Kho tàng tục ngữ, thành ngữ, ca dao xứ sở phong phú, đặc sắc, gói một phần đời sống tinh thần của người Việt tự nghìn xưa, một đối tượng có thể phân tích dưới nhiều góc độ khác nhau: đời sống tình cảm, giá trị đạo lý, nếp tư duy của người bình dân...
Trong bối cảnh đại dịch, một khủng hoảng lớn: đời sống kinh tế khó khăn, tâm lý nặng nề, xã hội ngưng trệ....thử bàn chút về giá trị khích lệ, động viên của tục ngữ, thành ngữ, ca dao VN với con người trong cảnh khó.
Trước tình cảnh mất mát vật chất, lời an ủi: còn người còn của, của đi thay người... Ý tứ an ủi nguôi ngoai mất mát tiền của, vật chất.
Gieo hy vọng: ..còn da lông mọc, còn chồi nẩy cây. Dù còn lại chút ít vốn liếng, cơ hội, như hạt giống, vẫn có ngày mai.
Khi rơi vào nghèo khó: ai giàu ba họ, khó ba đời- khuyến khích hướng về phía trước.
Lúc vẫy vùng gắng sức cứu vãn: còn nước còn tát- động viên đấu tranh đến cùng với hoàn cảnh, không buông tay đầu hàng.
Sinh mệnh, sức khoẻ là trọng, sự sản có mất, vẫn gầy dựng được: tiền bạc của đầu móng tay.
Đấy, chỉ điểm chút qua nội dung tục ngữ, thành ngữ, ca dao VN ở ý tứ khích lệ động viên con người khi đối mặt khó khăn. Đồng bào mình, ở thời đoạn lịch sử nào ít nhiều ai cũng nằm lòng vốn tục ngữ, thành ngữ, ca dao và những câu đã dẫn quá ư quen thuộc. Học cần sở học cao siêu, bà con vẫn thấm sâu hiểu rõ những thông điệp từ nền văn học dân gian của cha ông để lại, cả cái đẹp ngôn ngữ lẫn nội dung, và tiếp nhận từ đấy sự an ủi, cảm hiểu, chia sẻ, khích lệ, động viên con người vượt qua nghịch cảnh:
Chớ thấy sóng cả mà ngả tay chèo...
Nguyễn Thành Công