Tóm tắt: Chương này giới thiệu nghiên cứu về Việt Nam. Nó cung cấp một danh sách các thực thể ở Biển Đông mà Việt Nam hiện đang kiểm soát và giải thích sự liên quan của Biển Đông đối với Việt Nam. Các tranh chấp Trung-Việt được đánh giá là bối cảnh cho các lựa chọn chính sách của Việt Nam. Đặc biệt, nó tập trung vào các cuộc đụng độ Trung-Việt trên Biển Đông kể từ những năm 1970 và những sự kiện này đã kích thích quá trình hiện đại hóa Quân đội Nhân dân Việt Nam như thế nào. Chương này cũng cung cấp một cái nhìn tổng quan về chương trình hiện đại hóa, các kết quả quan trọng đã đạt được, cho thấy khả năng quân sự của Việt Nam vượt xa Philippines nhưng vẫn thua Trung Quốc. Phần kết cung cấp một bản tường trình về mối quan hệ Việt – Nhật và cách đánh giá các mối đe dọa ở Biển Đông đã thúc đẩy hợp tác kinh tế và quân sự giữa hai bên ngày càng sâu sắc.
BỐI CẢNH
Giống như Philippines, Việt Nam đã phải chịu đựng sự đô hộ của các thế lực nước ngoài hàng thế kỷ. Tuy nhiên, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á từng là một phần của Đế quốc Trung Hoa. Vào năm 111 trước Công nguyên nhà Hán bắt đầu thôn tính các vùng lãnh thổ phía bắc Việt Nam. Tuy nhiên, khi nhà Đường sụp đổ vào năm 907 CN, người Việt Nam bắt đầu cuộc đấu tranh kéo dài 20 năm mà cuối cùng họ sẽ giành được độc lập lần đầu tiên sau gần một nghìn năm.1 Từ thời điểm này trở đi, các nhà cầm quyền Việt Nam tìm cách bảo tồn nền độc lập giành được một cách khó khăn của mình bằng cách chấp nhận quy chế triều cống cho các triều đại kế tiếp của Trung Quốc. Những thỏa thuận này đôi khi sẽ bị phá vỡ do Trung Quốc nhiều lần nỗ lực tái chiếm khu vực này trong các triều đại Nguyên, Minh và Thanh, tuy nhiên, các cuộc xâm lược Việt Nam đã không thành công cho đến khi người Pháp chính thức biến nước này thành thuộc địa vào năm 1885. Tình trạng thuộc địa được duy trì cho đến khi Pháp thất bại thảm hại ở Điện Biên Phủ năm 1954. Kết quả là Hội nghị Geneva chia đôi đất nước tại vĩ tuyến 17, tình trạng này kéo dài cho đến năm 1976. Năm 1976, đất nước được thống nhất dưới chế độ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.2 Nói cách khác, Việt Nam đã có một lịch sử lâu dài về các cuộc chiến tranh phi thực dân hóa, đặc biệt là ba cuộc Chiến tranh Đông Dương liên tiếp trong nửa sau thế kỷ XX mà đỉnh cao là Hiệp định Hòa bình Toàn diện Campuchia tại Paris năm 1991. Trong bối cảnh đó, phải hiểu rõ vai trò của Việt Nam với tư cách là đối thủ quyết đoán nhất đối với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, tên chính thức mà Hà Nội sử dụng cho South China Sea (SCS).
Như đã biết, Việt Nam đã mất quyền kiểm soát quần đảo Hoàng Sa vào tay Trung Quốc sau một trận hải chiến năm 1974. Hơn nữa, nước này đã mất một số thực thể của quần đảo Trường Sa sau trận hải chiến ở Đá Chữ Thập năm 1988. Tuy nhiên, bất chấp những trở ngại này, Việt Nam kiểm soát số lượng thực thể địa lý lớn nhất (21) ở quần đảo Trường Sa. Ngoài việc nắm giữ số lượng thực thể đáng kể ở Trường Sa, Việt Nam, trái ngược hoàn toàn với Philippines, có một số công trình kiên cố nhất trong khu vực. Thực thể lớn nhất trong nhóm mà Việt Nam kiểm soát là đảo Trường Sa. Hòn đảo này có “đường băng kiên cố, một bến tàu, ít nhất 35 công trình kiến trúc, khoảng 20 bể chứa, ít nhất 20 ụ súng, ít nhất 5 xe tăng và một số ăng-ten parabol và một radar dạng thìa nằm (spoon rest radar).”3 Hơn nữa, vào tháng 4 năm 2009, “cuộc giám sát trên không của Philippines đã phát hiện ra một tòa nhà hai tầng mới được xây dựng ở Đảo Trường Sa Lớn với 12 cột đèn và 12 turbin điện gió mới được lắp đặt.”4 Đảo Song Tử Tây cũng được củng cố rất kiên cố, các ụ súng, boongke, doanh trại, sân bay trực thăng, và ăng ten mảng lưỡng cực (polarized dipole).5
Giống như Philippines, Việt Nam có lợi ích kinh tế và an ninh ở Biển Đông. Biển Đông tiếp tục cung cấp một lượng năng lượng đáng kể cho đất nước, và các nguồn dự trữ tiềm năng có thể đảm bảo an ninh năng lượng trong nhiều thập kỷ tới. Tương tự như vậy, các nguồn tài nguyên biển của Biển Đông tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Do phần lớn an ninh kinh tế của Việt Nam dựa vào nguồn lợi của Biển Đông, nên Việt Nam là một trong những nước tích cực nhất về mặt chính trị trong việc theo đuổi các yêu sách của mình trong khu vực.
