Nhà chùa khắp nơi trong dịch mang hình ảnh chung của xã hội phòng vệ trước các chủng virut corona, cẩn trọng trong tổ chức sự kiện, rồi dừng, kín đáo duy trì sinh hoạt tâm linh. Nhà chùa thời Cô – vi gắn với khẩu trang, nước sát khuẩn, giữ khoảng cách khi tiến hành các nghi thức tôn giáo, như ở ngoài đời. Nhà chùa tập kết thực phẩm cứu trợ, việc chia sẻ từ thiện thành trọng tâm.
Dịch, từ khi phát tác ở phía Bắc, xuất hiện ổ dịch ở Vĩnh Phúc, đã thấy không khí phòng dịch ở Chùa Thiên Châu, Tân An. Khi ấy, được Hoà thượng Thích Minh Thiện, trú trì chùa, trưởng ban trị sự phật giáo Long An, tiếp ở nhà Phương trượng, chuyện xoay quanh chủ đề Covid, khiến đề tài hãy còn nóng về Thiền tông Tân Diệu ở Long An bị nhạt đi trước mối lo mới ngày càng rõ rệt cho dù khi ấy vùng Nam Bộ hầu như vẫn còn vô sự.
... Trước bão lũ kỷ lục ở Trung Phần, trong mưa dầm, lên Cao nguyên viếng Linh Sơn tự, nhà chùa dán giấy miễn tiếp khách ngoại quốc vì lý do phòng dịch. Phật giáo khắp nơi trong hoàn cảnh như vậy. Việc tu học của tăng ni, sinh hoạt đạo tràng ảnh hưởng rất nhiều.
Dịch bệnh ngày càng đáng lo, Bắc – Trung- Nam đều có ca nhiễm và tăng không ngừng. Gần đây, tâm dịch nghiêng hẳn về phía Nam, Sài Gòn chìm trong giãn cách toàn xã hội, một loạt hoạt động bị dừng, có tôn giáo- lĩnh vực bị xếp vào cụm từ “ không thiết yếu”.
Phòng dịch, hạn chế sinh hoạt tôn giáo khác hẳn “ dừng hoạt động”.
Chỉ thị 16 dừng hoạt động tôn giáo ở Sài Gòn. Một cô bạn thuộc tôn giáo khác, sống rất có đức tin, từ thành phố, ít than chuyện lương bổng, đi đứng khó khăn, thiếu thốn vật chất, cô than nhiều vì không được thực hiện các nghi lễ tôn giáo thiêng liêng. Với cô, một con chiên, chuyện này vô cùng thiết yếu – khác với nhận thức của chỉ thị 16.
Đang lo nỗi lo từ Sài Gòn vọng về, 16 tỉnh gồm Đông và Tây Nam Bộ bước vào ngày giãn cách thứ nhất, hôm nay 19/7, theo chỉ thị 16- vựa lúa, rau, cá..của Sài Gòn và cả nước bị đóng băng trong ít nhất 14 ngày.
...Làng quê mang bộ mặt khác hẳn thường nhật: vắng, hàng quán đóng cửa, chợ đìu hiu...
Tôi đến hiệu thuốc tây mua khẩu trang, rồi theo thói quen, trên đường về viếng ngôi chùa Vân An gần nhà, lễ Phật: chùa đóng chặt cửa! Và, tôi chợt nhớ một nội dung tuyên truyền chỉ thị 16 dừng các hoạt động tôn giáo, ngày phát mấy lượt trên loa truyền thanh cố định và lưu động.
...Cửa chùa đóng kín, trang nghiêm đứng bên ngoài hướng về tượng Quan thế âm hành lễ.
