A. DẪN NHẬP
Trong đời sống văn hóa cổ truyền của dân tộc Việt Nam nói chung và Phật Giáo Việt nam nói riêng, có thể nói Bia Ký (văn bia) đóng một vai trò khá quan trọng. Bia được dựng hầu hết mọi thôn xã xóm phường, tại các đình đền, chùa miếu và lăng mộ. Văn bia thường do những cây bút nổi tiếng soạn, ca ngợi cảnh đẹp núi sông, đức tính tốt lành của con người, niềm tin ở sự tồn tại của những giá trị vật chất và tinh thần, cùng với bia đá “muôn đời trường cửu”. Bia đã trở thành một bộ phận không thể tách rời di tích, và tô điểm di tích thêm phần cổ kính trang nghiêm.
Về mặt nghệ thuật, nhiều bia là những công trình điêu khắc có giá trị và còn có những giá trị về nội dung của bài văn. Ta có thể thấy cả một kho tư liệu phong phú, với những tên người, tên đất, những sự kiện cụ thể về cuộc sống của địa phương, nhiều khi của cả nước. Qua sự tàn phá của chiến tranh, của thiên tai, cũng như của khí hậu, nhiều đình, đền, chùa vẫn tồn tại hàng bao thế kỷ, vì luôn luôn được sữa chữa và bảo vệ. Bia ký là những chứng tích phản ánh những cuôc biến thiên và cả lòng thiết tha của con người muốn giữ gìn dấu vết quý giá của thời xưa để truyền lại cho muôn đời mai sau.
Văn bia trùng tu Ninh Phúc Thiền tự cho ta thấy khá rõ về lịch sử xây dựng chùa, tháp cũng như các nhân vật thời chúa Trịnh Tráng, Thiền sư Chuyết Chuyết, Thiền sư Minh Hành, hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, công chúa Lê Thị Ngọc Duyên. Từ đó, ta sẽ một phần nào nhận chân được những nét lớn về sự phát triển của Phật giáo ở thế kỷ XVII cũng như sự hiện hữu của chư Ni ở thời kỳ này.
B. THÂN BÀI
1. GIỚI THIỆU CHÙA NINH PHÚC
Chùa có tên chữ là Ninh Phúc Tự, thường được gọi là chùa Bút Tháp (chùa có ngọn tháp hình cây bút nên gọi là chùa Bút Tháp) là ngôi chùa cổ, tọa lạc bên bờ nam sông Đuống, thuộc xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Theo sách Địa Chí Hà Bắc (Hà Bắc, 1982) thì chùa có từ đời Vua Trần Thánh Tông (1258-1278) khi Thiền sư Huyền Quang đến trụ trì ở đây. Ông đã cho dựng ngọn tháp đá cao 9 tầng có trang trí hình hoa sen. Đến thế kỷ XVII, chùa đã trở nên nổi tiếng với sư trụ trì là Hòa thượng Chuyết Chuyết, ông viên tịch năm 1644. Tiếp đó, người kế nghiệp trụ trì chùa Bútt Tháp là Thiền sư Minh Hành. Vào thời gian này, Hoàng thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (Diệu Viên) đã rời bỏ cung thất, về đây tu hành. Thấy chùa bị bể nát nhiều, bà cùng con gái là công chúa Lê Thị Ngọc Duyên (Diệu Tuệ), xin phép chúa Trịnh Tráng, rồi bỏ tiền của, ruộng lộc ra công đức để trùng tu lại ngôi chùa. Đến năm 1647, chùa mới được làm xong
Về cơ bản, quy mô và cấu trúc của chùa Bút tháp hiện nay chính là ngôi chùa được xây dựng trong thời kỳ đó. Bố cục chùa theo kiểu nội Công ngoại Quốc, gần 10 ngôi nhà với 162 gian. Chùa nhìn hướng nam, toàn bộ kiến trúc của chùa nằm trên một trục dài hơn 100 m. Cụm kiến trúc chính, tính lần lượt từ phía ngoài vào, là các công trình: Tam quan, gác chuông, nhà Tiền đường, nhà Thiêu hương, nhà Thượng điện, cầu đá (bắc qua ao sen nhỏ) – Tích Thiện am (Tòa cửu phẩm liên hoa), nhà Trung, phủ thờ, nhà Hậu đường. Hai dãy hành lang, mỗi dãy 26 gian, chạy dọc từ hồi nhà tiền đường ra phía sau. Chùa có kiến trúc tổng thể độc đáo, là khuôn mẫu về sự kết hợp hài hòa kiến trúc của các chất liệu gạch, gỗ, đá…Ngoài cùng là Tam Quan, tiếp đến là gác chuông rồi đến Tiền Đường, tiếp theo là Thượng điện. Thượng điện là gian đẹp nhất cả kiến trúc lẫn điêu khắc. Phía ngoài Thượng điện có lan can bằng đá xanh bao quanh, có khắc hình chủ yếu là động vật, điểm xuyết thêm mây, trời, hoa, lá…Đáng chú ý là những chim, hươu, khỉ, rồng…rất sinh động. Bên trong có bày các bộ tượng Tam Thế, Tam Thân và tượng Phật Quan Âm nghìn mắt, nghìn tay. Phía sau Thượng điện là chiếc cầu đá uốn cong nối liền với Tích Thiện Am.
