Lời giới thiệu
Bài viết của tác giả là những đứa con tinh thần, lớn theo năm tháng, rồi phiêu bạt khắp nơi. Thằng Hai qua Úc, thằng Ba sang Mỹ, con Tư lấy chồng người Canada rồi chôn chân trên xứ lạnh cho đến giờ này... Lớn lên rồi anh em tụi nó chưa được xum họp, sống chung dưới một mái nhà; tội nghiệp! Người cha già nhìn đàn con mà lòng xốn xang; để rồi cuối cùng quyết định xây một mái nhà để con cái về ở chung cùng cha mẹ, và xây riêng một căn phòng dành cho những đứa con mà ông thương yêu nhất. Căn phòng đó chính là quyển sách này.
Giáo sư Nguyễn Vĩnh Thượng bắt đầu sự nghiệp bằng nghề dạy học từ gần nửa thế kỷ nay; nhưng đam mê thật sự của ông là việc nghiên cứu, tìm tòi và biên khảo - từ Triết học đến Phật học, Sử ký, Nhân văn... Đằng sau các tác phẩm của ông là một tấm lòng mến thương thầy cô, trường cũ. Đằng sau các tác phẩm đó còn có một nguyện vọng chia sẻ kiến thức của mình với người khác, và một ý chí kiên cường để giúp ông vượt qua trở ngại của bản thân.
Sách mở đầu bằng một bài nói về ý chí về độc lập của dân tộc Việt nam, dựa theo bài Bình Ngô Đại Cáo bằng Hán văn do Nguyễn Trải viết năm 1428. Gần 600 năm sau, ý chí này vẫn còn và càng được đáng nhắc nhở đến hơn bao giờ hết.
Tác giả tiếp nối với các bài viết có chủ đề liên quan đến Phật giáo, thí dụ như Phật giáo là một triết học hay là một tôn giáo (hay có giáo mà không có tôn?), hay việc dịch kinh Phật từ tiếng Phạn sang tiếng Hán và sang tiếng Quốc ngữ (một việc làm xuyên thế kỷ và làm sao biết không tam sao thất bổn). Rồi tác giả quay về với cội nguồn, tìm hiểu về phong tục của Tết Nguyên Đán và tìm hiểu về nơi chôn nhau cắt rốn với bài “Cao Lãnh, quê tôi”.
Sách khép lại với một bài viết bằng Anh ngữ, như đánh dấu một thời tác giả vừa đến miền đất hứa. Tất cả đều mới lạ đối với bản thân cũng như của người bản địa, tác giả giới thiệu với người bản xứ về văn hoá Việt nam, như một món quà ra mắt của người mới đến.
Đọc Nguyễn Vĩnh Thượng, người ta không thể không nhận ra một điểm đặc biệt là có rất nhiều chi tiết được gói ghém và dồn nén trong một khuôn khổ nhỏ bé của một bài viết. Đôi khi người đọc phải tạm nhảy về phía trước một bước, tạm bỏ qua tiểu tiết, để theo kịp dòng suy nghĩ của tác giả, và sẽ quay về tìm lại các tiểu tiết tạm thời bị bỏ quên.
Nhân danh một người bạn của tác giả từ thuở mới vào trường Petrus Ký, 60 năm về trước, tôi xin trân trọng giới thiệu quyển sách này đến những ai có ý tò mò, tìm đọc sách biên khảo.
Toronto, tháng 7 năm 2016
Nguyễn khắc Phụng