Tam Đoạn Luận Thiền
Lê Huy Trứ
Trong Ba giai đoạn tham thiền của thiền sư Thanh Nguyên Hành Tư. Ngài nói, “Trước khi tham thiền thấy núi là núi, thấy sông là sông; khi tham thiền, thấy núi không phải núi, thấy sông không phải sông; sau khi tham thiền, thấy núi vẫn là núi, thấy sông vẫn là sông”.
Tương tự,
鑪山
鑪山煙鎖浙江潮,
未到平生恨不消。
到得本來無別事,
鑪山煙鎖浙江潮。
Lô Sơn
Lô sơn yên toả Chiết giang triều,
Vị đáo bình sinh hận bất tiêu.
Đáo đắc bản lai vô biệt sự,
Lô sơn yên toả Chiết giang triều
Bản dịch phổ thông, vô danh thị:
Khói ngút non Lô sóng Chiết giang,
Khi chưa đến đó luống mơ màng.
Đến rồi hóa vẫn không gì khác,
Khói ngút non Lô sóng Chiết giang.
Nhà sư/thi hào Tuệ Sỹ cho bài dịch dưới này là chuẩn ý nhất.
Mù tỏa Lô sơn sóng Triết giang,
Khi chưa đến đó hận muôn vàn.
Đến rồi về lại không gì lạ,
Mù tỏa Lô sơn sóng Triết giang.
Bài thơ này theo một số tài liệu Phật Giáo Việt Nam cho rằng của Tô Đông Pha, tuy nhiên hiện vẫn chưa tìm thấy trong các tư liệu của Trung Quốc cũng như trong các tập thơ của Tô Đông Pha.
Trong "Vài suy nghĩ về một bài thơ của Tô Đông Pha," Phạm Hữu Phước kết luận: Lô Sơn, chân diện mục, ai ai cũng có. Nhưng nói một cách chắc nịch: “Đến rồi về lại không gì lạ” như Tô Đông Pha thì không phải ai cũng làm được. Con đường đi tìm lại “ta là gì” là cả một tiến trình đòi hỏi nhiều công phu của hành giả.
Tôi xin đơn giản hóa:
Ở bờ bên ni thì mong muốn quá giang tới bến bên tê cũng như ‘đứng núi này trông núi nọ’, ám chỉ tâm nhị nguyên, phân biệt. Nhưng khi tới được bến bên nớ thì đứng ở bờ bên ni thấy bờ bên nớ cũng không khác chi bến bên tê, đạt tới tâm bất nhị, không phân biệt.
Hành giả khi đã tới bến giác mới ngộ ra rằng bến giác không khác chi bờ mê. Hành giả không “Đến rồi về lại không gì lạ,” không đáo bĩ ngạn vì đã lìa bỏ con thuyền Bát Nhã, phương tiện quá giang trở về lại bến mê để mà so sánh đồng khác biệt (same difference) giữa bến bờ mê ngộ.
Đúng ra là giác ngộ không bờ không bến.
Tôi xin phiếm dịch,
Khói hãm sơn Lô, Chiết thủy triều,
Bình sinh chưa tới hận chưa tan.
Tới rồi mới thấy không khác biệt,
Sóng Chiết mây Lô thanh tịnh tâm.
Tôi nghĩ qua, nghĩ lại thì có thể nó quả như ri?
Vân tỏa triều phao hữu tri kiến.
Yên Lô triều Chiết hiện như thức,
Lưu thủy tán vân huyễn như mộng.
Sơn Lô giang Chiết ảo như thị,
(Lê Huy Trứ)
Đúng hơn, không có bờ mê bến ngộ.
Thiền giả dù không tu chứng cũng có thể trải qua ba cửa này. Giác là thấy, Ngộ là hiểu, còn tu thuộc chứng.
Ít có tuệ giả như Huệ Năng do ngộ mà khởi tu, do tu mà chứng.
Kết luận,
Trước khi học Phật Pháp, tôi không biết gì về Phật Pháp.
Trong lúc học Phật Pháp, tôi biết tất cả về Phật Pháp.
Sau khi học Phật Pháp, tôi không biết gì về Phật Pháp.
Diễn nghĩa,
Trước khi học Phật Pháp, tui không biết bờ ni bến nớ?
Mới rị mọ, học Phật Pháp, tui ở bờ bên ni, mơ tới bờ bên tê.
Sau khi đáo bỉ ngạn, tui mới biết bờ nớ không khác bến ni.
Rồi tái đáo bỉ ngạn, tui không biết tui đang ở bờ ni hay bến nớ.
Hay,
Trước khi giác ngộ, "thấy" núi không phải là sông, "biết" sóng không phải là mây.
Trong khi "giác" chỉ "thấy" núi không khác chi sông, chỉ "biết" sóng cũng không khác chi mây.
Sau khi "giác" thì không thấy núi xanh bị mây che phủ và sông sâu bị sóng đùa; sau khi "ngộ" thì không "biết" sông lẫn núi, cũng không biết sóng lẫn mây.
Trước khi giác ngộ,
Không thấy không biết.
Trong khi giác ngộ,
Chỉ thấy chỉ biết.
Sau khi giác ngộ,
Không thấy, không biết.
(Lê Huy Trứ)
Tóm lại, tôi không biết những gì tôi không biết. Tôi cũng không biết những gì tôi biết. Cho nên, tôi không biết là tôi không biết, không biết.
Bởi vì, tôi quên cái biết. Tôi nhớ cái không biết. Tôi quên tôi không nhớ tôi quên cái gì?
Tôi quên nhớ, nhớ quên,
Quên đi cái nhớ, nhớ luôn cái quên,
Nhớ cái nhớ quên, quên cái quên nhớ.
Quên đi thuở ấy, quên luôn bây giờ,
Quên đi để nhớ, mình không là mình.
(Lê Huy Trứ)