Bên trái chùa là nhà tổ. Chùa có nhiều tháp. Bên phải có ngọn tháp đá nổi tiếng là Tháp Báo Nghiêm, cao hơn 13m, nơi táng thiền sư Chuyết Chuyết, phía sau có ngọn tháp Tôn Đức cao khoảng 10m. Chùa Bút Tháp còn giữ nhiều di vật có giá trị lich sử văn hóa bao gồm những tác phẩm điêu khắc tiêu biểu của nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam, như bảo tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, tượng Tây Thiên Đông Độ Việt Nam lịch đại toorvv…cùng 91 bức chạm khắc đá ở tòa thượng điện, lan can, tường tháp…lấy đề tài trong cuộc sống hiện thực. Chùa được trùng tu vào các năm 1739, 1903, 1915-1921 và hiện nay 1992-1996. Đây là một trong những ngôi chùa danh tiếng vào bậc nhất ở Việt Nam.[1]
2. NỘI DUNG BIA KÝ
Văn bia về việc xây dựng Ninh Phúc Thiền tự.
Ninh Phúc là một ngôi chùa cổ, còn có tên khác là Thiếu Lâm, là cơ sở xưa cho các bậc Thánh hiền, chùa có địa thế thật đặc biệt, nối liền với dãy núi Tam Đảo, vượt sông Trường Giang, hai bên được bao phủ bởi mây trời. Đất Tiên Du thật thanh bình tĩnh lặng.
Phật pháp khó gặp, lòng người cũng khó tìm! Lành thay thắng địa linh thiêng , nước mang theo hương vị suối tào khê, hoa sen rạng nở, hương thơm bay đến tận Thiên Trúc, nhưng cây Bồ đề tự trưởng thành. Cũng vậy, ngôi chùa như được sữa chữa lại đẹp như lưu ly.
“Phật pháp càng lúc càng hưng thịnh, thieejntisn khát vọng về cõi tịnh độ, hoa bát nhã thắp sáng, núi tuyết có ánh sáng mặt trời, ngôi chùa mới sữa cũng có người con có hiếu yêu thương mọi người, những ngôn từ này không đủ để chuyên chở chổ tột cùng của việc đạo đức nhân nghĩa, bối diệp chép Phạm âm cùng trời…cùng vận chuyển bánh xe pháp, để trí huệ ánh đến tinh tú, làm ngọn đèn lâu dài về cõi Tây Thiên, để vạn thiện đồng quy, giống như sao Bắc đẩu là trọng tâm cho các vì sao khác hướng về.
Một niệm Di Đà cũng đủ để sáng soi tam thiên đại thiên thế giới, luận bàn Phật điển, phô bày sáu đời hiểu được nghĩa chân. Vào tiết thu tháng chín, là lúc tâm thiền cùng trăng sáng hòa quyện với nhau, lòng từ trải khắp, mặc dù hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc sống trong nội cung, ngưng niềm tin của bà (đối với Phật pháp) giống như huyền phong tam hữu của Bát nhã, đã thấm nhuần ân đức, vả lại đạo giác ngộ đã soi rõ tâm bà.
Ta, một kẻ nghèo hàn đến từ Vũ Giang, không biết bao giờ mới được nương tựa vào đài sen để thay đổi cuộc sống phàm tục. Ngoảnh mặt vào tường, đứng trong tuyết lạnh, nương nhờ vào sự quang huy yếu này…Đúng là đạo cội nguồn của dòng họ Thích, có hai đế dung hợp với ngũ cái, lấy cái không trong bất không, bốn nhà hoài bất qui chi qui, ngu si! Đó chính là nghi thức gương mẫu cho thiên hạ, cũng là tâm rộng lớn như thế nào mới tin cái nghĩa sâu xa đó, cho nên tôi trân trọng viết nhũng lời kệ này lên bia:
Đại hùng bảo điện ở bờ sông Chu
Ánh sáng trí huệ và hoa sen là lời giảng pháp,
Lời kinh trong rừng vắng tiếp nhau cả ngày đêm,
Tuyết sơn, đạo lý sáng tối hiện,
Bản chất hiếu thảo từ bi vốn là tình cảm của con người xưa nay.
Thế thì đời này không chiu tu thì đợi đến đời nào
Điều thánh thiện như minh châu cần gìn giữ
Bởi việc nhổ tận gốc cỏ vẩn đục và tạo ra trái lành quả ngọt về sau.
