Truyện cổ tích Việt - Nam phong phú, đặc sắc, nhiều về số lượng, hay về nội dung, là bộ phận nổi bật trong kho tàng văn học dân gian Viêt -Nam. Người Việt, bất luận ai, từ ấu thơ đã biết đến một vài truyện cổ tích, thuộc nằm lòng, ghi sâu vài nhân vật...
Ở “ Tấm Cám”, cái ác của mẹ con Cám với Tấm kịch tính, độc địa, lặp đi lặp lại cay nghiệt, đầy thủ đoạn tàn nhẫn: đày ải Tấm chăn trâu, phải chăn đồng xa, “ chăn đồng gần làng bắt mất trâu”. Xa, để có đủ điều kiện bắt cá bống của Tấm trong hồ.
Khi hoàng tử về làng, mẹ ghẻ nanh nọc bắt Tấm làm việc khổ sai, chặn khả năng Tấm đi gặp hoàng tử. Dì ghẻ trộn đậu buộc Tấm phải nhặt, cái ác tâm đến vô cùng.
Hành động ác leo thang, để tráo Cám vào cung, chặt cây giết Tấm!
Truyện gói chặt đời sống nghiệt ngã với một số phận, một cô gái, từ thuở rất xa xăm. Có Bụt xuất hiện, có quy luật nhân quả hiển bày, mẹ con Cám trả giá nhãn tiền. Toàn bộ truyện không có gì ra ngoài môt thời pháp phật giáo về thiện, ác, nhân quả. Đọc, nghe, căm giận mụ dì ghẻ và cô em độc ác, thương cảm Tấm ngoan hiền nhân hậu, yêu kính Bụt linh ứng xuất hiện đúng lúc. Ở xứ mình, có lẽ không ai không biết cổ tích này.
“ Truyện Thạch Sanh” nổi tiếng không kém, dù khác, nhưng vẫn mô típ thiện ác, nhân quả. Lý Thông hãm hại Thạch Sanh hơn những gì mẹ con Cám đối với Tấm: đẩy Thạch Sanh vào cửa tử, khi chằn tinh bị giết lại giành công; giành tiếp công cứu công chúa, lấp miệng hang nhốt Thạch Sanh bên dưới... Vẫn kết thúc theo lối quen thuộc, Lý Thông trả quả.
Hai truyện điển hình về nội dung răn dạy đạo đức, mô tả thiện ác, giáo dục về nhân quả, giàu tính Phật pháp.
Dù biến dịch thời gian, giá trị giáo dục, mô tả xã hội của hai cổ tích vẫn cập nhật, sống động. Cái ác luôn tồn tại cùng cái thiện, và quy luật nhân quả luôn có mặt để điều chỉnh.
Khi đọc báo về sự tàn bạo của nhà chủ với cậu bé Hào Anh ở Cà Mau, nhìn những vết thâm tím trên thân thể em, nhận ra cái ác thời hiện đại “ phát triển” hơn cổ tích, xã hội ngày nay vẫn khắc nghiệt tàn nhẫn với bao số phận. Cứ như trên sân khấu, vợ chồng Giang Thơm ra toà trả quả vẫn nanh nọc tàn ác. Hào Anh được cộng đồng giúp đỡ, nhưng khuất tất lại xảy ra với tiền bạc dành cho em, từ bà Nhãn- lãnh đạo sở lao động thương binh xã hội. Rồi em Hào Anh ra cuộc đời, lại bao nhiêu chuyện đau lòng. Chuyện về Hào Anh cho thấy xã hội hiện đại vẫn nhẫn tâm, phức tạp, gần gụi với các cổ tích về thiện ác, nhân quả. Thực tế, những vụ án như với Hào Anh không hề ít, có thể gọi đó là cổ tích hiện đại “ Hào Anh và Giang Thơm”.
Ở đâu, lúc nào cũng vậy, xã hội, trong mỗi con người có thiện có ác, đời sống có nhân quả phân minh. Cổ tích từ cuộc sống mà ra, không hề xa vời. Cổ tích giáo dục đạo đức, thức tỉnh, răn đe... Khi đọc, xem, nghe cổ tích, ta căm giận xót thương, vỡ oà cảm xúc với cái kết, tự vấn “ sao có thể như thế?”, sống cùng nhân vật, ghi sâu cốt truyện vào lòng, kể cho con cháu nghe... Đấy chính sức mạnh của cổ tích.
Kho tàng văn học dân gian Việt -Nam, có cổ tích, mang nhiều giá trị lại gần gũi tinh thần phật giáo. Ở Việt -Nam, có thể tìm ra, nhận chân phật pháp từ văn hoá, ngôn ngữ, văn học nghệ thuật, trong đó, đương nhiên có cổ tích. Đạo hoà quyện trong đời sống tinh thần nhân gian, không khu biệt trong kinh kệ, chùa chiền hay sinh hoạt của đạo tràng.
Đọc, nghe và suy ngẫm...
Nguyễn Thành Công