Kỳ I
Thiên nhiên và lịch sử đã tạo ra những điều kiện để người Việt xây dựng nền văn minh lúa nước Sông Hồng và nền văn hóa làng xã. Làng xã là tế bào, đơn vị cơ bản của xã hội truyền thống. Về mặt tâm linh, làng xã nào cũng có hai trung tâm tâm linh phổ biến là đình và chùa, không kể những đền miếu mang tính địa phương. Đình là đầu óc, chùa là trái tim, tình cảm của cộng đồng làng xã. Hai nơi này chi phối tâm lý cộng đồng và bổ sung cho nhau để giữ thăng bằng cho sinh hoạt tinh thần làng xã. Đình là nơi thờ Thành hoàng làng. Chùa thờ đức Phật tổ, tức Thích Ca Mâu Ni (563-483 TCN). Tượng Thích Ca thường có nhiều mẫu: tượng Phật tĩnh tọa trên tòa sen, tượng Tuyết Sơn (tu ở Tuyết Sơn, nét khắc khổ), tượng Niết Bàn (Phật nằm) và tượng Thích Ca sơ sinh với ngón tay chỉ mặt trăng, có ý nghĩa: Phật pháp như ngón tay, mặt trăng như chân lý. Phật pháp là ngón tay chỉ mặt trăng chứ không phải là mặt trăng. Phật pháp là con đường dẫn đến giác ngộ và giải thoát, chứ không phải bản thân sự giác ngộ và giải thoát. Như vậy, Phật pháp không phải là giáo điều hay tín điều.
Có lẽ giáo lý Thích Ca cao siêu nên ở chùa Việt Nam (thuộc dòng Đại thừa), người dân đi lễ có cảm xúc gắn bó gần gũi hơn với hai vị: Phật A Di Đà (Phật của dĩ vãng) và Quan Thế Âm Bồ Tát. Giáo lý của Phật A Di Đà đơn giản, tuy không kém phần sâu sắc: chỉ cần thành tâm niệm tên người (Na mô A Di Đà Phật) là tai qua nạn khỏi và có thể tu luyện để siêu thoát. Còn Quan Âm thì tượng trưng cho từ bi, cứu khổ cứu nạn, - đàn bà muộn sinh đẻ thường đến cầu tự Quan Thế Âm.
Thường khi nói đến Phật là nói đến Thích Ca Mâu Ni (tiếng Phạn là Sakyamuni) - Phật hay Phật Đà, ta còn gọi là Bụt, phiên âm chữ Phạn là Buddha, có nghĩa: người sáng suốt, tự giác ngộ và giác ngộ người khác. Theo kinh điển đạo Phật, có nhiều Phật xuất hiện trong dĩ vãng, hiện tại và tương lai, nhưng hàng muôn triệu năm mới có một đức Phật ra đời. Thích Ca Mâu Ni là vị Phật hiện tại, ở cõi này (Phật Di Lặc - là Phật của tương lai); mùng 8/4 âm lịch là ngày Phật đản (ngày sinh của Phật). Sakyamuni là bậc tịch tĩnh (đã tự giác thoát khỏi phiền não, thuộc dòng họ Sákya hay Thích Ca), do đó đệ tử xuất gia thường đề chữ Thích trước pháp danh. Thích Ca Mâu Ni tên thật là Siddharta Gautama (Xi-dar’-Gô-ta-ma) là con một ông vua bộ lạc Sákya (ở vùng biên giới giữa Nê-pan và Ấn độ ngày nay). Theo truyền thuyết, năm 7-8 tuổi ông theo học các thầy Bà-La-Môn, học văn chương và võ nghệ đều giỏi. Lớn lên ở nơi quyền quý giàu sang. Có lần dạo chơi ra ngoại thành, ông thấy một người ốm nặng, một cụ già, một người chết và một nhà tu hành. Từ đó, ông nảy ra ý định giải thoát, bỏ đi tìm đạo. Vua cha tìm mọi cách giữ Thái tử lại, cưới vợ cho con, tổ chức tiệc tùng múa hát, sửa sang cung điện. Năm 29 tuổi, Thái tử quyết tâm ra đi. Thụ giáo mấy tu sĩ Bà-La-Môn, nhưng thấy phép tu của họ không hợp, bèn tu khổ hạnh 6 năm bên bờ sông. Kiệt sức mà không đạt kết quả, Siddharta Gautama tắm rửa sạch sẽ, xin một bát sữa của một thiếu nữ tiện dân chăn bò. Uống xong, thấy người khỏe khoắn, sáng suốt. Ông đến Buddha Gaya (Bu-đa-gay-a), ngồi dưới cây Pippalo (Pip-pa-lô), sau gọi là cây Bồ đề hay Giáo thụ(Bodhi = giác ngộ), nhập định (ngồi hoàn toàn yên lặng, nhắm mắt, gạt bỏ mọi điều suy nghĩ) 49 ngày. Đêm cuối cùng thành đạo, ông trở thành Phật Thích Ca Mâu Ni (còn gọi là đức Phật tổ, đức Thế Tôn, đức Như Lai). Trong 49 năm đi khắp nơi thuyết pháp và tổ chức tăng lữ. Năm 84 tuổi, ông mất ở Kusinagara (Ku-xi-na-ga-ra).
