Lịch sử ngợi ca Trần Nhân Tông (1258-1308) là một trong những hoàng đế anh minh nhất trong lịch sử Việt Nam. Không chỉ đoàn kết nhân dân Đại Việt chống lại đế quốc hùng mạnh nhất thế giới, giặc Nguyên Mông, ông còn là người sáng lập thiền phái Trúc Lâm riêng có ở Việt Nam và được các Phật tử Việt Nam tôn là Phật Hoàng.
Lấy đạo Phật làm gốc
Đánh giá về nguồn gốc tư tưởng hòa giải của Trần Nhân Tông, Đại đức Thích Tâm Thuần - Phó Ban Hoằng pháp Thành hội Phật giáo Hà Nội, trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc cho biết: “Phật Hoàng Trần Nhân Tông lấy đạo Phật làm tư tưởng chủ đạo “cố kế nhân tâm, vun bồi trí đức” cùng nhau xây dựng cuộc sống an lạc. Ngài lấy lục hòa của Phật giáo để chung sống (Thân hòa cùng ở; lời nói hòa hợp không tranh cãi nhau; ý hòa cùng vui; giới hòa cùng nhau tu tập; thấy biết giãi bày cho nhau cùng hiểu; lợi lộc cùng nhau chia đều). Ngài luôn tôn trọng và đề cao nhân dân trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Luôn thực hiện tinh thần hòa hợp giữa vợ - chồng, cha - con, vua - tôi,.. tư tưởng “hòa quan đồng trần” nghĩa là xem tất cả đều giống nhau, như ánh sáng cây đèn, đèn lớn thì ánh sáng mạnh hơn, đèn nhỏ ánh sáng yếu hơn, nhưng ánh sáng của đèn lớn, đèn nhỏ hòa chung thành một ánh sáng”.
Lấy tư tưởng hòa giải làm nền tảng cốt lõi để tạo nên sức mạnh đoàn kết trong chống giặc ngoại xâm, Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã khiến không chỉ quân dân trong nước ngợi ca về một bậc minh quân anh hùng, nhân hậu hết mực mà đến quân thù cũng phải “tâm phục, khẩu phục”. Tiến sĩ Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ đánh giá: “Ngài đối với kẻ thù xâm lược, khiêu chiến thì vua tôi sát Thát, một lòng giết giặc. Khi giặc thua, thì Ngài nhìn thây giặc chết mà thương không khác gì quân lính của mình tử trận nên lệnh cho người chôn cất tử tế. Đối với quân thua trận đã quy hàng thì tha cho về nước, cho lương ăn, cho người bảo vệ…”.
Sức lan tỏa và tính thời đại
Hòa giải là thuyết phục các bên đồng ý chấm dứt xung đột hoặc giải quyết bất đồng; là hành động hàn gắn, đưa những đối lập lại với nhau, để hai phía hợp tác và nhượng bộ, khi đó hòa giải đạt kết quả thực sự... Hòa giải tuân thủ quy trình từ tư tưởng tới hành động và kết quả. Sự nghiệp của Trần Nhân Tông thể hiện tư tưởng và kết quả hòa giải trên nhiều mặt đời sống xã hội qua ảnh hưởng của Ngài.
Chính vì vậy, Trần Nhân Tông còn được thế giới đánh giá là một đại diện tiêu biểu về tinh thần hòa giải. Vào đầu năm 2012, Đại học Harvard (Mỹ) đã thành lập Giải thưởng Trần Nhân Tông về hòa giải.
Nói về Trần Nhân Tông và sức lan tỏa cũng như tính thời đại của tư tưởng hòa giải của Ngài, Đại sứ Phạm Sanh Châu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO cho biết: “Ngài lấy lòng vị tha, trí, đức của đạo Phật và cũng là sự kết tinh của lòng nhân hậu, tình đoàn kết truyền thống của người Việt, coi trọng mọi người và mọi người sống trên đời yêu thương nhau, chấp nhận sự đa dạng của người khác… làm nguồn cho tư tưởng hòa giải. Tư tưởng này của Trần Nhân Tông không chỉ riêng là của Phật giáo mà đã “nhập thế - nhập tục”, nhập vào dân gian. Có lẽ vì vậy mà trải qua nhiều triều đại, nhiều thời kỳ, tư tưởng này vẫn có sức sống và sức lan tỏa mạnh mẽ”.
Hiện nay, trên thế giới nhiều xung đột xảy ra phần lớn là do cú sốc văn hóa. Vì vậy, hơn bao giờ hết, tư tưởng hòa giải và yêu thương của Phật Hoàng Trần Nhân Tông vẫn còn nguyên giá trị thời đại. Đại sứ Phạm Sanh Châu chia sẻ thêm: “Có thể trong tương lai, Việt Nam sẽ lập Viện Trần Nhân Tông như Viện Khổng Tử (Trung Quốc) hay Viện Goethe (Đức)… ở các nước, để tư tưởng hòa giải và yêu thương Trần Nhân Tông được lan tỏa”.
Hơn 700 năm sau khi Trần Nhân Tông viên tịch, tư tưởng hòa giải và yêu thương của Phật Hoàng cần được đề cao, được vận dụng để đoàn kết người Việt Nam trong và ngoài nước cùng chung tay xây dựng đất nước. Đặc biệt, nếu mọi người trên thế giới có thể chấp nhận sự khác biệt của nhau và có thể vận dụng tư tưởng này để tránh xung đột, một thế giới hòa bình, an vui và hạnh phúc sẽ được xây dựng.
Trần Nhân Tông, sinh ngày 11/11 (Âm lịch) tức 7/12/1258, là vị Hoàng đế thứ ba của Triều Trần (1225-1400). là con trai trưởng của Hoàng đế Trần Thánh Tông và Thiên Cảm hoàng hậu Trần TRiều, Ngài lên ngôi Hoàng đế từ 1278-1293, làm Thái Thượng hoàng từ 1293-1299, xuất gia vào cửa Phật từ 1299-1308 và viên tịch ngày 1/11 (Âm lịch), tức 16/12/1308. |