Tên quốc tế | Tên Việt Nam | |
Danh sách các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa Việt Nam quản lý.
ND: Danh sách này không bao gồm những bãi đá ngầm (Bank) a“Vietnam Island Tracker,” Asia Maritime Transparency Initiative, 2018, https://amti.csis.org/island-tracker/vietnam/ | Alison Reef
Amboyna Cay Barque Canada Reef Central Reef Collins Reef Cornwallis South Reef Discovery Great Reef East Reef Grierson Reef Ladd Reef Landsdowne Reef Namyit Island Pearson Reef Petley Reef Sand Cay Sin Cowe Island South Reef Southwest Cay Spratly Island Tennent Reef West Reef | Bãi Tốc Tan
Đảo An Bang Bãi Thuyền Chài Đảo Trường Sa Đông Đá Cô Lin Đá Núi Le Đá Lớn Đá Đông Đảo Sinh Tồn Đông Đá Lát Đá Len Đao Đảo Nam Yết Đảo Phan Vinh Đá Nui Thị Đảo Sơn Ca Đảo Sinh Tồn Đá Nam Đảo Song Tử Tây Đảo Trường Sa Đá Tiên Nữ Đá Tâya |
Nguồn tài nguyên năng lượng
Việt Nam hiện là một trong những nước sản xuất dầu hàng đầu trong khu vực. Công ty quốc doanh PetroVietnam chiếm 26% tổng sản lượng của Việt Nam với sản lượng 24,4 triệu tấn dầu hàng năm.6 Thật không may, sản lượng khai thác dầu đã giảm kể từ năm 2004, điều này đã thúc đẩy Việt Nam gia hạn hợp đồng thăm dò cho các công ty nước ngoài trong nỗ lực xác định vị trí và khai thác các mỏ mới. Điều này đã trực tiếp dẫn đến các cuộc đối đầu với Trung Quốc tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, đã có những phát triển tích cực trong những năm gần đây, có khả năng đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam trong tương lai gần. Vào năm 2013, các cuộc thăm dò thành công đã dẫn đến sự gia tăng trữ lượng đã được chứng minh từ 0,6 tỷ thùng lên 4,4 tỷ thùng. Phần lớn vùng biển của Việt Nam vẫn chưa được thăm dò do tranh chấp đang diễn ra với Trung Quốc, điều này khiến Cơ quan Năng lượng Quốc tế (EIA) dự đoán rằng việc thăm dò thêm có thể dẫn đến trữ lượng được chứng minh lớn hơn. Phát hiện này đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trữ lượng dầu đã được kiểm chứng lớn thứ ba ở châu Á.7 Quan trọng hơn, phát hiện này diễn ra vào thời điểm quan trọng khi mức tiêu thụ dầu ở Việt Nam tăng gần gấp đôi từ 250.000 thùng/ ngày năm 2006 lên 445.000 thùng/ ngày vào năm 2016. Trong ngắn hạn, Việt Nam dự kiến sẽ vẫn là nước nhập khẩu dầu ròng do các mỏ khai thác hiện tại đã đạt đỉnh, cũng như việc nhà máy lọc dầu duy nhất đang hoạt động, Dung Quất, có công suất lọc dầu 130.000 thùng/ ngày, mặc dù và sẽ nâng công suất thêm 40.000 thùng/ ngày. Hơn nữa, các nỗ lực đưa nhà máy lọc dầu thứ hai, Nghi Sơn vào hoạt động sẽ tăng thêm công suất lọc 200.000 thùng/ ngày.8 Tuy nhiên, bất chấp những phát hiện gần đây và công suất lọc dầu tăng lên, Việt Nam phải đối mặt với thách thức khi cố gắng khai thác các trữ lượng ngoài khơi này đồng thời cố gắng chống lại sự cản trở của Trung Quốc. Việt Nam hiện đang tự cung tự cấp về khí đốt tự nhiên, mặc dù được dự báo là sẽ thiếu hụt nguồn cung vào năm 2025. Với trữ lượng khí đốt tự nhiên đã được chứng minh là 24,7 tcf (nghìn tỷ feet khối), Việt Nam không thiếu các nguồn tài nguyên để khai thác.9 Nhưng Việt Nam thiếu chuyên môn để khai thác. Đối với ngành công nghiệp dầu mỏ, Việt Nam đã phụ thuộc vào việc cấp các hợp đồng thăm dò và khai thác cho một số công ty nước ngoài. Tuy nhiên, Việt Nam phải đối mặt với tình thế khó xử với các mỏ khí đốt tự nhiên cũng như với các mỏ dầu. Đó là, mối đe dọa cản trở của Trung Quốc trong các khu vực biển tranh chấp.