Quan trấn thủ đề đốc tên Luân quận công cùng với phu nhân Luân quận công, đem tất cả ruộng ở tại hai xã Tu Chi và A Thi gồm 7 mẫu hiến cúng cho xã Ưng Tháp, vĩnh viễn làm hương hỏa để cúng kỵ tiên nhân.
Hai mẫu ruộng lúa được dùng để tưởng nhớ Bà Kim Cương hằng năm vào ngày thứ 22 của tháng thứ năm. Đồ cúng bao gồm bốn khay bánh nếp, mỗi khay khoảng 25 giạ, và một khay trái cây. Vào những dịp lễ khác cúng một khay bánh nếp và một khay trái cây. Một mẫu rưỡi đất lúa được dùng để tưởng nhớ sự phục vụ của công tước Yến mỗi năm : vào ngày thứ 9 của tháng thứ 8. Đồ cúng bao gồm 4 khay bánh nếp và một khay trái cây. Những dịp lễ khác cúng hai khay bánh nếp.Hai mẫu rưỡi đất lúa và bảy xâu tiền rưỡi được dâng cúng để thắp trầm và đèn hằng năm cho Ninh Phúc thiền tự. Hai mẫu đất lúa ở xã này được dùng để tu bổ bảo dưỡng chùa hằng năm.
Nay, Phước Thái năm thứ 5 (1647) đinh hợi, vào ngày tắm Phật, Sa di Minh Hành Thích Tại Tại viết. Thiền sư Đông Ngàn Phù Chẩn Chân, Sa di Kiến khắc chữ vào bia.[2]
3. THANH ĐÔ VƯƠNG TRỊNH TRÁNG ( 1623-1657 )
Trịnh Tráng là con trưởng của Bình An vương Trịnh Tùng và Thái phi Đặng Thị Ngọc Vũ (con của Nghĩa Quận công Đặng Huấn).
Tháng 8 năm Quý Hợi (1623), Trịnh Tráng đem quân ra phá tan quân của Kính Khoan ở Gia Lâm. Kính Khoan một mình chạy thoát thân trốn vào núi. Kinh thành lại được yên, Tráng lại rước vua Lê trở lại kinh đô. Mùa đông năm đó (1623) vua Lê phong Nguyên suý thống quốc chính Thanh Ðô vương cho Trịnh Tráng.
Trịnh Tráng lên nắm quyền ở phủ chúa là lúc quan hệ giữa họ Trịnh và họ Nguyễn trở nên căng thẳng. Tạm yên mặt Bắc, Trịnh Tráng lại phải lo đối phó mặt Nam. Lúc này ở đàng Trong, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã ra mặt chống lại chúa Trịnh ở đàng Ngoài. Trịnh Tráng nhiều lần lấy danh nghĩa vua Lê đem quân đi đánh Phúc Nguyên nhưng quân Nguyễn lợi dụng địa thế hiểm trở, đắp luỹ đài chống cự quyết liệt, quân Trịnh không làm gì được, phải rút về. Khi lên nắm quyền Trịnh Tráng đã cao tuổi (47 tuổi), từng trải việc quân việc đời nên trong chính sách cai trị, Tráng khéo léo và mưu mô hơn chúa trước. Ðể thắt chặt thêm quan hệ giữa Nhà chúa và vua Lê; Trịnh Tráng đem con gái của mình (trước đã lấy chồng được bốn con với chú họ của vua Lê) gả cho vua Lê, ép vua lập làm Hoàng hậu. Vua Lê đành chịu chấp nhận việc đó.
Năm Ất Dậu (1645), Trịnh Tráng tuổi đã già, xin vua phong cho con thứ hai là Tây quận công Trịnh Tạc làm khâm sai tiết chế các xứ chủ bổ thuỷ dinh chương quốc quyền binh, tả tướng Thái úy Tây Quốc công Trịnh Tạc được chọn thay quyền cha giữ ngôi chúa. Sau quyết định này vài hôm, Trịnh Tráng bị cảm mạo, các con là Trịnh Sầm, Trịnh Lịch vì không được cha truyền ngôi bèn nổi loạn. Sau cả hai người con này đều bị bắt chém. Thời kỳ cầm quyền, Trịnh Tráng có chút công lao ngoại giao đáng kể là vua Minh từ chỗ chỉ phong tước An Nam đô thống sứ cho các vua Lê Trung Hưng, đến đây đã chịu phong cho Lê Thần Tông làm An Nam quốc vương.
