Vụ kiện của những người dân ở Phúc Kiến chống lại một nhà sưu tập đồ cổ người Hà Lan – người đã từ chối trả lại thứ mà những người đâm đơn kiện cho rằng là một bức tượng 1000 năm tuổi chứa xác ướp của một nhà tu hành Phật giáo đã bị đánh cắp – sẽ được diễn ra tại Hà Lan vào tháng bảy năm nay.
Thông báo của một tòa án ở Amsterdam hôm thứ năm tuần trước, ngày 2/2/2017, được đưa ra 2 năm sau khi những người dân ở Yangchun, tỉnh Phúc Kiến bắt đầu những nỗ lực để hồi hương bức tượng sau khi phát hiện nó trên tivi khi bức tượng đang được triển lãm tại Hungary.
Những người dân Yangchun tin rằng bức tượng đã bị đánh cắp khỏi chùa làng của họ vào năm 1995.
Sự việc đã chính thức được tòa án chấp thuận hồi tháng 6 năm ngoái nhưng phiên tòa đã bị hoãn lại hai lần vì nhà sưu tập đồ cổ, Oscar van Overeem, để ông này có thời gian thu thập chứng cứ, Tân Hoa Xã cho hay.
Những người dân Yangchun đã đi qua các kênh chính thức và cá nhân để cố gắng giành lại bức tượng từ tay Overeem – người tuyên bố quyền sở hữu với bức tượng – nhưng họ đã không nhận được bất cứ sự đồng ý nào.
Tân Hoa Xã đưa tin, thẩm phán sẽ lắng nghe lập luận của cả hai bên nhưng sẽ không đưa ra một phán quyết ngay lập tức trong phiên tòa.
Overeem tuyên bố ông đã mua bức tượng với giá 150.000 Nhân dân tệ (khoảng 495 triệu VNĐ) vào năm 1996 từ một nhà sưu tập khác và phủ nhận bức tượng này là bức tượng mà những người dân làng Yangchun đã từng thờ phụng.
Luật sư người Hà Lan, Jan Holthuis, đại diện cho dân làng Yangchun cho biết, họ đã có thể thắng kiện hồi tháng sáu năm ngoái vì bức tượng có chứa thi hài xác ướp và – theo luật sư này – luật pháp không cho phép một công dân Hà Lan sở hữu một thi hài.
Bức tượng được cho là có chứa xác ướp của nhà sư Phật giáo họ Zhang, tổ làng Yangchun, người đã trị bệnh cho bá tánh trong triều Bắc Tống (960-1127).
Sau khi viên tịch, thi thể của đại sư Zhang được mạ vàng và làm thành một bức tượng.
Một viên chức thuộc Cục quản lý nhà nước về di sản văn hóa của Trung Quốc đã xác nhận rằng bức tượng mà Overeem sở hữu chính là bức tượng đã bị đánh cắp khỏi làng Yangchun, Tân Hoa Xã đưa tin vào năm 2015.
Các tác phẩm nghệ thuật và điêu khắc của Trung Quốc có một lịch sử lâu dài của việc bị đưa ra nước ngoài, nhất là vào năm 1860 khi quân Anh và Pháp cướp phá Cung điện mùa hè ở Bắc Kinh.
UNESCO, cơ quan thúc đẩy giao lưu quốc tế về thông tin và văn hóa Liên hiệp quốc, đã ước tính có khoảng 1.67 triệu hiện vật của Trung Quốc vẫn đang nằm trong hơn 200 bảo tàng ở 47 quốc gia trên thế giới.