Tài nguyên biển
Với đường bờ biển dài 3260 km và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hơn một triệu km2, các nguồn tài nguyên biển là một thành phần quan trọng của nền kinh tế và an ninh lương thực của Việt Nam.10 Kể từ năm 2006, Việt Nam đã là nước xuất khẩu thủy sản lớn, liên tục đứng trong top 10 toàn cầu.11 Trong thập kỷ qua, ngành này đã tăng trưởng trung bình hàng năm 7,9%, đóng góp vào 4–5% tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam. Việt Nam cũng có sản lượng cá đánh bắt lớn thứ hai trong khu vực sau Trung Quốc.12 Ngoài đánh bắt, nuôi trồng thủy sản là một thành phần chính của ngành công nghiệp thủy sản, chiếm khoảng 65% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam và sử dụng khoảng 4 triệu lao động trên cả nước.13
Giống như Philippines, Việt Nam phụ thuộc vào thủy sản và các sản phẩm thủy sản để làm thực phẩm. Người ta ước tính rằng cá cung cấp 30–40% lượng protein trong khẩu phần ăn của người Việt Nam. Năm 1995, Viện Dinh dưỡng Quốc gia tại Hà Nội ước tính lượng cá tiêu thụ bình quân đầu người hàng năm ở Việt Nam là 18,5 kg.14 Nói cách khác, khả năng tiếp cận không bị cản trở vào vùng đặc quyền kinh tế của mình là rất quan trọng đối với kinh tế và an ninh lương thực của Việt Nam. Do đó, các cuộc đụng độ lặp đi lặp lại giữa tàu hải cảnh Trung Quốc và ngư dân Việt Nam là một trong những mối quan tâm hàng đầu đối với chính phủ Việt Nam khi họ cố gắng mở rộng một ngành công nghiệp đang sinh lợi.
LỊCH SỬ TRANH CHẤP TRUNG – VIỆT TRÊN BIỂN ĐÔNG
Quan hệ an ninh Trung-Việt là một trong những mối quan hệ phức tạp và dễ xảy ra xung đột nhất trong khu vực. Về bản chất, “hai thiên niên kỷ cương vị thống trị của Trung Quốc, kết hợp với mối quan hệ căng thẳng trong hơn 60 năm qua được đặc trưng bởi những thái cực của sự thân thiện và thù địch, đã hình thành tâm lý nước đôi sâu sắc đối với Trung Quốc của Việt Nam: tôn trọng một nước xã hội chủ nghĩa anh em mà Hà Nội đang tìm cách bắt chước những cải cách kinh tế, cùng tồn tại với sự phẫn uất sâu sắc, lòng thù hận không giới hạn, sự trịch thượng của Trung Quốc, sự bắt nạt và những nỗ lực được nhận thức để kiểm soát vận mệnh chính trị của đất nước.”15 Mối quan hệ thân thiết giữa Đảng Cộng sản (ĐCS) Trung Quốc và ĐCS Việt Nam đã suy giảm gần như ngay sau khi CHXHCN Việt Nam được thành lập vào năm 1976 do Trung Quốc chiếm Hoàng Sa hai năm trước đó. Lập trường trước đó của Hà Nội ủng hộ các yêu sách của Bắc Kinh đối với Biển Đông đã bị bác bỏ khi nước này tái lập các tuyên bố chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.16 Việc Nam Việt Nam mất Hoàng Sa vào năm 1974 dẫn đến việc Việt Nam lần đầu tiên chiếm đóng sáu thực thể của Quần đảo Trường Sa như một hình thức trả đũa Trung Quốc. Mặc dù việc chiếm đóng ban đầu được thực hiện bởi các lực lượng miền Nam Việt Nam, sau khi thống nhất, quân đội CHXHCN Việt Nam đã giành quyền kiểm soát các đảo và tiếp tục chiếm thêm 15 thực thể nữa.17 Các tranh chấp giữa hai nước trên Biển Đông vẫn tương đối ổn định cho đến năm 1988. Năm 1988, lực lượng hải quân Trung Quốc và Việt Nam đã đụng độ tại quần đảo Trường Sa trên Đá Chữ Thập. Trận chiến kết thúc với việc các lực lượng Việt Nam phải rút lui sau khi chịu tổn thất nặng nề. Ba tàu hải quân Việt Nam và 72 thủy thủ đã thiệt mạng trong trận chiến đó.18 Sự kiện này đánh dấu sự chiếm đóng đầu tiên của Trung Quốc đối với một thực thể thuộc quần đảo Trường Sa. Việc thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực