QUÁN 12 NHÂN DUYÊN
TRỪ SI MÊ THÀNH
BẬC DUYÊN GIÁC
Toàn Không
Bài này có 4 mục như sau:
MỤC 1: NHÂN DUYÊN LÀ GÌ?
Nhân là nguyên nhân trực tiếp sinh ra một vật khác, như hạt lúa là nhân sinh ra cây lúa.
Duyên là trợ giúp trực tiếp hay gián tiếp cho một vật khác được thành, như đất nước ánh sáng không khí nhân công v.v… là trợ duyên cho hạt lúa thành cây lúa.
Nhân duyên là chỉ các sự việc làm nhân và cũng là trợ lực cho được thành.
Mọi sự vật trong vũ trụ không thể đứng riêng một mình mà có được, mà phải nương vào nhau, từ vật nhỏ đến vật lớn, từ sự vật hữu hình đến vô hình, đều do nhân duyên mà có, do đó có câu: “Chư pháp tùng duyên sinh”.
Nhân Duyên còn chỉ các vật đều là nhân, các nhân đó duyên với nhau mà thành ra vật khác, như gạch ngói xi măng gỗ nhân công v.v… là nhân, các nhân này duyên với nhau mà thành cái nhà chẳng hạn. Các vật trùng điệp làm Nhân Duyên cho nhau thành vật khác, như xi măng là do trộn bột vôi với bột đất sét, vôi là do nung đá mà thành.
Vạn vật trong vũ trụ trùng trùng điệp điệp làm nhân làm duyên cho nhau thành ra vật nọ vật kia gọi là: “Vạn pháp trùng trùng duyên khởi”. Con người cũng là một vật trong vũ trụ, nên cũng không ra ngoài nguyên tắc này.
Tóm lại, pháp duyên khởi là đây có nên kia có, đây khởi nên kia khởi, như duyên Vô Minh có Hành, duyên Hành có Thức, duyên Thức có Danh Sắc, duyên Danh Sắc có Lục Nhập, duyên Lục Nhập có Xúc, duyên Xúc có Thọ, duyên Thọ có Ái, duyên Ái có Thủ, duyên Thủ có Hữu, duyên Hữu có Sinh, duyên Sinh có Già Chết.
MỤC 2: SỰ CHUYỂN BIẾN CỦA CON NGƯỜI:
Muốn biết con người chuyển biến như thế nào, Phật Giáo có thuyết “Mười Hai Nhân Duyên”. Để hiểu vấn đề chuyển biến luân hồi sinh tử, chúng ta phân tích lần lượt:
MỘT: VÔ MINH: Vô Minh là gì? Vô minh có ba nghĩa chính trong nhiều nghĩa như sau:
- Vô Minh là không tỏ ngộ chân tâm.
- Vô Minh là không biết chân thật, phân biệt chấp mình, chấp người, chấp mọi sự.
- Vô Minh là si mê, nên khởi tham lam, sân hận, do đó phiền não sinh ra.
HAI: HÀNH: Là mong muốn, tạo tác. Vì Vô Minh, con người suy nghĩ, nói năng, hành động lành dữ gọi là “Hành”, là tạo ra cái nghiệp tốt xấu. Cái nghiệp tương ưng ấy, huân tập vào Thức thứ tám A Lại Đa Thức của mỗi người thành “Nghiệp thức” phải mang.
BA: THỨC: Là tám Thức: Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỵ thức, Thiệt thức, Thân thức, Ý thức, Mạt Na thức, và A Lại Đa thức. Năm thức đầu tiếp nhận sự kiện khi Căn tiếp xúc Trần cảnh. Ý thức phân biệt muôn sự muôn vật. Mạt Na thức mang các sự kiện thu thập bởi 6 thức trên vào và truyền tải ra từ A Lại Đa Thức. A Lại Đa Thức ghi nhận cất giữ tất cả các dữ kiện lành ác do Mạt Na thức mang vào, gọi là Nghiệp thức. Khi chết, Nghiệp thức đi lãnh qủa báo khổ hay vui ở đời sau, nghĩa là đi huân tập nhập vào nguồn sống mới, tức là vào trong bụng mẹ để bắt đầu một cuộc sống khác gọi là Tâm thức.
BỐN: DANH SẮC: Tại môi trường sống mới, Tâm thức là “Danh” cùng tinh huyết nhục thể gọi là “Sắc” hòa hợp nên có “Danh Sắc”. Danh là tên gọi của Tâm thức gồm “Thụ, Tưởng, Hành, Thức”. Sắc là nhục thể mới, gồm Bốn Đại là “Đất, Nước, Gió, Lửa”.
NĂM: LỤC NHẬP (Lục xứ): Gọi là sáu chỗ vào. Từ Danh Sắc dần dần thành thân thể có sáu nội nhập xứ là “Sáu căn” (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý), là chỗ đến của “Sáu trần” (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), nên gọi là chỗ “Sáu nhập”; ở trong bụng mẹ phát triển đầy đủ tất cả bộ phận.
