Thực tế là trong tiếng Việt của chúng ta đang dùng đã có đến gần 60 % là từ Hán Việt, đa phần là những từ không có tiếng thuần Việt thay thế; thí dụ như việt, nam, dân, chủ, văn, minh, độc lập, tự chủ... Chính là nhờ các từ Hán Việt này mà ngôn ngữ Việt Nam đã trở nên đa dạng, phong phú và sâu sắc.
Các kinh sách Phật giáo, đa phần là từ Hán Việt; là Phật tử muốn thông hiểu những lời Phật, Tổ đã dạy; để việc hoằng pháp độ sinh đạt hiệu quả cao, thiết nghĩ: điều kiện tối thiểu là thông hiểu từ Hán Việt.
Thí dụ: phân biệt yếu điểm要点 (theo văn phạm Hán Việt) với điểm yếu (theo văn phạm Việt ngữ), hoặc hiểu chữ “minh”, với: minh明nghĩa là sáng sủa như “văn minh文明”; minh冥là tối tăm như “u minh幽暝”; minh盟là thề ước như “đồng minh同 盟”; minh鳴là chim hót như “điểu minh鸟鳴”; minh 铭là tạc ghi như “minh tâm铭心” v.v.
Người Việt cần phải học chữ Hán để biết các điểm quan trọng trong ngôn ngữ Việt. Việc học Hán văn không chỉ giúp cho việc học tiếng Việt và văn hóa Việt (trong đó có Phật học) mà còn là việc làm trong ý thức là bảo vệ văn hóa dân tộc. Ông Cha ta đã sáng tạo ra phương pháp đặc thù riêng để dễ học, dễ nhớ chữ Hán, đó là “Chiết Tự”. Vì chính việc học chữ Hán có bài bản và trong tinh thần khai phóng, sáng tạo của Ông Cha ta, mà dân tộc Việt đã hấp thụ những tinh hoa của nền văn minh Trung Hoa; đã làm phong phú, đa dạng, tiện dụng và ngày càng hoàn chỉnh cho ngôn ngữ Việt.
***
Chiết tự 折字, đầu tiên xem chữ折 chiết gồm bộ扌thủ: tay; và chữ 斤cân: cái rìu chặt gỗ. Ý nói tay cầm rìu chia khúc gỗ ra làm nhiều đoạn nhỏ. Chữ 字tự gồm bộ 宀 miên: mái nhà và bộ 子tử: bé trai. Ý rằng: ngày xưa, nhà nào sinh được con trai (ưu tiên được học chữ) là nhà có nhiều chữ nghĩa.
Vậy chiết tự là chữ được phân tích ra để rõ nghĩa. Dựa theo nghĩa của các yếu tố cấu thành mà xác định nghĩa của cả chữ.
Ông Cha ta đã sáng tạo ra phương pháp đặc thù riêng để dễ học, dễ nhớ chữ Hán: là Chiết tự; là phân chia một chữ Hán ra làm nhiều thành phần nhỏ, mỗi thành phần nhỏ mang ý nghĩa khác nhau, (tùy theo sự cảm nhận và thấy biết của mỗi người); rồi tổng hợp lại thành nghĩa toàn phần. Nắm vững yếu tố chính (đặc điểm của chữ Hán) là từng nét chữ… đều tiềm ẩn nội dung về học thuật, tư tưởng, và liên hệ mật thiết với sinh hoạt hằng ngày của quần chúng; và cũng hiểu rõ tính nội hàm thâm sâu của loại chữ viết tượng hình – Chữ Hán.
Chiết tự trong chữ Hán trở nên đa dạng về hình thức và kiểu loại, phong phú về nghệ thuật ngôn từ. Để dễ nhớ, chiết tự thường được thể hiện dưới dạng thơ hoặc văn vần qua hàng loạt các bài thơ, câu đố chiết tự, rất cuốn hút đối với người học.
Đấm một đấm hai tay ôm quàng là dáng dấp của bộ miên宀; thuyền chèo là dáng dấp của chữ tất 必, thuyền chèo trên núi là chữ sơn 山. Ghép lại chúng ta được chữ mật 密 (bí mật, rậm rạp) (Chiết tự dựa vào hình thể).
(Chữ lập立 + viết曰 + thập 十 = chương 章)
(Chữ thổ土 + nét phẩy丿cây tre + nhật日 = giả 者)
(Chữ tuất戌 + nữ 女 = uy 威)
(Chữ thổ土 (đất) + cung弓 + điền 田(ruộng) (hai chữ điền = hai mẫu) +
三 (ba vạch ngang = ba bờ) thành cương 疆)
***
Chiết tự cũng là một kiểu “chơi chữ”, nhiều thế hệ học chữ Hán xem trọng thú “chơi chữ”: cách chơi mà học, học mà chơi để học chữ Hán theo hướng dễ học, dễ nhớ.
Chim chích mà đậu cành tre,
Thập trên, tứ dưới, nhất đè chữ tâm.
Chim chích (đồng âm với bộ彳xích) hình ảnh bước chân của chim di chuyển trên cành tre; 十thập trên, 四 tứ dưới, 一 nhất, đè chữ 心tâm.
Tao chẳng thấy mày, mày chẳng thấy tao.
Đó là hình chữ lai 來. Chữ lai 來 có hai chữ nhân 人ở hai bên, chữ mộc 木ở giữa. Thực ra hai chữ nhân 人này vốn là tượng hình hai cái gai. Lai 萊là tên một loại lúa dại có gai (đồng âm với來), chữ來nghĩa là đến.
Chồng con chưa có kè kè mang thai.