tạo điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc chiếm Hoàng Sa năm 1974, cũng như cho phép Trung Quốc giành được chỗ đứng ở quần đảo Trường Sa sau trận chiến năm 1988. Các sự kiện năm 1974 có thể xảy ra một phần do mối quan hệ Trung-Mỹ và do việc Mỹ rút quân khỏi Việt Nam vào năm 1973. Do đó, “vai trò của Mỹ chỉ giới hạn trong việc giúp đỡ những người miền Nam Việt Nam thoát khỏi quần đảo.”19 Trong trường hợp của các sự kiện năm 1988, Trung Quốc được hỗ trợ bởi thực tế là Liên Xô đã bắt đầu giảm viện trợ cho Việt Nam và đang theo đuổi bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc sau nhiều thập kỷ gia tăng thù địch giữa hai đồng minh cũ. Vị thế đồng minh quân sự của Liên Xô đối với Việt Nam đã chấm dứt hiệu lực, tạo cơ hội cho Trung Quốc thực thi các yêu sách của mình bằng quân sự.20 Người Trung Quốc lý luận rằng sẽ không có cường quốc nào quan tâm đến các tranh chấp ở Biển Đông. Các tính toán của họ sẽ được chứng minh là đúng bởi phản ứng tương đối im lặng từ cả Mỹ và Liên xô sau cuộc đụng độ tại Đá Chữ Thập.
Các tranh chấp vẫn tiếp tục nóng lên cho đến năm 1992 khi chính phủ Việt Nam cáo buộc Trung Quốc khoan dầu trong vùng biển Việt Nam và đổ quân vào một bãi đá ngầm. Cùng năm đó, chính phủ Trung Quốc đã bắt giữ 20 tàu hàng của Việt Nam đang vận chuyển hàng hóa từ Hồng Kông.21 Mặc dù các cuộc đụng độ quân sự giữa hai nước đã không còn phổ biến kể từ đầu những năm 1990, nhưng các cuộc đối đầu chỉ đơn thuần là chuyển sang lĩnh vực dân sự. Nhiều cơ quan thực thi hàng hải của Trung Quốc đã bị cáo buộc công kích ngư dân và tàu thăm dò dầu khí trong vùng biển tranh chấp. Việt Nam tuyên bố rằng kể từ năm 2005 [đến 2012], Trung Quốc đã bắt giữ 63 tàu đánh cá cùng với 725 thuyền viên.22 Những ngư dân này sau đó được yêu cầu trả tiền phạt cắt cổ để được thả. Ví dụ, vào năm 2012, tàu Trung Quốc đã cắt cáp địa chấn của một con tàu thuộc công ty Dầu khí Quốc gia Việt Nam.23 Mặc dù Trung Quốc và Việt Nam đã giải quyết việc phân định các vùng đặc quyền kinh tế và biên giới biển trong Vịnh Bắc Bộ, các tranh chấp về vùng đặc quyền kinh tế và lãnh thổ trong Biển Đông vẫn là những vấn đề chưa được giải quyết giữa hai nước láng giềng. Rõ ràng là quan hệ an ninh Trung-Việt rất không ổn định vì người Việt Nam nhận thức được “mối đe dọa Trung Quốc”. Tại Đối thoại Shangri-La năm 2013, cựu Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng, trong đó ông nêu rõ nhận thức an ninh của mình về Trung Quốc: “đâu đó trong khu vực, đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế mang tính áp đặt và chính trị cường quyền.”24 Tuyên bố được đưa ra liên quan rõ ràng đến thái độ quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông. Hiện đại hóa quân đội và chính sách về Biển Đông ngày càng quyết đoán của Trung Quốc là mối quan tâm lớn của các nhà lãnh đạo Việt Nam, không chỉ vì vị trí sát cạnh Trung Quốc đại lục mà còn vì khả năng quân sự của Việt Nam thua kém đáng kể so với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Tuy nhiên, trong khi Việt Nam không có đủ nguồn lực để chạy đua vũ trang với Trung Quốc cũng như không thể đối mặt với thách thức nghiêm trọng của PLA trên Biển Đông, thì Việt Nam vẫn đang theo đuổi một chiến lược phòng thủ tối thiểu đáng tin cậy để ngăn chặn sự xâm nhập sâu hơn của Trung Quốc vào những gì họ tin là lãnh hải của họ. Điều này đã khiến ngân sách quốc phòng và các chương trình hiện đại hóa Quân đội Việt Nam ngày càng tăng.