Tháng 4 năm Ðinh Dậu (1657)[3], Trịnh Tráng mất, trải qua 30 năm cầm quyền ở phủ chúa, được vua Lê phong đến hết mức: Thượng chúa sư phụ Công cao thông đoán nhân Thanh vương, chết 81 tuổi.[4]
Thanh vương Trịnh Tráng rất sùng mộ đạo Phật, con cháu và các cung phi đều có người xuất gia và chính Thanh vương cũng cho xây dựng và trùng tu rất nhiều chùa ở Đàng Ngoài. Theo lời xin của đệ nhất cung tần Trần Thị Ngọc Am, sau xuất gia với Thiền sư Minh Hành-Tại Tại với pháp danh là Pháp Giới, chúa Trịnh Tráng cho trùng tu chùa Phât Tích (hay chùa Vạn Phúc) ở núi Phật Tích (Bắc Ninh). Năm 1643, Trịnh Thị Ngọc Trúc xin trung tu chùa Ninh Phúc, công trình xây chùa này rất lớn lao. Năm 1648, chúa Trịnh Tráng xây dựng chùa Phúc Long ở làng Lãng Ngâm, huyện Gia Định (Bắc Ninh). Năm 1656, Diệu Tuệ (cháu ngoại của chúa Trịnh Tráng) lại đứng ra trùng tu chùa Bút Tháp, tượng Bồ Tát Quan Thế Âm ngàn tay ngàn mắt nổi tiếng và hiện còn đến nay được dâng cúng trong dịp này.
4. THIỀN SƯ CHUYẾT CHUYẾT:
Thiền sư Chuyết Chuyết tên Thiên Tộ, họ Lý, pháp danh là Hải Trừng, pháp hiệu là Viên Văn, thường được gọi là Chuyết Công, sinh năm 1950, tại quận Thanh Chương thuộc tỉnh Phúc Kiến. Thuở nhỏ học thông tứ thư ngũ kinh, lớn lên xuất gia tu học với Tiệm Sơn trưởng lão. Sau lên cầu học với Đà Đà hòa thượng ở Nam Sơn. Theo sách Kế Đăng Lục của Như Sơn, hòa thượng Đà Đà là một danh tăng thường được vua Minh Thế Tông vời vào cung điện để bàn việc triều đình, và được vua phong cho đạo hiệu là Khuông Quốc Đại Sư. Sau khi đắc pháp với Đà Đà, Chuyết Chuyết vân du trong quốc nội để giáo hóa, rồi vào khoảng năm 1630 cùng một số đệ tử dung thuyền nhỏ rời khỏi Trung Hoa đi về miền Nam. Ông và các đệ tử đổ bộ lên đất Cao Miên. Rồi rời Cao Miên ông đi qua Chiêm Thành, vượt Chiêm Thành sang Đại Việt. Từ ĐÀng Trong, ông cùng các đệ tử khởi hành ra Đàng Ngoài, dừng chân hoằng hóa tại chùa Thiên Tượng, Nghệ An và chùa Trạch Lâm, Thanh Hóa một thời gian. Đến năm 1633, thầy trò tới được kinh thành Thăng Long, ông và đệ tử ở lại chùa Khán Sơn và bắt đầu giảng dạy Phật Pháp. Người đến học gồm cả người Trung Hoa và Việt Nam. Sau một thời gian, Chuyết Chuyết dời về chùa Phật Tích, huyện tiên du, tỉnh Bắc Ninh, cách kinh thành chừng ba mươi cây số. Trong thời gian hoằng hóa ở đó, Chuyết Chuyết được chúa Trịnh Tráng biết đến và hâm mộ, xem như bậc thầy. Vua Lê Huyền Tông và các bậc công hầu cũng đều kính trọng. Sau đó một thời gian vì chúa Trịnh Tráng muốn có thêm kinh điển Phật giáo để lưu hành trong nước, cho nên Chuyết Chuyết ủy đệ tử mình là Minh Hành trở về Trung Hoa để thỉnh kinh. Kinh Điển thỉnh về được an trí tại chùa Phật Tích. Chuyết Chuyết và các đệ tử đã tổ chức một trai đàn lớn, cầu cho tất cả vong linh và nạn nhân của thời đại. Nghi Thức và cách tổ chức trai đàn này rất được vua Lê chúa Trịnh và các bậc công hầu thời ấy hâm mộ. Thủy Lục Chư Khoa từ đó được áp dụng rộng rãi tại các chùa Đàng ngoài.
