Gành Hào là tên một thị trấn biển thuộc tỉnh Bạc Liêu, có cửa biển cùng tên nối thông lưu vực sông ngòi trong vùng với Nam biển Đông. Ngày nay, cửa biển này tiếp giáp hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau, bên này thuộc huyện Đông Hải ( Bạc Liêu), bên kia thuộc huyện Đầm Dơi (Cà Mau).
Chuyện địa danh ở đất Bạc Liêu, Cà Mau- xét về ngôn ngữ- khá lý thú, phản ánh văn hoá địa phương cũng như khác biệt trong tiếng Việt. “Cà Mau” được lý giải thuyết phục qua xuất xứ địa danh tiếng Khmer “ tức kha mâu”: nước đen, chỉ con sông ở đây không hề trong xanh, màu đen, từ lâu. Tiếng Khmer từng là ngôn ngữ bản địa. “ Bạc Liêu” được dẫn từ âm gốc tàu “ pò léo”, phản ánh vùng đất định cư đông đúc người gốc Hoa, nổi trội là dân gốc Triều Châu di cư sang. Hai ví dụ trên có thể coi là sự Việt hoá địa danh từ gốc từ ngữ không thuộc tiếng Việt, dùng ký tự Việt ghi âm.
“Gành Hào”, xét về địa thế, địa lý, hình thể đất, có thể cho rằng địa danh được đặt để ghi nhận đặc thù vị trí: Gành Hào có thể nói trại, rồi viết trại theo phát âm rất chi đại khái tương đối của Miền Tây, từ Gềnh Hàu chẳng hạn. Một gềnh đất cửa biển có nhiều con hàu, đúng với thực tế. “ Gềnh” đọc thành “ Gành”, gềnh trong “ gềnh thác” của tiếng Việt, từ ngữ địa lý. Và “hàu” đọc thành “ hào”, ghi âm đại khái, thành chữ tương đối dễ dãi và hiện tượng này phổ biến ở Tây Nam Bô, về địa danh. Gành Hào trở thành địa danh chính thức, được công nhận từ lâu.
Nhân tiện, ai cũng biết khác biệt Bắc Nam trong sử dụng cùng tiếng Việt: Bắc gọi “ cây cảnh”, Nam “ cây kiểng”, thiền viện Quảng Đức ở Sài Gòn, ngoài Bắc đọc “ thiền viện Quàng Đức”... Ở Miền Bắc cách xa hơn hai nghìn cây số, có lẽ không nhiều người biết nguồn cơn xuất xứ của địa danh cuối phương Nam lắc léo hai tiếng Gành Hào, một thị trấn nhỏ cách tỉnh lỵ Bạc Liêu chừng 60 cây số đường bộ. Nguồn gốc địa danh xứ Bắc cũng khác, do lịch sử, chủ yếu được xây dựng từ từ Hán Việt trong khi ở Miền Tây lại xây dựng từ gốc chữ bản địa Khmer hay thuần Việt, gốc Hán hay Hán Việt: Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, Phú Quốc, Long An, An Giang....
Vùng Bạc Liêu, Cà Mau tên xóm, ấp, xã...có khi ngẫu hứng mộc mạc không nhiêu khê chữ nghĩa như ngoài Bắc: kênh tú tài Tập ở vùng Long Điền đơn giản đấy là bản quán của tú tài tên Tập thời thuộc Pháp, làng Ba Lát nay thuộc xã Phong Tân- thị xã Giá Rai theo tên Chủ điền người Pháp... Tương tự: xóm Điền chủ Út, làng Thầy Cai, Xóm Úi, xét ra đều có nguồn gốc dễ hiểu, không văn hoa bay bướm chi. Khúc Tréo, Sư Son, Xóm Lung, Láng Tròn, Rạch bà già, Cầu Sập, Cống Nhum.... Như đến Gành Hào, thấy ghềnh biển, nhiều con hàu, ngộ ra ngay xuất xứ địa danh, không phải nghĩ nhiều.
Ngoài Bắc, ngoài Trung không phải vậy. Tên làng, tên người chuyện quan trọng. Ai đọc nhiều, không cần đi, vẫn nhận ra khác biệt này qua tư liệu hay văn thơ: thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông ( Nguyễn Bính), thôn Vỹ Dạ, động Hương Tích, làng Nhật Tân.... Chữ nghĩa mĩ miều nghiêm cẩn.
Miền Tây, tên người trong giao tiếp và cả khai sinh lắm khi ...sao cũng được: Anh Ba, Chú Bảy, Cô Tám... Nguyễn Văn Ổi, Võ Thị Xài... Ít thấy đặt tên nhiêu khê như Bùi Nguyễn..., Phạm Lê.... Hết thảy đều có nguồn cơn.
Quay lại địa danh Gành Hào, chưa lâu khi tách huyện Giá Rai ra lập thêm huyện mới có huyện lỵ tại Gành Hào, lại không đặt tên huyện là Gành Hào, dũng chữ Đông Hải. Khi ấy nhà báo Dương Thành Truyền Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ viết ngay trên TTCT tâm trạng phiền não vì sự rời bỏ những nguồn cội, những cái tên cũ, ông viết “ Gành Hào ơi!” đầy xa xót, rất hay, nhưng Đông Hải lạ quắc vẫn là..Đông Hải, như một địa danh ở Thái Bình hay Nam Định ngoài kia. Bài phiếm đàm xa xót ký tên Duyên Truyền và tác giả giờ không còn ở báo Tuổi Trẻ, ông đang làm Giám đốc NXB Trẻ TP HCM. Chuyện tên tuổi địa danh thuộc bản sắc vùng miền, khiên cưỡng thực không hay.... Nếu dùng tên Gành Hào đặt cho huyện mới hợp lý biết bao nhiêu.
Tác giả bài vụng này nhiều lần đi Gành Hào, ngắm biển, thấm gió mặn trên đê, lội xuống cát chân cứa vào hàu sắc bén bám theo kè. Về ngậm ngùi nghe Cẩm Ly hát “Đêm Gành Hào nhớ Dạ cổ hoài lang” thấm thía một địa danh thô mộc đúng chất Miền Tây....
Gành Hào ơi!
Nguyễn Thành Công