QUÁN VÔ NGÃ,
TRỪ CHẤP NGÃ
THÀNH A LA HÁN
Toàn Không
MỤC 1: CHẤP NGÃ LÀ GÌ?
Ngã là cái “ta”, cái “tôi”, người chấp ngã cho rằng có cái ta là thật, là trường tồn bất biến của mỗi con người. Sự chấp ngã liên hệ tới quan điểm cho rằng: “Mỗi người đều có một “Linh hồn”, Linh hồn này làm chủ ý nghĩ và hành động, không thay đổi, trường tồn”. Đây là quan điểm đưa đến việc chấp ngã, coi bản thân mình là thật có, quan trọng, cần phải nâng niu chiều chuộng, không ai được quyền xỉ nhục ta. Vì sự chấp ngã mà mỗi người đều tìm đủ cách để giữ gìn củng cố bảo vệ mình một cách triệt để, dù hành động xấu ác cũng vẫn làm. Cũng vì chấp ngã mà trở thành ích kỷ, ngạo mạn, cho cái ta là hay là tốt đẹp, chống lại những ai làm trái ý ta v.v.. Do đó đã gây ra biết bao nhiêu buồn phiền, khổ đau cho người và chúng sinh.
Theo Phật giáo, quan điểm chấp “Ngã”, chấp có “Linh hồn” là không chính xác, vì mỗi người sau khi chết, Thần thức sẽ phải tái sinh, đi đầu thai, Thần thức là Nghiệp thức, tức cái Thức có chứa cái nhân của việc làm thiện hay làm ác. Nếu là Linh hồn, thì có quyền lựa chọn chỗ tốt để đến, như thế tại sao có người sinh vào chỗ giàu sang sung sướng, có kẻ phải sinh vào chỗ nghèo khổ khốn cùng? Còn Nghiệp thức thì không có quyền lựa chọn mà bị Nghiệp dẫn dắt, làm thiện được đến chỗ tốt, làm ác phải đọa đến nơi xấu; đó là lý Nhân Qủa Nghiệp Báo, người không tin Nhân Qủa Nghiệp Báo cần phải học hỏi, để hết si mê.
MỤC 2: ĐỨC PHẬT
DẠY PHÁ CHẤP NGÃ:
Trong Tạp A Hàm, quyển 1, Kinh số 43, trang 95, Phật dạy về phá ngã chấp, như sau:
THỨ NHẤT: DO CHẤP THỦ
SINH RA CHẤP THẬT NGÃ:
Đối với Sắc thân, thấy là ta, thấy là cái của ta, thấy khác ta; nếu Sắc thân biến đổi, tâm sẽ chuyển, tâm chuyển sinh ra chấp thủ, đắm trước, trì giữ, nên sinh tiếc, sợ hãi, loạn tâm. Cũng như vậy, đối với Thụ, Tưởng, Hành, Thức, do chấp thủ thấy Thụ (là cảm giác), Tưởng (là nhớ nghĩ), Hành (là mong muốn), Thức (là phân biệt), là ta, là cái của ta; nếu Thụ, Tưởng, Hành, Thức biến đổi, sẽ sinh ra chấp thủ, trì giữ, nên sinh tiếc, sợ hãi, loạn tâm.
THỨ HAI: KHÔNG CHẤP THỦ
NÊN KHÔNG CHẤP THẬT NGÃ:
Đối với Sắc thân không chấp thủ nên không đắm trước, không thấy Sắc thân là ta, không thấy khác ta, không thấy là cái của ta. Vì không thấy như thế nên không chấp thủ Sắc thân, khi sắc thân chuyển biến, tâm không bị chuyển theo, không nuối tiếc, không trì giữ, nên không sinh sợ hãi, được tâm an ổn. Đối với Thụ, Tưởng, Hành, Thức cũng vậy, không chấp thủ thì không đắm trước, không thấy Thụ, Tưởng, Hành, Thức là ta, không thấy khác ta, không thấy là cái của ta; khi Thụ, Tưởng, Hành, Thức biến chuyển, tâm không bị chuyển theo nên không sinh ra nhớ tiếc, không sợ mất.
