撾國在安南西南。古越裳之國。
Nước Lão Qua ở phía tây nam nước An Nam, là nước của họ Việt Thường thời xưa.
Thánh vũ ký 聖武記 (Thanh 清 – Ngụy Nguyên 魏源 soạn):
老撾 即古 越裳氏 , 景 邁 二國即 八百息婦國 ,皆來貢象。
Nước Lão Qua là đất của họ Việt Thường thời xưa, cùng nước Cảnh Mại tức nước Bát Bách Tức Phụ, hai nước đều đến cống voi (cho nhà Thanh).
6. Sử Việt chép nước họ Việt Thường là một bộ của nước Văn Lang 文郎, hoặc Hùng Vương 雄王 sai sứ tự xưng.
Việt sử lược 越史略 (Tác giả khuyết danh thời Trần 陳):
昔黃帝既建萬國,以交趾遠在百粵之表,莫能統屬,遂界於西南隅,其部落十有五焉,曰交趾、越裳氏、武寧、軍寧、嘉寧、寧海、陸海、湯泉、新昌、平文、文郎、九真、日南、懷驤、九德,皆禹貢之所不及。
Ngày xưa Hoàng Đế đã dựng muôn nước, vì đất Giao Chỉ xa ở ngoài cõi Bách Việt, chẳng thống thuộc được, bèn đặt ranh giới ở góc tây nam, trong đó có mười lăm bộ lạc là Giao Chỉ, Việt Thường, Vũ Ninh, Quân Ninh, Gia Ninh, Ninh Hải, Lục Hải, Thang Tuyền, Tân Xương, Bình Văn, Văn Lang, Cửu Chân, Nhật Nam, Hoài Hoan, Cửu Đức. Đều không được sách Vũ cống nói đến.
Lĩnh Nam chích quái – Bạch trĩ truyện 嶺南摭怪 – 白雉傳(Trần 陳 – Trần Thế Pháp 陳世法 soạn):
周成王時,雄王命其臣稱越裳氏,獻白雉於周。其言語不通,周公使人重譯,然後相通。周公問曰:「何為而來?」越裳氏應曰:「今天無淫雨、海不揚波三年矣。意者中國有聖人矣,故來。」周公嘆曰:「政令不施,君子不臣其人;德澤不加,君子不享其物。及記黃帝所誓曰:『交趾方外,無得侵犯。』」賞以重物,教戒放回。越裳使忘其歸路,周公命賜之駢車五乘,皆為向南之制。越裳氏載之由扶南、林邑海渚,期年而至其國,故指南車常為先導。
Vào thời vua Thành Vương nhà Châu, Hùng Vương sai bề tôi tự xưng là họ Việt Thường đem chim trĩ trắng sang cống cho nhà Châu. Vì ngôn ngữ bất đồng, Châu Công phải sai sứ qua nhiều lần dịch mới hiểu nhau được. Châu Công hỏi: “Tại sao tới đây?” Người họ Việt Thường đáp: “Đời nay không có mưa dầm gió dữ, ngoài bể không nổi sóng lớn đã ba năm nay, ý chừng là Trung Quốc có thánh nhân xuất thế, nhân vậy tới đây.” Châu Công than rằng: “Chính lệnh không thi hành thì người quân tử không bắt được kẻ khác thần phục mình, đức trạch không mở rộng thì người quân tử không hưởng lễ vật của người. Còn nhớ Hoàng Đế có câu thề rằng “Đất Giao Chỉ ở ngoài cõi, không được xâm phạm.” Bèn ban thưởng cho phẩm vật, răn dạy mà cho về. Người họ Việt Thường quên đường về, Châu Công bèn ban cho năm cỗ to đều có kim chỉ nam. Người họ Việt Thường nhận lấy rồi theo bờ biển Phù Nam-Lâm ấp, đi một năm thì về tới nước. Cho nên xe chỉ nam thường dùng để đi trước dẫn đường.
III. Kết luận
Niên đại xa xôi lại ít được ghi chép, cho nên phần lớn là do người đời sau suy diễn chủ quan theo ý mình. Theo chủ ý của người viết Tích Dã thì nước Việt Thường ở phía nam Giao Chỉ tức đất quận Cửu Đức 九德 thời nhà Đông Ngô là đáng tin hơn, vì được sách vở ghi nhận sớm nhất, ở đó còn có huyện Việt Thường 越裳 để ghi nhận đất cũ vậy.