TThà làm chân kiến…
Kiến là loài động vật rất nhỏ bé. Sinh vật này bé đến mức nếu chúng ta không chú ý quan sát thật kỹ thì sẽ không thể thấy được sự tồn tại của chúng. Thậm chí có lúc chỉ cần hơi động tay động chân liền có thể làm tổn thương chúng. Mọi người có thể nghĩ, con kiến yếu ớt như vậy, vì sao chúng ta lại muốn làm chân kiến?
Thứ nhất: chúng ta cùng tìm hiểu về đặc điểm của loài kiến. Dù ở trong hoàn cảnh nào, loài kiến cũng dựa vào đôi chân của mình để tìm kiếm thức ăn, duy trì cuộc sống. Nó phân bố rộng khắp trên toàn thế giới. Dù ở đâu, kiến cũng nỗ lực làm việc hết mình một cách cẩn thận.
Thứ hai: kiến còn có đặc tính nổi bật về sự kiên trì. Có câu: “Đê dài ngàn dặm bị vỡ bởi tổ kiến”. Đúng là loài kiến làm việc hết sức cẩn thận và chăm chỉ, kiên trì không ngừng. Con đê dài ngàn dặm là một công trình rất lớn, vậy mà nó lại bị những con kiến yếu đuối kiên trì làm việc qua nhiều năm phá hủy.
Không chỉ vậy, mặc dù những con kiến trông rất nhỏ bé, nhưng sự phối hợp chung sức làm việc hết mình đã khiến chúng trở nên mạnh mẽ.
Ví dụ, gián là sinh vật lớn hơn kiến rất nhiều lần, nhưng dưới sự hợp tác của một đội, kiến lại có thể mang những con gián lớn hơn rất nhiều lần về làm thức ăn. Hơn nữa, khi vận chuyển, loài kiến còn cho thấy chúng là sinh vật có khả năng phối hợp với nhau vô cùng chặt chẽ, phân công rõ ràng. Điều này khiến con người chúng ta không khỏi suy ngẫm về tinh thần đồng đội của chúng.
Vậy, câu “Thà làm chân kiến còn hơn làm miệng chim sẻ” có ý tứ gì?
Đầu tiên chúng ta phát hiện ra chim sẻ là sinh vật có đặc tính rất tham ăn. Khi còn nhỏ, bạn đã từng dùng lồng bẫy chim sẻ? Sau khi chuẩn bị thanh trúc chống đỡ chiếc lồng sắt, rồi buộc sợi dây vào lồng và đặt thức ăn bên trong bẫy ở khu vực có chim sẻ, bạn núp ở một chỗ và quan sát. Lúc đầu chim sẻ khá đề phòng, nhưng tới khi ăn thức ăn trong lồng thì chúng không còn đề phòng nữa, cuối cùng nó đã bị dính bẫy và đối mặt với thảm cảnh ‘cá chậu chim lồng’.
Thứ hai: tiếng chim sẻ ồn ào, chúng chí chóe liên tục trên các lùm cây khiến người nghe cảm thấy khó chịu. Cho nên, chim sẻ cũng là loài sinh vật tượng trưng cho kiểu người chỉ biết nói mà không biết làm.
Ví dụ, trong một đội phối hợp làm việc, có người chăm chỉ, kiên định, âm thầm cống hiến, cũng có người dùng miệng để chỉ đạo hoặc phán xét sau lưng. Những người chỉ nói mà không làm lại hay gây chia rẽ này sẽ để lại ấn tượng xấu trong mắt người khác. Do vậy nếu lần tiếp lựa chọn thành viên hợp tác, người này sẽ không được chọn nữa.
Thứ ba: chim sẻ có một đặc điểm khác nữa, đó là rất thích ăn vụng, chỉ cần có cơ hội là chúng sẽ ăn cắp thành quả lao động của nông dân. Do vậy, chim sẻ cũng tượng trưng cho một loại người lười biếng, hết ăn lại nằm, không chịu làm việc, cũng không muốn cố gắng vươn lên, năng lực hạn chế nhưng lại không muốn làm công việc lao động chân tay. Người này cứ nói rằng không tìm được công việc phù hợp nhưng thực ra là do tính lười biếng cản trở.
Nhiều bạn trẻ hiện nay là như vậy, cao không tới, thấp không thông. Họ không tìm được công việc ưng ý nên dần trở thành kẻ ăn không ngồi rồi, biến thành gánh nặng của gia đình và xã hội.
Từ biểu hiện và tập quán sinh sống của hai loài kể trên, có thể nhận định ít nhiều về câu cổ ngữ: “Thà làm chân kiến còn hơn làm miệng chim sẻ”. Loài kiến bôn ba khắp nơi, suốt đời cần cù chịu khó, đoàn kết hợp tác nên được con người khen ngợi. Chim sẻ không quản được cái miệng của mình, vì chiếm lấy thức ăn mà chết, chỉ biết nói mà không biết làm, hơn nữa còn rất lười biếng.
Câu cổ ngữ này là lời ẩn dụ mà người xưa nhắn gửi tới thế hệ sau về cách đối nhân xử thế: Nhất định phải cần cù chịu khổ nhọc và phối hợp ăn ý. Đừng là kẻ tham lam, nếu không sẽ vì thế mà hệ lụy. Cũng đừng là kẻ nói suông, chỉ biết nói mà không biết làm. Hy vọng cho mỗi người chúng ta đều là “chân kiến” chứ không là “miệng chim sẻ”.
Theo Vision Times
San San biên dịch