Sau khi hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc và công chúa Lê Thị Ngọc Duyên xuất gia tại chùa Ninh Phúc ở Bút Tháp. Khi việc trùng tu hoàn tất, Chuyết Chuyết được mời sang trú trì chùa Ninh Phúc cho đến khi viên tịch. Ông tới Thăng Long năm 43 tuổi. Ông Mất ngày rằm tháng Bảy năm Giáp thân (1644), thọ 55 tuổi, mùi hương lạ lan đầy chùa trong cả tháng mới tan[5]. Sau khi Chuyết Chuyết viên tịch, Vua Lê Chân Tông phong hiệu là Minh Việt Phổ Giác Quảng Tế Đại Đức Thiền Sư. Thiền sư Minh Hành lập tháp Báo Nghiêm để an trí nhục thân của ông. Trên đỉnh tháp có hình một cây bút do Minh Hành dựng. Một vị cư sĩ gốc Trung Hoa tên là Âu Dương Vựng Đăng được Minh Hành nhờ viết một bài văn bia kỷ niệm. Theo bài văn bia thì Chuyết Chuyết khí tượng lạ lùng và có tài cảm hóa, được vua Lê rước làm Thầy và được các bậc công hầu kính trọng. Ông lại viết: “Tôi học Phật, lánh sang nước Nam, có dịp được hội đàm với thiền sư Chuyết Chuyết tại chùa Khán Sơn ở Thăng Long. Lúc mới gặp, ta có thể nghĩ ông là người khùng. Nhưng lâu ngày, tôi thấy ông là một người rộng rãi thông minh, trong lòng không vướng bận một điều gì. Ông lại có tài ngôn luận, bỡn cợt cả các bậc công khanh. Ông đức độ trung hậu, biết kính già yêu trẻ, coi bậc thiên tử như bạn thân, khinh tiền của như cỏ rác…”
Chuyết Chuyết thuộc về thế hệ thứ 34 dòng Lâm Tế. hai vị đệ tử xuất sắc nhất của Chuyết chuyết là Minh Hành và Minh Lương; Minh Hành là người gốc Trung Hoa, còn Minh Lương là người Đại Việt.[6]
5. THIỀN SƯ MINH HÀNH
Thiền sư Minh Hành pháp hiệu là Tại Tại, là người phủ Kiến Xương, Tỉnh Giang Tây. Sư theo thầy là Thiền Sư Chuyết Chuyết sang Việt Nam, đến kinh thành Thăng Long năm 1633, là một cánh tay trợ giúp thầy giáo hóa.
Năm 1644, khi Thiền Sư Chuyết Chuyết tịch, Sư thay thế trụ trì chùa Ninh Phúc. Đến năm 1659, Sư tịch, thọ 64 tuổi. Môn đồ xây tháp thờ tại chùa Ninh Phúc, tháp hiệu Tôn Đức.
Sư có hai vị đệ tử là Chân Trú và Diệu Tuệ. Chân Trú trụ trì chùa Hoa Yên, núi Yên Tử, còn Diệu Tuệ trụ trì chùa Phật Tích[7]. Sư có để lại một bài kệ truyền pháp như sau:
Minh Chân Như Tính Hải
Kim Tường Phổ Chiếu Thông
Chí Đạo Thành Chính Quả
Giác Ngộ Chứng Chân Không
Nghĩa là:
Thấy chân như biển rộng
Ánh vàng chiếu vô cùng
Đạt đạo thành chính quả
Giác ngộ chứng chân không
Chữ của bài kệ này đã được dùng để đặt pháp danh cho những thế hệ kế tiếp của phái Lâm Tế tại Đàng Ngoài.[8]
6. Tỳ Kheo ni PHÁP TÁNH (Hoàng hậu TRỊNH THỊ NGỌC TRÚC)
Trịnh Thị Ngọc Trúc là con gái của Trịnh Tráng và Nguyễn Thị Ngọc Tú. Ngọc Tú là con gái của Nguyễn Hoàng và là một Phật tử thuần thành. Bà ủng hộ sửa chửa hai ngôi chùa lớn, chùa Trạch Lâm và chùa Từ Ân hay Long Ân (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, p730) tại làng Quảng Bá, ngoại vi thủ đô[9]. Lý tưởng tôn giáo và hoạt động của Bà ảnh hưởng rất nhiều đến Bà Ngọc Trúc, rất nhiệt thành trong các việc ủng hộ Phật giáo.
Vào năm 1620, bà cùng với chồng là quận công (chú của vua Lê Thần Tông) ủng hộ xây dựng Cửu phẩm Liên Hoa và chùa Quang Minh tại xã Hậu Bỗng[10]. Năm 623, chồng của Bà bị bắt vì tổ chức cuộc cách mạng chống lại Trịnh Tráng. Trịnh Tráng ép Bà tái giá, lấy cháu của chồng, đó là vua Lê Thần Tông vào năm 1630[11]. Vào năm 1634, khi Chuyết Công thuyết pháp trong triều đình, Bà quy y Tam bảo và trở thành người Phật tử nhiệt tâm vì Phật pháp[12].