Tùy quan niệm, đứng trên lập trường nào sẽ có góc nhìn riêng về sự thiết yếu hay không thiết yếu trong thang bậc ưu tiên. Ở VN, TQ, Cu Ba, Bắc Triều Tiên...nơi chủ thuyết Mác thắng thế thành hệ tư tưởng độc tôn ghi hẳn địa vị ở hiến pháp, hoạt động tôn giáo không được coi là thiết yếu. Nhà nước xếp thứ tự ưu tiên, trong đấy y tế, cung cấp lương thực thực phẩm...là thiết yếu trên góc nhìn “duy vật” cái gì sớ mó đụng chạm được, ăn uống được, cái ấy thiết yếu. Tôn giáo, bên cạnh các hoạt động không thiết yếu như giải khát, cơ sở giải trí, phòng internet, phòng tập gym...bị dừng hoạt động, theo chỉ thị 16.
Ở các quốc gia không cộng sản, tôn giáo có địa vị khác, chỗ dựa tinh thần của đại chúng, trong lúc biến cố như đại dịch, chỗ dựa ấy càng vô cùng quan trọng vượt trên cơm áo. Khác biệt rất lớn lao. Nhà nước cộng sản từ lý luận kiến tạo, giáo điều Mác, đã coi “tôn giáo là thuốc phiện ru ngủ quần chúng”, từ đó có thể biện giải về địa vị tôn giáo dưới mắt các nhà lãnh đạo vô thần, và giải thích vì sao hoạt động tôn giáo ở bên cạnh hoạt động của các phòng gym, quán cà phê..trong chỉ thị 16.
Với tín đồ tôn giáo, như tôi và cô bạn ở Sài Gòn, thực hiện các nghi thức tôn giáo là thiêng liêng, không thể thiếu, như hơi thở. Dù khác tôn giáo nhưng đấy là điểm chung của chúng tôi.
May ở chỗ đặc tính của tôn giáo cao siêu, không phải là ma túy như quan niệm của những người cộng sản. Không ai, thế lực và phương pháp nào cấm đoán được tôn giáo.
“Hoạt động tôn giáo” không chỉ là hành lễ, thực hiện các nghi thức, những nội dung bị chế tài. Đấy chỉ là phần nổi của tảng băng. Niềm tin, sự mầu nhiệm bất khả tư nghị, diễn biến tâm linh ở nội tâm sâu kín của tín đồ khi tương tác tâm linh vô cùng vi diệu, không ai chế tài được.
Tránh tập trung đông người, thực hiện giãn cách phòng dịch có căn cứ chính đáng về khoa học, nhưng nhân sinh quan thế giới quan duy vật của nhà nước đương thời khiến hành văn, cách tiếp cận tôn giáo của chỉ thị 16 va đụng nhạy cảm, như đã phân tích. Nội dung tuyên truyền chỉ thị 16, khi tiếp cận hoạt động tôn giáo, câu chữ khiến tu sĩ phật tử đau lòng tương tự cảm xúc khi tôn giáo “được” xếp 14/16 đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin ngừa covid- 19 được báo Giác Ngộ vừa đề cập. Ngoài ra, các qui định giãn cách xã hội còn dụng từ ngữ rất chủ quan về “ đi lại không cần thiết” khiến lực lượng thực thi công vụ có thể lạm quyền biến giãn cách xã hội thành thiết quân luật. Nội dung chế tài “ đi lại không cần thiết” đã đặt hết thảy sự mưu sinh của dân nghèo trên đường phố vào kính ngắm phạt vạ, hàng triệu đồng bào hàng rong, buôn bán rau củ thực phẩm dạo, vé số, xe ôm, thu mua phế liệu
...đi lại kiếm sống lương thiện, về chữ nghĩa là cần thiết. Nếu các công ty doanh nghiệp lớn được hỗ trợ nghìn tỷ đồng để duy trì hoạt động, như Hàng không quốc gia VN thì lệnh dừng hàng triệu cuộc mưu sinh của dân nghèo đẩy đồng bào vào thế rơi tự do dù sự tuyên truyền suốt ngày “ không để ai đói, thiếu lương thực”. Người nghèo ở VN vốn không chạm được vào thành quả phát triển kinh tế, lại gánh tổn thương nặng nhất của đại dịch đến đời sống mà không nhận được mưa