Sau đây là một số lời Phật dạy (dịch theo bản tiếng Pháp):
Hãy nghi ngờ hết thảy, kể cả những điều ta sẽ nói với các ngươi.
Tất cả đều vô thường, ngoại trừ sự thay đổi.
Vậy thì chúng ta cứ việc sống ung dung, đừng căm ghét những kẻ căm ghét ta.
Kẻ đắm đuối tìm thú vui như đi hái hoa, sẽ bị cái chết cuốn đi y như dòng lũ cuốn đi cả một làng đang yên giấc ngủ.
Ý nghĩ rất khó ngự trị vì nó luôn luôn không cố định, biến đổi theo tùy hứng, cần phải làm chủ được nó. Làm chủ được điều đó thì đảm bảo được hạnh phúc.
Kẻ làm chủ được bản thân thì vĩ đại hơn kẻ làm chủ cả thế giới.
Việc tốt là việc không để lại chút ân hận nào mà hậu quả được tiếp nhận trong niềm vui và sự thanh thản.
Nghìn lời vô nghĩa không bằng một lời có ý nghĩa mang lại cho người nghe sự thanh thản.
Cơn giận nào ấp ủ vào lòng thì y như cầm than hồng trong tay với ý định để ném ai, chính mình sẽ bị bỏng.
Nếu lấy hận thù trả hận thù thì làm thế nào chấm dứt được hận thù.
Dưới bầu trời này, không có gì cố định, không có gì tồn tại vĩnh viễn.
Có bốn thứ tình cảm vô hạn: tình yêu, tình thương, niềm vui và sự thanh thản của tâm hồn.
Có hai điều thuộc về tri thức: yên tĩnh và nội tâm.
Ngươi hãy tìm nơi ẩn náu ở chính ngươi. Ngươi hãy tìm ở bản thân ngươi ánh sáng.
Trong hai người đắc thắng, giữa người thắng hàng nghìn người trong một trận đánh và người thắng được bản thân thì người thứ hai vĩ đại hơn.
Người nào đã gạt bỏ được cái Tham, Sân, Si thì giống như một cái gương đã được chùi sạch.
Sai lầm của kẻ khác thì mình dễ nhận ra, còn sai lầm của mình thì mình lại khó nhận.
Mọi sự đắc thắng đều gây ra hận thù vì người thua bị chìm trong đau khổ. Người sung sướng là người bình thản đã vứt bỏ tất cả ý nghĩ về thắng bại.
Tựa như con khỉ nhảy nhót trong rừng, nắm lấy một cành cây rồi lại thả ra ngay lập tức để víu lấy cành khác. Cũng như vậy, cái mà ta gọi là ý nghĩ, tri thức, luôn luôn hình thành và tan biến.
Thế giới thì mù quáng, hiếm có người sáng mắt.
Trong thế gian hiếm có người không có dục vọng.
Hạnh phúc sinh ra từ lòng vị tha, còn bất hạnh sinh ra từ vị kỷ.
Giữa trời và đất chỉ có một nơi trú ngụ tạm thời.
Một tâm thức bị dục vọng làm rối loạn thì không thể tự giải thoát được.
Người minh triết là người tuy trong trắng vô tội, mà vẫn bị những lời nguyền rủa và sự hành hạ của người đời đối với sự kiên nhẫn của mình.
Chớ bận tâm về cái đã qua, cũng đừng mơ tưởng đến cái sắp tới, hãy tập trung nghĩ về cái hiện tại.
Dù ngươi có đọc hay nói bao nhiêu điều cao quý chăng nữa, thì chẳng có ích gì nếu lời nói không đi đôi với việc làm.
Tất cả những hình ảnh chỉ là hư ảo, không có hình ảnh cũng là hư ảo.
Thực hiện ý tưởng thì phải qua thực hành.
Tất cả những sinh vật đều là Phật và đều có minh triết và đức hạnh.
Nếu ngươi không tìm được bạn tốt, cương quyết, bền bỉ để cùng đi, thì ngươi hãy đi một mình y như một vị quân vương thắng trận hay một con voi trong rừng sâu.
