THỜI GIAN CŨNG CHÍNH LÀ KHÔNG GIAN CAO RỘNG
T.T Thích Thiện Hạnh
Trưởng ban Từ Thiện Xã Hội PGVN tỉnh Bắc Ninh
Cõi nhân gian, cái gì cũng có hai, riêng cái miệng chỉ một, nhỏ xíu lại để ra lắm điều, từ đó còn sinh ra đủ thứ vui buồn. Kiếp người rồi chỉ hữu hạn so với thời gian, một dòng chảy không biết bắt đầu từ đâu và kết thúc ở đâu. Rồi thời gian nhập với không gian trở nên vô hạn.
Đức Phật dạy hai chuyện trọng đại của con người là sống và chết ngầm mang ý nghĩa bên trong, thời gian nó dành cho ta rất là ít, sống không hiểu mình là ai tất nhiên chết cũng chẳng nhẹ nhàng. Ngài cũng đã chỉ ra con ma hôn trầm tức con ma ngủ luôn rình rập lấy đi thời gian của ta. Ta mê ngủ, ngủ nhiều, đâu hay nó đã làm cho cuộc đời ta ngắn đi, tâm sẽ rơi vào chỗ mờ tối, trở nên ngu si. Hãy tỉnh thức. Thời gian trôi một dòng, trôi không trở lại. Quà tặng của thời gian là dành cho những ai quên nó, có nghĩa là quên chiều dài để vươn tới chiều cao: Thời gian cũng chính là không gian cao rộng.
Một ngày có 24 tiếng, ta thấy bối rối thấy ngày trôi qua rất nhanh, không nhớ ta đã mất quá nhiều với những việc thừa thãi vô ích. Giả sử ta bớt đi những điều thừa thãi vô ích, thời gian như có bước nhảy rút ngày ngắn xuống còn 22 tiếng, việc gì sẽ xảy ra, ta không đủ thời gian chăng? Không, thí dụ có một ngày ngắn ngủi như vậy, cuộc sống vẫn đầy đủ vì ta làm chủ được thời gian và đã sống trọn vẹn cùng nó theo hiện tại từng giây phút trôi qua, chẳng thừa mà cũng chẳng thiếu. Chẳng phải có những người tuổi tác đã cao mà tâm hồn vẫn luôn còn trẻ trung đó sao? Đây cũng là bí mật lớn của thời gian. Và trong cuộc đời, đôi lúc nhớ lối đi xưa bị che lấp mà ta lại chợt thấy được con đường mới. Nhờ có những khổ đau mà mình lại tìm được sự thong dong.
Tôi vẫn luôn tin rằng một trong những vốn liếng quý giá nhất của con người chính là sự vững tin vào khía cạnh lạc quan của cuộc sống. Chừng nào mà niềm tin này vẫn còn được giữ vững, chúng ta sẽ luôn có đủ nghị lực để vượt qua tất cả khó khăn và đối mặt với những khổ đau, bất hạnh. Ngược lại, nếu ai đó đánh mất đi niềm tin này thì sẽ là nỗi bất hạnh lớn lao nhất cho người ấy, vì những khổ đau rất thường gặp trong cuộc sống sẽ dễ dàng làm cho người ấy suy sụp tinh thần và gục ngã. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta phải luôn nhìn đời qua một cặp kiếng hồng. Bởi vì trong thực tế thì cuộc sống chưa bao giờ và cũng sẽ không bao giờ chỉ toàn những điều tốt đẹp. Sự thật là chúng ta đã sinh ra và lớn lên trong vô vàn những khổ đau vây quanh.
