Họ đã cùng đi qua cửa kiểm tra an ninh và đi vào sảnh đường nơi được thiết kế như một khu vực trưng bày tác phẩm trong giai đoạn hai của một dự án lưu trữ kỹ thuật số được khởi động hồi tháng chín.
Ngồi trước một chiếc bàn, các nhà nghiên cứu và nhà sư đã cùng nhau cẩn thận lau sạch những chiếc đèn bơ, đo đạc kích thước và trọng lượng, sau đó đánh số và chụp ảnh. Họ lưu những dữ liệu này vào các máy tính bằng cả tiếng Tây Tạng và tiếng Trung.
Dự án này nhằm mục đích lưu trữ 26 loại đồ tạo tác trong Chùa Sakya, khu tự trị Tây Tạng.
Những chi tiết của hơn 7000 bức tượng Phật, 1000 tranh Thangka (một hình thức tranh lụa truyền thống Tây Tạng), 1000 nhạc cụ được sử dụng trong các nghi lễ Phật giáo và hàng trăm bản kinh đã được ghi lại trong giai đoạn đầu của dự án số hóa bắt đầu vào năm 2015.
Được xây dựng cách đây hơn 900 năm, Chùa Sakya nổi tiếng với bộ sưu tập tác phẩm nghệ thuật đồ sộ của mình, trong đó có nhiều tượng Phật, bích họa, điêu khắc và đồ gốm sứ. Nơi đây còn là nơi cất giữ bức tượng Phật bằng đồng lớn nhất thế giới cũng như chiếc đèn bơ bằng đồng lớn nhất thế giới.
“Tác phẩm nghệ thuật của chùa là vô giá. Chúng thể hiện những kỹ thuật tạo tác và soi rọi ánh sáng về tầm quan trọng của văn hóa Tây Tạng. Nhận dạng và hiểu biết về chúng là cần thiết để bảo tồn lâu dài”, Sonam Wangden, giám đốc Trung tâm đánh giá di sản Tây Tạng, phát biểu.
Trước khi dự án số hóa được bắt đầu, Chùa Sakya đã lưu trữ các hiện vật của mình bằng nhiều cách khác nhau.
Theo Lodro Thokme, nhà sư phụ trách việc quản lý và bảo quản di vật trong chùa thì các nhà sư đã ghi lại những thông tin cơ bản của các tác phẩm trong hơn 60 cuốn sổ từ năm 1986 và sử dụng máy scan để ghi lại 6000 kinh sách từ năm 2012.
“Kinh sách có thể bị hư hỏng do mở ra, chạm vào thường xuyên nhưng chúng lại không có nhiều giá trị nếu chỉ đặt trên các kệ sách. Sau khi lưu trữ số hóa, chúng tôi chia sẻ các bản copy cho mọi người”, Lodro Thokme giải thích.
Trước đây tự viện này thiếu các khoản tài trợ và nhân lực để đánh giá chính xác số lượng bộ sưu tập tác phẩm nghệ thuật của họ, theo Lodro.
Từ năm 2002, chính phủ Trung Quốc và chính quyền Tây Tạng đã đầu tư hơn 100 triệu Nhân dân tệ (khoảng 15 triệu USD) để cải tạo lại tự viện cũng như bảo vệ các tác phẩm nghệ thuật của chùa.
Hiện tại, 50 trong số 140 nhà sư Phật giáo Tây Tạng trong chùa đang tham gia vào công tác bảo tồn và quản lý hiện vật.
“Khi quá trình lưu trữ số hóa kết thúc, chúng tôi sẽ viết một báo cáo về đồ tạo tác của chùa và đưa ra các lời khuyên đối với việc bảo tồn trong tương lai”, Sonam Wangden cho biết.
Lodro Thokme không đưa ra hạn kết thúc của giai đoạn lưu trữ thứ hai này nhưng anh hy vọng các hiện vật văn hóa sẽ trường tồn thông qua hệ thống lưu trữ kỹ thuật số và đem lại lợi ích cho toàn thế giới.