Người lớn thường dùng tục ngữ, thành ngữ, ca dao, danh ngôn để dẫn luận răn dạy con cháu, đinh ninh đấy là kim chỉ nam về đạo lý đời sống, chân lý, sự khôn ngoan trong xử thế, những lẽ phải không cần bàn.
Tuy nhiên, như vạn vật, tục ngữ thành ngữ ca dao có tính tương đối, tính giới hạn, cả mâu thuẫn, phiến diện. Sự đúc kết, xuất hiện của tục ngữ ca dao trong hoàn cảnh xã hội cụ thể, biểu đạt bởi lớp vỏ ngôn ngữ đương thời, nội dung phản ánh tầm nhận thức cụ thể.... Theo thời gian, dù giá trị căn bản, cách biểu đạt căn bản vẫn còn, nhưng sự tiếp nhận - đối tượng tiếp nhận- cũng có khác, và ngay vỏ ngôn ngữ cũng có dị bản, điều chỉnh nào đó theo vùng miền.
Ví dụ: Đắng cách mấy cũng ruột thịt, ngọt cách mấy cũng người dưng- đề cao tình nghĩa gia đình, gia tộc, huyết thống theo mô típ như “ một giọt máu đào hơn ao nước lã”, dù thế nào tình ruột thịt vẫn hơn. Mặt tích cực của quan điểm này ở chỗ cổ xúy giữ gìn trân quý tình thân, giữ giềng mối gia tộc, một nét đẹp trong văn hoá Việt tự nghìn xưa và còn là một giá trị nhân loại. Nhưng đấy chỉ là một mặt, quan điểm này không phản ánh sự đa đoan phức tạp của đời sống, sự phai nhạt tình cảm gia đình họ mạc, chạy theo các trào lưu mới, theo đồng tiền, mối lợi.... Xã hội hiện đại, ngay ở đất nước vốn chuộng Nho giáo là VN, chưa phát triển, chưa công nghiệp hoá, đời sống gia đình họ mạc đã phai nhiều, hàng ngày biết bao thảm cảnh đau lòng đã diễn ra: anh em xâu xé, cha con lôi nhau ra toà, họ hàng đấu đá nhau.... Hiện thực “ giọt máu đào” thua giọt nước lã có nhiều. Vậy, tục ngữ này, lối nghĩ này gói trong mặt tích cực, đạo lý và không hoàn toàn. Cho nên từ xưa đã có những bổ khuyết: “ bán bà con xa, mua láng giềng gần” khá hay, đề cao cái tình bàn cận kế cận tối lửa tắt đèn có nhau. Thực tế không thiếu chuyện láng giềng tốt tương trợ nhau hơn nhiều bà con ruột thịt. Sự bổ khuyết này, cộng với vế tích cực đã dẫn khiến tục ngữ hoàn toàn, không phiến diện, và sự răn dạy linh hoạt hơn?
“ Con hơn cha là nhà có phúc” mâu thuẫn “ trứng sao không hơn vịt” hoặc “ áo mặc không qua khỏi đầu”.... Nếu tiếp nhận khô cứng, máy móc sẽ lúng túng vì sự thiếu lo gich của lời khuyên, giáo huấn. Nhưng, đã nói về tính giới, phiến diện của tục ngữ thành ngữ ca dao, cũng cần vận dụng
phù hợp: trường hợp nào cần nghe lời cha mẹ như nguyên tắc, trường hợp nào đúng với câu “ con hơn cha là nhà có phúc”, như chuyện học hành. Các câu tục ngữ thành ngữ ca dao xét riêng mâu thuẫn về nội dung, nhưng kết hợp lại hoàn toàn, hài hoà và sự vận dụng tục ngữ ca dao để giáo huấn con cháu cần sự hài hoà ấy.
Thêm ví dụ: của đầu móng tay; lấy của che thân chứ không lấy thân che của; nhưng cũng có câu “ đồng tiền liền khúc ruột”. Tùy....
Có những lời khuyên về nghề nghiệp khá mâu thuẫn song đều hay: nhất nghệ tinh, nhất thân vinh ~ bá nghệ tùy thân. Cũng tùy...
Cuộc sống, đối tượng của sự phản ánh đúc kết trong tục ngữ thành ngữ ca dao không đơn giản, đa đoan phức tạp nên sự tiếp nhận vận dụng cũng nên uyển chuyển cho phù hợp nếu không sẽ khai thác kho tàng minh triết của cha ông từ tục ngữ ca dao một cách bi hài khiến con trẻ lúng túng không hiểu. Kho tàng ấy trân quý, minh triết nhưng cũng như lẽ đời, không hoàn toàn, tục ngữ thành ngữ ca dao không phải là những công thức hay thần chú.
Có câu ca dao tuyệt hay gói bên trong mấy chữ cả chân lý và mâu thuẫn:
Miếng ăn là miếng tồi tàn
Mất một miếng lộn gan lên đầu.
...Đấy chỉ vài lát cắt điển hình, kho tàng tục ngữ ca dao VN phong phú, thâm thúy sâu sắc thiệt khó phân tích rốt ráo trong bài viết vụng, nhưng lát cắt nhỏ chỉ tính giới hạn- phiến diện- không hoàn toàn là một thuộc tính căn bản của kho tàng trân quý kia.
Lạm bàn...
Nguyễn Thành Công