Theo sắc lệnh của vua Lê Thần Tông trùng tu và mở rộng chùa Ninh Phúc vào năm 1642[13], hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc không chỉ cúng tiền vào công trình sửa chữa mà còn yêu cầu Trịnh Tráng, vào năm 1646, đã hạ lệnh miễn các phu phen, tạp dịch, sung quân thư thuế tại xã tại xã Nhạn Tháp, huyện Siêu Loại, nơi chùa Ninh Phúc tọa lạc[14]. Cúng tiền, đất và đất ruộng vào chùa là một nét đặc biệt trong Phạt giáo vào thế kỷ 17 tại Việt Nam.
Vào năm 1647, việc trùng tu chùa Ninh Phúc hoàn thành. Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc pháp danh Pháp Tính, cùng với hai mươi bốn người khác cúng dường mười bảy mẫu năm sào đất vào chùa[15]. Mùa hè năm 1649, Bà cùng con gái, công chúa Lê Thị Ngọc Duyên (sau này là Tỳ Kheo ni Diệu Tuệ), cùng với một vài mệnh phụ khác tạo tượng Phật, đúc chuông, xây chánh điện, nhà tổ, hành lang, cầu thang đá và mua đất cúng vào chùa Thành Quang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh[16]. Thiền sư Minh Hành viên tịch vào mùa đông năm 1660, Bà là vị đại thí chủ cùng với các vị Phật tử khác xây dựng tháp Tôn Đức tại chùa Ninh Phúc để thờ xá lợi Minh Hành[17].
Sau khi hoàn thành các nhiệm vụ của một chánh cung hoàng hậu trong triều đình và là một Phật tử hộ trì Tam Bảo, Bà từ bỏ đời sống của một Bà Hoàng, vào chùa xuất gia với đạo hiệu là Pháp Tính. Ngày nay, tượng của Bà vẫn được tôn thờ tại chùa Ninh Phúc. Theo học giả Trần Văn Giáp, Trịnh Thị Ngọc Trúc là tác giả bộ từ điển Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa viết bằng chữ Nôm. Học giả Giáp khen ngợi rằng Bà rất giỏi về ngôn ngữ, văn chương và triết lý Phật giáo[18]
7. Tỳ Kheo ni DIỆU TUỆ (LÊ THỊ NGỌC DUYÊN)
Lê Thị Ngọc Duyên là con gái của quận công Lê Trụ và Trịnh Thị Ngọc Trúc. Bà sinh năm 1615, sống với cha mẹ nuôi. Khi mẹ của Bà tái giá, Bà sống trong hoàng cung.
Theo bia ký tháp Phổ Quang[19], niên đại 1664, tại chùa Vạn Phúc, Tỳ kheo ni Diệu Tuệ được tả như một viên ngọc toàn bích. Bà được giáo dục cả đời lẫn đạo và rất giỏi về giáo lý và thực hành Phật Giáo. Từ thuở còn thơ ấu, Bà đã nổi tiếng có lòng từ bi và có trí tuệ sáng suốt. Bà là một người con gái ngoan hiền, đẹp lòng mọi người trong gia đình. Sắc đẹp của Bà hơn hẳn các mệnh phụ, công nương khác trong hoàng cung. Sống trong hoàng cung xa hoa và nhung lụa, Bà không đánh mất bản chất đạo đức và đời sống tinh thần của mình. Bà xem đời sống hoàng gia như sương mai, ánh chớp. Bà giữ gìn giới hạnh và vun bồi các việc công đức. Bà là người con chí hiếu. Khi trưởng thành, Bà lập gia đình theo lệnh của vua. Tuy nhiên, đời sống gia đình của Bà không tồn tại lâu dài. Nghĩ rằng cuộc đời là vô thường, mạng người ngắn ngủi, Bà quyết định trường chay và niệm Phật trong khi tuổi đời còn quá trẻ, hai mươi sáu tuổi. Sau đó, Diệu tuệ quyết định từ bỏ đời sống hoàng gia, xa rời mẫu thân để sống đời sống khổ hạnh.
Diệu Tuệ sống đời sống khổ hạnh bốn năm cho đến khi Bà được ba mươi tuổi. Chúa Trịnh Tráng cảm thông và thương đứa cháu gái của Ông nên đã thỉnh Thiền sư Minh Hành làm lễ xuất gia và truyền giới cho Bà. Năm 1645, Ngọc Duyên trở thành vị Tỳ Kheo ni vừa tròn ba mươi tuổi. Hơn mười năm, Bà tu tập theo giáo lý Phật giáo. Bà tuân thủ giới luật nghiêm ngặt. Bà không ăn thịt, không mặc đồ sang trọng, không nổi giận, không tỏ vẻ buồn phiền, không làm điều gì sai lầm. Bà siêng năng tụng đọc kinh điển và tu tập thiền định. Mọi người thương mến và kính trọng Bà. Tên tuổi và đức hạnh của Bà đã được xưng tụng trong dân chúng. Cuối cùng, bia ký cho biết thêm rằng Tỷ Kheo ni Diệu Tuệ giảng dạy giáo lý Phật giáo cho dân chúng và làm cho Phật giáo hưng thạnh tại nới này. Diệu Tuệ được hướng nghiệp sư Minh Hành giao làm trụ trì chùa Việt Nam phúc, một ngôi cổ tự tọa lạc gần chùa Ninh Phúc[20].
