Ông bà mình có câu, "cứu vật vật trả ơn" - để nói lên sự nhận thức và tình cảm của loài vật là có thật. Vì tính chất biết ơn của muôn loài cũng giông giống như "hạnh lành" của con người - nên việc thương yêu loài vật cần được đề cao, nên khuyến khích, nhằm tránh tạo ra những nỗi đau và sự thù hằn nơi chúng đối với con người.
Loài vật cũng nhớ ơn để trả và cũng biết... báo oán khi có người muốn làm hại, cũng biết phản ứng bằng sự chống đối khi bị thúc ép đến đường cùng. Vậy mà, lâu nay, vì muốn ăn uống cho ngon miệng, tự sắm vai kẻ mạnh mà đa số chúng ta đã đưa ra lý lẽ ngụy biện rằng "vật dưỡng nhơn" - tức con vật sinh ra là để cho con người... xử, toàn quyền quyết định sự sống chết và muốn ăn uống chúng kiểu gì cũng được
Theo bài báo, con chim cánh cụt không cho ai đụng vào mình trừ ông Joao Pereira de Souza, 71 tuổi, người cứu mạng nó trên một bãi biển Brazil năm 2011.
Bài báo cũng kể rằng, lúc đó con chim cánh cụt Magellan Nam Mỹ, được đặt tên Dindim, đang trong tình trạng sắp chết, toàn thân phủ đầy dầu. Ông De Souza đã mang nó về, lau sạch cho nó, cho nó ăn uống...
Sau khi khỏe lại, Dindim cứ lưu luyến không muốn rời đi. Tuy nhiên cuối cùng nó vẫn phải đi. Một năm sau, De Souza bất ngờ khi thấy nó lại xuất hiện. Rồi đều đặn những năm sau, nó đều trở về "thăm" ông.
Ước tính quãng đường nó đã vượt qua để đến gặp De Souza là 8.000km. Thường nó đến vào tháng 6 và rời đi vào tháng 2 hàng năm.
Nhiều người đọc bài báo này khen chú chim dễ thương, quá tình cảm (giống con người, đôi khi còn tình nghĩa hơn cả nhiều người) - nhưng không biết, có ai giật mình vì mình đã từng đối xử tệ với nhiều loài, từng sát hại những loài thấp bé hơn (thậm chí những loài gần gụi bên mình, nuôi nó trong thời gian dài, khi chúng nghĩ mình là... người thân của chúng) để ăn thịt - hành động này chắc chắn đã kết tạo tình cảm không lành, gieo oán hận trong các loài ấy, tạo ra năng lượng đau thương, chống đối... rất lớn trong vũ trụ.
Theo luật nhân quả thì gieo nhân gì sẽ gặt quả nấy, việc gây đau thương, chết chóc cho người và loài khác là nhân xấu, rất nguy, vì chắc chắn sẽ gặt quả xấu. Hơn thế, việc gây oán cừu nhau với năng lượng thù hằn kết tập nơi sự sống diễn ra mỗi ngày như vậy chính là nguyên nhân của xung đột, chiến tranh, đi ngược lại ý niệm và ước muốn hòa bình của những người tiến bộ trên thế giới.
Đừng nghĩ, chúng ta hành xử tàn nhẫn với loài khác chỉ là chuyện nhỏ, nếu hiểu nhân quả, thấy lý duyên sinh thì đây cũng là một "ngòi nổ" của chiến tranh, của bất an nơi lòng mình và cuộc sống.
Mong yêu thương về quanh đây...
--------------
Bốn năm trước, Joao Pereira de Souza, cư dân 71 tuổi người Brazil, tìm thấy con chim cánh cụt Magellan Nam Mỹ bị dầu bao phủ toàn thân và sắp chết đói trên một bãi biển thuộc hòn đảo ngoài khơi Rio de Janeiro, theoThe Independent.
Sau khi được Pereira de Souza cứu sống, hàng năm con chim cánh cụt này đều đặn bơi 5.000-8.000 km từ khu vực sinh sống ở bờ biển Argentina và Chile để sống 8 tháng trong ngôi nhà trên đảo của lão ngư dân về hưu.
"Tôi yêu con chim cánh cụt như chính con đẻ của mình và tôi tin con chim cũng yêu quý tôi như vậy”, Pereira de Souza chia sẻ. "Nó không cho bất kỳ ai khác đụng vào. Nó nằm trong lòng tôi, để tôi tắm, cho ăn và bế nó".
Pereira de Souza đặt tên cho con chim cánh cụt là Dindim. Theo Pereira de Souza, Dindim trở nên gắn bó với ông sau khi ông đưa nó về nhà, làm sạch những chiếc lông dính dầu và cho nó ăn cá trong suốt một tuần. Pereira de Souza thả con chim về biển khi thấy sức khỏe của nó đã cải thiện.
"Con chim không bỏ đi. Nó ở với tôi suốt 11 tháng. Nó chỉ biến mất sau khi thay lông. Mọi người nói nó sẽ không quay lại, nhưng nó vẫn đều đặn về thăm tôi suốt 4 năm qua. Nó xuất hiện vào tháng 6 và rời đi vào tháng 2. Mỗi năm trôi qua, nó càng tỏ ra yêu mến và hạnh phúc hơn khi gặp tôi", Pereira de Souza hồi tưởng.