Một vị sư người Nhật cử hành nghi lễ tại Khu phức hợp Phật giáo Abbasahib Cheena, Swat. Ảnh: Dawn
Sự giao lưu giữa Gandhara và Nhật Bản không chỉ giới hạn trong lĩnh vực tôn giáo, mà còn bao trùm các khía cạnh triết học, nghệ thuật, khoa học và quản trị xã hội.
Hòa thượng Junsei Terasawa, một nhà sư Phật giáo nổi tiếng đến từ Nhật Bản, đã có chuyến thăm thung lũng Swat, Pakistan. Tại đây, ông nhấn mạnh mối liên hệ sâu sắc về lịch sử và văn hóa giữa vùng đất cổ Gandhara với Nhật Bản, đặc biệt là trong quá trình hình thành nền tảng pháp luật và tinh thần của Nhật Bản thời kỳ đầu.
Trong buổi trao đổi với báo Dawn, Hòa thượng Terasawa cho biết các giáo lý Phật giáo từ vùng Gandhara đã truyền cảm hứng trực tiếp cho bản Hiến chương Mười bảy điều (Seventeen-Article Constitution) do Thái tử Shotoku biên soạn vào năm 604 sau Công nguyên, một trong những văn kiện lập quốc đầu tiên của Nhật Bản
“Gandhara và Swat có ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển của hiến pháp Nhật Bản. Trí tuệ Phật giáo từ vùng đất này đã thấm sâu vào tâm thức của Thái tử Shotoku và Công chúa Shotoku, giúp họ đưa tinh thần phật pháp vào trong thiết chế quản trị và văn hóa Nhật Bản”, Hòa thượng phát biểu.
Theo giới khảo cổ, Gandhara là một vùng đất cổ từng trải dài qua khu vực ngày nay thuộc Pakistan và Afghanistan, được biết đến như một trung tâm lớn về Phật học và nghệ thuật Phật giáo. Đặc biệt, thung lũng Swat, xưa kia có tên gọi là Uddiyana, được mệnh danh là “cái nôi của Mật tông” (Vajrayana), từ đây truyền thống Phật giáo Kim cương thừa đã lan rộng sang Tây Tạng, Trung Quốc và Nhật Bản, mang theo cả di sản trí tuệ lẫn tâm linh của Gandhara.
“Swat từng là một trung tâm sinh hoạt trí tuệ và tâm linh sôi động. Các tu viện và học giả tại đây được biết đến rộng rãi khắp châu Á, và tầm ảnh hưởng của họ vượt xa ranh giới địa lý”, Hòa thượng chia sẻ.
Hòa thượng cũng đề cập đến một hệ thống gọi là “Sora”, có thể là ám chỉ các mạng lưới giao thương và giao lưu học thuật của người Sogdian và Trung Á cổ đại, những tuyến liên kết quan trọng dọc theo Con đường Tơ lụa, đóng vai trò trung gian trong việc lan truyền giáo lý, nghệ thuật và thực hành Phật giáo từ Gandhara đến Nhật Bản và khu vực Đông Nam Á.
“Hệ thống Sora là biểu tượng cho sự kết nối của các nền văn minh cổ đại. Qua đó, giáo lý Phật giáo và các hình thái nghệ thuật đã vượt qua biên giới, để lại dấu ấn sâu đậm trong văn hóa Nhật Bản”, Hòa thượng nói.
Hòa thượng Terasawa khẳng định Phật giáo đến Nhật Bản vào thế kỷ thứ VI qua ngả Triều Tiên và Trung Quốc, mang theo truyền thống nghệ thuật và tinh thần từ Gandhara. Hòa thượng cho biết trường phái Nghệ thuật Gandhara, nổi bật với phong cách Hy Lạp - Phật giáo độc đáo - đã tác động mạnh mẽ đến mỹ thuật và kiến trúc Phật giáo tại Nhật Bản. Những hình tượng và biểu tượng do nghệ nhân Gandhara khởi tạo đã được bản địa hóa để hòa nhập với đời sống tinh thần người Nhật, làm phong phú thêm di sản tâm linh và thẩm mỹ nơi đây.
“Nghệ thuật Gandhara để lại dấu ấn không thể phai mờ tại Đông Á. Hình ảnh đức Phật trong nghệ thuật Nhật Bản ngày nay vẫn mang đậm nét di sản từ Gandhara”, Hòa thượng Terasawa nhận định.
Sự giao lưu giữa Gandhara và Nhật Bản không chỉ giới hạn trong lĩnh vực tôn giáo, mà còn bao trùm các khía cạnh triết học, nghệ thuật, khoa học và quản trị xã hội. Các tu viện Phật giáo tại Gandhara từng là những trung tâm giáo dục lớn, thu hút học giả và tu sĩ từ khắp châu Á. Những người này sau đó đã mang giáo lý của đức Phật truyền bá đến các vùng đất xa xôi, trong đó có Nhật Bản, nơi chúng được tiếp biến và hội nhập vào văn hóa bản địa.
“Gandhara là điểm hội tụ của nhiều nền văn hóa. Ảnh hưởng của vùng đất này đối với Nhật Bản là minh chứng sống động cho sức mạnh của giao lưu tâm linh và văn hóa”, Hòa thượng Terasawa khẳng định.
Hòa thượng Terasawa cũng cho biết, mối liên hệ lịch sử giữa Gandhara và Nhật Bản hiện vẫn tiếp tục được gìn giữ qua các hoạt động giao lưu văn hóa, nghiên cứu học thuật và các chuyến hành hương Phật giáo. “Swat vẫn là một địa danh thiêng liêng và giàu giá trị lịch sử, thu hút giới học giả và phật tử hành hương từ khắp nơi trên thế giới,” ông nói.
Cuối cùng, Hòa thượng Terasawa nhấn mạnh rằng tinh thần Gandhara tiếp tục truyền cảm hứng và gắn kết con người khắp châu Á. “Tinh thần ấy, gọi là Gandhara Spirit - chính là cội nguồn cho lý tưởng Bồ tát trong bản Hiến chương Mười bảy điều của Thái tử Shotoku. Di sản của vùng đất này đã in sâu vào tâm thức và hệ giá trị của người Nhật từ ngàn năm trước”, Hòa thượng chia sẻ đầy trân trọng.
Tác giả: Fazal Khaliq/Việt dịch: Thích Vân Phong/Nguồn: dawn.com
Bình Luận Bài Viết