Suốt cuộc đời, Diệu Tuệ ủng hộ tu sửa các tự viện trong vùng, cúng dường tiền in ấn kinh điển, đúc chuông và hướng dẫn cộng đồng theo Phật giáo. Theo Phụng Lệnh Chỉ của Trịnh Tráng ban hành vào năm 1646 về việc miễn thuế và phu phen, tạp dịch, sung quân tại xã Nhạn Tháp, công chúa Lê Thị Ngọc Duyên đã cúng đất ruộng tại hai làng Cổ Lộng và Hưng Hiền vào chùa[21]. Năm 1647, Diệu Tuệ tham gia trong một nhóm mệnh phụ hoàng gia, dưới sự hướng dẫn của Minh Hành, trùng tu chùa Thanh Quang. Chùa được trùng tu với chánh điện, nhà tổ, hành lang mới, một tượng Phật bằng gỗ được tạc và tôn trí cùng với một chuông đồng lớn được đúc. Bia ký cũng cho biết thêm rằng nhóm người nầy cũng cúng nhiều ruộng đất vào chùa, thâu hoạch hằng năm sẽ được chi vào các buổi lễ của chùa[22].
Vào ngày Phật đản năm 1647, Diệu Tuệ cúng hai mẫu ruộng vào chùa Ninh Phúc hồi hướng công đức cho cha là quận công Luận (Lê Trụ), cha nuôi là quận công Cường (Lê Vĩnh Tiến) cùng người bạn tốt là Hà CÔng Từ. Cùng năm ấy, Diệu Tuệ cúng ba mẫu ruộng vào chùa. Lợi tức của ba mẫu ruộng này sẽ chi vào việc mua hoa quả, hương đăng cúng Phật và chư vị Bồ Tát vào ngày tết Nguyên Đán, các ngày sóc vọng và cúng kỵ hằng năm ngày sinh và ngày tạ thế của thân phụ Bà. Vào năm 1674, tỷ kheo ni Diệu Tuệ cúng hai mẫu ruộng để tưởng nhớ Bổn sư Thiền sư Minh Hành. Năm 1681, Diệu Tuệ cúng dường tháp Tôn Đức ba mẫu ruộng. Vào năm 1684, Diệu Tuệ cúng một mẫu hai sào vào chùa, cầu nguyện cho vị tăng sĩ Lê Ngọc Nghinh, người đã hết lòng phục vụ dân trong làng nầy[23].
Trước khi Minh Hành viên tịch vào năm 1659, Minh Hành truyền y bát cho Bà và bổ nhiệm Bà làm trụ trì chùa[24].
III. KẾT LUẬN
Dưới vòm trời Á Đông, không nơi nào chúng ta có thể tìm thấy một sự tương quan mật thiết, đậm đà tính dân tộc như Phật giáo Việt Nam. Ngôi chùa Việt Nam là một biểu hiện rõ nét nhất của nền văn hóa bao dung, khoáng đạt giữa đời sống tâm linh và tự tình dân tộc Việt. Ngôi chùa đối với dân tộc Việt Nam quá gần gũi, thân thiết, là một biểu tượng không thể thiếu trong sinh hoạt tinh thần của người Việt.
Ninh Phúc thiền tự với lối kiến trúc hài hòa, dung hợp nhiều nét đẹp của văn hóa Á Đông. Một ngôi chùa cổ kính, có những công trình kiến trúc thật độc đáo, những hòn đá nhỏ, những thớt gỗ nhỏ cũng nói lên được cái hồn của nó trong ngôi tự viện này. Toàn thể pho tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay muốn nói lên sự thấm nhuần sâu xa viên mãn tinh thần Phật giáo của người Việt và có thể coi là tập đại thành của nền nghệ thuật Việt Nam. Ninh Phúc, một ngôi chùa cổ thật đáng tự hào về kiến trúc lẫn mỹ thuật trong thời đại văn minh này.
Qua bia kí ta thấy Phật giáo Việt Nam ở thế kỷ XVII đã được phục hưng và phát triển nhờ sự hộ trì của hoàng tộc vua chúa và quần chúng. Đặc biệt nhất là sự hiện diện của các bậc chân tu, chư vị Thiền sư cũng như chư Tôn đức Ni là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho mọi tầng lớp nhân dân. Điều quan trọng là lịch sử Phát triển của chư Ni Việt Nam luôn song hành cùng dân tộc và Phật giáo Việt Nam chứ không hề bị biến mất ở bất cứ hoàn cảnh nào và luôn đóng góp cho lịch sử nước nhà những điểm son tốt đẹp.
