Đây là một đoạn trong bài phát biểu của người nông dân tên Jon Jandai đến từ Thái Lan trong chương trình TedTalk đã khiến cả thế giới ngỡ ngàng.
Jon Jandai kể rằng anh sinh ra trong một làng quê nghèo ở miền Bắc Thái Lan. Cuộc sống lúc đó rất vui vẻ và dễ dàng. Tuy nhiên khi có TV, nhiều người đến làng của anh hơn và nói với dân làng rằng: “Các bạn nghèo quá, các bạn phải theo đuổi thành công. Các bạn cần phải tới Bangkok mới đạt được mục đích trong đời”.
Khi nghe được những lời đó, Jon Jandai cảm thấy rất tệ. Anh nghĩ rằng mình cần phải tới Bangkok ngay. Nhưng khi đến được Bangkok rồi, anh lại không cảm thấy vui vẻ cho lắm.
(Ảnh: Daliulian)
“Tôi đã phải làm việc rất vất vả, ít nhất 8 riếng một ngày nhưng tất cả những gì tôi có thể ăn chỉ là một tô mì mỗi bữa, một đĩa cơm chiên hay đại loại như thế. Phòng trọ của tôi cũng rất khổ sở, căn phòng chật hẹp, rất nóng nực. Tôi bắt đầu băn khoăn vì sao mình làm việc rất chăm chỉ mà cuộc sống vẫn quá khó khăn đến vậy. Liệu có điều gì đó không đúng không? Tôi tự thấy mình đã làm được khá nhiều việc nhưng lại vẫn không đủ sống. Sau đó tôi cố gắng học, học thật chăm chỉ tại trường đại học. Nhưng việc này cũng thật khó khăn bởi học đại học rất chán. Các môn học đa phần đều dạy những kiến thức hủy diệt và vô ích đối với tôi.
Nếu học về chuyên ngành kiến trúc, xây dựng hay kỹ thuật có nghĩa là bạn sẽ hủy hoại nhiều hơn. Càng xây dựng nhiều thì môi trường sẽ càng bị hủy hoại, tàn phá nặng nề. Vùng đất nông thôn hiền hòa sẽ được lấp đầy bởi bê tông với tần suất ngày một nhiều hơn. Còn nếu là chuyên ngành nông nghiệp, có nghĩa là bạn sẽ học cách đầu độc nước và đất.
Tôi bắt đầu nghĩa lại vì sao mình phải tới Bangkok?”, Jon Jandai nói.
Jon Jandai tại quê nhà (Ảnh: Daliulian)
Nghĩ về quê mình, Jon Jandai kể: “Ở quê hương tôi, không ai làm việc 8 tiếng một ngày cả, mọi người đều chỉ làm khoảng 2 tháng mỗi năm. Vụ cấy diễn ra trong 1 tháng, và 1 tháng thu hoạch nữa. Chúng tôi có 10 tháng nhàn rỗi. Ban ngày mọi người đều được ngủ trưa và sau khi thức dậy, họ bắt đầu cùng trò chuyện… Cũng bởi có nhiều thời gian rảnh rỗi nên họ có nhiều thời gian dành cho bản thân hơn, từ đó, họ có thể hiểu bản thân nhiều hơn và họ thấu hiểu rõ nhất mình muốn gì trong cuộc đời này. Nhiều người nhận ra họ đơn giản muốn được hạnh phúc, muốn yêu thương và tận hưởng cuộc sống.
Tôi quyết định bỏ học và trở về quê hương”.
Khi trở về quê, người nông dân Jon Jandai bắt đầu khai khẩn mảnh đất hoang rộng chừng một mẫu để trồng rau và lúa, đào thêm 2 ao thả tôm cá. Một năm, anh thu hoạch được 4 tấn lúa, trong khi cả nhà 6 người không ăn hết nửa tấn. Tất cả lương thực và thực phẩm dư thừa đều được đem đi bán. Thời gian một năm chỉ mất 2 tháng vất vả, còn lại thì nhàn hạ.
Tiếp đó, anh nghĩ tới việc mình cần có một căn nhà. Mỗi ngày Jon Jandai làm việc từ 5 giờ sáng đến 7 giờ chiều, trong vòng chưa đầy 3 tháng anh đã xây xong một căn nhà.
Những căn nhà do Jon Jandai tự xây (Ảnh: Daliulian)
Jon Jandai kể, người bạn của anh, người học giỏi nhất lớp cũng cần 3 tháng để có một căn nhà nhưng sau đó, anh ta cần tới 30 năm để trả nợ hết số tiền nợ. Trong khi đó, Jon Jandai có 29 năm và 10 tháng rảnh rỗi. Anh tiếp tục xây thêm nhiều căn nhà đất khác và trang trí nội thất cho nó.
