Từ thuở hồng hoang đến nay nhân loại đã có một hành trình tiến hóa không ngừng nghỉ trong sáng tạo công cụ lao động, tiến bộ về quan hệ sản xuất và tư liệu sản xuất, cách mạng nối tiếp nhau trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật cho đến mốc qui ước 4.0 ngày nay, thành tựu to lớn trong mọi lĩnh vực từ không gian vũ trụ đến không gian mạng, y sinh học đến hóa học, toán học… Một so sánh tính từ điểm khởi đầu của loài người nguyên thủy đến nay trong bất kỳ lĩnh vực đời sống xã hội nào xét về vật chất, công nghệ đều khiến bất kỳ ai choáng váng: từ kinh tế hái lượm đến rô bốt hóa sản xuất và chinh phục sao hỏa…
Các thành tựu của khoa học kỹ thuật dẫn đến không ít biểu hiện có tính cực đoan xem nhẹ vai trò con người hay xa lìa dần các giá trị nhân văn căn bản – trong đấy có tôn giáo, phật giáo. Sự đánh giá đúng mức, đánh giá cao sáng tạo và khoa học kỹ thuật khác với thái độ sùng bái khoa học kỹ thuật, hạ thấp các giá trị nhân văn vốn có và giá trị con người- một hằng giá trị.
Không tính từ mốc loài người nguyên thủy, tính từ buổi khai sáng đạo Phật ở xã hội Ấn Độ cổ đại với phương thức tư liệu sản xuất thô sơ, khoa học duy vật chưa có, đến nay loài người đã đi rất xa trong khoa học kỹ thuật và phát triển sản xuất, nhưng không vì thế mà có thể đặt vấn đề nghi ngờ xét lại hay xem nhẹ giá trị đạo Phật hay cách tân thay đổi cho phù hợp với xã hội hiện đại theo cách nghĩ góc nhìn nào đấy, đạo Phật đã chứng minh là hằng giá trị của nhân loại cùng với những hằng giá trị khác. Phát hiện và kết tập hệ thống luận điểm của Đức Phật về đạo đức con người, đạo đức Phật giáo, con đường giải thoát rốt ráo và viên mãn cho những ai hành tập miên mật giáo lý của Đức Phật là không thay đổi bất luận các thành tựu chinh phục không gian hay phát triển không gian mạng hay cách mạng y sinh học.. có đi đến đâu, xã hội loài người đạt tầm mấy chấm. Đạo Phật thuộc về hằng giá trị, giá trị mang tính nền tảng thì bất biến, không vì cấu trúc công trình bên trên cao lên hay thay đổi mà thay đổi nền tảng bên dưới nâng đỡ- điều này hoàn toàn không khó hiểu, đấy chính giới hạn của sự thay đổi nếu vượt qua sẽ dẫn đến gãy đổ.
Đạo Phật từ xã hội chưa tính đến chấm nào đến 4.0 hay thêm bao nhiêu chấm nữa vẫn không thể hiểu và hành trì khác đi các nguyên tắc vốn có. Ngày nay, khi các tu sĩ phật giáo và phật tử đã dùng laptop tra cứu kinh điển trên đường truyền kết nối toàn cầu, nhưng họ không thể tiếp cận và hiểu khác quý tăng ni buổi đầu ở xã hội chưa có ý niệm gì về công cụ như laptop, các khái niệm như nhân quả, nhân duyên, từ bi, duyên sinh duyên khởi, nghiệp lực … trong một kho tàng ánh sáng phật giáo vẫn được tiếp cận như nhau, như nhất dù ở thời đại nào và diễn đạt chuyển tiếp bởi ngôn ngữ chi. Nếu bạn đến với Đạo Phật theo cách của Đức Phật ngộ đạo dưới cội bồ đề mấy nghìn năm trước dù đang ở một biệt thự sang trọng hay thôn làng heo hút, trên một chiếc thuyền hay mái trường, cách và con đường như thế là đúng, không có thay đổi gì hết. Đấy không phải bảo thủ cố chấp hay phủ định phát triển xã hội, là sự thực cần có và hằng có.
Sự phát triển khoa học kỹ thuật khởi xuất từ con người và phục vụ con người, tạo ra và phát triển công cụ mới, dẫn đến phát triển hàng hóa và dịch vụ mới, luôn luôn do con người kiểm soát và làm chủ. Các công cụ có tân kỳ đến đâu vẫn không thể sánh với con người. Khi có người ngây ngất trước các phiên bản rô bốt tiên tiến nhất có khả năng tư duy sáng tạo nào đó họ quên rằng chính bản thân họ, con người, vốn có các khả năng ấy ở mức độ không thể so sánh vì to lớn vô cùng tận. Nếu nói con người là một công cụ, công cụ ấy siêu việt và duy chuyện nghĩ ra cách so sánh với các công cụ hiện đại cũng đã hàm họ tức cười.
Đạo Phật sáng tạo với con người, chủ thể, “phát triển” trên nền các giá trị siêu việt của con người, làm thăng tiến và sáng rõ các giá trị tiềm ẩn của mỗi con người. Tu tập có thần thông là một biểu hiện của sự siêu việt vượt trên khoa học kỹ thuật duy vật nhưng Đạo Phật không chú tâm và coi trọng điều ấy, đạo Phật hướng đến sự giải thoát rốt ráo để thăng hoa giá trị đời sống con người, một hành trình tâm linh vĩ đại khoa học kỹ thuật không chạm đến và không thể.
Yếu tố con người tạo nên khác biệt của đạo Phật và định hình Đạo như một hằng giá trị, bát biến trong vạn biến.
Chuyện đó ai cũng biết.