[1] Võ Văn Tường, Việt Nam Danh Lam Cổ Tự, Hà Nội – Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội 1992, trang 386
[2] Sắc Kiến Ninh Phúc Thiền Tự Bi Ký, niên đại 1647, thác bản 2894, trang 896
[3] Nguyễn Khắc Thuần, Thế Thứ Các Triều Vua Việt Nam. Nhà Xuất Bản Giáo Dục – 1993, trang 85
[4] http://www.vietnamtourisminfo.com/index.php/Lich-su/Cac-doi-chua-Trinh.html
[5] Nguyễn Hiền Đức, Lịch Sử Phật Giáo Đàng Trong. Nhà xuất bản Thành Phố 1995, trang 89
[6] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận I-II-III. Nhà xuất bản Văn Học- Hà Nội 2000, trang 534-536
[7] Thích Thanh Từ, Thiền Sư Việt Nam. Thành Hội Phật Gíáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành 1992, trang 399
[8] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận I-II-III. Nhà xuất bản Văn Học- Hà Nội 2000, trang 537, 538
[9] Đại Nam Nhất Thống Chí, quyển 2, tỉnh Thanh Hóa, mục Đền Chùa, chùa Trạch Lâm, trang 293
[10] Thác Bản số 13109-13110
[11] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, trang 664,731
[12] Vạn Phúc Đại Thiền Tự Bi, niên đại 1686, thác bản số 2146-47
[13] Trùng Tu Thanh Quang Tự Bia, thác bản số 3945-47
[14] Phụng Lịnh Chỉ, thác bản số 2880
[15] Sắc Kiến Ninh Phúc Thiền Tự Bi Ký, niên đại 1647, thác bản 2894
[16] Trùng Tu Thanh Quang Tự Bia, thác bản số 3945-56
[17] Sắc Kiến Tôn Đức Khoán Thạch, niên đại 1660, thác bản số 2883
[18] Lược Truyện Các Tác Gia Việt Nam, trang 271
[19] Phổ Quang Tháp Bia Ký, niên đại 1660, thác bản 2188
[20] Chùa Phật Tích còn gọi là chùa Vạn Phúc, là một ngôi chùa nằm ở phía Nam núi Phật Tích (còn gọi là núi Lạn Kha, non Tiên), xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Trong chùa có tượng Đức Phật bằng đá thời nhà Lý lớn nhất nước Việt Nam.
[21] Phụng Lịnh Chỉ
[22] Trùng Tu Thanh Quang Tự, niên đại 1647, thác bảng số 3945-56.
[23] Hiến Thụy Am Hương Hoa Điền Bi Ký, niên đại 1647
[24] Phổ Quang Tháp Bia Ký, thác bản số 2188
SÁCH THAM KHẢO
1. Thích Thanh Từ, Thiền Sư Việt Nam. Thành Hội Phật Gíáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành, 1992.
2. Võ Văn Tường, Việt Nam Danh Lam Cổ Tự, Hà Nội – Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, 1992.
3. Nguyễn Khắc Thuần, Thế Thứ Các Triều Vua Việt Nam. Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 1993.
4. Nguyễn Hiền Đức, Lịch Sử Phật Giáo Đàng Trong. Nhà Xuất Bản Thành Phố, 1995.
5. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận I-II-III. Nhà Xuất Bản Văn Học Hà Nội, 2000
6. Viện Cao Học Thực Hành, Viện Nghiên Cứu Hàn Nôm, Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp, Tổng Tập Thác Bản Văn Khắc Hán Nôm, tập 3. Nhà Xuất Bản Hà Nội, 2005
7. Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, tập II. Nhà Xuất Bản Văn Hóa Thông Tin 2006
8. Đại Nam Nhất Thống Chí, quyển 2, tỉnh Thanh Hóa, mục Đền Chùa, chùa Trạch Lâm
9. Vạn Phúc Đại Thiền Tự Bi, niên đại 1686, thác bản số 2146-47
10. Trùng Tu Thanh Quang Tự Bia, thác bản số 3945-47
11. Phụng Lịnh Chỉ, thác bản số 2880
12. Trùng Tu Thanh Quang Tự Bia, thác bản số 3945-56
13. Sắc Kiến Tôn Đức Khoán Thạch, niên đại 1660, thác bản số 2883
14. Lược Truyện Các Tác Gia Việt Nam, năm 1962
15. Phổ Quang Tháp Bia Ký, niên đại 1660, thác bản 2188
16. Trùng Tu Thanh Quang Tự, niên đại 1647, thác bảng số 3945-56.
17. Hiến Thụy Am Hương Hoa Điền Bi Ký, niên đại 1647
18. Phổ Quang Tháp Bia Ký, thác bản số 2188
19. http://www.vietnamtourisminfo.com