MỤC 3: PHÂN TÍCH VÔ NGÃ:
Đức Phật đã giảng dạy nhiều phương pháp phân tích quán sát con người vô ngã, chúng ta sẽ nêu ra hai cách là: Phân tích Ngũ-Uẩn, và Phân tích Căn-Trần-Thức, như sau:
CÁCH THỨ NHẤT:
PHÂN TÍCH NGŨ UẨN VÔ NGÃ:
Đứng trên phương diện cấu tạo con người, gồm có năm thứ gọi là “Ngũ uẩn”.
Ngũ Uẩn gồm Sắc Thân thuộc vật chất, và Tâm thuộc tinh thần, như sau:
LOẠI 1: VỀ SẮC THÂN:
Thân người do Tứ đại “Đất, Nước, Gió, Lửa” hòa hợp mà thành. Đất cứng, Nước ướt, Gió di động, Lửa ấm, mỗi thứ có tính cách riêng của nó; Đất là của Đất, không thể bảo nó là ta. Nước, Gió, Lửa cũng thế, không thể bảo cái nào là ta. Vả lại Bốn đại là thể chất không tri gác, làm sao có thể là ta được. Nếu cho rằng bốn thứ hòa hợp nên là ta, cũng không đúng, vì tuy chúng hòa hợp nhưng luôn luôn biến đổi, nên không trường tồn bất biến, do đó Sắc không phải là ta, chẳng phải là Linh hồn.
LOẠI 2: VỀ TÂM: Tâm gồm có:
Thụ, Tưởng, Hành, Thức, như sau:
MỘT LÀ: Thụ có phải là ta không?
Thụ là thụ cảm, cảm giác do Căn tiếp xúc với Trần mà có Thụ. Nếu Căn không tiếp xúc Trần sẽ không có Thụ, nên không có ta. Vậy lúc có ta, lúc không có ta. Cái Ngã, cái ta là bất biến trường tồn, không thể nói rằng lúc có Ngã lúc không có Ngã. Lại nữa, Thụ là của Xúc chứ không phải là ta, từ Xúc sinh ra Thụ khổ, Thụ vui, Thụ không khổ không vui, chẳng phải một thể độc nhất, nên chẳng phải ngã, chẳng phải Linh hồn.
HAI LÀ: Tưởng có phải là ta không?
Tưởng là tưởng tượng nhớ nghĩ, là tri giác, là hình dung ngoại cảnh. Khi nhớ nghĩ có Tưởng có ta, khi không nhớ nghĩ không có Tưởng, không có ta. Nếu cho rằng Tưởng là ta thì không đúng, vì cái ta thường hằng lúc nào cũng phải hiện diện. Thực ra Tưởng là của nhớ nghĩ, của tri giác, chứ không phải ta. Lại nữa, Tưởng về qúa khứ, hiện tại, tương lai, không nhất định, không thuần nhất, nên không phải ngã, chẳng phải Linh hồn.
BA LÀ: Hành có phải là ta không?
Hành là những hoạt động có tác ý, có ý muốn, do niệm sinh, do ý muốn mà có Hành, không suy nghĩ, không niệm, không muốn, sẽ không có Hành.
Nếu cho rằng Hành là ta, khi niệm diệt Hành diệt, ta cũng diệt, như vậy không đúng với cái ta bất biến, lúc nào cũng phải hiện diện. Lại nữa, Hành có Hành thiện Hành ác, không cố định thuần nhất, nên không phải ngã, chẳng phải Linh hồn, vì Linh hồn luôn luôn thuần nhất, bất biến, vĩnh cửu.
BỐN LÀ: Thức có phải là ta không?