HIỆN ĐẠI HÓA QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM
Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) là tên gọi chính thức đầy đủ của các lực lượng quân sự Việt Nam. Giống như PLA, nó bao gồm ba lực lượng chính: lục quân, hải quân và không quân. Vào cuối những năm 80 và đầu những năm 90, ngân sách dành QĐNDVN đã giảm đáng kể. Điều này là do Liên Xô ngừng hỗ trợ tài chính cũng như thực tế là nền kinh tế Việt Nam không thể hỗ trợ bất kỳ thương vụ mua sắm đáng kể nào. Tuy nhiên, các hoạt động gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như tăng trưởng kinh tế đã thúc đẩy Việt Nam bắt đầu hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của mình. Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) ước tính năm 2017, Việt Nam đã chi khoảng 5 tỷ USD cho quốc phòng, chiếm 2,3% tổng sản phẩm quốc nội.25
Vì trọng tâm của chương trình an ninh của Việt Nam là Biển Đông, nên chương trình hiện đại hóa tập trung vào các hoạt động mua sắm nhằm nâng cao năng lực hải quân và không quân Việt Nam. Nga là nước tài trợ chính trong việc mua hàng nước ngoài của Việt Nam. Kể từ năm 2009, QĐNDVN đã mua 24 máy bay chiến đấu SU-30MK để bổ sung vào số máy bay chiến đấu SU hiện có và gia tăng số lượng máy bay của Việt Nam.26 Vị trí địa lý gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi duy trì khoảng 600 quân, cho phép các máy bay chiến đấu này thực hiện các chuyến bay lâu hơn so với các đối thủ của họ đóng tại miền Nam Trung Quốc. Các máy bay chiến đấu này được trang bị tên lửa đối hạm và đối không hiện đại của Nga, giúp tăng cường đáng kể lực lượng không quân của Việt Nam vốn dựa vào máy bay chiến đấu MIG 21 đã lạc hậu hàng thập kỷ. Để tăng cường khả năng phòng thủ, Việt Nam cũng đã mua hai giàn tên lửa phòng không S-300 SAM và hai hệ thống phòng thủ bờ biển K-300 Bastion-P.27 Việc mua hệ thống Bastion-P là đặc biệt quan trọng vì hệ thống này có thể giao tranh với các tàu nổi, các nhóm tác chiến tàu sân bay và thậm chí cả tàu đổ bộ, khiến chúng hoàn toàn phù hợp cho chiến trường Biển Đông. Xét rằng toàn bộ đường bờ biển của Việt Nam đối diện với Biển Đông và hệ thống này có tầm bắn 300 km, thì hầu hết các thực thể địa lý của Trung Quốc trong khu vực đều nằm trong tầm bắn.28 Ngoài việc tăng cường khả năng phòng thủ trên không và bờ biển, QĐNDVN đã mua sắm một lượng lớn khí tài hải quân. Quan trọng nhất trong số các thương vụ mua sắm này là việc mua sáu tàu ngầm lớp Kilo từ Nga trong một thương vụ trị giá 2,1 tỷ USD.29 Các tàu ngầm này được đưa vào biên chế từ năm 2014 đến năm 2017. Đây là một dấu mốc quan trọng vì nó đưa Việt Nam trở thành nước vận hành lực lượng tàu ngầm hiện đại nhất Đông Nam Á. Hơn nữa, với tư cách là một quốc gia tiếp giáp Biển Đông, khả năng vận hành tàu ngầm của Việt Nam cho phép Việt Nam có được một năng lực quan trọng ngày càng cần thiết để bảo vệ các yêu sách hàng hải của mình. Trong khi việc mua tàu ngầm lớp Kilo là thương vụ mua sắm hải quân quan trọng nhất của QĐNDVN, hải quân cũng đã tìm cách nâng cấp lực lượng tác chiến trên mặt nước. Để đạt được mục tiêu đó, QĐNDVN đã đặt mua 6 khinh hạm lớp Gepard-3.9 từ Nga.30 Hai khinh hạm Gepard đầu tiên được đưa vào hoạt động vào năm 2011 có cấu hình tấn công mục tiêu trên mặt nước, trong khi hai chiếc khác được đưa vào hoạt động vào năm 2017 và có cấu hình cho tác chiến chống tàu ngầm, cho thấy mối quan tâm của Việt Nam đối với khả năng tàu ngầm của Trung Quốc ngày càng nhiều. Hai chiếc khác vẫn đang được sản xuất với các thông số kỹ thuật chưa được xác định.31 Tàu Gepards là tàu chiến lớn nhất của QĐNDVN có lượng choán nước 2500 tấn và có tầm hoạt động 5000 hải lý.32 Các tàu này sẽ bổ sung cho 8 tàu hộ tống tên lửa lớp Molniya mà QĐNDVN đã đưa vào hoạt động từ năm 2007 đến năm 2016.33 Cũng có những dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang phát triển năng lực đóng tàu trong nước. Khoảng “3,8 tỷ đô la được báo cáo đã được đầu tư để đóng 30–40 tàu chiến 400 tấn.”34 Một hạng mục đầu tư khác đã được thực hiện là xây dựng một bến cảng lớn tại Hải Phòng. Khi hoàn thành, đây sẽ là căn cứ hải quân lớn thứ hai sau Cam Ranh. Bến cảng này sẽ có khả năng cập bến tàu chiến 40.000 tấn và khoảng 40-60 tàu hải quân và tàu ngầm.35 Hỗ trợ cho việc sản xuất vũ khí trong nước là sự hỗ trợ và chuyển giao công nghệ chủ chốt từ các đối tác chính. Ví dụ, sáu trong số các tàu hộ tống lớp Molniya được sản xuất trong nước sau khi Việt Nam có giấy phép sản xuất. Điều này bổ sung cho việc cấp phép sản xuất tên lửa chống hạm KCT-15 của Nga. Ngoài ra, với tư cách là một đối tác lớn tại cảng Hải Phòng, Damen – công ty đóng tàu của Hà Lan – sẽ hỗ trợ Việt Nam sản xuất các tàu dân sự và quân sự.36 Mặc dù có rất ít thông tin chi tiết về các học thuyết quân sự của Việt Nam, nhưng có vẻ như chương trình mua sắm của Việt Nam chỉ ra một cách tiếp cận tương tự như cách tiếp cận của PLA. Về bản chất, Việt Nam đang theo đuổi chiến lược A2/AD (chống tiếp cận/chống xâm nhập) của riêng mình để chống lại Trung Quốc ở Biển Đông. Do Trung Quốc giáp Biển Đông và có khả năng quân sự vượt xa các nước láng giềng Đông Nam Á, Việt Nam có thể gặp khó khăn khi thực hiện một chiến lược như vậy. Tuy nhiên, một QĐNDVN được hiện đại hóa và có năng lực có thể thể hiện một sức mạnh đáng tin cậy đủ để ngăn chặn sự xâm phạm sâu hơn vào Biển Đông của Trung Quốc, hoặc ít nhất là bảo vệ các tài sản hiện tại của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa. Xét rằng SLOC (tuyến đường hàng hải chính) của chính Trung Quốc phải đi qua EEZ của Việt Nam, đây là một chiến lược khả thi để theo đuổi.
QUAN HỆ VIỆT – NHẬT
Giống như nhiều nước Đông Nam Á, Việt Nam bị Đế quốc Nhật chiếm đóng trong Thế chiến thứ hai. Tuy nhiên, kể từ năm 1973 khi Nhật chính thức công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chính phủ đã thống nhất đất nước vào năm 1976, hai bên đã có quan hệ tương đối ổn định. Nhật là đối tác thương mại hàng đầu với Việt Nam từ những năm 1970. Đến năm 1976, Nhật Bản đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của CHXHCN Việt Nam sau Liên Xô.37 Trong Chiến tranh Lạnh, Nhật trở thành nước cung cấp viện trợ nước ngoài lớn nhất cho chính phủ Việt Nam bên ngoài khối cộng sản. Trong thời kỳ này tài trợ dưới hình thức viện trợ không hoàn lại về cơ bản là bồi thường chiến tranh.38 Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Nhật vẫn là nhà tài trợ lớn nhất của Việt Nam, mặc dù bản chất của khoản tài trợ đã thay đổi từ viện trợ không hoàn lại cho vay ưu đãi do mức sống ở Việt Nam đã tang lên.39
Sau Chiến tranh Lạnh, Nhật vẫn là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam.40 Mối quan hệ càng được củng cố kể từ năm 2009 khi hai nước ký “Hiệp định Đối tác Kinh tế giữa Nhật Bản và CHXHCN Việt Nam”.41 Đây là hiệp định thương mại tự do song phương đầu tiên được Việt Nam ký kết. Hiệp định thương mại nhằm giảm thuế quan và thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước.42 Hợp tác kinh tế đã dẫn đến sự hợp tác sâu rộng, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng. Bằng chứng là vào năm 2017, Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa hai nước đã được ký kết.43 Bản ghi nhớ này cho phép thành lập một nhóm công tác vào năm 2018 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và chuyển giao công nghệ Nhật Bản trong lĩnh vực năng lượng Việt Nam, không chỉ bao gồm các nhà máy điện, mà còn cả lưới điện, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng.44 Về bản chất, Nhật đã trở thành nhà đầu tư hàng đầu trong các lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam và do đó, là động lực chính cho sự phát triển kinh tế Việt Nam.45