Đây là câu đố về chiết tự chữ thủy 始. Chữ thủy 始vốn là một chữ hình thanh, có chữ thai 台chỉ âm (đồng âm 胎: có mang), chữ nữ 女là người con gái, chỉ nghĩa.
Trương Vĩnh Ký
Chữ bật 弼 (âm bì): Với chữ bách百(âm bǎi) nằm giữa hai chữ cung弓, các thanh âm đều vần b: bựt – bật – bách – (âm bì – bǎi)…tuyệt vời!!
Chữ oanh轟. Chữ oanh được viết với ba chữ xa車và có nghĩa là “tiếng động của nhiều xe cùng chạy“.
Lưỡng nhật bình đầu nhật
Tứ sơn điên đảo sơn
Lưỡng vương tranh nhất quốc
Tứ khẩu tung hoành giang.
两日平頭日
四山颠倒山
两王争一國
四口纵横江
Hai chữ nhật日 đứng kề ngang nhau
Bốn chữ sơn 山quay đầu vào nhau
Hai chữ vương 王 kết hợp lại
Bốn chữ khẩu 口 tạo nên điền.
Lối phân tích trên, chứng tỏ các bậc tiền nhân của ta đã đạt trình độ nhuần nhuyễn về chiết tự. Hiểu rõ tính nội hàm thâm sâu của loại chữ viết tượng hình.
***
Bài thơ “Chiết Tự” của CT Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Ngục trung nhật ký –獄 中 日 記 ”, tức “nhật ký trong tù”.
Tù nhân xuất khứ hoặc vi quốc,
Hoạn quá đầu thì thủy kiến trung;
Nhân hữu ưu sầu ưu điểm đại,
Lung khai trúc sản, xuất chân long.
囚人出去或為國
患過頭時始見忠
人有憂愁優點大
籠開竹閂出真龍
Người thoát khỏi tù ra dựng nước,
Qua cơn hoạn nạn, rõ lòng ngay;
Người biết lo âu, ưu điểm lớn,
Nhà lao mở cửa, ắt rồng bay!
Theo lối “phân tích”, bài thơ này còn có nghĩa đen như sau:
Chữ tù囚bỏ chữ nhân人, cho chữ hoặc或vào, thành chữ quốc國.
Chữ hoạn患bớt phần trên đi thành chữ trung忠.
Thêm bộ nhân人đứng vào chữ ưu憂trong “ưu sầu” thành chữ ưu優trong “ưu điểm”.
Chữ lung籠bỏ bộ trúc đầu竹thành chữ long龍.
***
Diễn giải:
nhất一 — nhân人 — đại大 — thiên天
môn門 — thị 市 — náo閙
môn門 — nguyệt 月 — nhàn 閒
xích 彳 — thập 十 — tứ四 — nhất一 — tâm 心 — đức德
nhân 人 — mộc 木 — lai 來
thai 台 — nữ 女 — thủy 始
xa車 — oanh轟
nhật日 — sơn 山 — vương 王 — khẩu 口 — điền 田
tù囚 — nhân人 — hoặc或 — quốc國
hoạn患 — trung忠
nhân (đứng) 人 — ưu憂 — ưu優
lung籠 — trúc竹 — long龍
*****
Bảng minh họa “phân tích” từ đơn
Ghi chú: chữ in nghiêng, chữ trong dấu ngoặc (in nghiêng) là phiên âm. Phiên âm: 拼音 bính âm (pīn yīn). Phiên âm được sử dụng là 汉语拼音 (hàn yǔ pīn yīn), âm đọc tiếng phổ thông 普 通 話 (pǔ tōng huà) và ghi bằng phiên âm la-tinh.
Chữ Hán | Phiên âm | Hán Việt | Phân tích thành phần | Nghĩa |
佛 | fó | Phật | bên trái bộ 亻nhân là người; bên phải chữ 弗 phất (fú) là không, phủi sạch. Ý nói người đã phủi sạch bụi trần, không còn vương vấn nợ đời. | người đã giác ngộ tức là Phật, hay gọi là Bụt. |
俗 | sú | tục | bên trái bộ 亻nhân là người, bên phải bộ 谷 cốc (gǔ) là hang động, dưới, thấp. Ý nói tầng lớp thấp trong xã hội. | giới bình dân. |
仙 | xiān | tiên | bên trái bộ 亻nhân là người, bên phải bộ山sơn (shān) là núi, trên cao. Ý nói: vị trí đứng càng cao thì tầm nhìn càng xa càng rộng. | người sống ẩn dật trên các ngọn núi, xa rời trần tục. |
法 | fǎ | pháp | bên trái bộ 氵thủy (shǔi): nước, bên phải chữ 去 khứ (qù): đi. Ý rằng người xưa khi đi săn hái để mưu sống, phải đi theo dòng chảy của nước thì ít khi bị lạc đàng. Nhờ dòng chảy của nước mà dễ định hình, dễ đi lại. | là cách thức và phương pháp để được sinh tồn. |
明 | míng | minh | nhật日(rì): mặt trời, nguyệt 月(yuè): mặt trăng; cùng chiếu thì nhất định sáng. | sáng sủa, rõ ràng. |
尖 | jiān | tiêm | đại 大(dà): lớn, tiểu 小 (xiǎo): nhỏ; cái gì lớn mà nhỏ dần thì sẽ nhọn. | nhỏ và nhọn. |
