Học viện Phật giáo Larung Gar ở Kardze (tức Ganzi theo tiếng Trung) hiện có khoảng 40.000 tăng ni, bao gồm người Tây Tạng và người Hán. Các học viên học tập, nghiên cứu tại Larung Gar trong một khu vực định cư lộn xộn nằm giữa hai ngọn đồi liền kề cao hơn 4.000m so với mực nước biển và cách xa thành phố gần nhất hàng trăm dặm.
Trung tâm này được thành lập vào năm 1980 bởi Khenpo Jigme Phuntsok sau sóng gió của cuộc Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc. Đây là một trong những trung tâm nghiên cứu Phật giáo Tây Tạng lớn nhất và quan trọng nhất thế giới.
Theo một nguồn tin địa phương, sau sự kiện phá dỡ hơn 1.000 ngôi nhà và trục xuất hàng trăm tăng ni ở Larung Gar hồi năm 2001, chính quyền Trung Quốc một lần nữa cố gắng để hạn chế số lượng tăng ni được phép định cư tại đây.
“Năm ngoái, 600 thành viên của trung tâm được đề nghị dời đi, sau đó họ đã trở về quê hương của mình. Có khoảng 400 học viên tuổi từ 60 trở lên cũng được yêu cầu dời đi, và họ cũng đã ra đi. Năm nay, các nhà chức trách cho hay khoảng 1.200 người sẽ phải dời đi. Cũng có thông tin cho rằng, Trung Quốc đã ban hành một tài liệu cho biết chỉ có 5.000 tăng ni được phép ở lại Larung Gar”, nguồn tin giấu tên cho biết.
Đánh dấu sự phá hủy
Các nguồn tin cho hay, các quan chức chính phủ đang đánh dấu các ngôi nhà cản trở lối đi của các phương tiện chữa cháy cũng như việc thi công đường xá. Những ngôi nhà nằm trong tầm ngắm thậm chí sẽ bị phá hủy bằng vũ lực nếu cần thiết.
“Khoảng 60-70% nhà ở của các tăng ni nằm trong mục tiêu phá hủy”, nguồn tin giấu tên cho biết.
Lịch trình cắt giảm cư dân tại Larung Gar không phải là kế hoạch của hạt Serthar “mà xuất phát từ chính quyền cấp cao hơn”.
Một vụ cháy lớn hồi tháng 1/2014 đã phá hủy nhà ở của khoảng 100 nữ tu ở Larung Gar mà nguyên nhân có thể do một ngọn đèn nến trong nhà một ni cô hoặc có thể bởi sự cố chập điện.