Nhân đọc bài viết “một số sự khác biệt giữa tiếng Bắc và tiếng Nam” của Thầy Đào Văn Bình (ngày 28/06/2021). Cảm ơn Thầy rất nhiều, những thông tin rất bổ ích. Rất mong sẽ đón nhận thêm nhiều thông tin mới.
Nay hưởng ứng lời kêu gọi của Thầy: “đóng góp thêm để có một bản hoàn chỉnh cho gia tài ngôn ngữ Việt Nam”; mọi người cùng chung tay, góp sức vun trồng để tiếng Việt ngày càng trong sáng, giàu đẹp hơn. Tôi xin mạn phép có món quà mọn, vừa hoàn tất trong thời gian cách ly tại gia vì dịch Covid (lockdown); kính gởi tặng Thầy và ban biên tập.
Theo chiều dài của lịch sử, dân tộc Việt đã hấp thụ những tinh hoa của nền văn minh Trung Hoa, được phản ánh (phần nào) qua từ Hán Việt (chữ Hán - tượng hình). Sau đó tiếp nhận thêm nét tinh túy, hiện đại của mẫu tự La Tinh (Phương Tây), mà hình thành nên tiếng Việt. Tiếng Việt là sự kết hợp nhuần nhuyễn: tư tưởng và khoa học của hai nền văn minh Đông và Tây, cộng thêm sự sáng tạo, linh động của Ông Cha ta, đã làm phong phú, đa dạng, tiện dụng và ngày càng hoàn chỉnh cho ngôn ngữ Việt.
Hơn trăm năm Trịnh-Nguyễn phân tranh chia đôi đất nước với Đàng Trong và Đàng Ngoài. Gần trăm năm dưới thời thực dân Pháp, đất nước bị chia ba: Bắc Trung Nam, tác hại làm cho ba miền có ít nhiều điều chưa hiểu nhau. Rồi từ 1954 đến 1975 đất nước lại bị chia đôi, cho nên sự khác biệt về nhiều mặt lại gia tăng hơn nữa.
Sau 1975 người Miền Bắc tràn vào Miền Nam rất đông và có rất nhiều điều không hiểu Miền Nam vì ngôn ngữ bất đồng. Sưu tầm một số danh từ khác biệt giữa hai miền giúp chúng ta dễ hiểu nhau hơn. Sự thống nhất về ngôn ngữ là điều vô cùng cần thiết cho một dân tộc. Ngôn ngữ sẽ trở nên chính thống khi nó được phổ biến rộng rãi, được mọi người chấp thuận và được giảng dạy ở học đường. Sự đa dạng về ngôn ngữ là điều rất tốt chứ không phải là điều xấu, miễn là sự “đa dạng” được người dân hiểu và chấp nhận