"Thí" được chia làm ba loại khác nhau:
1. Tài thí.
2. Pháp thí.
3. Vô úy thí.
Ở đề mục tuy chỉ nêu ra từ “thí thực” nhưng trong văn thì bao gồm đầy đủ.
Kinh chép: “Tất cả chúng sinh đều nhờ vào ăn mà được tồn tại, nếu như không có thức ăn nước uống thì thân thể trở nên đói khát gầy guộc. Cho dù tài pháp có nhiều đến đâu đi nữa thì nào có giúp ích gì được cho thân mạng”. Vì lẽ chúng sinh đau khổ tột cùng, nên chư Phật mới khởi lòng thương xót cứu giúp, trước hết là ban cho thức ăn. Song nói đến thức ăn (thực) thì có chia làm bốn loại:
1. Đoàn thực.
2. Xúc thực.
3. Tư thực.
4. Thức thực.
Thực: Có nghĩa là giúp ích, giữ gìn. Ý nói trong bốn phương pháp thực này hay gìn giữ được sắc thân khiến cho không bị hoại diệt, cho nên gọi là thực.
Thí thực: Theo Phật Quang Đại Từ điển thì Thí thực có 2 nghĩa:
1. Thí thức ăn cho người khác, lấy ngạ quỷ làm đối tượng trong nghi thức thí thực, cũng gọi là Thí ngạ quỷ, Thí thực hội.
Quyển 2 “Chư Hồi Hướng Thanh Quy Thức” chép: Trừ khi thí thực cho loài ngạ quỷ ra, còn có: Vu lan bồn kết duyên thí thực, Thí thực Vu lan bồn vong giả truy tiến, Thí thực, thời chính thí thực, lâm thời thí thực lược hồi hướng, thí thực lược hồi hướng, thí thực lược thông hồi hướng đẳng…
2. Xướng thực: Trong Thiền lâm khi thí cơm cháo, người chủ lễ phải xướng kệ chú nguyện, Thiền Uyển Thanh Quy quyển 1, phần Trai Thời xướng chép:
“Ba đức sáu vị, cúng Phật và Tăng
Pháp giới trời người, thảy đều cúng dường”
Trong Phật học đại Từ điển của Đinh Phúc Bảo chép: Thí thực có 2 nghĩa.
- Thí thức ăn cho loài ngạ quỷ.
- Cúng dường bữa cơm cho Chư tăng.
Lại hướng đến việc thí thực chú nguyện thì gọi là xướng thực, cũng gọi là thí thực.
Phật Thuyết Hiền Giả Ngũ Phước Đức kinh chép: “Phật dạy, người dâng thức ăn lên Chư tăng, có 5 việc lợi: Sắc đẹp, sức mạnh, thọ mạng, an ổn, biện tài”.
Cứu cánh của việc thí là “Tam luân thể không.”
Người thí, người nhận, vật thí, thể vốn là không, không có ý niệm, không có sở đắc, không tồn tại bất kỳ tâm niệm chấp trước nào nên gọi là Tam luân thể không, tam luân thanh tịnh do đó mà đầy đủ công đức tối thượng.
Kinh Kim Cang chép: “Tu Bồ đề, nếu có Bồ tát dùng bảy món báu khắp cả hằng ha sa thế giới dùng để bố thí. Nếu lại có người biết tất cả Pháp vô ngã được thành là do nhẫn nhục. Bồ tát này hơn công đức của Bồ tát có chỗ đắc trước. Vì cớ sao, tu Bồ đề, vì chư Bồ tát không thọ nhận phước đức, phước đức Bồ tát đã thọ nhận, không nên tham trước, thế nên nói không nhận phước đức”.
Quyển 1, kinh Tâm Địa Quán chép: “Người thí, người nhận, vật thí ở trong ba đời không có ngăn ngại, chúng ta tuy ở trong tâm tối thắng, cúng dường mười phương tất cả Phật.
Thực giả (người ăn) tiếng Phạn gọi là A hạ la, nghĩa là nuôi lớn thân tâm. Quyển 10, Câu Xá Luận chép: “Tỳ Bà Sa nói, thí thức ăn ở trong 2 thời, hay làm việc thí thức ăn thì đều được gọi là “thực”.
a. Lúc ăn, trừ được sự đói khát.
b. Khi tiêu hóa xong, nuôi dưỡng căn thân phát triển tồn tại.
Nói rộng ra thì có: Kéo dài, giúp ích, nuôi lớn, tiếp nối. Tức là nuôi dưỡng nhục thân của chúng sinh hoặc pháp thân của bậc Thánh để khiến cho được tồn tại và mãi mãi giữ gìn trạng thái và tác dụng tinh thần về thí thực.