Ngoài các mối quan hệ kinh tế ngày càng tăng, nhiều tiến bộ cũng đã đạt được trong lĩnh vực an ninh. Những quan ngại chung về thái độ quyết đoán của Trung Quốc trên Biển Hoa Đông và Biển Đông đã đưa hai quốc gia xích lại gần nhau hơn trong các cuộc thảo luận về an ninh của SLOC và các tranh chấp lãnh thổ mà họ có với Trung Quốc trong các vùng biển tương ứng nêu trên. Trong cuộc gặp năm 2011 giữa cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Yasuo Ichikawa và người đồng cấp Việt Nam, Phùng Quang Thanh, hai bên đã ký “Bản ghi nhớ về Hợp tác và Trao đổi Quốc phòng.”46 Trong hội nghị thượng đỉnh, Ichikawa nói với Thanh rằng “mối quan hệ giữa Nhật và Việt Nam [đã] bước sang một giai đoạn phát triển mới” và Việt Nam là “đối tác chiến lược vì hòa bình và ổn định ở châu Á, và chúng tôi muốn làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác của chúng ta.”47 Theo các quy định của bản ghi nhớ này, Cục Phòng vệ Nhật (JSDF) và QĐND Việt Nam sẽ tiến hành trao đổi quân sự và các quan chức cấp Thứ trưởng của mỗi nước sẽ đối thoại thường xuyên.48 Cũng như Philippines, Nhật đã cam kết cung cấp cho Cảnh sát biển Việt Nam một số tàu tuần tra. Hai bên thống nhất sáu tàu [tuần tra] sẽ được tài trợ thông qua các chương trình ODA.49 Trong một cuộc họp thượng đỉnh năm 2013, Thủ tướng Nhật Bản Abe và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã thảo luận về mối quan tâm đối với hòa bình và ổn định hàng hải, đặc biệt là Biển Đông.50 Việc Thủ tướng Abe chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên sau khi nhậm chức, cho thấy tầm quan trọng của Việt Nam như một đối tác chiến lược của Nhật Bản trong khu vực. Đáp lại, Việt Nam đã mời Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đến thăm các cơ sở hải quân ở Vịnh Cam Ranh. Theo Việt Nam, Onodera là quan chức quốc phòng hoặc quân sự nước ngoài đầu tiên được mời đến căn cứ này.51 Trong một cuộc hội thảo sau chuyến thăm căn cứ hải quân, Onodera đã được hỏi về hợp tác an ninh trong tương lai với Việt Nam. Ông cho biết hai nước đã tiến hành các cuộc diễn tập thực địa về y học dưới nước.52 Trên thực tế, Nhật đã hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này từ năm 2012. Đây là một bộ kỹ năng đặc biệt quan trọng khi Việt Nam tăng cường năng lực hàng hải của mình.53
Khi quân đội Việt Nam hiện đại hóa, quân đội Việt Nam ngày càng tìm đến Nhật để nâng cao năng lực và đào tạo các lực lượng của mình. Kết quả là một số khóa đào tạo và hội thảo giữa hai nước đã diễn ra trong những năm qua.54 Ngoài ra, khi Việt Nam bắt đầu lấp đầy sự thiếu hụt trang thiết bị của mình, Việt Nam có thể sẽ ngày càng tìm đến Nhật như một nguồn cung cấp. Số lượng thủy lôi đáng kể của Trung Quốc trên biển có thể thúc đẩy Việt Nam mua các tàu MCM (rà phá thủy lôi) của Nhật, đồng thời đảm bảo nhận được sự đào tạo từ một trong những lực lượng MCM có năng lực nhất trên thế giới.
CHÚ GIẢI
South China Sea Region,” United Nations—The Nippon Foundation, 2006, p. 29, http://www.un.org/depts/los/nippon/unnff_programme_home/fellows_pages/fellows_papers/khemakorn_0607_thailand.pdf.
http://www.cnas.org/files/documents/publications/CNAS%20
Testimony%20Cronin%20012612_1.pdf.
dialogue-2013-c890/opening-remarks-and-keynote-address-2f46/
keynote-address-d176.
http://armstrade.sipri.org/armstrade/page/trade_register.php.
bastion_p.htm.
http://armstrade.sipri.org/armstrade/page/trade_register.php.
com/vietnam-reportedly-set-to-buy-russian-kilo-class-subs-05396/.
com/projects/gepard-39-class-frigates/.
https://amti.csis.org/tracking-vietnams-force-build-south-china-sea/.
gov/library/publications/the-world-factbook/geos/vm.html.
http://www.mofa.go.jp/region/asia-paci/vietnam/epa0910/joint.html.
http://www.meti.go.jp/english/press/2017/1109_001.html.