姓 | xìng | tính | nữ 女 + sinh生(shēng): sinh. Xã hội mẫu hệ thời tiền sử, lấy tên gọi của mẹ để phân biệt dòng họ này với dòng họ khác. Sau này, đến khi người tiền sử biết cách trồng trọt thì vai trò của người cha được nâng cao; xã hội phụ hệ hình thành thì lấy họ cha là chính. | họ, tức tên gọi để phân dòng họ này với dòng họ khác. |
益 | yì | ích | bên trên là水thủy (shǔi): nước; dưới là皿mãnh (mǐn): dĩa, vật chứa. Nghĩa là nước được chứa đựng trong khay là hữu dụng; hoặc là có vật dụng để chứa nước; cả hai đều tương trợ nhau thì có ích lợi. | hữu dụng, tiện ích. |
晶 | jīng | tinh | nhật日(rì): mặt trời; một mặt trời đã là sáng, ba mặt trời thì trong sáng lắm. | trong suốt, lóng lánh. |
家 | jiā | gia | miên宀(mián): mái nhà + thỉ豕 (shǐ) con heo. Ý rằng: heo là súc vật dễ nuôi, chóng lớn, đẻ nhiều. Vì tuổi thọ thấp, người tiền sử rất ước ao có được nhiều con để kế thừa. Gia đình có nhiều con là có phúc. | nhà, mái ấm. |
宴 | yàn | yến | miên宀(mián): mái nhà + nhật日 + nữ 女; ngày người con gái về nhà chồng, người xưa thường mở tiệc (vu qui) để khoảng đãi họ hàng. | yên ổn, bữa tiệc đãi khách, vui vẻ. |
安 | ān | an | miên宀(mián): mái nhà + nữ 女; trong nhà có người nữ đảm đang, chăm lo mọi việc thì an lòng. | yên ổn. |
宸 | chén | thần | miên宀(mián): mái nhà + thìn辰 (chén) con rồng. Ý rằng nhà ở của vua chúa. | dinh thự. |
宠 = 寵 | chǒng | sủng | miên宀(mián): mái nhà + long龙 (long) = 龍 con rồng. Ý rằng nhà có quý tử, mang đến vẻ vang, vinh hạnh cho họ tộc. | vinh quang, sủng ái. |
貧 | pín | bần | bối貝(bèi): tiền bạc; phân分(fèn): chia ra. Của cải càng chia thì càng ít (nghèo). | nghèo nàn, thiếu thốn. |
介 | jiè | giới | nhân人 (rén) người đứng giữa làm mai mối cho hai kẻ (||) xa lạ quen biết nhau. | giới thiệu, đứng giữa, môi giới. |
朋 | péng | bằng | nguyệt月(yuè): mặt trăng, ( hình ảnh: kẻ cô đơn). Ngụ ý hai mảnh hồn cô đơn gặp gỡ đã trở thành đôi bạn. | bạn bè, cùng nhau. |
曲 | qǔ | khúc | viết曰 (yuē): nói (cái lưỡi 一 ở trong miệng口khi ta mở mồm nói); hai vạch thẳng đứng (||) bên trong (nhiều cách khác nhau). Ngụ ý: cái lưỡi (曰) không xương, nhiều đường (||) lắt léo. | cong, lên xuống không đều. |
悶 | mèn | muộn | môn門(mén): cửa; tâm 心 (xin): tấm lòng. Ngụ ý: lòng kẻ ở thương nhớ người đi, tựa cửa trông ngóng đợi người về. | buồn rầu, không vui. |
恆 =
恒 | héng | hằng | tâm忄(xin): tấm lòng. Chữ nguyệt月ở giữa hai vạch ngang, ý rằng vầng trăng hiện hữu giữa khoảng đất trời (亙) tượng trưng cho sự trường cửu vì trăng có bao giờ mất. Tương tự thay chữ 月 bằng chữ日, nghĩa không đổi (đồng âm đồng nghĩa). | lâu dài, bền lòng, vĩnh cửu. |
更 | gèng | canh | muốn sửa đổi tánh hư tật xấu của một đứa trẻ, ta phải dùng lời nói (曰) để khuyên nhủ hoặc dùng hình phạt tay (ㄨ) cầm roi (一) để dạy chúng. | sửa đổi, thay thế. |
寺 | sì | tự | bộ thổ土 (đất) + bộ thốn寸 (đo chiều dài), thành chữ tự寺: dinh thự, nhà quốc khách. Đời vua Hán Minh Đế mời hai vị sư bên Thiên Trúc sang, vì chưa có chỗ ở riêng, mới đón vào ở sở (nhà để khách nước ngoài ở tạm) Hồng Lô Tự, vì thế về sau các chỗ sư ở đều gọi là tự. | chùa. |
甦 | sū | tô | cuộc đời là định mệnh, nếu ta biết đem cái tâm mà tu sửa (更) thì những nỗi nguy khốn cũng giảm bớt đi để đời sống (生) của ta được hồi hoàn trở lại: Đức năng thắng mệnh 德能胜命 (dé néng shèng mìng). | hồi sinh, tỉnh lại. |
春 | chūn | xuân | xã hội nông nghiệp xưa, ngày (日) mà thiên nhân địa (三) giao hòa, người nông dân được rãnh rang việc đồng áng, nên tụ hợp nhau đông đảo (三人) để hội hè, đình đám. | mùa xuân. |
品 | pǐn | phẩm | hai miệng (口) dưới cãi lý, miệng thứ ba đứng ở trên làm trọng tài, bình phẩm giá trị. | khen chê, sản phẩm. |