Ngay cả những mảnh đời được xem là may mắn nhất cũng không hề vắng bóng của khổ đau. Và việc đối mặt với sự thật này lại chính là điều tất yếu nhất để mỗi chúng ta có thể tự vươn lên tìm cho mình một giá trị đích thực trong cuộc sống. Vững tin vào khía cạnh lạc quan của đời sống có nghĩa là nhìn xuyên qua lớp mây mù trùng trùng giăng bủa của những khổ đau và bất hạnh để thấy được có một mặt trời hồng tươi rực rỡ vẫn luôn tỏa sáng. Cho dù những gì chúng ta phải đối mặt mỗi ngày luôn có vẻ như vui ít buồn nhiều, nhưng điều đó không ngăn cản chúng ta nhìn sâu vào bản chất của đời sống để thấy được những giá trị lạc quan chân thật cần đạt đến.
Ngay cả khi cuộc sống vẫn còn đầy dẫy khó khăn và bộn bề những lo toan, vất vả, chúng ta vẫn có thể vững tin được rằng ý nghĩa đích thực của đời sống này không chỉ là ngày qua ngày cam chịu những khổ đau dằn vặt, mà sự thật là mỗi người chúng ta đều có khả năng đạt đến một trạng thái tinh thần an vui thanh thản bằng vào những nỗ lực của chính mình. Chúng ta hãy thử buông thả sự tìm kiếm hạnh phúc của mình đi, và trở về tự nhiên với những gì đang có mặt. Và nhờ không tìm kiếm nữa, thôi nắm bắt một ý niệm cố định nào về hạnh phúc, mà thật ra mình cũng chưa chắc biết ró nó là gì, ta cho phép hạnh phúc thật sự được hiển lộ ra. Có biết bao lần, chúng ta đã bị kẹt cứng trong những "bức tường" của hờn giận, lo âu, của thất vọng, sợ hãi... không thể thoát ra được.
Trong thiền quán thì phép lạ không phải là đi xuyên qua tường hay đi trên mây, mà phép lạ là đi trên mặt đất. Địa hành thần thông. Tổ Lâm Tế nói, phép lạ là ta có thể đi như một người có tự do, thong dong giữa những bận rộn và lo toan của cuộc đời, không bị vướng mắc hay kẹt vào nơi đâu cả. Nhưng thật ra, không phải chỉ có muộn phiền mới là những "bức tường", mà đôi khi ta cũng có thể bị kẹt trong những bức tường của "hạnh phúc" nữa.
Hạnh phúc thật sự có mặt nhiều hơn những gì ta "thấy" là hạnh phúc. Và nhiều khi hạnh phúc cũng đang có mặt ngay bên cạnh những khó khăn của mình. Đôi lúc muốn thấy được hạnh phúc, ta phải biết buông bỏ cách nhìn theo thói quen xưa cũ của mình với những thành kiến và ý niệm sẵn có. Ta không thấy, vì ta chỉ biết tìm kiếm những gì thích hợp với khuôn mẫu mà mình muốn. Mà ta nghĩ, hạnh phúc thật sự có một khuôn mẫu cố định nào chăng? Thật ra, nhiều khi khuôn mẫu ta đặt ra lại chính là cái nguyên nhân của khổ đau, nó đóng khung và giới hạn lại hạnh phúc của mình. Ta chỉ an vui và cảm thấy hài lòng khi sự việc xảy ra đúng theo một khuôn mẫu ấy. Vị thiền sư nhắc nhở chúng ta rằng, một cách để thấy được hạnh phúc là ta thôi dụng công tìm kiếm, chỉ cần đừng để những hạnh phúc đang có mặt bị lu mờ bởi những ý niệm sẵn có của mình mà thôi.
Đức Phật dạy về pháp môn để “hàng phục vọng tâm và an trụ chân tâm” cho những ai phát Bồ-đề tâm. Nhưng, phát Bồ-đề tâm là gì? Một cách đơn giản, phát Bồ-đề tâm là hưng phát, trưởng dưỡng và hướng đến việc thành thục viên mãn tâm Bồ-đề, tâm giác ngộ, tâm chân như cho tất cả chúng sinh và mình. Vì khởi niệm phân biệt, phan duyên theo trần cảnh, vọng chấp ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả và các pháp cho là thật có; từ đó, mang lục căn dong ruổi theo lục trần để khởi động lục thức, tạo nghiệp nhân, thọ nghiệp quả, luân chuyển trong lục đạo tứ sinh, quên mất cả đường đi lối về. Mê lộ do đây mà mịt mù không nẻo thoát, tử sinh vì vậy mà quanh quẩn khôn cùng.