SÁU: XÚC: Là tiếp xúc. Khi đủ ngày tháng ra khỏi bụng mẹ, lớn dần lên, Sáu căn tiếp xúc Sáu trần, như mắt thấy cảnh, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân tiếp xúc bên ngoài, ý tiếp xúc pháp trần (pháp trần là các sự kiện đã được năm căn trên tiếp nhận).
BẢY: THỌ: Là lãnh thọ. Có ba loại thọ là Thọ khổ, Thọ vui, Thọ không khổ không vui. Khi lớn dần lên tiếp xúc Sáu trần sinh ra phân biệt, đó là “Cảm Thọ” mắt thấy cảnh đẹp xấu, tai nghe tiếng thấy hay dở, mũi ngửi mùi thấy thơm hôi, lưỡi nếm vị thấy ngon dở, thân tiếp xúc thấy dễ chịu khó chịu, ý nghĩ muôn vật khác biệt thấy yêu ghét.
TÁM: ÁI: Là yêu ghét. Khi thọ vui ưa thích, sinh tham muốn làm sao cho được, khi thọ ghét chê, tìm cách gạt bỏ, đây là động cơ thúc đẩy “Ý, Khẩu, Thân” tạo nghiệp.
CHÍN: THỦ: Là giữ lấy. Vì tham ái nên nắm lấy giữ lấy cái ưa thích và cái không ưa nên gọi là Thủ, cố tìm phương kế để thỏa mãn bản ngã yêu ghét của mình, do đó mà tạo ra Nghiệp.
MƯỜI: HỮU: Là Có. Từ Ái Thủ tạo Nghiệp sẽ chiêu cảm qủa báo về sau nên gọi là “Hữu”, tức là “Có” cái nhân lành dữ cho đời sau.
MƯỜI MỘT: SINH: Là sinh ra. Đã “hữu” là Có cái hạt mầm, thế nào cũng “Sinh” ra ở đời sau, tùy theo nghiệp lành ác mà được sinh đến một trong sáu cõi tương xứng.
MƯỜI HAI: GIÀ CHẾT: Mọi người khi tóc bạc, khí lực hao mòn, đó là Già. Khi một hơi thở ra không thở vào thì mạng sống chấm dứt, thân hư hoại, đó là Chết; khi đã “Sinh” phải “Già Chết”, dù ở cõi nào cũng vậy.
Tóm lại, có cái này thì có cái kia. Không có cái này thì không có cái kia, nếu Vô Minh diệt thì Hành diệt, Hành diệt thì Thức diệt, Thức diệt thì Danh Sắc diệt, Danh Sắc diệt thì Lục Nhập diệt, Lục Nhập diệt thì Xúc diệt, Xúc diệt thì Thọ diệt, Thọ diệt thì Ái diệt, Ái diệt thì Thủ diệt, Thủ diệt thì Hữu diệt, Hữu diệt thì Sinh diệt, Sinh diệt thì Già Chết diệt.
Trong 12 Nhân Duyên chia ra như sau:
- Hai Nhân Duyên “Vô Minh và Hành” thuộc về đời qúa khứ vì mê lầm mà tạo Nghiệp nhân.
- Năm Nhân Duyên “Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc, Thọ” là năm Qủa hiện tại do nhân qúa khứ gây ra.
- Ba Nhân Duyên “Ái, Thủ và Hữu” là nhân đời hiện tại tạo Nghiệp cho Qủa ở kiếp sau, đó là hai Nhân Duyên “Sinh và Già Chết”.
Như thế, từ nhân đời qúa khứ (Vô Minh, Hành) sang qủa đời hiện tại (Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc, Thọ), trong khi gặt qủa đời hiện tại lại tạo nhân (Ái, Thủ, Hữu) cho qủa đời tương lai (Sinh, Già Chết). Ba đời cứ thế nối tiếp mãi không ngừng, như một bánh xe quay tròn mãi mãi. Nhưng việc luân hồi không phải chỉ ở cõi Người mà tùy theo Nghiệp thức dẫn dắt vào một trong 6 cõi.
MỤC 3: LÀM SAO DỨT SINH TỬ?
Muốn chấm dứt Sinh Tử Luân Hồi, phải diệt trừ “Vô Minh” bằng cách quán sát và thực hành, các phương pháp như sau:
THỨ NHẤT: DIỆT VÔ MINH CÀNH NGỌN (chi mạt vô minh):
Có 2 cách về “Sự” và về “Lý”:
MỘT LÀ: VỀ SỰ (Sự việc làm):
Hành giả diệt tham Ái, không còn Ái sẽ không có Thủ, không còn Thủ sẽ không có Hữu, không còn Hữu sẽ không có Sinh Già Chết. Kinh ghi: “Hữu ái sinh ưu, hữu ái sinh úy, vô sở ái nhạo hà ưu hà ưng?” Tức là có tham yêu nên mới lo buồn, không tham yêu lo sợ nỗi gì?
