Từ thưở sơ khai của nhân loại, các hình tín ngưỡng rồi tôn giáo xuất hiện trong đời sống, thành giá trị tinh thần có tính thiêng liêng. Khắp các châu lục, ở đâu có sự sống ở đấy có tín ngưỡng và tôn giáo. Trong dân số thế giới, có một tỉ lệ vô thần với các hình thức khác nhau, song số cư dân có tín ngưỡng và tôn giáo chiếm số đông.
Tín ngưỡng là gì?
Nói nôm na, đấy là có sự tin vào cái gì đấy và sùng bái thường lệ cúng bái, phụng thờ.
Khi viết “ cái gì đấy” có vẻ mạo phạm, song hàm ý muốn chỉ đối tượng tín ngưỡng rộng lớn trong dân gian, từ một hòn đá, cái cây đến anh hùng lịch sử hay một huyền thoại. Tín ngưỡng dân gian VN vô cùng phong phú, là một nét văn hoá đặc sắc của dân tộc, một nét tâm linh huyền ảo, một chỗ dựa tinh thần suốt hành trình lịch sử.
Đối tượng tín ngưỡng, như đã viết, rộng lớn: ở Nam Bộ phổ biến miểu thờ Ông Tà, một hòn đá. Có chỗ thờ “ Thần Ranh” tức trụ đá phân giới ranh đất lâu năm thành thiêng.... Đấy được xếp tín ngưỡng dân gian theo sự quản lý của nhà nước. Hình thức và nội dung tín ngưỡng ấy giản đơn, nghi thức lễ bái cũng thế, cứ như bái vật giáo thời cổ.
Thờ danh nhân, anh hùng cũng thuộc tín ngưỡng dân gian. Bắc Bộ trang trọng và lâu đời tôn thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo Đại Vương hiển hách, lễ hội Đền Trần ăn sâu vào văn hoá, tâm linh đồng bào. Phụng thờ lễ bái Hưng Đạo Đại Vương làm sóng động hồn thiêng sông núi, oai linh hào khí dân tộc, giáo huấn lịch sử cho muôn đời.
Ở Nam Bộ các địa phương phụng thờ Anh hùng Nguyễn Trung Trực chống Pháp, Tướng Nguyễn Tri Phương, Thoại Ngọc Hầu.... Sài Gòn có lăng thờ Lê Văn Duyệt, ở Trà Ôn – Vĩnh Long có Lăng và Phủ thờ Thống chế điều bát Nguyễn Văn Tồn....
Lăng Cá Ông, Lăng Ông Nam Hải thờ một loài cá lớn linh thiêng được gìn giữ duy trì ở các vùng duyên hải Miền Nam, có thường lệ tổ chức Lễ hội nghinh Ông long trọng trên biển hàng năm như ở các cửa biển Gành Hào, Sông Đốc, Cần Giờ..
Cộng đông gốc Hoa ở Nam Bộ VN có tục thờ Bà Thiên Hậu, Ông Bổn, Quan Công....trong các miếu, có khi được gọi là chùa, lễ bái phụng cúng theo lệ long trọng, cũng thuộc tín ngưỡng dân gian.
Vậy, tôn giáo là gì?
Tôn giáo, theo cách hiểu của nhà đương cục VN, của Ban TG Chính phủ thể hiện tại các tài liệu chính thức: đấy là hoạt động tâm linh có tổ chức của tu sĩ và tín đồ được nhà nước công nhận, có hệ thống tổ chức, lịch sử, giáo lý và nghi thức, đào tạo bổ nhiệm nhân sự, có ảnh hưởng rộng lớn trong quần chúng....
Như vậy, về đặc điểm, không đơn thuần thờ cúng lễ bái như tín ngưỡng, tôn giáo phức tạp hơn nhiều về mọi phương diện.
Ở VN, có thể kể đến các tôn giáo nào?
VN có hầu hết các tôn giáo chính trên thế giới, và nhiều tổ chức tôn giáo nội sinh hấp thu bên ngoài trên căn bản phông nền văn hoá tâm linh VN.
Phật giáo là tôn giáo lâu đời nhất ở VN, du nhập từ Ấn hay qua ngả phía Bắc. Phật giáo VN có bề dày lịch sử, phật tử đông đảo, đóng góp lớn cho xã hội. Phật giáo VN còn có thể thấy ở các tổ chức Phật giáo nội sinh ngoài tổ chức Giáo hội, có Giáo hội riêng, ra đời trong giai đoạn hiện đại chưa lâu: Tịnh Độ Cư sĩ Phật hội VN, Đạo Hoà Hảo...
Công giáo, và Tin Lành có chỗ đứng quan trọng về cơ cấu tổ chức hoàn bị, số tín đồ, ảnh hưởng xã hội. Cho dù không thể so sánh về bề dày thời gian có mặt ở VN như Phật giáo, song Công giáo & Tin lành đã có nhà thờ phủ khắp đất nước từ Bắc chí Nam, vùng núi...
Các tôn giáo sinh hoạt trong hệ thống tổ chức hoàn bị, đào tạo tu sĩ, thuyết giảng cho tín đồ cách bài bản qui cũ, cũng như tiến hành các hoạt động xã hội....
Quản lý nhà nước với tôn giáo, tín ngưỡng, ở VN:
Chính Phủ có cơ quan chuyên về tín ngưỡng, tôn giáo thuộc Bộ nội vụ. Bộ này có các vụ: Phật giáo, Cao Đài, Công giáo, Tin lành.... Và, bộ phận về tín ngưỡng dân gian. Vụ tôn giáo có ở Ban dân vận TW, TW MTTQ VN. Bộ Công An có Cục an ninh xã hội chuyên về tôn giáo. Cơ cấu quản lý này thống nhất từ cấp TW đến tỉnh thành quận huyện.
Sự khác biệt giữa chùa và miếu:
Ở Miền Tây có nhiều Miếu được gọi là Chùa và cơ sở có khi còn hoành tráng hơn một ngôi chùa cỡ trung bình về hạ tầng. Chùa Bà Thiên Hậu, Chùa Ông Bổn...chẳng hạn, hay Chùa Bà ở Núi Sam Châu Đốc. Không chỉ gọi trong dân gian, nhiều Chùa Ông Bổn còn giữ và dùng con dấu từ thời VNCH khắc rõ chữ “ CHÙA”. Có không ít ngộ nhận phiền não chuyện chùa hay miếu.
Dù gọi như thế nào và có dấu chi, miếu vẫn là..miếu, khác hẳn chùa. Miếu thờ Thần, đến lệ thực hiện nghi thức cúng bái trong lễ nhạc, hết. Không có hệ thống tổ chức, không giáo lý, không tu sĩ, thuần túy tín ngưỡng thần linh.
Chính pháp Đạo Phật coi các tín ngưỡng phụng thờ các cõi chưa giác ngộ, còn mê, có nhiều biểu hiện, quan niệm mê tín. Tín ngưỡng có khoảng cách xa với tôn giáo, có Phật giáo không được nhầm lẫn.
Nhiều đền miếu duy trì hoạt động mê tín như xin xăn bói quẻ. Nhiều nơi lập ban thờ Phật ở chính điện cạnh các thần linh, cúng mặn vô tư, có khi bày tiệc nhậu ngay trước tượng Phật hoặc đem heo trắng đầm đìa máu vào “ chùa” nhìn rất hãi. Dưới góc nhìn Phật pháp, chuyện này nghiêm trọng.
Như vậy rõ ràng tín ngưỡng khác tôn giáo.
Nguyễn Thành Công