Niết-bàn (涅槃; P: Nibbāna; S: Nirvāṇa) được xem là nội tâm giác ngộ - giải thoát của bậc Thánh đã dập tắt được mọi phiền não do Tham, Sân, Si. Trong đó Tham, Sân chính là Ái dục và Si chính là Vô minh bởi Chấp thường-Chấp ngã mà ra. Tham, Sân, Si là những tâm dính mắc do chính con người tự trói, là đầu mối khiến con người cứ mãi bị động trong sinh tử luân hồi.
Niết-bàn thuộc nôi tâm (Vô hình) với ý nghĩa là hạnh phúc đích thực, nhưng tùy theo ngoại cảnh (hữu hình) mà về sau trong Phật giáo có sự phân tích về Niết-bàn như sau:
1) Niết-bàn theo Phật giáo Nam truyền:
Niết-bàn được mô tả dưới 2 dạng như sau:
1/. Hữu dư y Niết-bàn (有余依涅槃; P: Saupādisesa-nibbāna; S: Sopadhiśeṣa-nirvāṇa): Đó là Niết-bàn nơi một hành giả hãy còn những ảnh hưởng hoạt động của Ngũ uẩn chi phối.
2/. Vô dư y Niết-bàn (無余依涅槃; P: Anupādisesa-nibbāna; S: Anupadhiśeṣa-nirvāṇa): Đó là Niết-bàn trọn vẹn khi hành giả đã tan rã Ngũ uẩn, không còn bị Ngũ uẩn chi phối, tức hãy còn Thân-Tâm hoạt động như mọi chúng sinh khác.
Trong kinh Tương Ưng Bộ IV, trang 404 nêu rõ: “Đoạn tận Tham, đoạn tận Sân, đoạn tận Si, đây gọi là Niết-bàn”.
3) Niết-bàn theo Phật giáo Bắc truyền:
Niết-bàn được mô tả dưới 2 dạng như sau:
1/. Vô trụ xứ Niết-bàn (無住處涅槃; S: Apratiṣṭhita-nirvāṇa): Đó là Niết-bàn khi hành giả đã tri kiến thuần thục Phật tính (= Duyên khởi tính, Không tính, Vô ngã tính + Vô thường tính), nhưng chưa an trụ nơi chính mình, do hãy còn hạnh nguyện độ sinh.
2/. Trụ xứ Niết-bàn (住處涅槃; S: Pratiṣṭhita-nirvāṇa): Đó là Niết-bàn khi hành giả đã tri kiến thuần thục Phật tính và hoàn toàn an trụ nơi chính mình. Trụ xứ Niết-bàn còn gọi là Tánh tịnh Niết-bàn (性淨涅槃 thể tính thanh tịnh nơi Niết-bàn).
Trong kinh Tạp A Hàm có chép:
“Niết-bàn có nghĩa là dập tắt hoàn toàn ngọn lửa phiền não, là đoạn trừ Nghiệp gây ra từ ba bất thiện là Tham, Sân và Si.”