盟 | méng | minh | nhật日(rì): mặt trời, nguyệt 月(yuè): mặt trăng; ngụ ý hai quan niệm khác nhau, cùng thề ước [皿mãnh (mǐn): chén thề] chung lòng, cùng ý bên nhau dưới sự chứng giám của trời đất. | thề, kết nghĩa, đồng minh. |
漁 | yú | ngư | bắt cá (ngư魚yú), (thủy, hải sản) dưới nước (氵), nghĩa là dân chài. | bắt cá, đánh cá. |
甜 | tián | điềm | thiệt舌(shé): lưỡi; nếm vị cam甘(gān) ngọt thì thấy ngọt ngào. | vị ngọt, ngon ngọt. |
灾=災 | zāi | tai | lửa (火) bén lên mái nhà (宀) thì quả là tai họa (灾). sông nước (巛) và lửa (火) đều là những thứ gây tai họa (災) 灾 = 災 đồng âm đồng nghĩa. | nạn, tai họa. |
灭 =滅 | miè | diệt | lửa (火) lấy gì đó đậy lên (一dập tắt) thì sẽ tắt, bị diệt. | dập tắt, diệt. |
尘 =塵 | chén | trần | đất (土) + nhỏ (小) tức là bụi. | bụi, bụi đất. |
活 | huó | hoạt | lúc khát, có nước (氵) để uống; khi lưỡi (舌) nếm được nước thì sẽ tỉnh ngay. Ngụ ý: nước là nguồn sống của mọi sinh vật. | sống, sinh động. |
合 | hé | hợp | nhân人 (rén), nhất一 (yī), khẩu 口(kǒu) đều biểu trưng cho người, nghĩa là tập hợp các dạng người khác nhau. | gom lại, kết tập. |
***
Người xưa chơi chữ (gọi là thuyết văn giải tự说文解字) không chỉ riêng “chiết tự”, mà cả “hợp tự 合字”. “Chiết tự” là bẻ một chữ ra thành nhiều chữ có nghĩa; còn “hợp tự” là ghép nhiều chữ thành một chữ. Phép “hợp tự” là làm ngược với “chiết tự”, và “chiết tự” là làm đảo lại việc “hợp tự”.
Khi bẻ chữ, hay ghép chữ; chữ nguyên gốc và chữ mới đều có nghĩa nào đó; với nghĩa ấy, người chơi muốn thể hiện lòng mình, hướng về thiên nhiên, xã hội và con người.
Thí dụ 1:
人曾是僧人弗 能成佛
女卑为婢女又可称奴
Nhân tằng vi tăng, nhân phất năng thành Phật
Nữ ti vi tì, nữ hựu khả xứng nô.
Chữ nhân 人bên chữ tằng 曾thành chữ tăng僧, chữ nhân 人bên chữ phất 弗thành chữ Phật 佛 (người tu đã ngộ).
Chữ nữ 女bên chữ ti 卑thành chữ tì婢, chữ nữ 女bên chữ hựu 又thành chữ nô奴 (nô tì).
***
安女去豕入为家.
An nữ khứ thỉ nhập vi gia.
Chữ an 安 (êm đềm) bỏ chữ nữ女đi, đưa thêm vào chữ thỉ豕 (con heo) thành chữ gia家 (nhà).
***
古木枯 此木成柴
女子好 少女更妙
Cổ mộc khô thử mộc thành sài
Nữ tử hảo thiếu nữ cánh diệu.
Chữ cổ 古bên chữ mộc 木thành chữ khô枯, chữ thử 此trên chữ mộc 木thành chữ sài 柴 (củi).
Chữ nữ 女bên chữ tử 子thành chữ hảo好, chữ thiếu 少bên chữ nữ 女thành chữ diệu妙 (tốt đẹp).
***
妙人儿倪 家少女
武士心志 在止戈
Diệu nhân nhi nghê gia thiếu nữ
Võ sĩ tâm chí tại chỉ qua.
Chữ diệu 妙bẻ thành hai chữ thiếu 少và nữ 女 (ở đây khi bẻ chữ Diệu, người ta xếp chữ thiếu rồi mới đến chữ nữ, dụng ý là tạo thành từ “thiếu nữ”).
Chữ vũ武 ( = võ) bẻ thành hai chữ: chỉ 止và qua戈
***
Câu sau đây tương truyền là về mối tình của Đường Bá Hổ điểm Thu Hương 唐伯虎點秋香:
十口心思 思国思家思社稷
八目尚賞 賞风賞月賞秋香
Thập khẩu tâm tư, tư quốc, tư gia, tư xã tắc
Bát mục thượng thưởng thưởng phong thưởng nguyệt thưởng Thu Hương.
Chữ thập 十 nằm trong chữ khẩu 口 thành chữ điền 田; chữ điền 田trên chữ tâm 心 thành chữ tư 思 (nhớ), nhớ nước, nhớ nhà, nhớ xã tắc.
Chữ mục 目 trên chữ bát 八 thành chữ bối貝; chữ 貝 nằm dưới chữ thượng 尚thành chữ thưởng 賞 (thưởng thức), thưởng gió, thưởng trăng, thưởng Thu Hương (Thu Hương là người tình của Đường Bá Hổ).
***
Câu dưới đây tương truyền là của Trạng nguyên 状元Mạc Đĩnh Chi莫挺之Việt Nam 越南:
十口心思 思国思家思社稷
寸身言谢 谢天谢地谢君王
Thập khẩu tâm tư, tư quốc, tư gia, tư xã tắc,
Thốn thân ngôn tạ, tạ thiên tạ địa, tạ quân vương.
Chữ thập 十 nằm trong chữ khẩu 口 thành chữ điền 田, chữ điền 田 trên chữ tâm 心 thành chữ tư思 (nhớ), nhớ nước, nhớ nhà, nhớ xã tắc.
