Chúng ta luôn tưởng rằng não bộ về cơ bản sẽ ngừng thay đổi sau khi trưởng thành. Tuy nhiên, bạn có biết rằng thiền còn có thể thay đổi cấu trúc não bộ 1 cách mạnh mẽ và tích cực?
Hầu như mọi cấu trúc của cơ thể đều có những biến đổi khi được sử dụng thường xuyên. Ví dụ, khi chúng ta tập luyện cơ bắp, các bắp thịt của chúng ta có sự biến đổi, lớn hơn và mạnh mẽ hơn. Và điều đó cũng đúng đối với não bộ. Bất cứ khi nào bạn tham gia vào 1 hành vi lặp đi lặp lại, não bộ của bạn đều có thể thay đổi. Chẳng hạn, khi tập luyện việc tung hứng, phần liên quan tới việc theo dõi các đối tượng trong không gian trong não bộ trở nên phát triển hơn.
Thiền định cũng là 1 phương pháp giúp biến đổi não bộ 1 cách tích cực. Từ lâu, thiền đã được thực hành tại nhiều nơi trên thế giới. Nhiều nghiên cứu gần đây chỉ rõ tác dụng của thiền lên sự phát triển của não bộ. Cụ thể, thiền hay các phương pháp luyện tập tâm trí khác giúp con người có thể điều khiển cảm xúc, giảm suy nghĩ tiêu cực và phát triển sự tích cực trong tuy duy.
Thiền ảnh hưởng tới sức khỏe tâm lý bằng cách giúp ta giảm căng thẳng, trầm cảm, lo lắng, huyết áp, vượt qua cơn nghiện, tăng cường hệ miễn dịch và cải thiện trí nhớ. Những chứng rối loạn tâm lý cũng có thể được chữa lành bằng thiền định. Khi nâng cao nhận thức của mình bằng chánh niệm, bạn có thể biến đổi não bộ của mình, tạo ra những mạch mới hoặc thay đổi cách thức các tế bào thần kinh giao tiếp với nhau.
Thiền định dù chỉ trong 1 thời gian ngắn cũng có thể đem lại những lợi ích lâu dài cho sức khỏe.
Sara Lazar, nhà nghiên cứu thần kinh học thuộc Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, người tiên phong trong các nghiên cứu về ảnh hưởng của thiền định với não bộ đã chỉ ra một chương trình thiền chánh niệm trong 8 tuần có thể dẫn đến thay đổi cấu trúc não, bao gồm gia tăng mật độ chất xám trong vùng hồi hải mã (hippocampus) – 1 cấu trúc nằm bên trong thuỳ thái dương của não bộ, rất quan trọng cho việc học tập và trí nhớ, và trong các cấu trúc liên quan tới sự tự nhận thức, lòng từ bi và sự tự xem xét nội tâm. Mật độ chất xám trong hạch hạnh nhân của những người tham gia nghiên cứu cũng giảm bớt, mà các nhà khoa học từng phát hiện hạch hạt nhân chính là nhân tố gây ra sự lo lắng và căng thẳng.
Một nghiên cứu năm 2005 trên những người Mỹ thực hành thiền định 40 phút mỗi ngày, bao gồm cả đàn ông và phụ nữ cho thấy họ có thành vỏ não dày hơn những người không thực hành thiền định. Điều này cũng có nghĩa, não của những người này có tốc độ lão hóa chậm hơn. Thành vỏ não dày cũng có liên quan tới khả năng ra quyết định, sự tập trung và trí nhớ.
Một nghiên cứu năm 2010 cho thấy những người hành thiền thường xuyên có vỏ não ở những vùng xử lý “nỗi đau” dày hơn so với những người không thiền. Như vậy, những người thiền đã tập được cách xem nhẹ sự “đau đớn”, vì vậy không tiếp nhận nhiều “đau đớn”, bớt khổ đau.
Các nhà khoa học nghiên cứu thiền chánh niệm của Trung Quốc hay phương pháp tích hợp thân-tâm(IBMT) xác nhận rằng sau khi thực hành phương pháp này 11 giờ, tâm trạng hành giả được cải thiện và kết nối tín hiệu não cũng gia tăng. Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy sự mở rộng của myelin, mô mỡ bảo vệ xung quanh dây thần kinh trong vùng hồi đai phía trước của não. Được biết, các thiếu hụt trong quá trình kích hoạt khu vực này liên quan tới các chứng rối loạn thiếu tập trung, mất trí nhớ, trầm cảm, tâm thần phân liệt và các rối loạn khác.
Như vậy, thiền định quả thực mang lại những hiệu ứng tích cực. Không thể ngờ rằng, "tự nhận thức" có thể mang lại những thay đổi như vậy trong cấu trúc não, giúp não mềm dẻo, linh hoạt hơn.
Chúng ta hoàn toàn có thể quyết định số phận của mình trong lòng bàn tay, chúng ta hoàn toàn có khả năng và quyền năng để kiểm soát vận mệnh của mình. Cách thức thực hiện rất đơn giản, chỉ cần thiền định 30 phút mỗi ngày!
Lam Lan
(Bài viết có tham khảo tư liệu từ Fractal enlightenment, Viet Psychology và Tạp chí Văn hóa Phật giáo)