Tuy nhiên, dù vọng tướng có sinh diệt đảo điên, song chân tính vẫn bất tăng bất giảm. Vấn đề là ở chỗ: bằng cách nào để trừ vọng quy chơn. Vọng là gì? Chơn là gì? Có thể tạm đặt vai vế cho cả hai để dễ hiểu vấn đề. Trong chiều hướng ấy, chúng ta có thể gọi vọng là khách, chơn là chủ. Khách thì lúc đến lúc đi, lúc không lúc có, không giữ phần tự chủ, tự tại. Chủ thì hiện hữu thường trụ, tự chủ tự tại.
Vậy trong chúng sinh, cái gì là vọng, cái gì là chơn? Cái gì sinh diệt, vô thường là vọng, cái gì thường trụ bất biến là chân. Nếu cứ theo nghĩa này mà luận thì tất cả mọi yếu tố trong chúng sinh từ tâm đến thân, từ trong ra ngoài thảy đều là vọng, vì mọi thứ đều sinh diệt, vô thường. Bởi thế cái ngũ uẩn giả hợp ấy mới được gọi là chúng sinh! Cho nên, chúng sinh là vọng. Vì lẽ ấy, hàng phục vọng tâm chính là hàng phục tâm chúng sinh. Mà muốn hàng phục vọng tâm thì như Phật dạy:
“Phật cáo Tu-bồ-đề, chư Bồ Tát Ma-ha-tát, ưng như thị hàng phục kỳ tâm: Sở hữu nhất thiết chúng sinh chi loại, nhược noãn sinh, nhược thai sinh, nhược thấp sinh, nhược hóa sinh, nhược hữu sắc, nhược vô sắc, nhược hữu tưởng, nhược vô tưởng, nhược phi hữu tưởng phi vô tưởng, ngã giai linh nhập Vô dư Niết-bàn nhi diệt độ chi.”
“Phật dạy Tu-bồ-đề, các vị Đại Bồ Tát nên hàng phục tâm như thế này: Đối với tất cả các loại chúng sinh, nào loài sinh ra từ trứng, loài sinh ra từ bào thai, loài sinh ra từ ẩm thấp, loài sinh ra từ biến hóa, nào loài có hình sắc, loài không hình sắc, loài có tư tưởng, loài không có tư tưởng, loài chẳng phải không cũng chẳng phải có tư tưởng, ta đều khiến cho được độ vào chỗ tịch diệt.”
Độ vào chỗ tịch diệt chính là khi niệm chúng sinh, niệm phân biệt, vọng niệm khởi lên thì lập tức hàng phục bằng cách, vừa trực nhận một cách tỉnh giác rằng đây là những vọng niệm sinh diệt không thực hữu, vừa buông xả không chấp thủ để chúng tự lắng xuống chỗ tịch diệt. Khi niệm chúng sinh đã lắng xuống, tâm thức trở lại trạng thái linh diệu rỗng suốt và bao la không giới hạn. Đó chính là chân tâm. Nhưng vấn đề là làm cách nào để an trụ chân tâm một cách thật sự? Đây chính là nội dung cốt lõi thứ hai của Kinh Kim Cang mà đức Phật đã khai thị.