Bộ thốn 寸bên chữ thân 身 thành chữ xạ 射, chữ xạ 射 đứng bên chữ ngôn言 thành chữ tạ 谢 (ơn), ơn trời, ơn đất, ơn vua.
***
Bài thơ nổi tiếng của Đào Duy Từ (1572-1634) 陶維慈đã cứu thoát Văn Khuông:
Mâu nhi vô dịch,
Mịch phi kiến tích,
Ái lạc tâm trường,
Lực lai tương địch.
Mâu nhi vô dịch 矛而無 掖: chữ mâu 矛 mà mất cái phẩy (dịch掖 = 腋nách) thì thành chữ dư 予, nghĩa là ta.
Mịch phi kiến tích 覔非見迹: chữ mịch 覔 không có chữ kiến 見thì thành chữ bất 不nghĩa là không.
Ái lạc tâm tràng 愛落心肠: chữ ái 愛 lạc mất chữ tâm 心thì thành chữ thụ 受nghĩa là nhận.
Lực lai tương địch 力來相敌: chữ lực力 đứng ngang với chữ lai 來thì thành chữ sắc 勅 = 敕là sắc phong.
Tóm lại, 4 câu thơ rút thành 4 chữ là dư bất thụ sắc 予不受 勅nghĩa là ta không nhận sắc phong. Tài tình, tuyệt vời với cách ứng xử của Đào Duy Từ, khi gởi kèm cái sắc phong một tấm thiệp với 4 câu thơ mang tính cách đố chữ là với dụng ý làm cho phía chúa Trịnh Tráng phải tốn thì giờ giải mã, nghĩa là tạo thêm thời gian (câu giờ) cho Văn Khuông đào thoát.
***
“....Trăng xưa dọi tỏ lòng người
Treo gương nhật nguyệt cho đời soi chung
Tiếp cận một cách sơ lược cứ tưởng đây là một bài ca dao đề cập đến tình yêu nam nữ nhưng khi dùng phép chiết tự chữ Hán, sẽ khám phá ra những điều lí thú về nghệ thuật chơi chữ của tác giả dân gian.
Trăng xưa dịch từ chữ cổ nguyệt 古月, cổ 古 và nguyệt 月 ghép lại thành chữ hồ 胡; lòng người là thầm nói đến chữ sĩ士: người học trò, và tâm 心, ghép hai chữ này lại ta có chữ chí 志: lòng người; còn chữ nhật 日 và chữ nguyệt 月 ghép lại thành chữ minh 明.Vậy ba chữ chiết tự từ câu ca dao ra là Hồ Chí Minh. Thật tuyệt vời, thật tài hoa làm sao!
***
Thí dụ 2:
日月明朝昏,
山风岚自起,
石皮破仍坚,
古木枯不死。
Nhật nguyệt minh triều hôn,
Sơn phong lam tự khởi,
Thạch bì phá nhưng kiên,
Cổ mộc khô bất tử.
Chữ nhật 日 bên chữ nguyệt 月 thành chữ minh 明.
Chữ sơn 山 bên chữ phong 风 thành chữ lam 岚 (mây mù).
Chữ thạch 石 bên chữ bì 皮 thành chữ phá 破 (phá vỡ).
Chữ cổ 古 bên chữ mộc 木 thành chữ khô 枯 (khô hạn).
***
可人何当来,
千里重意若,
永言詠黄鹤,
士心志未已。
Khả nhân hà đương lai,
Thiên lý trọng ý nhược,
Vĩnh ngôn vịnh hoàng hạc,
Sĩ tâm chí vị dĩ.
Chữ khả 可 bên chữ nhân人 thành chữ hà 何 (từ nghi vấn), chữ thiên 千 trên chữ lý 里 thành chữ trọng 重 (còn gọi là chữ trùng), chữ vĩnh 永 bên chữ ngôn 言 thành chữ vịnh 詠 (ngâm vịnh), chữ sĩ 士 trên chữ tâm 心 là chữ chí 志.
***
Giai thoại bà Đoàn Thị Điểm (1705 – 1746) 段氏點
Tư chất thông minh, học một biết mười, bà nổi tiếng văn chương ngay khi còn nhỏ.
Mới lên năm lên sáu, đã học sách Hán Cao Tổ 汉高祖, anh ruột là Đoàn Doãn Luân段允 倫ra một câu đối để xem sức học của em:
Bạch xà đương đạo, Quý bạt kiếm nhi trảm chi.
白蛇當道 , 貴拔剑而斩之
Rắn trắng ngang đường, ông Quý (tên vua Hán Cao Tổ) tuốt gươm mà chém nó.
Bà đối ngay:
Hoàng long phụ chu, Vũ ngưỡng thiên nhi thán viết.
黃龍拊舟 , 侮仰天而叹曰
Rồng vàng đội thuyền, vua Vũ trông trời mà than rằng …
Năm 15 tuổi, học vấn tiến lên đến mực uẩn súc. Một hôm, ông Luân xuống ao rửa chân, thấy em đương soi gương bên cửa sổ, bèn nói đùa:
Đối kính họa mi, nhất điểm phiên thành lưỡng điểm.
對鏡畫眉 , 一点畨成兩点
Soi gương, kẻ lông mày, một nét hóa ra hai nét.
Điểm là nét vẽ, lại là tên, ý nói soi gương, một nàng Điểm thành hai nàng Điểm.
Chữ cổ畨 = 番 phiên
Bà ứng khẩu đối ngay:
Lâm trì ngoạn nguyệt, chích luân chuyển tác song luân.
