Người xưa rất hay, nói hơi bị thừa...- “tiên trách kỷ hệu trách nhân”, đừng vội vàng chụp mũ người, hãy soi lại bản thân mình, nói kiểu bây giờ: không được chủ quan. Nhân sinh thường gặp nhau ở chỗ: nhìn người thì rõ, nhìn mình thì...không rõ, thấy lỗi người thì dễ, lỗi ta thì…Đặc điểm này phổ biến lắm. Tâm ta tâm người có sự sai biệt là chuyện thường tình.
Tôi “mê” nữ Nhà văn nọ từ lúc cô chập chững bước chân lên văn đàn với những tác phẩm nhỏ đầu tay. Dõi theo ngòi bút nữ nhân tài hoa ấy, đến khi cô viết được chừng ..vài chục đầu sách, thì gặp.
Trong một dịp tình cờ, bắt tay người nữ thâm trầm, trẻ tuổi, có đôi mắt tinh anh, tôi ngỡ ngàng biết đấy là thần tượng của mình, nữ văn sĩ X. Vài câu nói xã giao. Lần thứ hai gặp trong một dịp, cũng tình cờ, nhận ra nhau, tôi chủ động chào và được “thưởng” một nụ cười biết nói. Và, với riêng tôi, như thế đã là...trực quan sinh động lắm rồi, sau khi đã đọc không sót đầu sách nào của cô văn sĩ ấy, thêm cả những sáng tác mới chỉ được giới thiệu trên báo. Văn chương, tâm hồn, nhân dáng nữ nhân tài hoa ấy, với tôi, rất hài hòa, mười phân ít ra vẹn…chín. Nếu cô ấy lập một câu lạc bộ những người hâm mộ ắt tên tôi ở hàng đầu vì sự ngưỡng mộ. Nhưng đấy chỉ là tâm tôi thôi.
Gáo nước lạnh đầu tiên tôi nhận được khi giao lưu văn nghệ tại một tòa soạn lớn, anh bạn biên tập là con mọt sách thứ thiệt đã không hề tế nhị (mà chắc chi anh biết tôi là fan của cô văn sĩ nọ?), nói thẳng: Bà đó viết không hay! Tôi bị sốc nặng, nín thinh. Bắt đầu có những suy nghĩ “tại sao” … Chú gần nhà, học ít song mê văn, mượn sách của tôi (tác phẩm của cô văn sĩ nọ) đọc miết, rồi buông một câu còn đau hơn: tao thấy cũng thường thôi! Chẳng thà chú đánh tôi còn dễ chịu hơn. Chưa hết đâu, lần nọ đi mua thuốc tây ở hiệu dược quen, cô dược sĩ trẻ măng mang kính trắng, đang lúc rảnh rỗi, bắt chuyện văn chương với tôi, và khi nghe tôi nhắc đến thần tượng, nữ văn sĩ X, cô gái xinh đẹp ấy đã đánh đòn đau điếng: nhà văn X là ai? Trời ạ, sao lại thế?
Bây giờ tôi ngộ rồi: cuộc sống là tập hợp những cá thể rất khác nhau, sự sai biệt tư tưởng là được nhiên, không có gì lạ. chẳng riêng gì chuyện văn chương, món rất chi trừu tượng, sự khác biệt thấy ở mọi nơi mọi lúc với đủ các đối tượng: chính trị, văn hóa, thể thao, ẩm thực… Người ta tranh luận, cãi vã, bất đồng...xoay quanh nhận thức về một đối bóng, một khuynh hướng, một giọng ca…
Có những cuộc tranh luận bất phân thắng bại vì chẳng ai chịu ai, song cũng có những khác biệt dung hòa giải quyết được do người trong cuộc nhận ra khác biệt là bình thường, và đấy rất hay, theo tôi, chính vũ trụ cũng tồn tại hài hòa trong sự khác biệt cơ mà?
Điều gì sẽ xảy ra khi tất cả độc giả đều chỉ thích đúng một nhà văn duy nhất, hay một giọng ca? Các quán ăn phục vụ độc vị mỗi một món? Chán lắm… Vũ trụ mênh mông bao la với các hành tinh chuyển động với quỹ đạo khác nhau, cấu tạo hành tình cũng khác, và các vệ tinh quay quanh cũng chẳng giống nhau.
Những sự khác biệt ấy tồn tại trong trật tự hài hòa, chân phương, tuyệt mỹ, và nhờ đấy sự sống trên trái đất có nắng ấm, tuyết rơi, bốn mùa xuân hạ thu đông nhịp nhàng.
Trật tự ấy là hoàn mãn đến mức không ai ngốc đến mức đồ bỏ bớt chi tiết này hay chi tiết khác, cũng như bộ máy chiếc đồng hồ tự động, xê dịch một tí sự đo thời gian bị hỏng ngay. Tập hợp các khác biệt hợp thành sự hoàn mỹ.
Tâm ta khác tâm người do căn cơ và sự huân tập khác nhau, lòng từ, bi, hỉ, xả.. sẽ dung hợp được sự khác biệt thay vì sân si từng câu nói, từng ánh mắt.
Sự thấy biết khác nhau là thường tình do duyên nghiệp và phước báu riêng. Đức Phật giác ngộ mỹ mãn mới thấu suốt lẽ thật, chúng ta phàm phu nhìn nhận sự vật hiện tượng tương đối là chuyện có gì phải bàn? Như mặt nước phản chiếu mây bay, trong thêm một chút, mây càng rõ, cố lắng lọc tâm ta cho thấu suốt sự thu cảm sẽ trong sáng hơn, ngày hôm nay thấy tốt hơn hôm qua, ngày mai lại tốt hơn nữa, rồi có ngày sẽ có diễm phúc thấy được lẽ thật, sự thật rốt ráo.
Tôi có duyên nghiệp gì đấy với nhà văn nọ, và rất nhiều người cũng đồng nghiệp như tôi, tìm thấy ở con chữ của cô cái hay cái đẹp, nói thay hồn mình.
Nhưng cũng phải thừa nhận cuộc sống mênh mông, nếu có người không chung nghiệp với ta, thấy con chữ nhà văn ấy lấn cấn chỗ nào đó, không mê, cũng nên cho là thường, đành rằng cũng lao xao buồn, việc gì phải một sống một chết “bảo vệ” nhà văn ấy, thực ra, dưới góc nhìn của đức Phật, - đấy là bảo vệ cái tâm ích kỷ của ta mà thôi, thỏa mãn tâm lý “cái gì mình cũng đúng”.
Rồi đến khi ngộ ra, biết rằng chính tâm ta cũng giả nốt, có đâu mà chấp.
Vậy thôi.