Thành ngữ Việt phong phú, đặc sắc, độc đáo...phản ánh văn hoá vùng miền, phông ngôn ngữ dân gian, đời sống tinh thần ở thôn làng từ bao đời. Nói đến văn hoá không thể không đề cập thành ngữ, và càng đi sâu càng khám phá nhiều thú vị trong từng con chữ mộc mạc, cùng ý nghĩa không kém phần thâm thúy.
“Ăn mắm hút dòi” – thành ngữ phát sinh từ Nam Bộ. Vỏ ngôn ngữ tiết lộ xuất xứ: từ “dòi”, “hút” thuộc ngôn ngữ sinh hoạt trong dân gian, đời thường, sử dụng ở Nam Bộ, ngôn ngữ địa phương- vùng. Dòi: côn trùng sinh ra từ phân hủy xác cá trong môi trường ẩm; hút: động tác dùng miệng mút thức ăn. “Ăn mắm hút dòi” chỉ hoàn cảnh khốn khó thiếu thốn thức ăn đến nỗi ăn mắm tệ, loại có dòi lẽ ra không ăn, lại ăn mà mút (hút) cả dòi bám theo con mắm!
Từ lâu bà con mình sở đắc phương pháp chế biến các loại cá thành mắm qua qui trình ủ cá trong hỗn hợp muối cùng gia vị nhiều ngày trong dụng cụ kín. Nhiều loại cá có thể làm mắm, và không chỉ Nam Bộ mới có cách chế biến này song do vùng có nhiều cá, mắm Nam Bộ có tiếng: mắm cá rô, cá lóc, cá sặc... Bún nước lèo, tức bún mắm, đặc sản lâu đời của đồng bào Khmer, có nguyên liệu chính bên cạnh bún gạo là mắm, hoặc cá lóc- cá sặc- cá rô... Mắm nấu riêng cho bã ra, lọc xương cá, nêm nếm, trụn bún gạo vào cùng rau sống, ớt....
Mắm cũng ăn sống: xé xác cá, ướp gia vị, ăn cùng chuối chát hay khế xắt mỏng, ngon tuyệt.
Mắm thành phẩm, đem ra ăn ở nhà hay bán, không có dòi. Cảnh dòi trắng hếu bò lúc nhúc trên con mắm rất hãi, ăn món ấy cực chẳng đã, hoàn cảnh khốn quẫn lắm, không có lựa chọn khác, hay không có tiền.
Nội dung thành ngữ là vậy.
Nội dung ấy diễn đạt gọn trong mấy chữ có vần điệu, tạo nên thành ngữ dễ nhớ, hình tượng hoá cảnh nghèo khó bức bách có gì ăn nấy, ăn để sống, sinh tồn, không màn ngon dỡ, vệ sinh hay không vệ sinh.... Ăn mắm, một đặc sản, ngon miệng và món mắm bây giờ không hề rẻ tiền, vào nhà hàng trong menu sang; nhưng ăn mắm hút dòi lại khác, cảnh túng cùng.
Người viết sinh ra lớn lên ở Miền Tây, cũng gia cảnh nghèo, biết chuyện làm mắm và từng “ ăn mắm hút dòi” nên thấm thía thành ngữ quê nhà.
Hoàn cảnh đại dịch nhiều nhà rơi vào cảnh khó, có lẽ những gia đình vốn khá cầm cự lâu với dịch cũng phải trãi nghiệm “ ăn mắm hú dòi”.
Thực ra, nội dung vậy, có tính đại diện, khi dụng thành ngữ cũng không nhất thiết ăn mắm, chỉ cái khó chung. Ví dụ: tôi đang “ ăn nắm hút dòi” không nhất thiết người đó đang ăn mắm theo nghĩa đen, ý nói cảnh khó.
Thành ngữ, bên cạnh vọng cổ, dân ca của Nam Bộ hay ho vậy, không kém phần sâu sắc thâm thúy chuyển tải bởi vỏ bọc ngôn ngữ mộc mạc dung dị, như con người nơi đây.
Covid- 19, đúng cảnh “ ăn mắm hút dòi” cảm thán viết ra...
Mong sao cảnh khổ qua đi, no ấm trở lại....
Nguyễn Thành Công