Điều đó khiến người ta nghĩ rằng không biết chàng ca sĩ này và người nghĩ ra ý tưởng kia liệu có hiểu được ý nghĩa 'Chú' và 'Trì Chú' trong đạo Phật hay không?
Chú vốn là mật ngữ của chư Phật, chư Bồ Tát. Đối với Phật tử mà nói, họ thậm chí tôn kính thần chú đến mức không dịch nghĩa, mà hầu hết chỉ phiên âm toàn bộ các bài chú.
Chú Đại Bi Tâm Đà La Ni vốn là bài chú rất quan trọng trong Phật giáo. Phật tử trì chú này để tâm an, thanh tịnh và được bảo vệ. Những người có hiểu biết chút ít về đạo Phật đều có thể tối thiểu biết được rằng, Chú phải được trì niệm nơi trang nghiêm, không gian thanh tịnh mới mong được linh ứng.
Người viết không dám lạm bàn nhiều về Phật pháp, nhưng cốt lõi của đạo giáo là lòng tin và người Phật tử thường biết rằng “có tin tất có ứng”, sự ứng nghiệm đến đâu thì không thể luận giải.
Bởi thế mới nói, nếu Ưng Hoàng Phúc tự nhận mình là Phật tử thì không thể không biết được cách trì Chú Đại Bi cho đúng cách. Còn nếu không là Phật tử thì xin hỏi, đem bài Chú tôn nghiêm của Phật giáo ra để “remix” rồi múa may trên sân khấu để làm gì?
Trả lời câu hỏi này, Ưng Hoàng Phúc đăng đàn bảo rằng, đây là “trí tuệ, là tim óc của tôi dành cho nghệ thuật” (!?). Rằng, muốn khán giả - đặc biệt là giới trẻ biết đến Kinh phật, Phật giáo nhiều hơn.
Lại hỏi, có ngôi chùa nào dám phát “Chú Đại Bi remix” để tăng phần trang nghiêm trong khói hương bảng lảng không? Và có gia đình nào, đang tang thương mà mở “Chú Đại Bi remix” để cầu an yên, cầu được bảo vệ bằng Phật pháp vô biên không?
Nghệ thuật là sáng tạo vô tận, nhưng văn hóa tín ngưỡng lại có giới hạn của nó. Văn hóa, đạo giáo, tín ngưỡng dựa trên sự phù hợp hay không phù hợp, chứ không phải phá cách như kiểu “lấy khăn Piêu đóng khố”, hay giờ là remix Chú Đại Bi (e rằng 2 hành động này có vẻ giống nhau về tính chất).
Thế mà không hiểu tại sao Ưng Hoàng Phúc có thể tự hào khoe rằng, “bài hát” Chú Đại Bi remix đã được cấp phép? Càng không hiểu tại sao cái “bài hát” này lại được … cấp phép biểu diễn công khai?!