Gặp cận vệ của Lưu Yểm
Sau cuộc gặp gỡ với ông Tư Sên (81 tuổi, tên thật là Huỳnh Văn Sên), một người dân sống lâu năm ở gần Dốc 47, chúng tôi tiếp tục liên hệ với các cán bộ TP.Biên Hòa để xin lại hồ sơ. Tại đây, một cán bộ văn thư cho biết, hiện tại thành phố không có lưu những hồ sơ từ trước năm 1975.
Tuy nhiên, theo vị cán bộ này được biết, khoảng trước thời điểm giải phóng, người tỉnh trưởng cuối cùng của Biên Hòa tên là Lưu Yểm.
Theo nguồn tin của PV, ông Sáu Chinh (86 tuổi, tên thường thật là Quang Thanh) ngụ tại TP.Biên Hòa chính là người cận vệ cuối cùng của Tỉnh trưởng Lưu Yểm nay vẫn còn sống.
Ông Chinh cho rằng Lưu Yểm không phải là người xây dựng tượng phật ở Dốc 47. Theo ông, Lưu Yểm vốn là người Việt gốc Hoa, quê ở tỉnh Bạc Liêu. Trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975), ông này sống ở vùng Chợ Lớn của Sài Gòn xưa.
Từ đầu năm 1974, Lưu Yểm bị điều từ Phước Long (Sông Bé cũ) về làm Tỉnh trưởng Biên Hòa. Ngày 30/4/1975, Lưu Yểm đã dẫn cả gia đình lên máy bay quân sự trốn khỏi Biên Hòa và sang định cư bên Mỹ. Như vậy, có thể khẳng định Lưu Yểm không phải chủ nhân của công trình này.
Ông Chinh cho biết: “Thời gian tôi làm cận vệ cho ông Yểm tại Biên Hòa thì công trình này đã được xây. Khi ấy có người tên Trần Ngọc Thới, là người xây công trình này có đề xuất với ông Yểm xin nguồn vốn tài trợ. Do mới làm tỉnh trưởng, lại muốn được lòng dân nên ông Yểm có lấy ngân sách hỗ trợ cho công trình này”.
“Tuy nhiên, khi công trình chưa kịp hoàn thành thì miền Nam giải phóng, ông Yểm bỏ đi nước ngoài còn ông Thới thì không ai biết rõ tung tích. Từ khi ấy cho đến bây giờ mọi manh mối về ông Thới tôi không được biết nữa. Có thể do người ta chỉ nhớ tới ông Yểm từng hỗ trợ cho công trình nên dần dần theo thời gian người ta mặc định ông Yểm là người xây công trình”, ông Chinh cho biết thêm.
Hậu duệ của người xây tượng ở đâu?
Trong lúc đang có phần bế tắc trong cuộc tìm hiểu, chúng tôi bất ngờ nhận được tin, có một người ở thị trấn Long Thành (Đồng Nai) muốn cung cấp thông tin cho báo chí về người xây tượng Phật. Không chần chừ, từ Biên Hòa chúng tôi tức tốc di chuyển xuống thị trấn Long Thành.
Tại đây, chúng tôi gặp được ông Bùi Văn Đạt (ngụ tổ 19, khu Cầu Xéo, thị trấn Long Thành), người hứa cung cấp thông tin chi tiết về việc xây dựng tượng Phật. Qua trò chuyện ban đầu, chúng tôi biết được ông Đạt chính là cháu của người xây dựng bức tượng.
Ông Đạt kể: “Người xây dựng bức tượng Phật trên chính là ông Trần Ngọc Thới. Thời điểm ấy, ông Thới đang giữ chức vụ Phó trưởng Nội An của Biên Hòa xưa. Ông Thới cũng là dượng của tôi nên tôi biết rõ ông ấy chính là người xây tượng phật trên Dốc 47”.
“Dượng tôi kể, ông ấy có phối hợp với một người tên Đỗ Minh Sinh, ông này là một tu sĩ tại gia. Công trình được xây dựng từ cuối năm 1973, dượng tôi phụ trách phần vật tư xây dựng và kiến trúc nền móng. Còn ông Sinh thì chịu trách nhiệm phần thiết kế. Xây dựng đến đầu năm 1975, miền Nam giải phóng, ông Thới bị bắt đi cải tạo hết 13 năm. Công trình không còn người chỉ đạo thực hiện nên dang dở tới bây giờ”- ông Đạt cho biết thêm.
Chia sẻ với chúng tôi về cuộc sống của ông Thới sau ngày giải phóng, ông Đạt kể: “Sau khi đi cải tạo về, tôi có cùng với gia đình đưa ông ấy lên thăm công trình. Rồi sau đó, ông chuyển sang định cư bên Mỹ. Riêng vợ và con gái thứ năm hiện tại vẫn còn đang sống ở Đồng Nai. Nhà nó cách nhà tôi cũng chỉ vài cây số thôi”.
Còn hai câu hỏi: “Tại sao ông Thới lại chọn Dốc 47 làm địa điểm xây dựng?”; “Tại sao tượng có thiết kế kỳ lạ như vậy?” thì ông Đạt không thể trả lời được. Ông Đạt cho rằng, câu hỏi trên chỉ có lời đáp khi chúng tôi gặp được bà Trần Mai Lan, người con gái thứ năm của ông Thới.
Như đã hứa, kết thúc buổi nói chuyện, ông Đạt đã hướng dẫn cho chúng tôi đường đến nhà của bà Lan ở đường Lý Thái Tổ, thị trấn Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai). Đến đây, thì những bí ẩn về bức tượng trên Dốc 47 mới bắt đầu được gia đình của chính tác giả tiết lộ.
Dốc 47 là nơi từng ghi dấu sự kiện lịch sử Trong cuốn “Lịch sử Đảng bộ huyện Long Thành 1930-1975” (Thạc sĩ Trần Quang Toại, Thạc sĩ Phan Đình Dũng biên soạn năm 2008) có ghi lại sự kiện vào ngày 28/10/1945, một đoàn xe của quân Anh, Pháp từ Biên Hòa xuống Vũng Tàu, tới Dốc 47 thì bị dân quân Tam Phước, Phước Tân kết hợp với phân đội bộ đội chủ lực của ta chặn đánh. Trận chiến đấu kéo dài từ sáng đến trưa. Địch bị bắn cháy 1 xe, chết vài tên. Địch phải bỏ dở cuộc hành quân rút về Biên Hòa. Trong trận đánh không cân sức này, một dân quân Tam Phước tên Nguyễn Văn Tranh đã anh dũng hy sinh. Đó là người chiến sĩ huyện Long Thành đầu tiên ngã xuống trong cuộc kháng chiến chống Pháp trên mảnh đất quê hương. |
(Còn tiếp)