Vì khi đối cảnh sinh tâm tham muốn (là Ái), nên chọn lựa giữ lấy (là Thủ), nên mới tạo Nghiệp (là Hữu), do đó phải chịu Sinh Tử Luân Hồi (là Già Chết). Nếu không tham muốn (là không Ái) sẽ chẳng lựa chọn chấp giữ (là không Thủ), vì không chấp thủ nên không tạo Nghiệp (là không Hữu), không còn tạo Nghiệp nên không còn Sinh Tử Luân Hồi (là không Già Chết).
Tóm lại, hết mê Hoặc (là hết Ái) Nghiệp chẳng còn (là hết Thủ, Hữu), Nghiệp chẳng còn Khổ cũng hết (là hết Sinh, Già Chết).
Tu là từ Xúc Thọ phải để ý giữ gìn, ít tiếp xúc, khi Thọ không để sự phân biệt yêu ghét của Ngũ Dục mê hoặc. Không còn chấp Ngã (cái ta) Nhân (người khác) Chúng sinh (các loài) Thọ giả (là đời sống có thật, lâu dài).
Không còn bị năm Uẩn là Sắc (là bốn đại đất nước gió lửa), Thọ (là cảm giác), Tưởng (là nghĩ, nhớ), Hành (là ý muốn), và Thức của sáu giác quan chi phối tâm, tức là không để yêu ghét của Ái hoành hành nữa. Ái đã không có thì Thủ cũng không, Thủ đã không thì không có Hữu, đã không Hữu thì không có mầm để Sinh, tức là ra khỏi sinh tử luân hồi vậy.
Già Chết diệt thì Vô Minh diệt, Vô Minh diệt thì Hành diệt, Hành diệt thì Thức diệt, Thức diệt thì Danh Sắc diệt, Danh Sắc diệt thì Lục Nhập diệt, Lục nhập diệt thì Xúc diệt, Xúc diệt thì Thọ diệt, Thọ diệt thì Ái diệt, Ái diệt thì Thủ diệt, Thủ diệt thì Hữu diệt, Hữu diệt thì Sinh diệt, Sinh diệt thì Già Chết diệt. Như thế ra khỏi sáu cõi nhập Niết Bàn.
HAI LÀ: VỀ LÝ (nghĩa lý):
Dùng lý lẽ, thấy các sự vật chỉ do Nhân Duyên hòa hợp mà có chứ không phải thật mà là giả (là không Hữu); vì các vật không thật nên không chấp giữ chặt lấy (là không Thủ), đã không chấp Thủ, thì không còn ham muốn (là không Ái).
Nếu ba cái “Ái, Thủ, Hữu” đều không cả, thì cái qủa “Sinh, Già Chết” cũng chẳng có nữa, như vậy là ra ngoài vòng Sinh Tử Luân Hồi vậy. Cách quán và thực hành về Lý này cao hơn và khó thực hành hơn cách quán và thực hành về Sự ở trên.
THỨ HAI: DIỆT CĂN BẢN
VÔ MINH (Vô minh căn bản):
Là diệt tận gốc rễ của sinh tử, có hai cách:
MỘT LÀ: Bậc Thượng Căn dùng trí Bát Nhã phá trừ Vô Minh để trở về với bản thể Chân Tâm, như Bát Nhã Tâm Kinh Phật nói: “Ngài Quán Tự Tại Bồ Tát sau khi đi sâu vào trí huệ Bát Nhã soi thấy năm Uẩn đều không liền qua tất cả khổ nạn”. Bậc Bồ Tát thấy rõ do Vô Minh mê mờ vọng động mà có thế giới vũ trụ, chúng sinh, và ngã pháp, nên các ngài dùng trí Bát Nhã phá trừ “Sinh Tướng Vô Minh” để trở về với bản thể Chân Tâm.
Khi đã ngộ được Chân Tâm rồi thì Sinh Tử Luân Hồi phải diệt. Cách này chỉ Bậc Thượng Căn mới làm được.
HAI LÀ: Cũng có thể tu Thiền Định lần hồi tiến tới địa vị Đẳng giác Bồ Tát, dùng Kim cương trí mới phá trừ được “Sinh Tướng Vô Minh”, chứng qủa Diệu giác (qủa Phật). Cách này khó thực hiện vô cùng, và phải trải qua nhiều đời nhiều kiếp lâu dài.
Thời không có Phật hay không có ảnh hưởng giáo hóa của Phật, người tự tu hành Mười Hai Nhân Duyên được ngộ đạo, những vị ấy được gọi là bậc “Độc Giác”, nghĩa là tự nghiên cứu tu mà Giác Ngộ.
Qủa vị Duyên Giác và A La Hán như nhau, nhưng về trí huệ và thần thông, qủa Duyên Giác cao hơn qủa A La Hán; nhưng qủa vị Duyên Giác kém qủa vị Phật. , .
Hình ảnh thêm về Quán 12 Nhân Duyên Diệt Si Mê Thành Bậc Duyên Giác