Thức do sự nhận biết phân biệt, khi Căn tiếp xúc với Trần. Khi Căn không tiếp xúc Trần sẽ không có sự nhận thức phân biệt, thì cái ta ở đâu? Vì thế cho nên, Thức không phải ta. Lại nữa, Thức có thủ (là giữ lấy như khi thấy đẹp sinh yêu), có xả (là gạt bỏ đi, như khi thấy xấu sinh ghét), không cố định thuần nhất, nên không phải ngã, chẳng phải Linh hồn.
Tóm lại, tất cả Thân Tâm, chẳng cái nào là ta, cái của ta, hay Linh hồn ta. Cái Thân luôn biến đổi vì bốn thành phần cấu tạo nên thân là “Đất, Nước, Gió, Lửa” luôn luôn thay đổi; cái Tâm thay đổi vì bốn thành phần tạo nên tâm là “Thụ, Tưởng, Hành, Thức” thay đổi.
CÁCH THỨ HAI: PHÂN TÍCH
CĂN TRẦN VÀ THỨC VÔ NGÃ:
THỨ NHẤT: CĂN TRẦN THỨC LÀ GÌ?
Đứng trên phương diện thể hiện tiếp xúc hoạt động của con người, gồm có sáu Căn, tiếp xúc Sáu Trần, sinh ra sự nhận biết, phân biệt của Sáu Thức. Mỗi căn, trần, thức có sự khác biệt và giới hạn của nó, nên gọi là 18 Giới phân biệt, như sau:
LOẠI 1: SÁU CĂN:
Sáu Căn là gì? Sáu Căn là Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân và Ý, là chỗ làm gốc cho những cái khác phát sinh. Năm căn đầu là Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân là năm phần ‘thô’ hiện bên ngoài để tiếp xúc với Trần cảnh.
Còn phần “tế”, ẩn bên trong như “võng mạc”, “giác mô”, “dây thần kinh”, v.v… Nếu hai phần ngoài và trong rời nhau, hay một phần bị hư, thì Căn thành vô dụng.
Căn thứ sáu là Ý căn, là nơi nương tựa của Ý thức (là Thức thứ sáu). Ý căn chính là nơi phát sinh ra sự phân biệt, đắn đo, nghi ngờ, là nguồn gốc của chấp Ngã và chấp Pháp, nó chính là Thức thứ bảy.
LOẠI 2: SÁU TRẦN:
Sáu Trần là sáu thứ trần cảnh, gồm “Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc và Pháp trần”. Năm Trần đầu là đối tượng của năm Căn. Trần thứ sáu là Pháp Trần, Pháp Trần chỉ là những hình bóng, âm vang, cảm giác của ngoại cảnh của Năm Trần, do năm Thức đầu ghi nhận,
LOẠI 3: SÁU THỨC:
Sáu Thức là gì? Sáu Thức là sự nhận biết phân biệt, Sáu Thức gồm:
MỘT LÀ: Nhãn thức thấy biết hình sắc do Mắt của Nhãn căn, tiếp xúc thấy hình ảnh của Sắc trần.
HAI LÀ: Nhĩ thức nghe biết âm thanh khi Tai của Nhĩ căn đón nhận âm thanh của Thanh trần.
BA LÀ: Tỵ thức cảm biết mùi khi Mũi của Tỵ căn đón nhận mùi của Hương trần.
BỐN LÀ: Thiệt thức cảm biết vị khi Lưỡi của Thiệt căn tiếp xúc vị của Vị trần.
NĂM LÀ: Thân thức biết cảm giác do Thân của Thân căn tiếp xúc ngoại vật của Trần cảnh.