* Báo cáo mới của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á [02/2021] cho thấy Việt Nam tiếp tục có các hoạt động cải tạo và nâng cấp nhằm tăng cường khả năng quân sự tại các điểm đảo ở Trường Sa để đảm bảo các cơ sở này có khả năng răn đe hoặc tấn công các cơ sở của Trung Quốc.
– Nâng cấp bãi Đá Tây và đảo Sinh Tồn:
Trong tất cả các tiền đồn của Việt Nam tại Trường Sa, Đá Tây và đảo Sinh Tồn có những thay đổi mạnh mẽ nhất trong hai năm qua. Phần lớn trong số gần 30 ha diện tích của Đá Tây là sản phẩm của quá trình cải tạo từ năm 2013 đến 2016. Trong 2 năm qua, Đá Tây đã được xây dựng thêm một số công trình phòng thủ ven biển, các tòa nhà hành chính, các boong-ke bằng bê-tông và một cấu trúc hình tháp lớn có lẽ là hệ thống liên lạc hoặc tình báo tín hiệu. Các mũi phía bắc và phía nam của hòn đảo cũng đã được xây dựng mạng lưới công đường hầm và trồng cây xanh.
Đảo Sinh Tồn cũng được nâng cấp đáng kể trong hai năm qua, đáng chú ý nhất là việc xây dựng các công trình phòng thủ dọc theo bờ biển. Việc xây dựng này bắt đầu vào năm 2019 và tập trung trên khu đất hơn 10 ha mới được cải tạo từ năm 2013 đến năm 2016. Khu đất mới cải tạo ở phía bắc của đảo Sinh Tồn đã được dọn sạch để xây dựng các đường hầm và công sự ven biển; việc xây dựng này có thể đã hoàn thành khi ảnh vệ tinh vào tháng 11/2020 cho thấy cây xanh tại khu vực này đã bắt đầu được trồng lại.
Việc nâng cấp ở Đá Tây và đảo Sinh Tồn khá giống với các tiền đồn khác của Việt Nam ở Trường Sa với các công trình phòng thủ ven biển – các ụ bê tông thường được kết nối với boong-ke.
– Tăng cường khả năng phòng không và phòng thủ bờ biển
Trên các tiền đồn của Việt Nam tại Trường Sa có 3 loại ụ được xây dựng bao gồm: ụ có những miếng đệm thuôn dài có thể được sử dụng cho mục đích phòng không tại đảo Phan Vinh, đảo Sơn Ca, Nam Yết và Song Tử Tây (có thể được thiết kế để sử dụng cho các hệ thống phòng không cũ của Liên Xô như S-125 Pechora-2TM); ụ có bệ bê tông hình bán nguyệt có thể được sử dụng cho mục đích phòng thủ ven biển tại đảo Sơn Ca, Trường Sa Đông và Trường Sa lớn và loại ụ có các miếng đệm trong nhỏ hơn được thấy ở Sơn Ca, Trường Sa Đông và Song Tử Tây.
Việt Nam cũng được cho là có các hệ thống vũ khí mới hơn, với tầm bắn xa hơn tại các tiền đồn của mình. Năm 2016, hãng tin Reuters đưa tin Hà Nội đã triển khai hệ thống tên lửa pháo EXTRA được mua từ Israel tới 5 tiền đồn tại Trường Sa. Kích thước nhỏ gọn, yêu cầu cơ sở hạ tầng tối thiểu có thể giúp chúng dễ dàng được triển khai và có thể được bắn ra từ bất kỳ tấm đệm nào được xác định ở trên cũng như bất kỳ bề mặt phẳng, cứng nào. Với tầm bắn 150 km, các hệ thống EXTRA có khả năng tấn công tất cả các căn cứ ở Trường Sa của Trung Quốc từ đó gia tăng khả năng răn đe đáng kể của Hà Nội.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đã mở rộng các cơ sở tại Đá Đông và Đá Tốc Tan vốn gần như ngập trong nước. Kể tử năm 2013, Việt Nam đã nâng cấp 8 trong tổng số 24 cơ sở đặt trên các bãi đá ngầm và 12 trong tổng số 14 nhà giàn DK1.
Người dịch Nguyễn Tuấn Anh/https://nghiencuulichsu.com/