1. Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách, thuộc huyện Quốc Oai, Tp.Hà Nội.
Chùa được xây dựng vào thời vua Lý Nhân Tông(1072 - 1127) là một ngôi chùa gắn liền với tên tuổi của thiền sư Từ Đạo Hạnh, người có công lớn trong việc dạy học và chữa bệnh cho dân, đồng thời cũng là người tổ chức, sáng lập ra môn đá cầu, đánh vật và múa rối nước.
2. Di tích kiến trúc nghệ thuật đền Sóc, thuộc huyện Sóc Sơn, Tp.Hà Nội.
Khu di tích lịch sử đền Sóc là nơi gắn với truyền thuyết anh hùng thánh Gióng bay về trời sau khi đánh thắng giặc Ân. Khu di tích này được Vua Lê Đại Hành cho xây dựng tại khu vực núi Sóc, xã Vệ Linh, Sóc Sơn, Hà Nội và được xếp hạng di tích quốc gia năm 1962. Hiện tại, khu di tích gồm: đền Trình, đền Mẫu, chùa Non Nước, chùa Đại Bi, đền Thượng, hòn đá Trồng, tượng đài Thánh Gióng và các lăng bia đá ghi lại lịch sử và lễ hội đền Sóc
3. Di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Tây Phương, thuộc huyện Thạch Thất, Tp.Hà Nội.
Từ chân núi, qua 239 bậc lát đá ong thì đến đỉnh núi và cổng chùa. Chùa Tây Phương gồm ba nếp nhà song song: bái đường, chính điện và hậu cung. Mỗi nếp có hai tầng mái kiểu chồng diêm, tường xây toàn bằng gạch Bát Tràng nung đỏ, để trần tạo thành một không khí rất thô sơ mộc mạc, điểm những của sổ tròn với biểu tượng sắc và không; các cột gỗ đều kê trên đá tảng xanh trong khắc hình cánh sen. Mái lợp hai lớp ngói: mái trên có múi in nổi hình lá đề, lớp dưới là ngói lót, còn gọi là ngói chiếu, hình vuông sơn ngũ sắc như màu áo cà sa xếp trên những hàng rui gỗ làm thành ô vuông vắn đều đặn. Xung quanh diềm mái của ba toà nhà đều chạm trổ tinh tế theo hình lá triện cuốn, trên mái gắn nhiều con giống bằng đất nung, các đầu đao mái cũng bằng đất nung đường nét nổi lên hình hoa, lá, rồng phượng giàu sức khái quát và khả năng truyền cảm. Cột chùa kê trên những tảng đá chạm hình cánh sen. Toàn bộ ngôi chùa toát ra một tính hoành tráng và phóng khoáng phù hợp với triết lý "sắc sắc không không" của nhà Phật.
4. Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật chùa Phật Tích, thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
Chùa được xây dựng đại quy mô vào triều Lý Thánh Tông năm Đinh Dậu, văn bia "Vạn Phúc Đại Thiền tự" chép: "Vua thứ ba đời Lý, năm Long Thụy Thái Bình thứ 4 (1057) cất lên cây tháp quý ngàn trượng, xây một trăm tòa thờ Phật, lại dựng pho tượng mình vàng cao 6 xích".
Năm 1057, vua Lý Thánh Tông du ngoạn cảnh chùa, Người cảm khái tự tay viết chữ "Phật" dài 1 trượng 6 thước, truyền thợ khắc vào bia đá.
Ngày nay, chùa Phật Tích còn bảo lưu được nhiều báu vật đá thời Lý vô cùng giá trị, mà không di tích nào khác có được: tượng Phật A Di Đà; chân cột chạm dàn nhạc; hàng thú trước sân chùa…