SÁU LÀ: Ý thức nhận biết hình ảnh, âm thanh, mùi vị, cảm giác khi tiếp xúc với Pháp trần, Pháp trần là tất cả những gì mà Năm thức đầu ghi nhận được, Ý thức duyên với Năm Thức đấu để nhận diện, phán đoán, phân biệt cho được minh bạch rõ ràng,
Người xưa có câu: “Tâm bất tại diện thị nhi bất kiến, thinh nhi bất văn”, nghĩa là nếu không để ý, dù xem cũng chẳng thấy, nghe cũng chẳng hiểu, v. v.... Khi có Ý thức thì thấy nghe, v.v… đều nhận biết rõ ràng.
Khi chỉ có một mình Ý thức mà không có Năm thức đầu, nghĩa là khi không có Năm trần, lúc ấy Ý thức một mình suy nghĩ tưởng nhớ đủ thứ.
Nghĩ đến cảnh nào là biết ngay cảnh ấy, nhớ đến âm thanh nào là biết ngay âm thanh ấy v.v… Đây là Ý thức nương Ý căn, nhận lãnh suy nghĩ tính toán phân biệt từ thiện tới ác, đảm đang mọi chuyện, nhanh lẹ chu toàn, nên Duy thức học gọi nó là: “Công vi thủ, tội vi khôi”, nghĩa là công của nó đứng thứ nhất, còn tội của nó cũng đứng hàng đầu.
Thức thứ sáu, Ý thức này hoạt động ngày đêm không ngừng, nên cổ nhân nói: “tâm viên ý mã”, tâm ý như khỉ ngựa, lăng xăng loạn động; Ý thức chỉ ngừng nghỉ khi ngủ say, bị chụp thuốc mê, chết giấc, hay nhập thiền “Vô tưởng định” mà thôi.
THỨ HAI: LINH HỒN, CÁI
NGÃ, CÁI TA NẰM Ở ĐÂU?
Chúng ta cùng phân tích xem cái ngã, cái ta, hay Linh hồn có thể nằm trong Căn, Trần, Thức không?
MỘT LÀ: SÁU CĂN
CÓ PHẢI LÀ TA KHÔNG?
Chúng ta biết Sáu căn cấu tạo bởi xương thịt giây thần kinh, v.v…, nếu cái ta nằm ở tại mắt, thì tại năm căn kia không có cái ta, như vậy cái ta khi nằm tại mắt, khi nằm tại tai, v.v…, thì cái ta biến đổi, là không đúng. Nếu bảo rằng cái ta nằm tại cả Sáu căn, thì có tới sáu cái ta, cũng không đúng.
Còn cho rằng do Sáu căn hòa hợp mà có cái ta, thì trái với ý nghĩa của cái ta là thuần nhất. Nếu cho rằng cái ta do Sáu căn hợp lại, cũng như công nhận rằng cái ta là do giả hợp mà thành, nên không thật có. Do đó, Sáu căn không phải là ta, không phải là ngã, chẳng phải là linh hồn.
HAI LÀ: SÁU TRẦN
CÓ PHẢI LÀ TA KHÔNG?
Chúng ta biết rằng: Trần là vật chất. Giả thử cái ngã nằm nơi Trần cảnh, mà Trần cảnh luôn luôn thay đổi, vậy cái ta nằm ở cảnh nào, hay nó biến đổi theo cảnh?
Về âm thanh, không tự nhiên có, nó từ chúng sinh, hay vật chất phát ra, như vậy là tạo tác, có sinh diệt, vô thường, nên không thể là ta. Cho đến hương, vị, xúc, pháp trần, đều vô thường, bất định, vô ngã như sắc và thanh trần. Vả lại Sáu trần đều ở ngoài thân con người. Vì thế cho nên Sáu Trần không phải là ta là Ngã, chẳng phải là Linh hồn..
BA LÀ: SÁU THỨC
CÓ PHẢI LÀ TA KHÔNG?
Thức là sự nhận biết phân biệt do Sáu căn tiếp xúc với Sáu trần mà có, nếu không có Sáu căn và Sáu trần thì Sáu thức vô dụng. Do sự độc lập, thuần nhất, bất biến, trường tồn của ta, của ngã, nên Sáu thức không đúng ý nghĩa và không đủ điều kiện để là ta là ngã.
