Tình huống xuất hiện quan điểm và chỉ đạo của TW giáo hội phật giáo VN về việc ban hướng dẫn phật tử các tỉnh thành phố cấp “chứng nhận phật tử” cho công dân đã quy y tam bảo, có tôn giáo là phật giáo xảy ra và đang thực hiện khẩn trương xuất phát từ những khó khăn khi phật tử khai mục tôn giáo khi làm thủ tục cấp căn cước gắn chíp, khi cơ quan chức năng yêu cầu xuất trình chứng nhận phật tử.
Chuyện này có tính cũ và mới: cũ khi từng có phiền não về sự chênh lệch con số tín đồ phật giáo giữa giáo hội phật giáo và nhà nước trong một cuộc thống kê dân số tầm quốc gia, trong đó số lượng phật tử trong dân cư rất thấp (theo giáo hội phật giáo); mới ở chỗ giáo hội phật giáo nhanh chóng phản ứng bày tỏ quan điểm và triển khai ngay lập tức cấp chứng nhận phật tử cho phật tử kịp làm căn cước công dân. Như vậy, ở các tỉnh thành phố đồng thời diễn ra thủ tục cấp căn cước của nhà nước và thủ tục cấp chứng nhận phật tử của ban trị sự phật giáo địa phương thực hiện bởi ban hướng dẫn phật tử.
Khi quy y tam bảo, theo lý và thường khi, phật tử nhận phái quy y- một thủ tục có tính thiêng liêng xác lập đời sống tinh thần một con người. Phái quy y ấy có biểu tượng phật giáo, nội dung ngũ giới, phát nguyện của phật tử khi quy y, nơi quy y (địa danh) và cảnh tự cụ thể diễn ra nghi thức quy y, có chữ ký và ấn của bậc xuất gia ban giới quy y cho phật tử. Việc cấp phái quy y cho phật tử là đương nhiên, diễn ra ngay sau nghi thức quy y ở chính điện cảnh tự.
“Chứng nhận phật tử” là một khái niệm mới mẻ- theo người viết, một phật tử. Thủ tục này đáp ứng ý chí của giáo hội phật giáo như đã đề cập ở phần trên và mang tính hành chính, cấp cho những người đã quy y nhưng vì lý do nào đấy không có tấm phái chứng nhận tư cách phật tử với cơ quan chức năng. Về chữ nghĩa, “chứng nhận phật tử” là một chứng chỉ vốn có rất nhiều trong đời sống xã hội xứ mình hiện nay nhưng lại mới mẻ trong đời sống của giáo hội phật giáo xét cả trong truyền thống lịch sử các giáo hội, dành rằng thủ tục này nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của mục thứu 7 trong thủ tục cấp căn cước mới nhưng vẫn lấn cấn vì nó không thể thay thế một tấm phái quy y thiêng liêng và vốn thân thuộc trong đời sống phật giáo.
Lại nói, rất nhiều ngôi chùa không thực hiện ghi chép danh sách phật tử, không cấp phái quy y khi quy y cho tín đồ- tác giả bài viết từng ghi nhận tại chỗ các trường hợp như vậy. Có chùa cấp sau khi nghi thức quy y rất lâu...
Như vậy, có nên nghĩ về chuyện phản ứng của giáo hội phật giáo cấp hàng loạt chứng nhận phật tử tạo nên tiền lệ nào đó, khiến ban hướng dẫn phật tử các địa phương gánh thêm công việc này như một công tác hành chính thuần túy và, có chuyện “chứng nhận phật tử” thay thế tấm phái quy y truyền thống?
Chưa kể, ngay phái quy y cũng được in ấn tùy nghi ở nhiều chùa, một điều không nên.
Xung quanh chuyện cấp căn cước mới nẩy sinh bao nhiêu nhiêu khê...
Nguyễn Thành Công