臨池玩月 , 只倫轉作双倫
Tới ao ngắm trăng, một vầng hóa ra hai vầng.
Luân là ví mặt trăng tròn như bánh xe, lại là tên. Ý nói nhìn xuống ao, một ông Luân hóa ra hai ông Luân.
***
Giai thoại về Mạc Đĩnh Chi (1272 – 1346) 莫挺之:
Năm Hưng Long 兴 隆thứ 16 (1308) Mạc Đĩnh Chi sang sứ nhà Nguyên 元 朝, ông có hẹn ngày nọ giờ ấy thì phái bộ sẽ đến cửa ải để viên quan nhà Nguyên mở cửa đón. Chẳng may hôm lên đường gặp phải mưa gió, thành ra sai hẹn. Lúc tới nơi thì trời tối, cửa ải đã đóng. Mạc Đĩnh Chi nói mãi, người Nguyên cũng không chịu cho qua. Sau họ vứt từ trên ải xuống một vế đối, bảo hễ đối được thì mới mở cửa ải:
過關遅 , 關關閉 , 願過客過關.
Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan.
Qua cửa quan chậm, cửa quan đóng, mời khách qua đường qua cửa quan.
Thật là một câu đối hiểm hóc, có mười một chữ mà riêng chữ quan nhắc lại tới bốn lần, chữ quá nhắc lại ba lần. Mạc Đỉnh Chi cảm thấy rất khó đối, nhưng nếu im lặng thì e mất thể diện. Ôn bèn nhân cái chuyện khó đối ấy, ứng khẩu đọc một câu vần rằng:
出對易 , 對對難 , 請先生先對.
Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối
Ra câu đối dễ, đối câu đối khó, xin tiên sinh đối trước.
Tưởng đã bí, thế mà lại hóa ra có một câu đối hay. Người Nguyên phải chịu Mạc Đĩnh Chi là có tài ứng biến, liền tức tốc mở cửa ải để ông đi.
Người Nguyên lại giở trò đánh đố chữ. Họ viết bốn câu thơ sau và thách Mạc Đĩnh Chi giải:
一面两眉
一瘦一肥
一年一月
一日三期
Nhất diện lưỡng mi,
Nhất sấu nhất phì.
Nhất niên nhất nguyệt,
Nhất nhật tam kỳ.
*
Một mặt đôi mày, một gầy một béo, một năm một tháng, một ngày ba lần.
*
Thật là ngô nghê khó hiểu, vậy mà Mạc Đĩnh Chi chỉ đưa mắt qua đã có thể giảng rằng đó là chữ bát 八. Vì chữ bát tựa đôi lông mày; chữ bát có một nét đậm một nét nhạt; chữ bát là tám: mỗi năm chỉ có một tháng tám; chữ bát là tám cũng là đồng âm với chữ bát 缽đựng đồ ăn, do đó mỗi ngày dùng bát ăn ba lần.
Thế là cả mấy lần chơi chữ, đố chữ đều bị Mạc Đĩnh Chi đối đáp trôi chảy cả, người Nguyên lấy làm phục ông lắm. Họ có ý ví ông với Án Tử晏子đời Xuân Thu春秋, tuy tướng mạo chẳng bằng ai, nhưng tài trí thì chẳng ai bằng.
*****
Chiết tự chữ Hán trong ca dao người Việt
Muốn thắc mắc hoặc giải bày những vấn đề tế nhị khó nói như chuyện trai gái hoặc chuyện hôn nhân; người dân thường chọn những cách nói bóng gió, gián tiếp. Chiết tự là một trong những giải pháp thường được tác giả dân gian sử dụng.
Thí dụ:
Một chàng trai ướm lời hỏi thăm:
Thấy em cũng muốn làm quen
Lại sợ em có chữ thiên trồi đầu.
Cô gái thành thực trả lời:
Anh ơi chớ nói thêm rầu
Chữ thiên trồi đầu lại có vết vai.
Diễn giải: Vì chữ thiên天thêm nét đầu cho nhô cao một chút nữa sẽ thành chữ phu夫 nghĩa là chồng. Ý chàng trai muốn làm quen với người nữ nhưng e rằng cô đã có chồng. “Chữ Thiên trồi đầu” tức chỉ chữ phu夫nhưng lại có thêm “vết vai” thành chữ thất失nghĩa là mất. Ý người phụ nữ muốn nói, tuy cô đã có chồng nhưng chồng cô cũng đã mất rồi.
Có khi chàng trai ngõ lời:
Bấy lâu em vắng đi đâu
Bây giờ thiên đã mọc đầu ra chưa?
Và cô gái cũng đã chân thành chia sẽ:
Từ ngày thiếp vắng mặt chàng
Bây giờ liễu đã có ngang ra rồi.
Tương tự, chàng trai muốn hỏi cô gái có chồng chưa. Cô gái trả lời: “Liễu đã có ngang” tức chữ tử子. Chữ liễu了nghĩa là rõ hoặc hết, đồng âm HV với chữ liễu柳chỉ cây liễu, vốn là hình ảnh tượng trưng cho người con gái trong thơ ca cổ. Nếu chữ liễu了thêm một nét ngang thì thành chữ tử子có nghĩa là con. Ý cô gái muốn nói, chẳng những cô đã có chồng mà còn có con.
Ông trời đội mũ đi chơi
Em xin một tấm… ông thời nghĩ sao?