Đức Phật dạy: “Chư Bồ Tát Ma-ha-tát ưng như thị sanh thanh tịnh tâm, bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.” “Chư vị Đại Bồ Tát nên thanh tịnh tâm thức như thế này: không nên sanh tâm trụ trước sắc, không nên sanh tâm trụ trước thanh, hương, vị, xúc và pháp, không nên trụ trước tâm ở bất cứ đâu.” Sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý) giống như sáu cánh cửa của căn nhà ngũ uẩn giả hợp, để qua đó vọng thức săn đuổi, đắm trước theo lục trần: sắc, thinh, hương, vị, xúc và pháp. Vọng thức trụ ở đâu thì tâm chúng sinh bị trói buộc ở đó. Sự trói buộc của tâm là chất liệu kiên cố để kiến tạo tòa nhà “ngã chấp” và “pháp chấp” vững bền, rồi từ đó khuấy động ba nghiệp thân, khẩu, ý, tạo nhân, thọ quả tiếp nối sự luân chuyển trong tam giới, lục đạo. Chính vì vậy, hàng phục vọng tâm rồi, cần phải giải thoát sự trói buộc của tâm vào thế giới hệ lụy của căn, trần và thức để chân tâm hiện bày trọn vẹn.
Thật ra, buộc trói hay mở ra, thủ trước hay buông xả, cõi giới hạn hay vô hạn của thời và không gian, tất cả đều thuộc về thế giới của vọng tâm, của tâm chúng sanh, không phải vô tâm, vì vô tâm chỉ là cách nói của hữu tâm để diễn bày về cảnh giới thực chứng mà ở đó tâm chúng sanh đã rũ sạch mọi triền phược. Tâm rũ sạch mọi trần cấu, mọi triền phược thì tâm ấy không còn là tâm chúng sinh nữa mà là chơn tâm.
Từ pháp môn hàng phục tâm chúng sinh bằng cách độ tận vọng niệm vào cõi tịch diệt đến pháp môn an trụ chơn tâm bằng cách ứng xử vô tâm để viễn ly hệ lụy của căn, trần và thức, cả hai đều phải nhờ đến một diệu lực nhiệm mầu mà nếu không có diệu lực ấy thì không thể đạt thành cứu cánh. Diệu lực ấy chính là Trí tuệ Bát-nhã. Như thế, sự hiện hữu sinh diệt của vọng tâm, vọng tướng chẳng khác gì hoa đốm giữa hư không, là mộng, huyễn. Nó vốn là không, chỉ vì mê tâm mới vọng chấp là thật có. Lại nữa, đã là mê tâm thì cũng là mộng, là giả, là không rốt. Phải ở ngay nơi giác tâm này mà tỉnh ngộ, không có bước thứ hai, không có niệm kế tiếp, như người chợt tỉnh giấc mộng, vừa tỉnh là hết mộng. Cho nên, trong kinh Kim Cang đức Phật dạy: “Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc.” Tâm quá khứ đã diệt nên không thật có, tâm hiện tại không dừng trụ nên không thật hữu, tâm vị lai chưa đến nên cũng không hiện thực.
Muốn thành tựu việc phá chấp ngã và pháp không thể chỉ nói suông ở đầu môi chót lưỡi, hoặc động tâm tác ý đến hai chữ giả-không là được, mà phải tinh tấn hành trì việc quán nghiệm cho đến khi khai mở được nguồn mạch của trí Bát-nhã mới có thể giải trừ một cách kiến hiệu tập khí ngã và pháp chấp từ vô thỉ đến nay.
Đôi khi thực tại phải được tiếp xúc bằng tâm chứ không thể nắm bắt bằng ý. Vì những gì ta nghĩ là hạnh phúc chưa chắc đó là hạnh phúc. Khi tâm ta càng rộng mở, không mong cầu bao nhiêu, thì cái thấy của mình càng được trong sáng bấy nhiêu.Vì vậy, ta biết chắc rằng mỗi ngôi sao đều có một vì sao khác cạnh bên, dù rất mờ ảo, và mình chỉ có thể thấy được nêu ta biết chuyển hướng nhìn sang bên một chút. Và đó cũng là một sự thật về cuộc sống, chúng ta thường chỉ nhìn thấy những gì mình muốn tìm kiếm, mà lại đánh mất đi những cái khác. Và ta biết dừng lại cho yên với một cái nhìn tự nhiên, thì bầu trời kia, dù ngày hay đêm, bao giờ cũng vẫn đang có hàng ngàn vì sao lấp lánh sáng đẹp diệu kỳ.
Bình Luận Bài Viết