Nói những lời hùng hồn không có nghĩa là minh triết.
Ngươi hãy lấy bản thân ngươi làm ngọn đuốc cho mình.
Thời gian là bậc thầy lớn, điều bất hạnh là thời gian lại tiêu diệt những môn đệ của mình.
Người đặt câu hỏi tự dối mình, người trả lời cũng tự dối mình.
Người ta có thể châm hàng chục ngọn nến chỉ bằng một ngọn, mà không làm tắt ngọn nào. Người ta không làm mất hạnh phúc khi chia sẻ hạnh phúc với mọi người.
Hận thù không thể tiêu diệt được hận thù, mà bằng yêu thương.
Chúng ta là những gì ta đã nghĩ ra. Tất cả những gì là ta là kết quả tư duy của ta. Với ý nghĩ của chúng ta, chúng ta xây dựng ra thế giới của chúng ta.
Đừng bao giờ phê phán tín ngưỡng kẻ khác, như vậy ta không làm hại ai cả. Có những hoàn cảnh mà ta phải thờ phụng tín điều của người khác mà ta không tin.
Chữ Nhẫn là lời cầu nguyện lớn nhất.
Tất cả mọi thứ đều đúng và sai: đó là tính chất thực của quy luật?
Nước mắt chúng sinh nhỏ xuống trần gian còn nhiều hơn cả nước đại dương.
Mây không tiêu tan đi mà biến thành mưa.
Sau đây là một số đoạn trích trong cuốn “Lời dạy của Thích Ca Mâu Ni Phật” của Hiệp hội Truyền bá Phật giáo Bukkyi Dendo Kyokai-Tokyo (1986):
Thế gian này là sự vô thường, không sinh không tử. Thân xác ta cũng sẽ tan rã như chiếc xe cũ nát, các con hãy chứng nghiệm lấy đạo lý vô thường này.
Khi mặt trăng khuất đi, người ta nói mặt trăng lặn. Khi mặt trăng hiện lên, người ta nói mặt trăng hiện lên. Nhưng thật ra thì mặt trăng vẫn đó, không lặn, không hiện. Phật cũng thế, thường trú không sinh, không diệt, chỉ vì muốn dạy cho con người nên đã biểu hiện sự sinh diệt mà thôi.
Thế giới này đầy rẫy những sự khổ ải. Sinh cũng khổ, lão cũng khổ, bệnh cũng khổ, phải xa cái mình yêu thích cũng khổ. Đúng là cuộc đời này không xa lánh được sự chấp nê nên khổ. Đó gọi là chân lý của sự khổ (khổ đế).
Chúng ta phải diệt trừ tận gốc sự phiền não. Nếu con người bỏ được tất cả sự chấp nê thì sẽ hết khổ. Đây gọi là chân lý diệt khổ (diệt đế).
Muốn vào cõi vô dục vô khổ, con người phải tu bát chính đạo, tức là 8 đạo. Một là hiểu đúng, hai là nghĩ đúng, ba là nói đúng, bốn là làm đúng, năm là sống đúng, sáu là cố gắng đúng, bảy là nhớ đúng và tám là chính tâm. Đó gọi là chân lý chính đạo diệt dục (đạo đế). Phải thấm nhuần 8 điều chân lý này.
Tất cả mọi vật trên thế gian này đều do duyên mà hiện ra, vì thế vốn không có sự sai biệt, sai biệt nếu có là do thiên kiến của con người.
Vũ trụ không có phân biệt Đông Tây, chính con đường đã đặt ra Đông Tây và chấp nê vào Đông và Tây.
Phật dạy rằng: “Tất cả vạn vật xa rời phạm trù hữu - vô, không “có” mà cũng không “không”, không “diệt”. Cho nên vạn vật đều do duyên mà thành, bản tính tự thể của vật thì không có thực, cho nên không “có”, vì duyên mà thành nên cũng không gọi là không “không”.
Vạn vật hiện ra do nhân duyên vô lượng. Cái nhìn cho rằng những vật hiện ra là do nhân duyên vô lượng mà tồn tại vĩnh cửu là cái nhìn phàm tục và sai lầm. Ngược lại cho rằng hoàn toàn không có cũng là nhìn phiến diện và sai lầm.
Những kẻ tu đạo, phải tránh hai cuộc sống thiên lệch sau: thứ nhất là lùi bước trước dục vọng, bị bại vì dục thì cuộc sống sẽ ô trọc. Thứ hai là, sống một cách khổ hành tự hành hạ tâm thân mình một cách vô ích.
(chuaadida.com xin phép tác giả sửa lại từ Tựa đề : Cảo thơm lần giở: Thích Ca nghĩ gì?)
Bình Luận Bài Viết