Có câu phật pháp khó nghe, nên cho dù biết đến Đạo Phật qua văn chương, lịch sử, ngày ngày được thấy các nhà sư khất thực ở đường làng, vẫn chưa đủ duyên tiếp cận phật giáo một cách có hiểu biết: về lịch sử, lý luận, những đặc điểm khác biệt với các tôn giáo khác. Không đơn giản rằng cứ đọc, nghe tất hiểu về phật giáo; đến với Đạo Phật khác hẳn cách đến với văn chương, nghệ thuật hay khoa học, phải hội đủ nhân duyên hay nói cách khác: có duyên lành. Thân phàm, trí phàm cần không gian phù hợp, thời gian, điều kiện như gần bậc thiện tri thức, kinh sách, và cuộc đời ở một khúc quanh khao khát chân lý, có thiện cảm với phật giáo dù chưa có tư cách phật tử.
...Duyên lành đến khi cuộc đời không còn gì: công danh, sự sản, luyến ái. Ở một bến nước của một nhánh sông hiền hoà nhìn qua chợ nhỏ bên kia, trong ngôi nhà lá xập xệ cũ nát dột mưa, dùi mài cố hiểu về nghề hội hoạ vì đấy là một xưởng vẽ. Đúng chữ duyên, bao tháng ngày miệt mài nghề không học được, lại bén duyên với Đạo Phật.
...Chủ ngôi nhà ấy bể nợ đi xa, tài sản đã bán nhiều, ngoài la liệt lu khạp chứa nước và mấy món đồ gỗ cũ, không có chi. Nhưng vào một ngày rảnh, dọn dẹp lại ngôi nhà, trên nóc tủ có mấy quyển kinh- luật- luận tuy nát bìa, chữ hãy còn đọc được. Những quyển giấy in không đầu không cuối hé cánh cửa vài Đạo, mang đến hiểu biết sơ cơ buổi đầu qua các khái niệm trình bày phù hợp theo cách vấn đáp nhập môn: Đạo Phật là gì, nhân quả, nghiệp, duyên...
Đọc, nghĩ, lại đọc, và suy ngẫm, vỡ ra chút ánh sáng buổi đầu, mỗi hạt bụi được lau đi, vô minh bớt một hạt. Ánh sáng hiểu biết ấy chưa có tiền lệ, khác với tri thức đã có qua cơ man sách văn chương, khoa học. Những quyển sách cũ chỉ đến một con đường mà trước đấy người đọc chưa có ý niệm gì dù một chút.
Hơn nghìn năm trước ở xứ Ấn Độ cổ đại, có bậc thế tử trăn trở về lẽ tử sinh, về cuộc đời, đã từ bỏ tất cả để lên đường tìm kiếm chân lý giải thoát. Ngài đã chịu khổ nhọc cách phi thường, đến với nhiều con đường tôn giáo khác nhau rồi từ bỏ vì nhận ra sự không thoả đáng, tiếp tục tìm kiếm. Đến một ngày, dưới cội Bồ Đề trong cánh rừng, bậc hành giả vĩ đại đã phát tâm hạ công phu nhập định chừng nào chưa kiến Đạo chưa thôi dù phải bỏ thân mạng. 49 ngày đêm tĩnh tại dưới cội cây, hành trình tâm linh đến đích: Ngài ngộ ra chân lý giải thoát, phá vỡ vô minh tà kiến, sáng loà lẽ vô thường, tử sinh, thế giới, vũ trụ, con người. Ngài đã trãi nghiệm cảnh giới đạt ngộ, nhận ra Đạo, thành bậc khai sáng.
Đức Phật đã hoàn thiện lý luận, nhân sinh quan & thế giới quan phật giáo, về phương pháp hành trì, các phương tiện, tổ chức tăng đoàn, thuyết pháp cho đại chúng, xây dựng căn bản truyền thống cho phật giáo cho đến ngày nay và mãi mãi. Hết thảy cốt tủy tôn giáo hình thành từ công phu thiền định 49 ngày đêm dưới cội bồ đề, hơn nghìn năm trước.
Mọi sự do duyên, duyên hợp rồi tan, vô thường. Nhân sinh vận động đời sống trong chi phối của nghiệp lực. Thiền định đem tới minh triết, đạt ngộ, giải thoát...
Tôi đã được đọc như thế về Đạo Phật, ở buổi đầu, ở ngôi nhà lá cũ nơi bến sông nhìn sang chợ nhỏ.
Sau này có cơ hội trực tiếp nghe thuyết pháp bởi những bậc giảng sư nổi tiếng, đọc các tác phẩm phật giáo công phu, tài liệu hoằng pháp...
Nhưng không thể quên những quyển in không đầu không cuối đã đọc ở ngôi nhà lá ngày nào, ở bến sông.
Duyên.
Nguyễn Thành Công
Bình Luận Bài Viết