Thực ra, đây là hệ quả tất yếu của lối sống công nghiệp. Tôi không bàn đến văn hóa người phương tây hay cụ thể ở đây là những gia đình người Mỹ hiện đại, vì mối quan hệ gia đình của họ không khắn khít như người châu Á chúng ta. Với số đông người Mỹ, con cái đến 18 là cha mẹ hết trách nhiệm, và phải dọn ra ở riêng. Trong khi đó, có rất nhiều gia đình Á châu có đến ba bốn thế hệ sống chung dưới một mái nhà. Tôi chỉ dám “soi nội tình riêng” của người Việt ở Mỹ, cụ thể hơn là ở vùng Vịnh San Francisco.
Có rất nhiều lý do để người ta đưa cha mẹ mình vào nhà dưỡng lão. Tất nhiên, tôi không bàn đến những “nghịch tử” chỉ muốn đẩy cha mẹ mình đi cho khuất mắt. Có lần ngồi ở văn phòng nhãn khoa, nghe cô gái mắng sa sả mẹ mình y như cụ là cục nợ của cô này, tôi bất bình nhưng chỉ biết đứng dậy bỏ ra ngoài.
Quỹ thời gian eo hẹp luôn là lý do đầu tiên. Một ngày quay cuồng với công việc mưu sinh, đưa đón và coi bài vở con cái, công chuyện nhà, hóa đơn, xe cộ, … Nội chừng đó những việc li ti đã khiến con người ta chỉ muốn tối đến lăn quay ra ngủ. Có muốn cũng không kiếm đâu ra thêm thời gian cho bố mẹ.
Lý do thời gian dẫn đến hậu quả từng mức độ. Con cái không nói chuyện với cha mẹ thường xuyên; thiếu sự quan tâm ân cần, hay chăm sóc cha mẹ tốt theo đúng yêu cầu y tế; Nếu cha mẹ sống riêng, trái gió trở trời thì con cái vẫn phải chạy đi chạy lại trông nom, cố gắng lắm cũng không kéo dài mãi được.
Vào nhà dưỡng lão lúc này sẽ là giải pháp tối ưu. Ở đó, người già (nhất là những người có bệnh) được chăm sóc y tế đầy đủ, có y tá túc trực 24/24, được phục vụ chu đáo. Người làm con sẽ không còn mỗi đêm thức giấc, sẽ không còn phải bận tâm nhắc cha mẹ mình uống thuốc mỗi ngày đúng giờ và phải kiểm tra thuốc, sẽ không còn đau đầu nghĩ thực đơn vừa theo được yêu cầu bác sĩ, vừa hợp khẩu vị, vân vân và vân vân.
Như vậy, quỹ thời gian của mỗi gia đình sẽ được điều chỉnh lại đôi chút. Một phần dành cho việc lui tới nhà dưỡng lão thăm cha mẹ, còn lại dành cho bản thân và gia đình để tái tạo sức lao động và duy trì hạnh phúc. Trọn vẹn đôi đường.
Có một số cụ ông, cụ bà khi về già thay đổi tính nết, trở nên khó chịu, khó tính và hay bắt bẻ, chắp nhặt con cháu một cách vô ý thức. Tôi từng chứng kiến mẹ của người bạn, vừa được cho ăn chu đáo nhưng hễ có ai tới nhà, lập tức cụ “mách” lại rằng mình chưa được ăn, bị bỏ đói và ghẻ lạnh. Cũng có những gia đình đã chọn giải pháp mướn người đến chăm sóc riêng, nhưng các cụ lại bẳn tính, kiếm chuyện để đẩy người làm đi.
Tưởng tượng, một ngày tối mặt căng thẳng với công việc, về đến nhà còn bao nhiêu việc phải lo nghĩ, nhưng lại bị cằn nhằn, trách cứ. Trong những trường hợp này, việc chăm sóc cha mẹ sẽ trở thành gánh nặng tinh thần.
