Là thành tố quan trọng trong văn học dân gian, thành ngữ- thành ngữ- ca dao VN mang những đặc điểm có tính quy luật văn học nói chung, bao gồm tính làm mới theo dòng thời gian bởi sự bồi đắp của chính đời sống muôn màu.
Thông thường, người ta hay viện dẫn những câu thành ngữ tục ngữ ca dao cũ có từ xa xưa, đã thành văn tự, đi vào giáo khoa. Đấy là tiếng vọng của tiền nhân từ nghìn năm trước, hàng trăm năm trước mô tả phản ánh xã hội, con người, qua con chữ cùng cách nghĩ của một thời. Kho tàng thành ngữ tục ngữ ca dao ấy cùng cổ tích, thần thoại...được khảo cứu công phu, nghiên cứu khoa học, đưa vào học đường:
...
Vạn Niên là Vạn Niên nào
Thành xây xương lính, hào đào máu dân
Trâu buộc thì ghét trâu ăn
Quan võ thì ghét quan văn dài quần.
Xuất xứ ca dao trên rõ rệt từ thời Nhà Nguyễn, tố cáo triều đình- quan lại đương thời.
Thành ngữ “ không có chanh lấy khế làm chua” cũng rất xưa cũ.
Vốn tục ngữ đã thành kinh điển dưới đây đều thuộc “ đồ cổ” văn hoá, ngôn ngữ:
Anh em như thể tay chân
Chị ngã em nâng
Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ
Ghét của nào trời trao của nấy
Ngậm máu phun người dơ miệng mình
.....
Nhìn chung, nói đến thành ngữ tục ngữ ca dao VN hầu như ngầm mặc định đấy là sản phẩm của thời phong kiến.
Nhưng, như đề cập ở phần đầu, mãng văn học dân gian này vận động không ngừng, luôn được bổ sung theo thời gian cho đến hôm nay và mãi mãi, ghi đọng lại hơi thở đời sống. Qua sàng lọc, định giá trị, lưu truyền, có nhiều câu thành ngữ tục ngữ ca dao thời hiện đại đã tồn tại, có sức nói hiện thực tuy rằng do nhiều nguyên nhân chúng chưa đi vào sách vở chính thống hay giáo khoa, có nguyên nhân chính trị.
Dòng thành ngữ tục ngữ ca dao mới mẻ ấy hình thành trong chiến tranh, ở Bắc hay Nam, và khi chiến tranh kế thúc đến nay, thời XHCN.
Ở bài viét vụng này xin chỉ đề cập đến thể loại ca dao.
Hiện thực “ xây dựng CNXH” ở Miền Bắc không như tuyên truyền, khốc liệt, thống khổ, trần ai... Cán bộ cường hào ác bá, bất công, đọa đày đã để lại dấu ấn:
Mỗi người làm việc bằng hai
Để cho chủ nhiệm mua đài sắm xe.
Sau 30/4/1975, thảm trạng tập đoàn hợp tác xã di chuyển vào Nam với bi ai không kém khiến dân tình ngay ở vùng căn cứ cách mạng vỡ mộng kêu than. Tác giả bài viết, hồi cuối thời bao cấp đã có mặt ở một vùng duyên hải thuộc Bạc Liêu, nơi bà con phẫn nộ đứng lên chống chủ trương gom đất vào tập đoàn hợp tác xã nông nghiệp:
Ruộng ai thì nấy đắp bờ
Đừng trông Mười Kỷ, đừng chờ Bảy Nông.
Mười Kỷ có họ tên đầy đủ Đoàn Thành Vị, Ủy viên dự khuyết TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Minh Hải. Bảy Nông nắm Chủ Tịch Tỉnh này. Xuất xứ câu ca dao kia ở vùng Long Điền Đông A gần cửa biển Gành Hào và ruộng muối Kinh Tư.
Đương nhiên, hai câu ca dao tuyệt hay tả thực đời sống cùng khổ và ý chí phản kháng của người nông dân dưới chế độ XHCN không được công khai lưu truyền nói gì đưa vào học đường dạy học trò cho dù xét mọi nhẽ đấy đích thực ca dao Việt cả cấu tứ và nội dung.
Thời hậu chiến, bên thắng cuộc kiệt sức, hàng vạn bộ đội giải ngũ về quê trong thiếu thốn, quân hàm tràn ngập khi việc làm thiếu, trợ cấp nhà nước ít ỏi, làm phông nền cho câu ca dao sau:
Đầu đường thiếu tá vá xe
Cuối đường đại tá bán chè đậu đen.
Từng vùng miền, địa phương, từng giai đoạn xuất hiện ca dao do người dân đúc kết cô đọng từ thực tế. Do phơi bày trần trụi hiện thực, tố cáo bất công của hệ thống chính trị cộng sản, thể loại văn học dân gian hiện đại này âm thầm ẩn khuất vì không thuộc về xu hướng tô hồng, một chiều của định hướng tuyên truyền của Đảng. Nếu vô phúc có cô cậu học trò nào dẫn vào bài làm văn những câu trên coi như phạm húy, tiêu tùng. Với Đảng, chỉ có hiện thực như thế như thế ở thời phong kiến thực dân đế quốc hay ngụy, tay sai, tự do độc lập hạnh phúc trong nền XHCN rồi làm gì có tình cảnh áp bức bất công thống khổ như vậy, làm ra truyền tụng ca dao như thế là phản động, tội về an ninh chính trị. Do vậy, mãng ca dao tả thực như thế ở thời hiện đại không dễ thống kê, sưu tầm một cách đầy đủ, có lẽ việc tập hợp khảo cứu kho tàng trân quý kia dành cho mai hậu, khi lịch sử dịch chuyển.
...Thuộc về một chấm phá cập nhật vào kho tàng văn học dân gian VN, sự bổ sung của thời hiện đại.
Nguyễn Thành Công