Ông trời tức chữ thiên天mà lại “đội mũ” tức là thêm một nét nhô trên đầu, sẽ thành chữ phu夫có nghĩa là chồng. Hơn nữa, ở câu cuối: “Cho em xin một tấm…” rồi ba chấm thì người học cũng sẽ đoán ra đó là tấm chồng tức chữ phu夫.
Người con gái thôn dã đã ra vế đối (hóc búa) để thử tài chữ nghĩa của chàng trai:
Quế, hòe, tùng, cúc, liễu, mai
Sum sum lục mộc, chàng tài đối đi.
Vế thách đố của cô gái đưa ra sáu loại cây: quế桂, hòe槐, tùng 松, cúc 菊, liễu柳, mai梅.
Sum sum lục mộc森 森 六 木, ý nói sáu loại cây này sum sê, rậm rạp. Đặc biệt, chữ sum ( = sâm) nên sum sum tức sâm sâm森 森; có thể hiểu được hàm ý của cô gái: sum sum lục mộc nghĩa là trong sáu loại cây có sáu chữ mộc木và hai chữ森 森cũng có sáu chữ mộc木 .
Chàng trai cũng tỏ ra không kém:
Chữ rằng diễm thảo quy hoang
Viêm viêm tứ hỏa nay chàng đối cho.
Câu trả lời rất thông minh: Chàng dùng diễm thảo quy hoang艷草歸荒: cỏ đẹp trở thành hoang dã; để có thể viêm viêm tứ hỏa炎炎四火: lửa cháy bốn bề; hàm ý phủ định lục mộc bề bộn của vế thách. Đặc biệt, trong hai chữ viêm viêm炎炎có bốn chữ hỏa火tứ hỏa đối lại với sum sum森 森có sáu chữ mộc木lục mộc.
***
Tính bình dân, mộc mạc được thể hiện qua các câu ca dao, câu thơ có vần dễ đọc, dễ thuộc, hoặc mang tính khôi hài để khiến người ta nhớ lâu hơn,
Thằng nào bất hiếu thế kia
Cưỡi lên lưng bố ở lì không buông
Câu đố chữ cửu久: lâu dài; gồm chữ nhân 人nhỏ, ở trên là con, chữ nhân 人to hơn, ở dưới là bố.
***
Chữ hiếu 孝, có câu ca dao dạy “chiết tự” như sau:
Đất thì là đất bùn ao, (bộ thổ 土)
Ai cắm cây sào sao lại chẳng ngay. (nét phẩy丿)
Con ai mà đứng ở đây, (bộ tử 子)
Đứng thì chẳng vững, vịn ngay vào sào. (dáng chữ tử 子 à 孝)
***
Sự tinh tế và tài hoa trong câu thơ chiết tự độc đáo của nữ sĩ Hồ Xuân Hương 胡春香:
Xuân thiên chưa thấy nhô đầu mọc,
Phận liễu sao đà nẩy nét ngang.
Giải thích: Tuổi xuân (xuân thiên春天) cô gái chưa có chồng (phu夫), ấy vậy mà phận con gái (liễu了, lối chơi chữ rất đặc sắc, tài tình; vận dụng chữ đồng âm trong Hán Việt, với hai chữ: liễu了và liễu柳) đã có con (tử子) hoặc có thể hiểu rằng: “không chồng mà chửa”.
***
Xin trích lại đoạn chuyện về Hồ Xuân Hương như sau:
“… Cũng có lẽ bởi cái khẩu khí ngang tàng khí khái đó mà đường hạnh phúc riêng của bà khá lận đận, để sau này Chiêu Hổ viết cho bà với hai câu đối:
Người Cổ lại còn đeo thói Nguyệt
Buồng Xuân sao để lạnh mùi Hương.
Chữ Cổ 古, chữ Nguyệt 月ghép lại thành chữ Hồ 胡, chữ Xuân 春, chữ Hương 香; ở câu sau ghép thành tên của nữ sĩ.
Chiêu Hổ dùng chữ cũng tài tình lắm thay… tuyệt vời! (trích từ “Tản mạn với những giai thoại về câu đối”. Ngữ Thiên).
*****
Chiết tự trong truyện Kiều
Nguyễn Du阮攸là đại thi hào của dân tộc và của nhân loại. Qua những bài thơ chữ Hán, ông là bậc thầy về chữ Hán và chữ Nôm, qua các bài văn tế thập loại chúng sinh, và đỉnh cao là truyện Kiều bất hủ.
Khi chàng Sở Khanh đưa cho nàng Kiều một bức tiên mai:
“…Mở xem một bức tiên mai,
Rành rành tích việt có hai chữ đề.
Và Thúy Kiều đã giải bài toán này một cách dễ dàng:
Lấy trong ý tứ mà suy,
Ngày hai mươi mốt, tuất thì phải chăng…
Giải thích: chữ tích 昔trong tích việt 昔 越vốn trong chữ Hán được cấu tạo từ các chữ trấp 廿, nhất 一, nhật 日có nghĩa là ngày hai mươi mốt. Chữ việt越gồm có các chữ tuất thì戌時: giờ tuất (từ 19 đến 21 giờ) và tẩu 走: chạy; có nghĩa là vào giờ Tuất, chạy trốn.
Đêm thu gió lọt song đào
Nửa vành trăng khuyết ba sao giữa trời.
Giải thích: Thúy Kiều thức đêm ngồi bên song cửa, khi gió thổi qua lại nhìn lên trời thấy “nửa vành trăng khuyết” và ba ngôi sao ở giữa trời. Hình ảnh “nửa vành trăng khuyết” như là cái móc câu, còn ba ngôi sao như ba cái chấm, khiến ta liên tưởng đó là chữ tâm 心. Mà Thúc Kỳ Tâm là tên của chàng Thúc Sinh chồng nàng. Ngụ ý nàng Kiều đang nhớ Thúc Sinh.