Ngoài Sáu căn và Sáu trần ra, Sáu thức còn phải có các duyên khác nữa, mới hoạt động được, như Nhãn thức, ngoài Mắt và cảnh ra, còn cần phải có duyên khoảng trống, ánh sáng, v.v… Nếu không có các thứ ấy, Nhãn thức thành vô dụng, nên Nhãn thức không thuần nhất. Các thức khác cũng như thế, cũng cần những duyên phụ khác, mới hoạt động được.
Xem vậy, chẳng thức nào là ta, chúng chỉ là giả hợp mà tạm có, không có một bản thể thực chất nào riêng biệt mà hoạt động được, do đó Sáu thức không phải là ta là Ngã, chẳng phải là Linh hồn.
Tóm lại, ba thứ Căn, Trần, Thức cần có nhau, không một thứ nào đứng riêng rẽ mà hữu dụng, Thức là phần vô hình chủ chốt, mà không thể đứng riêng biệt được, thì quan niệm cho rằng Linh hồn, cái ngã, hay cái ta độc lập, trường tồn, bất biến, tự nó là chủ nhân điều khiển tất cả các cơ quan bộ phận của con người là không đứng vững.
MỤC 4: NHẬN ĐỊNH TỔNG KẾT:
Qua hai cách phân tích trên, từ Thân Và Tâm của Năm Uẩn đến 18 Giới phân biệt của Căn Trần Thức, đã mổ xẻ phơi bày rõ ràng, con người là Vô Ngã.
Không cái gì có thể chấp là ngã, là ta. Chấp ngã không có thì ngã ái ngã mạn không còn chỗ nương tựa. Nói một cách khác, các phiền não đau khổ do chấp cái ta sinh ra, khi ngã chấp đã bị diệt rồi thì phiền não khổ đau cũng hết.
Phật giáo công nhận sự hiện hữu của một cá tính, nhưng phủ nhận có một chúng sinh bất biến trường tồn. Cái cá tính này biến đổi không ngừng theo sự hiện diện của vật chất và tâm thức, do Nghiệp lực điều khiển. Nó bắt nguồn từ qúa khứ mà ta không thể quan niệm được về thời gian, nên gọi là từ “Vô thủy”, và nó sẽ còn liên tục trong tương lai vô hạn định nên gọi là “Vô chung”. Ngoại trừ người tu sạch hết “Vô minh” mới hết nghiệp và ra khỏi sinh tử luân hồi.
Nghiệp báo tái sinh không phải là sự chuyển của Linh hồn từ xác thân này sang xác thân khác. Nghiệp báo tái sinh cũng giống như châm lửa từ ngọn đèn này sang ngọn đèn khác. Không có ngọn đèn thứ nhất, sẽ không có ngọn đèn thứ hai, nhưng ngọn đèn thứ hai không phải là ngọn đèn thứ nhất.
Nó cũng giống như qủa bi da trắng đụng qủa bi da xanh, làm cho qủa bi da xanh lăn đi. Chính sức đụng của qủa bi da trắng, làm cho qủa bi da xanh lăn, ví như Nghiệp lực làm cho có đời sống tiếp nối vậy, chứ không phải là Linh hồn bất biến trường tồn mà nhiều người không hiểu cho là có Linh hồn. Do đó, chúng ta thấy rõ quan điểm chấp Ngã, chấp con người có Linh hồn là không chính xác.
Đối với người tu hành, cần lợi dụng cái thân tạm có này để tu hành, tức là lợi dụng cái bè để có thể qua bờ bên kia, và khi đạt tính Vô Ngã hoàn toàn, thì được giải thoát và thành bậc A La Hán. , .
Hình ảnh thêm về Quán Vô Ngã Trừ Chấp Ngã Thành A La Hán