Tôi quen bác sĩ Sylvestre X. do con dâu tôi cùng làm với ông ở Bệnh viện Quốc tế Hà Nội. Ông chuyên về khoa tia X. Dáng người cao, tóc rủ xuống vai, mắt đăm chiêu, da trắng xanh hơi tái, nói năng nhỏ nhẹ, ông có vẻ một thầy dòng hơn là một bác sĩ. Ông thích nói về triết học
Một hôm, câu chuyện chúng tôi ngưng đọng ở đạo Phật, vì qua trao đổi ý kiến, tôi biết ông là một Phật tử.
Tôi nghe nói đạo Phật đang có đà phát triển ở phương Tây?
Đúng vậy. Trước kia đạo Phật chỉ là đề tài nghiên cứu. Từ ba bốn chục năm nay, đã thực sự có nhiều tín đồ Phật giáo. Ở Pháp, có thể có đến 60 vạn Phật tử, trong đó có đến ba phần tư là người di cư từ Đông Nam Á đến. Việt Nam, Lào, Campuchia, không kể Tây Tạng, Trung Quốc. Theo tôi nghĩ, có thể có đến 5 triệu người Pháp có cảm tình với đạo Phật. Phật giáo ở Pháp có hai khuynh hướng lớn: một là Đại thừa, đặc biệt chịu ảnh hưởng Zen (Thiền) Nhật, thoải mái hơn, có Trung tâm tập hợp tu luyện lớn ở Melun, ngoại ô Paris, một số nhỏ hơn ở tỉnh lẻ, hai là Phật giáo Tây Tạng, Mật Tông, nghi lễ chặt chẽ hơn, thần bí hơn, có cả ma thuật cũng ảnh hưởng lớn. “Phật sống” Dalai Lama viết một sách loại sách bán chạy (best-seller) tên là Nghệ thuật sung sướng.
Tôi nghe nói trong mấy thập niên vừa qua, triết học đã trở thành “mốt” ở Pháp, sách triết học cao thấp đủ loại bán rất chạy. Cả các ki-ốt sách báo tại sân ga hay trong phố bán “truyện tình ba xu” lẫn sách phổ biến triết học và sách vở triết lý sống. Sách về tôn giáo có nằm trong trào lưu ấy không?
Có. Sách tôn giáo cũng nằm trong trào lưu ấy. Kể cả Phật giáo. Thí dụ, cuốn Tu sĩ và triết gia kể lại cuộc trao đổi giữa triết gia Pháp nổi tiếng G.F.Revel và con trai là Mathieu Ricard đi tu đạo Phật Tây Tạng ở Nepan.
Ông đã gặp gỡ đạo Phật lần đầu tiên từ bao giờ?
Đã lâu lắm rồi. Năm tôi còn nhỏ, khoảng 12 tuổi. Một hôm tôi vào một hiệu sách bị hấp dẫn bởi một cuốn sách “loại bỏ túi”, một cuốn tiểu thuyết kể chuyện về cuộc đời một chú tiểu bỏ trốn khỏi Tây Tạng, đi lang thang sang châu Âu. Tôi rất thích đọc mà không đủ tiền mua. Ông chủ hàng sách thương hại cho tôi cuốn sách. Tôi đọc nghiến ngấu và mê đạo Phật từ đó, nhưng chỉ hiểu lơ mơ. Tôi vốn thích thiên nhiên, cây cối, trong sách lại tả nhiều về thiên nhiên.
Đến năm 23 tuổi, khi tôi là sinh viên y học, tôi được phái sang thực tập ở đất Phật Nepan. Trong cảnh núi non hùng vĩ, đi thăm nhiều chùa, đàm đạo về Phật học với nhiều người, sau đọc rộng ra, tôi mới thật giác ngộ về đạo Phật. Và tôi đã trở thành Phật tử có ý thức, Phật tử trong tâm trí và hành động, chứ không tụng kinh, đi lễ chùa. Trong số người quen cũng có người không biết tôi là Phật tử, bởi tôi chẳng giấu, nhưng cũng không nói ra làm gì, vì tôi làm cho tôi cơ mà. Từ hai năm nay, tôi chỉ ăn rau, không ăn thịt, thấy người thoải mái lắm.
Ông tìm thấy gì ở đạo Phật?
Cũng như không ít người ở phương Tây, tôi cảm thấy chạy theo cái vật chất, nhà lầu, các tiện nghi điện tử... cuối cùng chán ngấy, thế nào cũng chưa đủ...
Lòng dục vô biên. Ở Mỹ, tôi thấy nhiều người mải mê chạy theo tiền đến nỗi quên cả tiêu tiền, không hưởng được gì cả.
Đâu phải chỉ ở Mỹ. Theo đạo Phật, tôi không phải bận tâm nhiều đến danh lợi, đỡ bị giày vò bởi cái “tôi”, tôi cảm thấy yên vui.
Thế ông cho đạo Phật là lạc quan ư? Thường người ta cho là bi quan cơ mà? Triết gia Đức thế kỷ XIX Schopenhauer, chịu ảnh hưởng Phật, cho là do lòng dục, sống và khổ gắn với nhau, thế giới chịu sự thống trị của một ý chí mù quáng, phi lý tính.
Tôi nghĩ ngược lại. Theo tôi, đạo Ki-tô bi quan hơn nhiều; con người sinh ra đã mang tội của tổ tông, làm điều thiện chưa chắc đã được lên thiên đường vì làm sao chắc mình sẽ được hưởng ân Chúa, con người phụ thuộc vào cái siêu nhiên... Còn theo đạo Phật, ai cũng có Phật tính, cũng có thể thành Phật, nắm được chân lý sắc không tự mình có thể giải thoát, có vượt qua cái Nghiệp, và tự làm cho bớt khổ, do đó sống ung dung tự tại. Đạo Phật rất mở, vào bất cứ nền văn hóa nào cũng dễ hòa nhập, nền văn hóa nào cũng giải thích theo màu sắc của mình được. Tôi học trung học ở một trường Dòng Tên (Jesuite) khắt khe, nên khi gặp đạo Phật khoan dung, thương cảm, tôi rất hợp. Đạo Phật không có kiểu Kinh như các đạo khác, đưa ra những nguyên tắc và lời dạy cứng nhắc, mà chỉ là những gợi ý. Tôi không phải là một tín đồ cuồng tin, chỉ lẳng lặng áp dụng đạo Phật vào cuộc sống hàng ngày và thấy thoải mái.