Lòng thu lai láng bồi hồi
Gốc cây lại vạch một bài cổ thi.
Giải thích: “Lòng thu” có người hiểu là lòng mùa thu. Nhưng Thúy Kiều đang đi chơi “tiết thanh minh”, mà sao lại có lòng mùa thu ở đây được? Chữ “lai láng, bồi hồi” thì rõ rồi, còn hai chữ “Lòng thu” thì sao? Có thể chữ “lòng” là thể hiện chữ tâm 心 chăng? Chữ thu 秋trên chữ tâm 心 là chữ sầu愁. Qua chiết tự thì hiểu rằng: câu này nói lên Kiều làm thơ trong trạng thái sầu bi, rất buồn rầu.
Biết thân đến bước lạc loài
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung
Bây giờ ván đã đóng thuyền
Đã đành phận bạc, khôn đền tình chung
Giải thích: chữ “tình chung”. Ở đây, chữ “chung” theo Hán-Việt có nhiều cách viết nhưng thông dụng nhất là hai cách viết 终, 锺 (đồng âm, HV cũng đồng âm). Chữ chung 锺 = 鐘 (là cái chuông, đồng hồ; là không thay đổi, như chung tình锺 情là yêu son sắt, lòng yêu quý …) và chữ chung 終 (cuối cùng, hết, trọn vẹn; như chữ thủy chung 始终). Chữ chung 鐘gồm có chữ kim金và chữ đồng 童ghép lại.
Chữ “chung tình” được dùng rất phổ biến, còn chữ “tình chung” ít dùng hơn. Có thể là chữ “tình chung” xuất phát từ chữ “Tình chi sở chung 情之所 鍾”: mối tình chung đúc vào một người.
Nguyễn Du chơi chữ thật tuyệt vời, là bậc thầy trong thiên hạ. Cụ đã dùng phép “hợp tự”, chữ chung 锺 = 鐘; gồm chữ thiên 千trên chữ lý 里thành chữ trọng 重; Chữ kim 金đứng bên chữ trọng 重 thành chữ chung 鍾 (Chung này vừa có nghĩa là chuông về thời gian, vừa có nghĩa trong chung tình và tình chung).
Nguyễn Du học theo cách chiết tự của cụ Thanh Tâm tài nhân青心才人, tác giả của tiểu thuyết hai mươi hồi Kim Vân Kiều truyện金云翘传bên Trung Quốc. Cụ Thanh Tâm tài nhân chiết tự chữ Kim Trọng 金 重thành chữ Kim Thiên Lý 金千里. Tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện gồm 20 hồi. Mở đầu vào mỗi hồi, thường có một đôi câu đối (phổ biến trong các tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc).
Hồi thứ hai mở đầu bằng đôi câu đối sau:
王翠翘 坐痴想梦题断肠诗
金千里 盼东墙遥定同心约
Vương Thuý Kiều toạ si tưởng, mộng đề đoạn trường thi;
Kim Thiên Lý miến đông tường, dao định đồng tâm ước.
Hồi thứ hai mươi mở đầu bằng đôi câu đối sau:
金千里 苦哀哀招生魂
王翠翘 喜孜孜完宿愿
Kim Thiên Lý khổ ai ai chiêu sinh hồn;
Vương Thuý Kiều hỷ tư tư hoàn túc nguyện.
Ở đây, Kim Trọng là danh từ riêng chỉ có hai chữ. Muốn đối với chữ Vương Thúy Kiều là danh từ riêng có ba chữ thì cụ Thanh Tâm tài nhân phải chiết tự chữ Kim Trọng ra thành ba chữ Kim Thiên Lý cho xứng.
***
Hay như: … Để thử tài chữ nghĩa cùng sự hiểu biết về thiên tuyệt tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, người con gái trong bài ca dao sau đã thách đố:
Truyện Kiều anh giảng đã tài
Đố ai giảng được câu này anh ơi
Biết thân đến bước lạc loài
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung.
Bài ca dao tài hoa ở chỗ vận dụng cùng một lúc hai thủ pháp nghệ thuật: trích dẫn từ truyện Kiều và chiết tự chữ Hán.
Đoạn “Biết thân đến bước lạc loài
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung”
đã lấy từ đoạn Kiều như sau:
Phẩm tiên rơi đến tay hèn
Hoài công nắng giữ mưa gìn với ai
Biết thân đến bước lạc loài
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung.
Chàng trai cũng rất am tường truyện Kiều, đặc biệt là sự tinh tế tài hoa trong việc nhận diện nghệ thuật chiết tự, đã được cô gái khéo léo đan cài vào ba chữ cuối cùng của câu thơ “Nhị đào thà bẻ cho người tình chung” nên chàng đã từ tốn trả lời:
Tình chung nào phải ai xa
Chính chàng Kim Trọng vào ra sớm chiều.
***
Hình thức “chơi chữ” tuyệt vời, tài hoa của các bậc tiền nhân khi học chữ Hán. Sự linh động, sáng tạo của ông cha ta là vốn liếng quí báu đã để lại; chúng ta cần phải biết trân trọng gìn giữ mà phát huy hơn nữa.
*****
Trích dẫn từ cuốn: “tự học Hán Văn theo phương pháp mới” Kỳ Thanh biên soạn đầu năm 2020.
Kỳ Thanh trích dẫn và biên tập, tháng 7 năm 2021.