Anh không mua quần áo thời trang mà mặc quần áo cũ. Khi càng mặc đồ cũ thì càng nhiều người lại mang quần áo mới đến cho. Không mặc hết, anh lại mang đem cho người khác. Nghĩ đến việc ốm đau không có tiền, anh dành thời gian để học cách chữa những bệnh đơn giản và cần thiết. Từ đó, anh không cảm thấy sợ hãi nữa. Anh thấy cuộc sống thật dễ dàng và tự do.
Khu trang viên của Jon là nơi làm việc của hơn 30 người, nửa là người Thái Lan, nửa còn lại là người Tây phương.
Jon Jandai nói, 4 nhu cầu cơ bản của con người là thức ăn, nhà, quần áo và thuốc phải thật rẻ và dễ dàng tiếp cận với tất cả mọi người, đó là sự văn minh. Nhưng nếu bạn khiến 4 thứ này trở nên khó khăn và mọi người không thể tiếp cận được thì đó là phản văn minh. Có rất nhiều người tốt nghiệp đại học, có quá nhiều người thông minh trên thế giới nhưng sao cuộc sống cứ trở nên khó khăn hơn?
Jandai cảm thấy điều đó thật không bình thường.
“Loài chim làm tổ trong hai ngày. Loài chuột đào hang trong một đêm. Trong khi loài người ưu việt, văn minh phải mất 30 năm để có một căn nhà, và nhiều người còn tin rằng họ không thể có nổi một mái nhà trong cuộc đời này. Điều đó là sai”.
Jandai chọn cách sống đơn giản là một người bình thường, theo một cách lạ thường và anh cảm thấy cuộc sống rất nhẹ nhàng và đơn giản.
Thật tình cờ, triết lý sống bình thường, đơn giản của người đàn ông này vô tình rất đúng với giáo lý của nhà Phật, đó là “Xả” hay “Bỏ tất cả là được tất cả”.
Phật giáo thường nhắc đến khái niệm vô thường, nghĩa là mọi thứ trên đời này đều sẽ theo thời gian mà tan hoại, không có gì của ta. Tài sản, nhà cửa, vợ con… rồi cũng phải bỏ lại khi con người trở về với đất. Nghĩ tới vô thường đuổi gấp nên ta không có thời gian để tranh giành, hơn thua, tham lam, ích kỷ…
Các vị thầy hướng đạo cũng khuyên con người đừng tranh hơn tranh thua, để rồi phiền não đau khổ, không tu hành. Đó không phải là thật khôn. Người thật khôn phải tránh, phải chừa hết những điều gây cho tâm mình rối loạn, phiền não, sự tu mới tiến.
Có thể thấy, quãng thời gian theo đuổi thành công ở Bangkok khiến cuộc sống của người nông dân Jon Jandai cực kỳ khó khăn và mệt mỏi. Sớm nhận ra điều này, anh từ bỏ về quê làm việc, sống cuộc đời bình thường vui vẻ và hạnh phúc.
Khi còn là một hoàng tử sắp lên ngôi vua, Đức Phật đã xả bỏ tất cả đền đài cung điện, châu báu ngọc ngà, vợ đẹp con khôn, quyền cao chức trọng để ra đi trở thành người tu hành.
Kế đó, Đức Phật xả đến thân. Sáu năm tu khổ hạnh, Ngài ăn uống đơn giản, một ngày chỉ chút ít mè, chút ít đậu cho tới kiệt sức ngất xỉu. Trong kinh A-hàm diễn tả, lúc đó thân Phật chỉ có xương sườn, không còn chút da thịt nào cả. Đối với thân Ngài không còn một chút luyến tiếc, không một chút yêu quí, miễn sao tìm được đạo giải thoát.
Ngài lại tiếp tục xả đến tâm, buông bỏ tất cả những niệm tưởng lăng xăng từ thô đến tế, cho đến khi tâm được định, hoàn toàn thanh tịnh, chừng đó Ngài mới được giác ngộ viên mãn.
Một vị hòa thượng khả kính trong đạo Phật đã từng nhắc nhở, vì chúng không dám xả, cứ khư khư chấp cái này của mình, cái kia của mình nên chúng ta khổ mãi. Mình đã khổ mà không ai thương tưởng tới, lại còn ghét nữa. Còn cứ xả hết vì mọi người, thì ta đã không khổ mà mọi người lại thương mình nhiều hơn. "Cho nên tôi nói bỏ tất cả là được tất cả, còn giữ tất cả là mất tất cả. Quí vị tự xét nên bỏ hay nên giữ, tiến hay lùi là quyền của mỗi người chúng ta vậy".