móc thực sự của nhà nước. Hiện thực này làm phá sản lý thuyết về sự ưu việt của chế độ với giai cấp vô sản. Người nghèo không thể ra đường kiếm sống, không được trợ giúp, không thể đến chùa hay nhà thờ, họ đối diện trước hết với cái đói chứ không phải virut corona. Trong khi người giàu có thể tận hưởng thời gian giãn cách để nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình, nghe nhạc, làm vườn... Hiện thực này trong giãn cách đập mạnh vào sự hào nhoáng câu chữ tuyên truyền về CNXH. Ở các quốc gia tư bản và không cộng sản, người nghèo có được đối xử tốt hơn trong đại dịch không, từ chính phủ? Câu trả lời là có, dân chúng Mỹ đã nhận được số tiền đáng kể từ nhà nước qua nhiều đợt, và các động thái bơm tiền lớn vào nền kinh tế. Thực chất nhà nước cộng sản ưu ái dân nghèo ở chữ nghĩa tuyên truyền, trong khi các nhà nước khác hành động trong thực tế và dịch là cơ hội nhìn rõ khác biệt này. Như từng viết ở bài khác cũng trên trang này, nhà nước cộng sản VN rót một lượng tiền khủng không phải hỗ trợ cứu đói dân nghèo, lượng tiền đấy triển khai các dự án quy mô trên diện rộng để không đóng băng khu vực nhà nước, tạo việc làm cho khu vực công. Các đại dự án như sân bay Long Thành, các tuyến đường.... Nhận thức của Đảng cho rằng việc đấy cần thiết hơn cứu đói dân nghèo. Hàng vạn người nhập cư từ Sài Gòn đổ xô về miền Tây khi thành phố giãn cách, nghẹt cứng quốc lộ không khác di tản, về đến quê tiếp tục rơi vào cảnh bế tắt vì không thể mưu sinh, lại không còn ruộng đất, rơi vào thế nhất cử nhất động có thể bị phạt. Họ mới xứng đáng nhận quan tâm như một đại dự án nhân đạo của nhà nước “ của dân do dân vì dân”. Với dân nghèo VN, chỉ thị 15 hay 16 rất hãi, các qui định buộc người ta phải ngủ đông để giãn cách xã hội, nhưng gấu tích tụ mỡ thừa mới có năng lượng ngủ đông qua băng giá, dân nghèo trơ xương “đông” bằng cách nào? Nếu nguồn ngân sách khổng lồ giải ngân thi công các đại công trình trong lúc ngặt nghèo chuyển hướng cứu đói cho “giai cấp vô sản” bài toán nhân đạo bớt đau đầu hơn, người nghèo như hàng vạn dân nhập cư từ Sài Gòn đổ về miền Tây không ở thế...rơi tự do, đời sống mông lung trong tình cảnh giãn cách cản trở hoạt động cứu trợ dân sự trong nhân dân, khi ý chí nhà nước muốn mọi thứ phải qua tay họ, dán nhãn búa liềm. Chuyện cản trở cứu trợ, hướng nguồn cứu trợ vào các chốt, giúp các lực lượng công vụ thay vì dân nghèo là đáng ngại và xấu hổ.
Các chỉ thị giãn cách còn gánh một chức năng quan trọng, thiết yếu với Đảng: thu hẹp, triệt tiêu, xoá các điều kiện tồn tại của các phong trào dân chủ nhân quyền, bất đồng chính kiến. Lực lượng chức năng các cấp đã được tháo cởi chân tay để hành động, sự chụp mũ trấn áp nhân danh phòng dịch là tất yếu theo cung cách “ mần việc” của Đảng.
Quay lại chủ đề chính, khi có niềm tin tôn giáo thực sự, như với Đạo Phật chẳng hạn, chuyện đứng bên ngoài hay bên trong cổng chùa lễ Phật không quan trọng, trọng ở tâm. Có câu Phật cốt ở tâm, chúng sanh trọng tướng...
Đại dịch, biến cố rất lớn lao, đời sống tâm linh càng quan yếu. Tương tác với niềm tin để vững vàng trước thử thách.
Chuyện đó vô cùng thiết yếu.
Nguyễn Thành Công