“Mỗi cây mỗi cành, mỗi người mỗi cảnh.” Suy cho cùng, con người ta chưa hẳn đưa cha mẹ mình cho người khác chăm sóc vì tình thương không còn đầy, cũng không phải không còn quan tâm, chẳng qua điều kiện sống không cho phép họ chăm sóc cha mẹ mình tốt hơn. Trong khi nhà dưỡng lão đáp ứng và giải quyết được tất cả những khó khăn “chẳng biết tỏ cùng ai” của những người làm con trong đời sống công nghiệp.
Về mặt lý đều đúng và đều đáng thông cảm. Nhưng xét về mặt tình?
Người lớn tuổi cần gì nhất trên quãng đời còn lại? Tôi tin số đông cần sự hiện diện của con cháu chung quanh, cần sự quan tâm, và cần tình cảm. Dứt họ ra khỏi những điều này, không có bệnh sẽ thành có bệnh; có bệnh sẽ thành bệnh nặng hơn. Đó là tâm bệnh!
Nếu các cụ ở San Jose thì sẽ may mắn hơn vì ở đây có một vài nhà dưỡng lão có y tá Việt, phục vụ thức ăn Việt và sẽ gặp được nhiều người Việt để bầu bạn. Nhưng ở những thành phố khác thì sao?
Tôi từng đến thăm một người quen sống trong nhà dưỡng lão của chính phủ ở một thành phố phía đông vùng Vịnh, mới thấy những mối liên hệ văn hóa và cộng đồng của cụ bị thu hẹp lại rất nhiều. Từ việc ẩm thực (đồ ăn), giải trí (TV), sinh hoạt (giao tiếp), tất cả không có chút gì dính dáng đến văn hóa Việt. Như vậy, người già đã cô đơn lại càng cô đơn hơn.
Bậc cha mẹ nào sinh con ra cũng đều mong muốn con mình thành đạt. Có những người cha, người mẹ tần tảo hy sinh suốt đời cho con, nhưng đến cuối đời vì hoàn cảnh cuộc sống nên phải vào nhà dưỡng lão. Tất nhiên, “nước mắt chảy xuôi” nên tôi tin chắng cha mẹ nào trách móc con cái. Có người còn vui vẻ sống ở “nhà người ta” để con mình khỏi bận lòng. Nhưng đôi khi tôi tự hỏi, thực sự trong sâu thẳm các cụ có buồn, có cảm thấy bị tổn thương không? Nếu xét theo giá trị văn hóa và truyền thống người Việt Nam, đây có là điều đáng chê trách những người làm con?
Gia đình là một tế bào của xã hội, chịu ảnh hưởng và chi phối của xã hội. Phải chăng khi cuộc sống càng ngày càng công nghiệp hóa, sự bận rộn đã khiến con người dần dần đánh mất hết những giá trị gia đình cốt lõi một cách vô thức?!
Chúng ta đang ra sức gìn giữ văn hóa Việt ở xứ người, nhưng liệu có ai đã xem xét vấn đề này dưới khía cạnh giá trị văn hóa cần được gìn giữ? Cá nhân tôi nghĩ, khi người Việt chúng ta dạy con trẻ yêu thương kính trọng ông bà cha mẹ, chúng ta nên đem chuyện này ra nói với chúng khi còn nhỏ. Tất nhiên, tất cả đều phụ thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện sống, những lý do khách quan và chủ quan trong cuộc đời khi đứa trẻ trưởng thành, nhưng sẽ đau lòng khi thế hệ người Việt thứ ba, thứ tư lớn lên với suy nghĩ rằng đưa cha mẹ chúng vào nhà dưỡng lão khi tuổi già đến là điều đương nhiên, rất bình thường!
Mời quý vị xem tiếp Kỳ 2: Nước mắt chảy xuôi, thương yêu thế nào cho đúng cách?